Đơn vị Hỗ trợ sinh sản bệnh viện An Sinh (IVFAS) lần đầu tiên đưa vào áp dụng công nghệ nuôi cấy phôi kết hợp camera quan sát phôi liên tục (timelapse- imaging) để cải thiện chất lượng phôi và giúp chọn lựa phôi chính xác hơn để cấy vào buồng tử cung nhằm góp phần tăng tỉ lệ thành công trong TTTON. Đây được xem là một trong những đơn vị đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á đầu tư cho công nghệ mới này. Công nghệ này đã được áp dụng tại Mỹ, Châu Âu và Nhật, Úc từ hơn 5 năm qua.
Đánh giá chất lượng phôi là một trong những công đoạn quan trọng trong một quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON). Trên cơ sở đó, chuyên viên phôi học sẽ định hướng chiến lược sử dụng phôi hợp lý và hiệu quả. Hiện tại, có nhiều phương pháp đánh giá chất lượng phôi dựa trên các tiêu chuẩn khác nhau như: hình thái, phân tử, tế bào và chuyển hóa. Trong đó, việc đánh giá chất lượng phôi dựa trên tiêu chuẩn hình thái đã gắn liền với lịch sử phát triển của lĩnh vực TTTON nhờ tính đơn giản, chi phí thấp và hiện vẫn có giá trị tiên lượng cho tiềm năng phát triển của phôi. Gần đây, sự phát triển của hệ thống nuôi cấy phôi kết hợp với camera quan sát liên tục (timelapse) đã thực sự tạo nên cuộc cách mạng, giúp chuyên viên phôi học ghi nhận từng khoảnh khắc phát triển của phôi, cung cấp dữ liệu để hiểu rõ động học phát triển của phôi cũng như mở ra hướng mới trong đánh giá tiềm năng làm tổ của phôi dựa trên hình thái động học của phôi.
Nhờ sự hỗ trợ của hệ thống timelapse, mối tương quan giữa động học phát triển của phôi với tiềm năng làm tổ cũng như các bất thường di truyền ở phôi đã được công bố (Sandrine và cộng sự, 2013; Campbell và cộng sự, 2013). Các dữ liệu này đã và đang được sử dụng làm cơ sở tham khảo cho chuyên viên phôi học trong chiến lược lựa chọn phôi chuyển ở các giai đoạn từ phôi ngày 2, ngày 3 đến ngày 5. Bên cạnh đó, timelapse cũng được chứng minh là hướng tiếp cận an toàn với phôi (Nakahara và cộng sự, 2010). Vì vậy, ứng dụng timelapse ngày càng phát triển và đã được áp dụng thường quy trong lĩnh vực TTTON ở các nước như Mỹ, châu Âu, Nhật, Úc…
Đến năm 2013, nghiên cứu của tác giả Alison Campbell và cộng sự đã đưa ra một mô hình hiệu quả áp dụng timelapse để dự đoán phôi có nguy cơ bất thường về số lượng nhiễm sắc thể (lệch bội), một trong những nguyên nhân gây thất bại làm tổ, sẩy thai hoặc ảnh hưởng đến di truyền của trẻ sau sinh. Mô hình dự đoán này được xây dựng từ việc tìm mối tương quan giữa động học phát triển của phôi đến giai đoạn phôi nang ghi nhận từ timelapse và kết quả tầm soát di truyền của chính những phôi đó (hai quá trình tiến hành độc lập). Kết quả, những phôi lệch bội có tiến trình phát triển chậm hơn đến giai đoạn tạo phôi nang so với phôi bình thường.
Ngoài ra, việc sử dụng hệ thống mới này, giúp giảm thiểu thời gian phải đem phôi ra ngoài tủ cấy, quan sát nhiều lần dưới kính hiển vi bên ngoài để đánh giá sự phát triển của phôi. Hệ thống timelapse giúp chúng ta có thể quan sát phôi liên tục mà không cần đem phôi ra ngoài tủ cấy để quan sát. Mỗi lần mở tủ cấy thì môi trường tủ cấy sẽ bị xáo trộn ảnh hưởng đến các phôi của nhiều bệnh nhân khác trong tủ cấy. Sau khi đánh giá xong đưa lại vào tủ cấy phải mất một khoảng thời gian dài để phôi có thể có một môi trường ổn định trở lại. Do đó, việc đem phôi ra ngoài và để vào lại tủ cấy ảnh hưởng nhiều đến hệ thống nuôi cấy phôi và kết quả điều trị của nhiều bệnh nhân trong cùng một thời điểm. Hệ thống timelapse giúp khắc phụ đang kể vấn đề này.
Việc kết hợp nuôi cấy phôi đến giai đoạn phôi nang với sự hỗ trợ của timelapse, tham khảo mô hình dự đoán nguy cơ phôi bất thường từ các thông số hình ảnh động, nhằm chọn lựa phôi tốt hơn và nâng cao hiệu quả điều trị. Ngoài ra, timelapse cũng sẽ ghi nhận hiện tượng phôi bào phân chia bất thường trong tiến trình phát triển của phôi, yếu tố nguy cơ gây lệch bội nhiễm sắc thể. Thông tin này cũng có giá trị sàng lọc phôi với những trường hợp chuyển phôi ngày 2 hoặc ngày 3.
Nhằm đáp không ngừng cải tiến nâng cao chất lượng điều trị, Đơn vị hỗ trợ sinh sản thuộc bệnh viện An Sinh (IVFAS) đã tiên phong ứng dụng công nghệ timelapse Primo Vision vào quy trình TTTON từ tháng 7/2014. Đặc biệt, với ứng dụng timelapse, video quá trình phát triển của phôi cũng có thể được chia sẻ với bệnh nhân, gieo niềm tin về mầm sống đang phát triển và sẽ trở thành những em bé đáng yêu trong tương lai.
Như vậy, việc ứng dụng timelapse tại IVFAS đã đánh dấu bước phát triển mới của lĩnh vực hỗ trợ sinh sản trong nước, tiếp cận với trình độ của thế giới. Chúng tôi mong muốn đem kỹ thuật điều trị hiện đại, hiệu quả với chi phí phù hợp nhất đến với bệnh nhân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Alison Campbell, Simon Fishel, Natalie Bowman, Samantha Duffy, Mark Sedler, Cristina Fontes Lindemann Hickman. Modelling a risk classification of aneuploidy in human embryos using non-invasive morphokinetics. Reproductive BioMedicine Online (2013) 26, 477– 485.2. Alison Campbell, Simon Fishel, Natalie Bowman, Samantha Duffy, Mark Sedler, Simon Thornton. Retrospective analysis of outcomes after IVF using an aneuploidy risk model derived from time-lapse imaging without PGS. Reproductive BioMedicine Online (2013) 27, 140– 146.
3. Sandrine Chamayou, Pasquale Patrizio, Giorgia Storaci, Venera Tomaselli, Carmelita Alecci, Carmen Ragolia, Claudia Crescenzo, Antonino Guglielmino. The use of morphokinetic parameters to select all embryos with full capacity to implant. J Assist Reprod Genet (2013) 30:703-710.4. Tatsuo Nakahara, Akira Iwase, Maki Goto, Toko Harata, Miyabi Suzuki, Miki Ienaga, Harumi Kobayashi, Sachiko Takikawa, Shuichi Manabe, Fumitaka Kikkawa, Hisao Ando. Evaluation of the safety of time-lapse observations for human embryos. J Assist Reprod Genet (2010) 27:93-96.
ThS. Nguyễn Thị Phương Dung
IVFAS, Bệnh viện An Sinh
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...