Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 26-07-2016 2:11pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin trong nước
Đặng Huệ Anh – Trần Hữu Yến Ngọc
 
Ngày 22 tháng 7 năm 2016, tại Vinpearl Đà Nẵng Resort & Villas, Hội thảo Quản trị chất lượng trong Hỗ trợ sinh sản lần IV đã khai mạc, là sự kiện mở màn cho chuỗi hội nghị IVF Experts Meeting lần XII. Hội thảo thu hút sự quan tâm và tham dự của hơn 100 chuyên viên trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, trong đó, hơn 80% là các chuyên viên phôi học đến từ các labo hỗ trợ sinh sản từ Bắc chí Nam.



Hội thảo gồm 4 bài báo cáo do 4 báo cáo viên đến từ các trung tâm hỗ trợ sinh sản uy tín. Những báo cáo viên này có thể xem như thuộc thế hệ những chuyên viên phôi học đầu tiên được trang bị kiến thức, kỹ năng và chuyên môn sâu trong lĩnh vực quản trị chất lượng tại các labo hỗ trợ sinh sản.

Hội thảo được chủ tọa bởi ThS. BS. Đặng Quang Vinh – Phó Giám đốc Bệnh viện Mỹ Đức và ThS. Lê Phương Lan – Bệnh viện Vinmec.

ThS. Lâm Anh Tuấn – công tác tại IVFMD, bệnh viện Mỹ Đức – chia sẻ “Kinh nghiệm chuẩn bị cho chứng nhận RTAC”. Chứng nhận chất lượng RTAC (Reproductive Technology Accreditation Committee) là bộ tiêu chuẩn về thực hành cho các đơn vị hỗ trợ sinh sản, được phát triển bởi Ủy ban chứng nhận chất lượng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (trực thuộc Hiệp hội sinh sản của Úc). Được xây dựng nhằm thúc đẩy cải tiến liên tục chất lượng chăm sóc và điều trị trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, RTAC đồng thời tạo cơ sở và thiếp lập các tiêu chuẩn cần thiết để đánh giá các tổ chức được cung cấp dịch vụ điều trị. Bài báo cáo sinh động, thực tế, khi lần lượt điểm qua các vấn đề được quan tâm: vai trò của hệ thống quản trị chất lượng, bộ chứng nhận chất lượng RTAC, kinh nghiệm chuẩn bị cho RTAC (cần chuẩn bị gì về nhân sự và hồ sơ, điểm qua về quy trình làm việc với Auditor và các phân tích về chi phí). Bài trình bày của ThS. Lâm Anh Tuấn khép lại với câu chuyện của IVFMD – một nơi đã thành công trong việc “vừa học, vừa làm, vừa chuẩn hóa” để có thể đạt được chứng nhận RTAC.



Tiếp nối theo đó, CNSH. Bùi Thị Thu Hiền – công tác tại IVF Vạn Hạnh, bệnh viện Vạn Hạnh – cung cấp cho chúng ta các công cụ quản trị chất lượng hữu ích thông qua bài “Kaizen và 7 công cụ quản trị chất lượng”. Với công cụ thứ nhất, biểu đồ Pareto đưa ra nguyên lý “80% thiệt hại về chất lượng do 20% các nguyên nhân gây ra” – có thể hình dung đơn giản, là chỉ cần tập trung vào 20% nhóm các nguyên nhân quan trọng, ta đã có thể cải thiện được 80% hiệu quả công việc. Phiếu kiểm là công cụ thứ hai được nhắc đến, là đầu vào của các công cụ khác, hữu ích trong việc thu thập và lưu trữ dữ liệu hàng ngày. Công cụ thứ ba được trao tay là lưu đồ, giúp mô tả một quy trình, hữu ích trong việc phân tích và liên kết các hoạt động khác nhau nhưng có liên quan với nhau, từ đó cung cấp bức tranh toàn cảnh về dòng chảy của bất cứ một quy trình nào. Với biểu đồ nhân-quả (còn gọi là biểu đồ Ishikawa hoặc biểu đồ xương cá), chúng ta có thể tìm ra nguyên nhân cốt yếu của mọi vấn đề hoặc tiếp cận vấn đề bằng cách chia ra từng nhóm nguyên nhân khác nhau, từ đó xây dựng được mối quan hệ giữa các nguyên nhân với nhau và đưa ra giải pháp phù hợp. Công cụ thứ năm – biểu đồ phân bố tần số – là một biểu đồ cột dùng để mô tả hình dạng và độ phân tán của một tập hợp các dữ liệu, giúp ta đánh giá được sự biến động của quy trình, qua đó nhận ra nguyên nhân gây ra sự biến động cũng như tiến hành các biện pháp kiểm soát, giảm thiểu biến động. Biểu đồ phân tán còn hữu ích trong đánh giá hiệu quả hiện tại của quy trình và tiên đoán được xu hướng tương lai của quy trình. Công cụ thứ sáu – biểu đồ tán xạ – được sử dụng để đánh giá mối liên hệ giữa các biến với nhau, hoặc giữa yếu tố nguyên nhân và kết quả. Công cụ cuối cùng – biểu đồ kiểm soát – là biểu đồ với các đường giới hạn, giúp dự đoán và đánh giá sự ổn định của quy trình, cũng như kiểm soát và xác định khi nào cần điều chỉnh hay cải tiến quy trình.

Bước qua báo cáo của CNSH. Phạm Thiếu Quân – đến từ IVF Mekong – là một bài thú vị, thực tế và gần gũi, có tính ứng dụng cao, khi kể lại câu chuyện áp dụng công cụ 5S (Sort-Stabilized-Shine-Standardize-Sustain) tại trung tâm IVF Mekong. 5S có thể hiểu đơn giản là: Sàng lọc (giúp loại bỏ vật vô dụng), Sắp xếp (phân loại và bố trí đồ đạc đúng chỗ), Sạch sẽ (tất cả đều gọn gàng, tươm tất và kiểm tra sự bất thường), Săn sóc (tiêu chuẩn hóa và duy trì 3S đầu lâu dài), Sẵn sàng (làm sao để kêu gọi tất cả mọi người tự ý thức trong việc giữ vững tình trạng thoáng đãng, sạch sẽ và an toàn). Trong đó, ban lãnh đạo làm 5S đóng vai trò quan trọng nhất.

CNSH. Đặng Thanh Quyên – IVFAS, bệnh viện An Sinh – trình bày “Tác động của nhiệt độ lên quy trình thụ tinh ống nghiệm”. Bài báo cáo đã đề cập đến tầm quan trọng của nhiệt độ trong quy trình IVF, các yếu tố tác động lên nhiệt độ trong labo IVF và QC như thế nào trong labo IVF. Nghiên cứu của Wang (2001) và Sun (2004) đã chỉ ra rằng khi nhiệt độ lên cao hoặc xuống thấp quá một ngưỡng nhất định thì cấu trúc thoi vô sắc sẽ mất đi sự toàn vẹn trong quá trình giảm phân, từ đó có thể gây ra những bất thường trong quá trình thụ tinh và phát triển của phôi. Các yếu tố tác động lên nhiệt độ trong labo IVF bao gồm: Tủ cấy phôi và sự thay đổi nhiệt độ lúc đóng-mở tủ, vị trí giọt môi trường, thao tác chuyên viên, dụng cụ tiêu hao và nhiệt độ xung quanh (nhiệt độ phòng, nhiệt độ bệ ấm). Từ đó, nhóm tác giả đã đưa ra một số giải pháp để kiểm soát nhiệt độ như: (i) thiết lập và chuẩn hóa quy trình đo nhiệt độ tủ cấy, bề mặt thao tác, (ii) lập bảng kiểm nhiệt độ hàng ngày, hàng tháng cho nhiều vị trí khác nhau, (iii) xây dựng biểu đồ kiểm soát nhiệt độ ở các thiết bị, bề mặt thao tác, (iv) xây dựng lịch bảo trì thiết bị đo đạc.



Phần thảo luận diễn ra sôi nổi rất nhiều câu hỏi đến từ các hội thảo viên. Các câu hỏi được quan tâm có thể kể đến như: cách đo nhiệt độ tủ như thế nào, cách xử lí khi có sai số hay nhiệt độ không ổn định, cách thức xây dựng bảng chấm điểm 5S, chiến lược sử dụng tủ cấy khi có nhiều ca bệnh, nếu lần đầu không đạt RTAC thì nộp lại như thế nào.
Hội thảo khép lại với phần đề nghị từ ThS. Lê Phương Lan là nên có bộ tiêu chuẩn RTAC tham khảo cho Việt Nam và phần tổng kết của ThS. BS. Đặng Quang Vinh. Hội thảo đã khép lại thành công, với nhiều “take-home-message”, giúp trang bị thêm cho các chuyên viên phôi học cũng như bác sĩ các kiến thức và kỹ năng trong quá trình quản trị chất lượng trong hỗ trợ sinh sản tại chính trung tâm mình. 
Các tin khác cùng chuyên mục:
Giải thưởng thành tựu - Ngày đăng: 15-04-2016
Mẹ của ngàn con - Ngày đăng: 21-03-2016
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK