Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 06-07-2025 1:06pm
Viết bởi: ngoc
Danh mục: Tin quốc tế

Ths. Hồ Lan Trâm, Bệnh viện Mỹ Đức

Giới thiệu

Vô sinh nam được công nhận là yếu tố góp phần trong khoảng 40–50% các cặp vợ chồng và ước tính rằng khoảng 1 trong 10 nam giới bị vô sinh. Nhu cầu cấp bách là đánh giá tính an toàn và hiệu quả khi can thiệp điều trị vô sinh nam bằng cách thực hiện những thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên (RCT). Tuy nhiên, giá trị của một RCT chỉ thực sự có ý nghĩa khi các kết quả được thu thập và báo cáo rõ ràng và nhất quán. Một tổng quan phân tích hệ thống gần đây về 100 RCT lớn nhất trong lĩnh vực vô sinh nam được công bố trong vòng 10 năm qua đã chỉ ra rằng có sự không đồng nhất đáng kể trong việc báo cáo và định nghĩa các kết quả nghiên cứu. Ví dụ, tỷ lệ mang thai chỉ được báo cáo trong 51/100 nghiên cứu và được định nghĩa theo 12 cách khác nhau hoặc không có định nghĩa nào cụ thể. Tương tự, tỷ lệ sinh sống chỉ được báo cáo trong 13 nghiên cứu và cũng không được định nghĩa rõ ràng. Sự đa dạng trong cách lựa chọn, định nghĩa, kết quả như vậy có thể khiến các nhà nghiên cứu chỉ công bố những kết quả có ý nghĩa thống kê thuận lợi, dẫn đến việc đánh giá sai lệch hiệu quả điều trị và làm giảm độ tin cậy của tổng hợp bằng chứng.
Những vấn đề này có thể được giải quyết thông qua việc xây dựng một bộ kết quả cốt lõi (Core outcome set – COS) cho các RCT và tổng quan hệ thống. COS đại diện cho một tập hợp tối thiểu các kết quả quan trọng và các phương pháp đo lường tương ứng, được phát triển dựa trên quy trình đồng thuận chính thức với sự tham gia của các chuyên gia y tế, nhà nghiên cứu và người đang gặp vấn đề sinh sản.
Những kết quả này nên được các nhà nghiên cứu sử dụng thường quy, thu thập một cách chuẩn hóa và báo cáo đồng nhất trong các công bố cuối cùng. Trước đây, thiết kế nghiên cứu thường ít chú trọng đến việc lấy ý kiến từ bệnh nhân, những người trực tiếp chịu ảnh hưởng bởi vô sinh. Việc thiếu tương tác này có thể khiến cho các nhà nghiên cứu lựa chọn kết quả dựa trên quan điểm cá nhân nhiều hơn là dựa trên điều người bệnh quan tâm. Gần đây, sự tham gia của bệnh nhân và cộng đồng ngày càng được tăng cường trong thiết kế và triển khai nghiên cứu. Điều này đóng vai trò then chốt trong việc hình thành các bộ kết quả cốt lõi phù hợp và định hướng lại cách xây dựng RCT trong tương lai. Hiện tại, tuy đã có một bộ kết quả cốt lõi được phát triển cho các nghiên cứu vô sinh nói chung, nhưng chủ yếu tập trung vào phụ nữ và chưa có bộ kết quả tương tự dành riêng cho vô sinh nam.
Từ nhu cầu cải thiện chất lượng và tính nhất quán trong nghiên cứu, một nhóm hợp tác quốc tế gồm các bác sĩ lâm sàng, nhà nghiên cứu và bệnh nhân vô sinh đã cùng nhau khởi xướng quá trình xây dựng bộ kết quả cốt lõi cho các nghiên cứu vô sinh nam trong tương lai.
Vật liệu và phương pháp
Quy trình phát triển bộ chỉ số kết quả cốt lõi cho nghiên cứu vô sinh nam được thực hiện theo hướng dẫn của sáng kiến quốc tế (Core Outcome Measures in Effectiveness Trials - COMET). Quá trình này bao gồm ba giai đoạn chính:

  • Tổng quan hệ thống: Các tác giả tiến hành tổng hợp và phân tích hệ thống các kết quả được báo cáo trong 100 RCT lớn nhất về vô sinh nam trong 10 năm gần đây, nhằm xác định sự đa dạng và không nhất quán trong lựa chọn, đo lường và định nghĩa kết quả nghiên cứu.

  • Khảo sát Delphi hai vòng: Các chỉ số được xác định từ tổng quan hệ thống được đưa vào bảng khảo sát trực tuyến theo phương pháp Delphi. Người tham gia gồm các bác sĩ lâm sàng, nhà nghiên cứu và bệnh nhân vô sinh từ nhiều quốc gia. Mỗi người đánh giá mức độ quan trọng của từng kết quả theo thang điểm 1–9. Những kết quả đạt đồng thuận cao (≥70% người đánh giá từ 7–9 và <15% đánh giá từ 1–3) được đề xuất đưa vào bộ COS.

  • Hội thảo đồng thuận cuối cùng: Một hội thảo trực tuyến được tổ chức để thảo luận và xác nhận danh sách cuối cùng các chỉ số cốt lõi. Những chỉ số đã được chấp nhận trong bộ COS về vô sinh tổng quát cũng được tích hợp nếu phù hợp với bối cảnh vô sinh nam. Quá trình phát triển COS có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan (bác sĩ, nhà nghiên cứu, bệnh nhân), nhằm đảm bảo rằng bộ kết quả được lựa chọn có tính đại diện, thực tiễn và khả thi trong ứng dụng nghiên cứu tương lai.

Kết quả
Danh sách cuối cùng bao gồm các chỉ số cốt lõi, với sự tập trung vào các thông số tinh dịch học theo khuyến nghị của Tổ chức y tế thế giới (WHO) và các kết quả thai kỳ và trẻ sinh sống, giúp phản ánh đầy đủ các khía cạnh sinh học và lâm sàng quan trọng của điều trị vô sinh nam được trình bày ở Bảng 1.
 

Bảng 1: Kết quả cốt lõi trong nghiên cứu vô sinh nam

Kết quả về phía người cha

Phân tích tinh dịch đồ dựa theo khuyến nghị của WHO bao gồm thể tích tinh dịch, pH, mật độ, tổng số tinh trùng, tổng số tinh trùng di động, di động tiến tới, tỷ lệ sống và hình dạng tinh trùng.

Kết quả về phía người mẹ

Thai trong tử cung khả thi được xác nhận bằng siêu âm (tính đến đơn thai, song thai và đa thai)

mất thai (tính đến thai ngoài tử cung, sảy thai, thai chết lưu và chấm dứt thai kỳ)

Trẻ sinh sống

Tuổi thai khi sinh

Kết quả về trẻ sinh sống

Cân nặng lúc sinh

Tử vong sơ sinh

Dị tật bẩm sinh nghiêm trọng

Mặc dù không phải là yêu cầu bắt buộc như một phần của bộ kết quả cốt lõi, các kết quả khác đã được xác định có khả năng hữu ích trong một số các bối cảnh nghiên cứu nhất định như hormone nội tiết và chức năng tình dục. Những chỉ số này chưa đạt được đồng thuận rõ ràng, do thiếu công cụ đánh giá chuẩn hóa và khác biệt về thực hành lâm sàng giữa các quốc gia.
Kết luận:
Việc phát triển một bộ chỉ số kết quả cốt lõi dành riêng cho các nghiên cứu vô sinh nam là một bước tiến quan trọng nhằm cải thiện tính nhất quán và chất lượng trong các thử nghiệm lâm sàng. Bằng cách xây dựng bộ chỉ số dựa trên sự đồng thuận quốc tế, bài nghiên cứu đảm bảo rằng các kết quả được lựa chọn không chỉ phản ánh quan điểm của chuyên gia y tế và nhà nghiên cứu, mà còn bao gồm góc nhìn thực tế từ chính người bệnh, điều này đồng thời giúp tăng cường tính “người bệnh là trung tâm” trong nghiên cứu. Sự chấp thuận của các tổ chức uy tín như Human Reproduction, Fertility and Sterility, và Cochrane Gynaecology and Fertility Group trong việc khuyến khích sử dụng COS này là tín hiệu tích cực, hứa hẹn nâng cao tiêu chuẩn báo cáo trong các nghiên cứu tương lai.
Cuối cùng, nhóm tác giả kêu gọi các nhà nghiên cứu áp dụng bộ chỉ số này trong thiết kế và báo cáo nghiên cứu, đồng thời tiếp tục theo dõi hiệu quả triển khai để điều chỉnh nếu cần thiết. COS này không chỉ giúp nâng cao chất lượng bằng chứng mà còn góp phần hướng đến chăm sóc sức khỏe sinh sản toàn diện, công bằng và dựa trên bằng chứng dành cho nam giới.
Hạn chế của nghiên cứu:
Trong công trình này, chúng tôi đã sử dụng các phương pháp phát triển sự đồng thuận, vốn có những hạn chế cố hữu, bao gồm tỷ lệ mất mẫu ở vòng khảo sát Delphi là 36%, tuy không vượt mức thông thường trong nghiên cứu COS nhưng vẫn cần được cải thiện trong tương lai. Bên cạnh đó, sự đại diện chưa đồng đều giữa các vùng địa lý, với châu Âu chiếm ưu thế, có thể ảnh hưởng đến mức độ bao quát toàn cầu.

Tài liệu tham khảo: Michael P Rimmer, et al., A core outcome set for future male infertility research: development of an international consensus, Human Reproduction, Volume 40, Issue 5, May 2025, Pages 865–875, https://doi.org/10.1093/humrep/deaf039.


Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Tiền Hội nghị: Trung tâm Hội nghị Grand Saigon, thứ bảy ngày ...

Năm 2020
Năm 2020

Vinpearl Landmark 81, ngày 9-10 tháng 8 năm 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Kính mời quý đồng nghiệp quan tâm đến hỗ trợ sinh sản tham ...

Y học sinh sản số 73 (Quý I . 2025) ra mắt ngày 20 . 3 . 2025 và ...

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK