Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 23-09-2016 9:33am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng

Gần đây trên mạng xôn xao trước thông tin phương pháp chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD: Preimplantation Genetic Diagnosis) có thể sàng lọc được phôi thai bất thường, giúp các cặp vợ chồng sinh ra những đứa con thông minh và hoàn hảo về sức khoẻ. Thực hư điều này như thế nào?
 

pgd-test

Xét nghiệm chẩn đoán di truyền tiền làm tổ không tạo ra những đứa trẻ hoàn hảo như nhiều người lầm tưởng.





























Để làm sáng tỏ vấn đề, phóng viên Thế Giới Tiếp Thị, đã trao đổi với ThS.BS Hồ Mạnh Tường – tổng thư ký hội Nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM (HOSREM).

Ông nói: “Để tầm soát bệnh ở người bình thường, bác sĩ sẽ chỉ định xét nghiệm tìm những bệnh cụ thể. Thực tế có hàng trăm ngàn loại bệnh khác nhau, không ai xét nghiệm tất cả, vì có những bệnh y học chưa thể xét nghiệm được, và dù có xét nghiệm được thì chi phí để tầm soát tất cả bệnh đó là rất nhiều, không ai kham nổi”.

“Trên một người hoàn chỉnh mà y học còn không làm được, huống gì trên một phôi vài ngày tuổi thì làm sao tầm soát được mọi bệnh tật. Vì thế không có chuyện xét nghiệm để chọn ra một phôi hoàn chỉnh nhằm cho ra đời một cá thể ưu tú”.

– Vậy PGD không như những gì mà nhiều người đồn đại?

– Đúng vậy, để hiểu rõ điều này chúng ta cần biết hai ứng dụng khác nhau của xét nghiệm dù cách làm như nhau. Đầu tiên là ứng dụng tầm soát một số bệnh di truyền mà cha mẹ có thể truyền cho con.

Trước đây, khi chưa có PGD, người ta để người mẹ có thai tự nhiên, sau đó hoặc xét nghiệm xem em bé có bệnh hay không rồi bỏ thai, hoặc để em bé không phát triển được và mất sớm. Nhưng điều này không tốt về mặt thể chất lẫn tâm lý cho người mẹ.

Giờ đây y học giải quyết được chuyện này. Trong trường hợp làm thụ tinh trong ống nghiệm, sau khi tinh trùng gặp trứng để tạo thành phôi, người ta lấy một phần phôi để xét nghiệm.

Nếu phôi không mang gen bất thường của cha mẹ, người ta lấy phôi đó cấy vào mẹ để phát triển thành đứa trẻ bình thường, không mang bệnh di truyền. Phương pháp này gọi là chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD), chỉ dùng cho chẩn đoán.

Ứng dụng thứ hai cho điều trị vô sinh, xuất phát từ thực tế là trong thụ tinh trong ống nghiệm khi cấy vào mẹ một số phôi không phải phôi nào cũng phát triển được thành em bé.

Qua nghiên cứu, người ta biết được một nguyên nhân quan trọng, đó là có một số phôi thiếu hoặc thừa nhiễm sắc thể. Khi cấy những phôi này vào, hoặc người mẹ không có thai, hoặc có thai nhưng sẽ sẩy.

Như thế, nếu mang phôi đi xét nghiệm, loại bỏ những phôi bất thường về số nhiễm sắc thể, chỉ cấy vào phôi bình thường thì tránh được chuyện không có thai hay sẩy thai.

Cách này được gọi là tầm soát di truyền tiền làm tổ (PGS: Preimplantation Genetic Screening) có ích trong điều trị vô sinh, vì mẹ càng lớn tuổi thì tỷ lệ bất thường về số nhiễm sắc thể càng nhiều, có thể lên đến 70 – 80%!

– Vậy hạn chế của phương pháp này là gì?

– Như đã nói, chúng ta không thể tìm được hết mọi bệnh tật ở một cá thể. Nếu phôi đó không mang bệnh di truyền của bố mẹ thì em bé ra đời vẫn có thể mắc những bệnh khác mà chúng ta không xét nghiệm được.

Tương tự thế, phôi không bất thường về số lượng nhiễm sắc thể không có nghĩa là bình thường những chuyện khác về nhiễm sắc thể.

– Ngoài hạn chế trên, PGD còn gì đáng lưu ý?

– Ở một vài trung tâm phía Bắc nước ta, chi phí xét nghiệm một phôi là hơn chục triệu đồng. Chi phí cho thụ tinh trong ống nghiệm ở nước ta khoảng 60 triệu đồng. Nếu mang năm phôi đi xét nghiệm thì cũng bằng con số đó.

Về mặt kỹ thuật, cũng phải lưu ý là vài phần trăm phôi sẽ bị chết sau khi được làm xét nghiệm. Như thế, nếu không đụng chạm đến nó, nó vẫn còn sống. Trường hợp phôi này bình thường, việc xét nghiệm sẽ vô tình làm mất đi một phôi.

Đáng nói hơn, ở một tỷ lệ nhất định, phần phôi mang đi thử lại khác với phần phôi còn lại. Trường hợp này có hai khả năng xảy ra: phần phôi xét nghiệm bình thường, nhưng thực tế là bất thường, em bé sinh ra vẫn bất thường.

Ngược lại, phần phôi xét nghiệm bất thường, nhưng sự thật là bình thường, chúng ta vô tình “giết chết” một phôi tốt.

– Ở nước ngoài, khi làm PGD người ta lo ngại nhất là mặt đạo đức, bởi con người có thể lạm dụng nó để chọn lựa giới tính. Điều này có đặt ra ở nước ta không?

– Đây là vấn đề rất đáng quan tâm, vì thế Bộ Y tế nước ta chỉ cho phép vài trung tâm làm PGD ở dạng nghiên cứu, chưa cho làm thường quy. Cách đây vài năm chúng tôi cũng nghiên cứu nhưng sau cùng phải dừng lại vì khá nhạy cảm.

Tại Thái Lan và Malaysia, PGD được làm rộng rãi, thu hút nhiều người Việt qua đó chẩn đoán và tầm soát bệnh cho thai nhi. Tuy nhiên, theo tôi biết không ít người cũng lấy đó là cái cớ, thực chất là họ đi chọn lựa giới tính cho con.

– Có cách nào ngăn chặn chuyện này?

– Tại Singapore, một nước mạnh về kỹ thuật y sinh học nhưng chỉ có một lab thuộc trường đại học làm xét nghiệm này vì chính phủ lo ngại người dân làm dụng để chọn lựa giới tính. Ai muốn làm để chẩn đoán, tầm soát bệnh nào thì lab chỉ trả lời đúng bệnh đó, không trả lời về nhiễm sắc thể giới tính. Tôi nghĩ nước ta cũng nên đi theo hướng này.

Phan Sơn thực hiện
Theo TGTT
Nguồn:  http://tiepthithegioi.vn

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK