Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 26-07-2016 2:17pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin trong nước
Trần Hữu Yến Ngọc – Đặng Huệ Anh 

Ngày 23 tháng 7 năm 2016, tại Vinpearl Đà Nẵng Resort & Villas, IVF Experts Meeting lần thứ 12 đã khai mạc trọng thể. Hội nghị thu hút được sự quan tâm của hơn 230 chuyên viên trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản đến từ 23 trung tâm hỗ trợ sinh sản trong cả nước, trong đó hơn 70% bác sĩ lâm sàng và 30% chuyên viên phôi học trong labo. Hội nghị được sự bảo trợ chuyên môn của HOSREM và VSRM, và nhận được sự tài trợ của 4 công ty tài trợ vàng (Merck Việt Nam, Ferring, MSD, Hướng Việt) và 4 tài trợ bạc (Biomed, BioVagen, COOK, Abbott).

Trong không khí trọng thể, GS. BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng (Phó Chủ tịch VAGO, đồng là Chủ tịch HOSREM) và GS. TS. Nguyễn Viết Tiến (Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch VAGO, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia) đã phát biểu khai mạc.

Phiên I được điều hành bởi GS.BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, GS.TS. Nguyễn Viết Tiến. GS. Christophe Blockeel – hiện là Giáo sư giảng dạy tại Vrije Universiteit Brussel, Brussels, Belgium – đã trình bày hai báo cáo: “The future of IVF” và “Improving live birth rates in IVF: potential mechanisms of benefit of hCG driven LH activities”, trong đó đã đề cập đến nhiều vấn đề nóng bỏng hiện nay trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản: antagonist là lựa chọn đầu tay trong điều trị khi so với agonist, có nên trì hoãn chuyển phôi, nuôi cấy phôi ngày 3 hay phôi ngày 5, sử dụng hCG liều thấp, … Bài báo cáo của BS. Âu Nhựt Luân – Bộ môn Phụ sản, Đại học Y Dược TP.HCM – đã nói về “Chlamydia trachomatis: suy nghĩ mới về một câu chuyện cũ”. BS. Luân như đang kể lại một câu chuyện tuy đã cũ, nhưng rất thú vị, đi qua từng vấn đề: chúng ta đã biết gì về vi khuẩn gram âm này, làm sao để điều trị trúng đích, hệ miễn dịch phản ứng ra sao với chúng khi nhiễm lần đầu và nhiễm thứ cấp, bài học đầu tiên từ penicillin và những câu chuyện bí ẩn.
Phiên II và phiên III diễn ra song song ở hai hội trường A và B, với những báo cáo phù hợp cho từng giới chuyên môn: lâm sàng và labo.

Về phía lâm sàng, phiên IIA được chủ tọa bởi TS.BS. Vương Thị Ngọc Lan và TS.BS. Nguyễn Xuân Hợi. Phiên này tập trung vào 4 vấn đề. Vấn đề thứ nhất, “Corifollitropin alfa trong TTTON: kinh nghiệm từ thử nghiệm lâm sàng” do TS. Vương Thị Ngọc Lan trình bày, đã điểm qua các nghiên cứu lớn trên thế giới như ENSURE, ENGAGE, TRUST, PURSUE và liên hệ thực tế đến nghiên cứu của nhóm tác giả tại Việt Nam. Ngày nay, trong khi kích thích buồng trứng cần nhiều mũi tiêm thì Corifollitropin alfa giảm số mũi tiêm cần thiết mang lại sự thuận tiện và thoải mái hơn cho bệnh nhân. Vấn đề thứ hai, TS.BS. Lê Hoàng đã chỉ ra những đặc điểm và phương pháp xử trí trong song thai do IVF ở tuổi thai trên 22 tuần tại Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương từ năm 2012-2014. Về đặc điểm, song thai 1 bánh nhau 2 buồng ối nhiều hơn so với 1 bánh nhau 1 buồng ối (10,5% so với 7,5%), cân nặng trung bình của thai 1 cao hơn thai 2 (2.269±571,0gr so với 2203,0 ± 570,3g). Về cách xử trí, 8,1% số trường hợp song thai sinh đường âm đạo, và 91,9% mổ lấy thai. Biến chứng gặp nhiều nhất là chảy máu sau sinh (20%). Vấn đề thứ ba, ThS.BS. Thân Trọng Thạch đã đại diện nhóm nghiên cứu trình bày về «Hiệu quả của testosterone thoa da ở bệnh nhân giảm dự trữ buồng trứng được IVF/ICSI». Vấn đề thứ tư, ThS.BS. Nguyễn Khánh Linh trình bày về Chương trình hóa TTTON, trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò của estrogen. Qua đó đưa ra kết luận, có nhiều phương pháp chương trình hóa TTTON, ngày càng có nhiều dữ liệu cho thấy tác dụng bất lợi của OCP đối với kết cục TTTON, và sử dụng estrogen đơn thuần để chương trình hóa có nhiều tiềm năng – cần được nghiên cứu nhiều hơn.

Tiếp theo chương trình của phía lâm sàng, phiên IIIA được chủ tọa bởi TS.BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết và TS.BS. Vũ Văn Tâm. Có bốn vấn đề được đề cập trong phiên này. Vấn đề thứ nhất, TS.BS. Diễm Tuyết trình bày «Quản lý bệnh nhân hiếm muộn có tăng prolactin», qua đó đưa ra 3 kết luận: (i) prolactin máu cần được quan tâm hơn ở bệnh nhân hiếm muộn, nên xét nghiệm thường qui trong các xét nghiệm nội tiết cần thực hiện ở bệnh nhân hiếm muộn, (ii) nên điều trị hạ Prolactin với điều trị nguyên nhân tăng prolactin máu, và (iii) bắt đầu điều trị hiếm muộn càng sớm càng tốt, thường ngay khi prolactin máu về bình thường. Vấn đề thứ hai, «Vai trò của nội soi buồng tử cung trong điều trị vô sinh nữ» được trình bày bởi TS.BS. Bùi Chí Thương. Vai trò của soi buồng tử cung trong xử trí vô sinh nữ vẫn còn đang tranh luận, hiện nay các nghiên cứu RCT chưa đủ chứng minh rõ ràng soi buồng tử cung lấy đi tất cả bệnh lý trong buồng tử cung, cải thiện khả năng có thai hay kết quả IVF. Tuy nhiên, các nghiên cứu quan sát cho rằng soi buồng tử cung cắt bỏ u xơ tử cung dưới niêm mạc, tách dính hay ít nhất là cắt polyp nội mạc tử cung làm tăng khả năng có thai. Vấn đề thứ ba, ThS.BS. Giang Huỳnh Như trình bày về “Tần suất ứ dịch lòng tử cung và các yếu tố liên quan”, qua đó đưa ra 2 kết luận: (i) Tiền căn mổ lấy thai và hở sẹo mổ lấy thai cũ có liên quan đến ứ dịch lòng tử cung, và (ii) Ứ dịch lòng tử cung lượng ít không làm giảm tỉ lệ có thai trong IVF. Vấn đề thứ tư, BS. CKII Phạm Thúy Nga trình bày bài “Bước đầu đánh giá kết quả sàng lọc di truyền tiền làm tổ tại khoa Hỗ trợ sinh sản Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội”.



Về phía labo, phiên IIB được chủ tọa bởi GS.TS. Nguyễn Đình Tảo và ThS.BS. Đặng Quang Vinh. Bốn báo cáo viên lần lượt trình bày trong phiên này. Bài báo cáo thứ nhất, GS.TS. Nguyễn Đình Tảo trình bày “Nghiên cứu quy trình chẩn đoán một số bệnh di truyền trước chuyển phôi để sàng lọc phôi TTTON”. Bài báo cáo thứ hai, ThS. Nguyễn Hữu Duy đưa ra thảo luận một vấn đề thời sự “Thời điểm tách trứng và ICSI tối ưu?”, qua đó đưa ra 2 kết luận: (i) Chưa có sự đồng thuận về thời gian tách trứng và ICSI tối ưu từ các nghiên cứu trên thế giới, (ii) Ở nghiên cứu của NH Duy và cộng sự, tổng thời gian tối ưu cho quy trình ICSI là >3h (tối đa là 5h), trong đó, thời gian tách trứng tối ưu là >2-3h sau chọc hút và thời gian ICSI tối ưu >1h sau khi tách trứng. Bài báo cáo thứ ba, CNSH. Đặng Trường Sơn trình bày về “Ứng dụng của dung dịch ly giải hồng cầu (ELB) trong xử lí mẫu tinh trùng thu nhận từ tinh hoàn bằng phương pháp M.TESE: ưu điểm và ảnh hưởng”. Qua đó, ưu điểm của ELB giúp rút ngắn thời gian tìm tinh trùng, rút ngắn thời gian ICSI (do hạn chế nghẹt kim ICSI), giảm tải công việc cho chuyên viên phôi học và có thể cải thiện chất lượng thụ tinh, tỉ lệ phát triển phôi và tỉ lệ có thai. Bài báo cáo thứ tư, CNSH. Nguyễn Trương Thái Hà trình bày về “Khảo sát biểu hiện gen GREM1 trên tế bào hạt so với mức độ trưởng thành của noãn người”. Trong các biomarker hỗ trợ lựa chọn phôi chất lượng tốt, GREM1 là một lựa chọn vì tỉ lệ thuận với chất lượng phôi (Cillo et al, 2007) và biểu hiện cao ở noãn trưởng thành, phôi hữu dụng (Anderson et al, 2010). Qua nghiên cứu của Thái Hà và cs, GREM1 là biomarker hỗ trợ lựa chọn noãn và phôi, giúp giảm số lượng phôi chuyển trong 1 lần từ đó hạn chế đa thai.

Tiếp theo chương trình của phía labo, phiên IIIB gồm 4 báo cáo và được chủ tọa bởi ThS. Lê Phương Lan và ThS. Huỳnh Gia Bảo. CNSH. Phạm Dương Toàn trình bày “Tỉ lệ thai cộng dồn và số phôi chuyển tiềm năng: chỉ số đánh giá hiệu quả chương trình IVF”. Bài báo cáo thứ hai, “IVM: tình hình tại Việt Nam và các hướng tiếp cận mới” được trình bày bởi ThS. Lê Hoàng Anh. Qua đó, một số hướng tiếp cận mới được đưa ra như: sử dụng C-type natriuretic peptide nhằm ức chế sự giảm phân, mô hình mô phỏng sinh lý, sử dụng các nhân tố tiết ra bởi noãn, sử dụng các nhân tố giống EGF. Bài báo cáo thứ ba, ThS. Võ Nguyên Thức trình bày “So sánh hiệu quả sử dụng giữa hai loại môi trường nuôi cấy đơn bước và môi trường chuyển tiếp”. Qua nghiên cứu, đã đưa ra 2 kết luận: (i) Không có sự khác biệt về tỷ lệ tạo phôi nang giữa hai loại môi trường, và (ii) Môi trường đơn bước (Let the embryo choose) có nhiều ưu điểm hơn về mặt quản lý môi trường và quy trình labo khi so với môi trường chuyển tiếp (Back to the nature). Bài báo cáo thứ tư, “Use of single media uninterrupted with or without time lapse technology” do ThS. Huỳnh Gia Bảo trình bày. Ở phần tóm tắt, tác giả cũng đồng thuận với bài trình bày của ThS. Thức, khi kết luận môi trường đơn bước tỏ ra ưu việt hơn.

Phiên cuối cùng của hội nghị – phiên IV được điều hành bởi ThS.BS. Hồ Mạnh Tường và ThS.BS. Lê Việt Hùng, gồm 4 bài báo cáo được trình bày. Bài báo cáo đầu tiên, “Adenomyosis và vô sinh: cập nhật chẩn đoán và điều trị” do TS.BS. Nguyễn Xuân Hợi trình bày, đã đưa ra 5 kết luận: (i) Siêu âm đường âm đạo và MRI đã mang lại những bước tiến trong việc chẩn đoán adenomyosis, (ii) MRI là chẩn đoán không xâm lấn cho phép đo được độ dày JZ, (iii) Việc điều trị adenomyosis tùy theo tuổi của Bn và việc mong muốn có thai của bệnh nhân, (iv) Điều trị bằng GnRHa cải thiện tỷ lệ có thai trong IVF và (v) Phẫu thuật kết hợp GnRHa là một giải pháp cần nghiên cứu ứng dụng theo phương pháp OSADA để bảo tồn tử cung. Bài báo cáo thứ hai, PGS.TS. Lê Minh Tâm đã lý giải thực tế lâm sàng từ y học chứng cứ thai ngoài tử cung sau chuyển phôi. Bài trình bày đã lưu ý một số vấn đề: (i) thai ngoài tử cung có tỉ lệ ngày càng cao, đặc biệt sau hỗ trợ sinh sản, (ii) theo dõi kỹ bệnh nhân có thai giai đoạn sớm, siêu âm đường âm đạo tuần 4-6 giúp chẩn đoán sớm và điều trị bảo tồn nếu có thai ngoài tử cung, (iii) khi chưa rõ vị trí làm tổ của thai, cần theo dõi β-hCG và siêu âm nhiều lần, (iv) hỗ trợ tâm lý và tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân. Bài báo cáo thứ ba, ThS.BS. Nguyễn Vạn Thông đã trình bày về chủ đề “Tiếp cận sẩy thai liên tiếp dưới góc nhìn của di truyền”, qua đó đã đưa ra một số kết luận: (i) Nên xét nghiệm di truyền POC để đưa ra tiên lượng và hướng điều trị, (ii) Nên xét nghiệm karyotype bố mẹ khi POC bất thường cấu trúc hoặc khi không làm xét nghiệm di truyền POC, (iii) Tư vấn di truyền và PGD cho các cặp vợ chồng có bất thường cấu trúc nhiễm sắc thể. Bài báo cáo cuối cùng do BS. Lê Văn Khánh trình bày, “Tăng huyết áp và thai kỳ hỗ trợ sinh sản”, qua đó đã đưa ra một số kết luận: (i) Thai kỳ sau hỗ trợ sinh sản có nguy cơ xảy ra những biến chứng liên quan tăng huyết áp thai kỳ cao hơn thai kỳ tự nhiên, (ii) Có nhiều giả thuyết mặt sinh bệnh học giải thích cho mối liên quan này và (iii) Những yếu tố nguy cơ ở thai phụ sau hỗ trợ sinh sản cần đặc biệt chú ý là: lớn tuổi, đa thai, béo phì, rối loạn phóng noãn, xin noãn và thai kỳ FET.

IVF Experts Meeting lần thứ XII tại thành phố biển xinh đẹp Đà Nẵng đã khép lại thành công tốt đẹp với 23 bài báo cáo hội trường, 8 báo cáo poster, 4 báo cáo pre-congress symposium và sự tham gia nhiệt tình đến giờ cuối cùng của các đại biểu. Hội nghị này là sự kiện đầu tiên HOSREM gửi tặng đại biểu tài liệu bản điện tử được chép vào một USB trang nhã.

Hẹn gặp lại các chuyên gia tại IVF Expert Meeting năm sau.
Các tin khác cùng chuyên mục:
Giải thưởng thành tựu - Ngày đăng: 15-04-2016
Mẹ của ngàn con - Ngày đăng: 21-03-2016
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK