Phó chủ tịch Hội Y học sinh sản châu Á - Thái Bình Dương
Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic Ovary Syndrome - PCOS) ảnh hưởng đến khoảng 8-13% phụ nữ độ tuổi sinh sản, trong đó 70% không được chẩn đoán và theo dõi điều trị.
Các dấu hiệu nghi ngờ
Phụ nữ có một hay các dấu hiệu sau thì nhiều khả năng có hội chứng buồng trứng đa nang: chu kỳ kinh không đều, có thể bị ra huyết nhiều lần trong tháng, hay hơn 35 ngày mới ra huyết một lần, có khi vài tháng một lần, ra huyết kinh có thể ít hoặc kéo dài; thường có mụn trứng cá nhiều trên mặt hoặc lưng; có tình trạng rậm lông ở tay, chân, mặt hoặc rụng tóc nhiều, hói đầu; có giai đoạn tăng cân nhanh, dễ tăng cân và khó giảm cân…
Các vấn đề trước mắt gây lo lắng bao gồm: kinh không đều, khó có con, tăng cân nhiều, đôi khi trầm cảm hoặc hay căng thẳng… Về lâu dài, khi trên 40, phụ nữ bị PCOS có thể dễ bị một số bệnh khác như đái tháo đường, cao huyết áp, hội chứng chuyển hóa…
Phụ nữ bị PCOS khi có thai thì cũng có thể gặp nhiều vấn đề trong thai kỳ hơn phụ nữ bình thường, ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi. Do đó, phụ nữ PCOS khi có thai cần được theo dõi kỹ hơn. Em bé gái sinh ra từ mẹ bị PCOS, khi lớn lên cũng có thể có nguy cơ PCOS cao hơn người bình thường.
Nếu có các triệu chứng nghi ngờ hội chứng buồng trứng đa nang nên làm gì?
Đầu tiên, nên đến khám ở các bác sĩ phụ khoa có kinh nghiệm về PCOS. Các bác sĩ sẽ cho làm các xét nghiệm kiểm tra về nội tiết, về sức khỏe nói chung, khám phụ khoa, tầm soát nguy cơ đái tháo đường, cao huyết áp...
Sau đó, các bác sĩ sẽ tư vấn biện pháp điều chỉnh lối sống hoặc có thể cho thuốc điều chỉnh rối loạn nội tiết, rối loạn chuyển hóa trong cơ thể.
Nếu đã được chẩn đoán là PCOS và có thừa cân, phụ nữ nên tích cực giảm cân bằng chế độ ăn uống, tập luyện phù hợp. Nếu chưa bị tăng cân, cũng nên tập thói quen ăn uống và tập luyện để tránh bị tăng cân.
Hiếm muộn và hội chứng buồng trứng đa nang
Trong PCOS, buồng trứng không rụng tự nhiên, dẫn đến phụ nữ khó có thai. Một số cặp vợ chồng mà người vợ bị PCOS vẫn có thể có thai tự nhiên vì một số trường hợp nhẹ thỉnh thoảng có rụng trứng tự nhiên. Nếu sau một năm vẫn không có thai, vợ chồng nên đến bác sĩ chuyên khoa để khám, xét nghiệm và điều trị.
Nếu cặp vợ chồng chỉ hiếm muộn do nguyên nhân duy nhất là PCOS, các bác sĩ sau khi chẩn đoán đầy đủ sẽ cho thuốc gây phóng noãn hoặc kích thích buồng trứng nhẹ, thường có thể kết hợp với bơm tinh trùng vào buồng tử cung. Nếu thất bại từ 3-6 lần, có thể chuyển sang làm thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON).
Những trường hợp phụ nữ PCOS có chỉ định làm TTTON, có thể chọn lựa kỹ thuật IVM (nuôi noãn trưởng thành trong ống nghiệm) với phác đồ đơn giản hơn, an toàn hơn và chi phí thấp hơn. Việt Nam hiện là một trong những nước đi đầu thế giới về kỹ thuật IVM.
Nếu phụ nữ PCOS có các nguyên nhân gây hiếm muộn khác đi kèm như tắc vòi trứng, lạc nội mạc tử cung, u xơ tử cung, các chỉ số tinh trùng bất thường... nên cân nhắc làm TTTON (hoặc IVM) sớm hơn.
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Quinter Central Nha Trang, Chủ Nhật ngày 12 . 01 . 2025
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...
Y học sinh sản tập 57, Qúy I/2021 - Thai lạc chỗ