CN. Liên Mỹ Dinh - Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn
KẾT QUẢ THỂ CHẤT VÀ TRẢI NGHIỆM TÂM LÝ XÃ HỘI CỦA NGƯỜI HIẾN NOÃN
Tại Hoa Kỳ, khoảng 7%–10% tổng số chu kỳ công nghệ hỗ trợ sinh sản (HTSS) được báo cáo sử dụng noãn hoặc phôi hiến tặng và tỷ lệ này sẽ tiếp tục tăng lên dẫn đến nhu cầu về noãn hiến tặng ngày càng cao. Việc trì hoãn sinh con, tuổi mẹ ngày càng cao và khả năng sinh sản suy giảm đều là lý do cho sự gia tăng này. Vì thế, việc hiểu rõ hơn về kết cục thể chất và trải nghiệm tâm lý xã hội của người hiến noãn là điều cấp thiết. Về kết cục thể chất, hầu hết các nghiên cứu về người hiến noãn đều tập trung vào các trải nghiệm ngắn hạn hoặc ngay lập tức sau thủ thuật bao gồm các báo cáo về triệu chứng chướng bụng, thay đổi cân nặng và tâm trạng, u nang, xoắn buồng trứng, nhiễm trùng, hội chứng quá kích buồng trứng (ovarian hyperstimulation syndrome - OHSS) và đau. Trong các nghiên cứu đánh giá kết quả thể chất dài hạn (trung bình >9 năm) liên quan đến hiến noãn, đã có phần trăm người hiến báo cáo về khả năng sinh sản và chu kỳ kinh nguyệt đã bị ảnh hưởng, sự phát triển u xơ, u nang và tăng cân.
Bên cạnh đó, sức khoẻ tâm thần của người hiến noãn cũng cần được quan tâm. Tober và cộng sự (2021) đã hoàn thành một khảo sát hồi cứu và cho thấy hơn một nửa (55,2%) số người hiến noãn không cảm thấy được cung cấp đầy đủ thông tin về các rủi ro dài hạn tiềm ẩn. Hơn nữa, trong một vài nghiên cứu về trải nghiệm của người hiến tặng, thời gian thu thập dữ liệu (trước, trong và sau quá trình hiến noãn) đã dẫn đến những phát hiện tâm lý không nhất quán của người hiến.
Mục đích của nghiên cứu này là mở rộng kiến thức về kết cục thể chất và trải nghiệm tâm lý của người hiến noãn ở 3 nhóm tuổi (22–34, 35–49, 50–71 tuổi). Mặc dù các nghiên cứu khác đã đánh giá sức khỏe thể chất và tâm lý xã hội ngắn hạn của người hiến noãn, nghiên cứu này đã mở rộng công trình này qua 38 năm sau khi hiến tặng và là nghiên cứu dài hạn nhất về kết cục sau hiến noãn cho đến hiện nay tại Mỹ.
VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP
Nghiên cứu này sử dụng thiết kế kết hợp phương pháp (mixed-methods), cắt ngang và hội tụ. Một khảo sát trực tuyến ẩn danh trên nền tảng Research Electronic Data Capture đã được phát triển để người tham gia có thể báo cáo các đặc điểm nền, kết quả thể chất và trải nghiệm tâm lý xã hội của mình. Người tham gia được tuyển chọn từ một tổ chức kết nối những người hiến noãn và các nhóm Facebook. Tiêu chí tham gia bao gồm: từng là người hiến noãn, đang sống tại Mỹ, sử dụng ngôn ngữ tiếng Anh và ít nhất 18 tuổi.
KẾT QUẢ
Tổng cộng có 363 người tham gia nghiên cứu (tuổi: 22-71 tuổi, M = 38,8). Hầu hết những người hiến noãn tham gia khảo sát trực tiếp đều báo cáo một trải nghiệm tổng thể tích cực (89,5%).
Đối với kết cục thể chất, 21% người tham gia báo cáo có sự thay đổi đối với chu kỳ kinh nguyệt, sự rụng trứng và khả năng sinh sản. Thêm vào đó, 41,4% người báo cáo đau trong quá trình thực hiện thủ thuật và 10,5% trải qua hội chứng OHSS.
Đối với những trải nghiệm tâm lý trong suốt quá trình hiến noãn, lo lắng (25,8%) và trầm cảm (23,2%) là những chẩn đoán được tự báo cáo phổ biến nhất. Những người tham gia cũng được sàng lọc về mức độ lạm dụng rượu/ma tuý và thấy tỷ lệ có ý nghĩa thống kê về mặt lâm sàng (11,5%) với 50% trong số đó có các triệu chứng trầm cảm. Ngoài ra, người hiến noãn còn cảm thấy khó khăn trong cảm xúc (17%) và hối tiếc (20%) khi phải thực hiện quy trình này ẩn danh. Hầu hết những người tham gia (94,3%) báo cáo không được liên hệ lại từ các phòng khám để cập nhật tình hình sức khoẻ sau khi thực hiện quá trình hiến noãn, 25% trong số đó có những thay đổi về mặt sức khoẻ cần được thông báo nhằm tìm được lời khuyên. Bên cạnh đó, các phản hồi mở của những người tham gia nghiên cứu đã nêu ra 3 mối quan tâm quan trọng nhất là: cần cải thiện sự giao tiếp với các phòng khám, mong muốn được thực hiện chu kỳ hiến noãn không ẩn danh và được tư vấn nhiều thông tin hơn về kết cục sức khoẻ về lâu dài.
THẢO LUẬN
Nghiên cứu này là nghiên cứu đầu tiên báo cáo dữ liệu dài hạn nhất (>10 năm) về người hiến noãn tại Hoa Kỳ, với 60% những người tham gia nghiên cứu đã thực hiện hiến noãn cách đây hơn 10 năm. Tỷ lệ hài lòng cao ở người hiến noãn đã đưa ra câu trả lời về lý do tại sao 75% người tham gia đã hiến noãn nhiều lần mặc dù đã có những báo cáo về đau từ sau thủ thuật hay những ảnh hưởng tiêu cực về sức khoẻ thể chất và tinh thần. Đau sau thủ thuật được kỳ vọng sẽ cải thiện ở các nhóm tuổi trẻ do những tiến bộ trong các phát đồ dùng thuốc và các kỹ thuật chọc hút ít xâm lấn hơn. Bên cạnh đó, các nhà cung cấp dịch vụ nên đánh giá kỹ lưỡng hơn về cơn đau liên quan đến thủ thuật và hỗ trợ kịp thời cho người hiến noãn. Việc tư vấn về các biến chứng sinh sản tìm ẩn sau khi hiến noãn (thay đổi chu kỳ kinh, ảnh hưởng khả năng sinh sản sau này,… ) nên là một vấn đề lưu tâm và cần được đề cập trong các buổi tư vấn trước cho người hiến trước khi thực hiện thủ thuật.
Đối với sức khoẻ tâm thần, trầm cảm và lo lắng là những rối loạn hàng đầu được báo cáo bởi những người hiến noãn. Đặc biệt hơn, những người tham gia lớn tuổi (nhóm 35–49 tuổi, 26%; nhóm 50–71 tuổi, 31%) có tỷ lệ trầm cảm cao hơn đáng kể và nên sàng lọc hoặc theo dõi thường xuyên hơn ở các nhóm tuổi này
Bên cạnh phần lớn những phản hồi tích cực, vẫn có người người hiến noãn báo cáo về trải nghiệm tiêu cực ("sự hối tiếc”," "khó khăn cảm xúc," hoặc "cảm giác thay đổi theo thời gian") của họ đối với hiến noãn phần lớn là do sự ẩn danh khi thực hiện quy trình. Bởi vì họ mong muốn được kết nối với con ruột của mình và nhiều tài liệu mới nổi chỉ ra mối quan hệ gia đình sẽ tích cực hơn khi cha mẹ thông báo cho con cái về nguồn gốc chúng được sinh ra trước khi trẻ đạt 7 tuổi.
KẾT LUẬN
Mặc dù người hiến noãn có báo cáo về đau, những thay đổi về thể chất, tác động tâm lý và các lo ngại liên quan đến khả năng sinh sản sau khi hiến noãn, hầu hết trải nghiệm của họ đều tích cực. Cần cải thiện việc giáo dục và truyền thông về các lựa chọn sinh sản và tư vấn sâu về những khó chịu sau thủ thuật về cả thể chất và tinh thần cho những cá nhân đang cân nhắc hiến noãn. Bên cạnh đó, cần có các hướng thay đổi về mặt lâm sàng nhằm cải thiện việc chăm sóc cho bệnh nhân hậu hiến noãn.
Nguồn: Adlam, K., Koenig, M. D., Patil, C. L., Steffen, A., Salih, S., Kramer, W., & Hershberger, P. E. (2025). Oocyte donors’ physical outcomes and psychosocial experiences: a mixed-methods study. Fertility and Sterility.











Tiền Hội nghị: Trung tâm Hội nghị Grand Saigon, thứ bảy ngày ...
New World Saigon hotel, thứ bảy 14 tháng 06 năm 2025 (12:00 - 16:00)
Vinpearl Landmark 81, ngày 9-10 tháng 8 năm 2025

Kính mời quý đồng nghiệp quan tâm đến hỗ trợ sinh sản tham ...

Y học sinh sản số 73 (Quý I . 2025) ra mắt ngày 20 . 3 . 2025 và ...

Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...