Đến nay, Việt Nam là nước thực hiện nhiều ca thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhất khu vực, riêng năm 2012 lên tới khoảng 10.000 ca. Tuy nhiên, hiểu biết về hiếm muộn, đặc biệt là những vấn đề sinh sản ở nam giới của người dân khá hạn hẹp, dẫn đến can thiệp muộn, khiến giảm cơ hội thành công trong điều trị vô sinh.
Vô sinh là không có thai sau một năm cố gắng
Trong Hội nghị Hỗ trợ sinh sản và mô phôi toàn quốc do Trung tâm Công nghệ phôi - Học viện Quân y tổ chức ngày 20/4 tại Hà Nội, GS Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Chủ tịch Hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TP.HCM) cho biết: “Năm 1997, Việt Nam mới thực hiện ca IVF đầu tiên, khi đó kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (HTSS) của chúng ta còn đi sau thế giới 15-20 năm, nhưng hiện nay Việt Nam đã là một trong những quốc gia đi đầu khu vực về khả năng thực hiện kỹ thuật IVF. Việt Nam đang trở thành trung tâm đào tạo, chuyển giao công nghệ IVF của khu vực Đông Nam Á. Không những thế, giá thành điều trị vô sinh ở Việt Nam rẻ hơn 40% so với các nước trong khu vực”.
Tuy đạt nhiều thành tựu, nhưng HTSS ở Việt Nam phải đối diện với nhiều khó khăn. PGS-TS Nguyễn Viết Tiến (Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc BV Phụ sản T.Ư) cho biết: “Rất nhiều cặp vợ chồng Việt Nam trong tình trạng vô sinh mà... vẫn lạc quan và không tìm kiếm việc điều trị nhằm cải thiện cơ hội có thai. Thậm chí gần 50% phụ nữ nghi ngờ kết quả chẩn đoán về tình trạng vô sinh của họ. Một cặp vợ chồng được xem là vô sinh nếu họ không có thai sau một năm cố gắng bằng biện pháp tự nhiên, nhưng 70% phụ nữ Việt Nam được khảo sát không hề nghi ngờ về khả năng sinh sản của mình và 83% phụ nữ không có nghi ngờ về “năng lực” của người chồng. Tuổi tác là một yếu tố quan trọng trong can thiệp HTSS thành công, vì thế, nhận thức kém về sinh sản và nguyên nhân hiếm muộn làm giảm cơ hội để có con”. Thực tế này đặt ra cho Việt Nam cần có nhiều hoạt động thiết thực giúp các cặp vợ chồng hiểu biết về vô sinh và những vấn đề sinh sản nam giới.
Không tinh trùng, vẫn còn cơ hội có con
Tại hội nghị, nhiều thành tựu HTSS mới được giới thiệu. Trong y văn thế giới, không có tinh trùng trong tinh dịch là nguyên nhân vô sinh nam khó điều trị nhất. Nhưng các nhà khoa học của Việt Nam đã có cách gỡ “nút thắt” khó khăn này, kỹ thuật nuôi cấy tinh tử ở bệnh nhân vô tinh có thể xem là một thành tựu đột phá. Đại tá, PGS-TS Quản Hoàng Lâm (Giám đốc Trung tâm Công nghệ phôi, Chủ nhiệm Bộ môn Mô phôi - Học viện Quân y) cho biết: “Nguyên nhân vô sinh do nam giới ở Việt Nam chiếm 40%, trong đó 10% do tinh trùng yếu hoặc không có tinh trùng. Hiện ở nước ta chưa có nghiên cứu nào về cấu trúc, siêu cấu trúc tinh hoàn của người vô tinh trùng và nuôi cấy tế bào dòng tinh để tiêm tinh trùng vào bào tương trứng. Vì vậy, nghiên cứu nuôi cấy tế bào dòng tinh phân lập từ tinh hoàn là một giải pháp hiệu quả trong điều trị vô sinh nam. Trung tâm Công nghệ phôi đã bước đầu thành công trong nuôi cấy tinh tử thành tinh trùng để tạo phôi trong ống nghiệm, hiện đã điều trị thành công khoảng 30 ca vô sinh nam”. PGS-TS Quản Hoàng Lâm cũng cho biết, sắp tới trung tâm sẽ đưa vào nghiên cứu áp dụng những kỹ thuật mới như: nuôi cấy tế bào dòng tinh, nuôi cấy phôi túi, chẩn đoán di truyền trước chuyển phôi, hỗ trợ thoát màng… Em bé đầu tiên được ra đời theo phương pháp IVF tại Trung tâm Công nghệ phôi vào tháng 8/2002, cho tới nay, tại đây đã có gần 2.500 bé được ra đời bằng phương pháp HTSS, trong đó có hơn 1.200 bé ra đời bằng phương pháp IVF.
Nhiều nghiên cứu về HTSS được các nhà chuyên môn chia sẻ tại hội nghị. Theo BS Hồ Mạnh Tường và Đặng Quang Vinh (Trung tâm Nghiên cứu di truyền và sức khỏe sinh sản - ĐH Quốc gia TP.HCM), thực chứng trong kỹ thuật IVF cho thấy, chuyển phôi rã đông có kết quả thai và sản khoa tốt hơn chuyển phôi tươi (đậu thai lâm sàng cao hơn 40%, diễn tiến thai tốt hơn và ít sẩy thai hơn; giảm tỷ lệ sinh non, sinh nhẹ cân, xuất huyết trong thai kỳ… so với phôi tươi). Trên ưu điểm đó, có ý kiến đề nghị nên thay thế toàn bộ chuyển phôi tươi bằng chuyển phôi rã đông sau khi thụ tinh ống nghiệm. Điều này có thể giúp loại trừ hội chứng quá kích buồng trứng muộn, đảm bảo cơ hội có thai và kết quả sản khoa tốt hơn.
Nhóm bác sĩ của Trung tâm Công nghệ phôi cũng đưa ra báo cáo về giảm tỷ lệ đa thai bằng giảm số phôi chuyển và đông lạnh phôi. Các bác sĩ khẳng định, đa thai là một biến chứng không mong muốn có tỷ lệ 20-25% trong kỹ thuật IVF. Hậu quả của đa thai là sinh non, trẻ bị nhẹ cân, dị tật khi sinh, sức khỏe người mẹ bị đe dọa… Những năm trước, khi thực hiện IVF, bệnh nhân sẽ được chuyển tối đa bốn-năm phôi vào buồng tử cung (nhằm đạt tỷ lệ thai lâm sàng), nhưng cũng vì thế, nguy cơ thai sinh đôi, thai ba rất cao. Với kỹ thuật HTSS ngày càng hoàn thiện, hiện nay bệnh nhân nữ dưới 35 tuổi được đề nghị chỉ nên chuyển tối đa hai phôi tươi, số phôi dư sẽ được đông lạnh để chuyển cho chu kỳ sau (nếu chu kỳ phôi tươi thất bại). Điều này sẽ giảm được tỷ lệ đa thai mà vẫn đảm bảo được kết quả thai lâm sàng. Nhắc về trường hợp ca sinh năm ở Bệnh viện Từ Dũ hồi cuối tháng Ba vừa rồi, Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến khẳng định: “Đó là ca sinh năm cuối cùng trong ngành HTSS của Việt Nam! Một sai lầm không được phép lặp lại”.
Hội nghị với sự tham gia trao đổi của hơn mười trung tâm HTSS trong cả nước, có thể thấy nhiều kỹ thuật hiện đại, tiên tiến đã và đang được nghiên cứu áp dụng thành công tại Việt Nam.
Nguồn: Báo Phụ Nữ Online
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...