Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 31-01-2011 1:44am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

Đây là nghiên cứu RCT đầu tiên cho thấy atosiban (TRACTOCILE®, Ferring) có thể cải thiện kết quả IVF. Kết quả của nghiên cứu này cho thấy atosiban giúp tăng tỉ lệ làm tổ, tỉ lệ thai lâm sàng và làm giảm tỉ lệ sẩy thai. Tác giả kết luận sử dụng atosiban trước chuyển phôi là hiệu quả trong việc chuẩn bị tử cung (priming) cho quá trình làm tổ của phôi.

Nhiều nghiên cứu cho thấy hiện tượng co thắt tử cung thường xảy ra trong quá trình chuyển phôi và tần suất co thắt tử cung tương quan nghịch với tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ có thai của IVF. Co thắt cơ tử cung ở những phụ nữ không mang thai, được gây ra bởi oxytocin có nguồn gốc từ nội mạc tử cung thông qua các thụ thể oxytocin ở màng tế bào. Vì vậy ức chế thụ thể oxytocin làm giảm một cách hiệu quả co thắt cơ tử cung ở những phụ nữ không mang thai. Atosiban – chất đối kháng thụ thể oxytocin và vasopressin V1a – có thể có tác dụng có lợi lên sự tiếp nhận của tử cung và làm tổ nhờ làm giảm co thắt tử cung, tăng tưới máu nội mạc tử cung và cải thiện trạng thái nội mạc tử cung. Nhằm đánh giá tác dụng “mồi” của atosiban lên tử cung cho việc làm tổ, nhóm bác sĩ từ Đơn Vị Hỗ Trợ Sinh Sản, Bệnh Viện Giáo Dục & Nghiên Cứu mang tên Bs. Zekai Tahir Burak, Ankara, Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành nghiên cứu lâm sàng tiến cứu, ngẫu nhiên, kiểm chứng với placebo trên 180 bệnh nhân được chọn làm thủ thuật ICSI.

Tất cả bệnh nhân được kích thích buồng trứng theo phác đồ chuẩn, dài ngày bằng GnRH agonist và rFSH. Kích thích rụng trứng bằng rhCG và hỗ trợ hoàng thể bằng progesterone dạng gel. Phôi chất lượng tốt được chuyển vào ngày 3. Nhằm đảm bảo tính đồng nhất của mẫu nghiên cứu, những bệnh nhân khó chuyển phôi bị loại trừ khỏi nghiên cứu. Bệnh nhân được chia ngẫu nhiên thành hai nhóm: nhóm điều trị, có sử dụng atosiban (n=90) và nhóm chứng, không sử dụng atosiban (n=90). Nhóm điều trị áp dụng phác đồ sau: Atosiban tiêm tĩnh mạch 6,75mg 30 phút trước khi chuyển phôi, sau đó truyền tĩnh mạch với tốc độ 18mg/giờ; sau khi chuyển phôi xong, atosiban tiếp tục được truyền trong 2 giờ với tốc độ giảm xuống còn 6mg/giờ (tổng liều atosiban được truyền là 37,5mg).

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỉ lệ thai lâm sàng và tỉ lệ làm tổ ở nhóm sử dụng atosiban là 46,7% và 20,4%, cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không sử dụng atosiban (tương ứng là 28,9% and 12,6%, P = 0,01). Tỉ lệ sẩy thai ở nhóm atosiban là 16,7% thấp hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm không sử dụng (24,4%, P = 0,01). Nghiên cứu được đăng trên số tháng 9/2010, tạp chí RBMOnline.

Dựa trên kết quả này, tác giả kết luận atosiban làm tăng tỉ lệ làm tổ và tỉ lệ thai lâm sàng và làm giảm tỉ lệ sẩy thai. Điều này gợi ý rằng sử dụng atosiban trước và ngay sau chuyển phôi có hiệu quả trong việc “mồi” tử cung cho quá trình làm tổ. Nhờ tác động đặc hiệu lên tử cung và an toàn cho phôi nên atosiban có thể là một hướng điều trị mới trong quy trình chuyển phôi. Tuy nhiên cần có thêm nghiên cứu với cở mẫu lớn hơn để khẳng định những phát hiện của nghiên cứu này.

Được biết atosiban (TRACTOCILE, Ferring) đã có ở Việt Nam với chỉ định chính là giảm co để điều trị cho các trường hợp dọa sanh non. Atosiban có thể là một lựa chọn hiệu quả cho các đối tượng bệnh nhân IVF phù hợp ở Việt nam.

(Theo Moraloglu et al., Reproductive BioMedicine Online (2010) 21, 338– 343).

ThS. BS. Lê Đình Trọng

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK