Ung thư cổ tử cung là loại ung thư nguy hiểm thứ 2 đối với nữ giới. Đây không phải là bệnh di truyền và có thể phòng tránh được song hiện nay, mỗi ngày vẫn có khoảng 9-10 phụ nữ Việt Nam tử vong vì căn bệnh này.
HPV gây ra đa số trường hợp UTCTC và u nhú sinh dục
Đến nay, khoa học đã xác định rằng, nhiễm một số chủng HPV (human papilloma irus- virus gây u nhú ở người) có nguy cơ cao như chủng 16, 18 trong thời gian dài là nguyên nhân gây ra tới 70% số ca bệnh ung thư cổ tử cung. Theo công bố của tổ chức y tế thế giới (WHO), HPV có mặt trong 99,7% các trường hợp mắc phải căn bệnh chết người này.
Tuy vậy, không phải cứ nhiễm HPV là bị ung thư cổ tử cung. Trên thực tế, hầu hết chúng ta đều nhiễm HPV tại một thời điểm nào đó trong đời, tuy nhiên đa số đều tự sạch nhiễm. Chỉ một số ít người nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao, gây tình trạng nhiễm virus kéo dài, dễ dẫn tới những tổn thương tiền ung thư và phát triển thành ung thư. Dữ liệu từ Globocan 2008 của cơ quan quốc tế Nghiên cứu về Ung thư (IARC) cho thấy, một thực trạng đáng buồn khi mỗi năm Việt Nam có 5.174 ca mắc mới và 2.472 ca tử vong vì ung thư cổ tử cung.
Một số chủng HPV nguy cơ thấp khác như chủng 6, 11 gây ra sùi mào gà, mụn cóc sinh dục. Các bệnh này lành tính nhưng cũng tiềm ẩn nhiều biến chứng xấu, đặc biệt trên các nhóm đối tượng đang mắc bệnh suy giảm miễn dịch như người nhiễm HIV, đái tháo đường. Bệnh gây đau đớn, dễ chảy máu, lở loét và khiến người mắc bệnh xấu hổ, giảm tự trọng. Hằng năm, tại Việt Nam có khoảng hơn 50.000 ca mụn cóc, mồng gà sinh dục được phát hiện. Nhiễm HPV không ảnh hưởng tới việc mang thai, sinh con, nhưng có thể gây nhiễm cho trẻ sơ sinh trong quá trình chuyển dạ..
Dễ lây và tỉ lệ tái nhiễm cao
Nghiên cứu của bệnh viện Từ Dũ kết hợp với đại học Y dược TP HCM thực hiện trên 1.550 phụ nữ thuộc 20 phường xã trong 10 quận huyện của thành phố cho thấy, tỷ lệ mắc HPV của phụ nữ TP HCM trong độ tuổi từ 18-69 vào mức 10,71%. Trong đó, tới 9,1% dương tính với HPV thuộc nhóm có nguy cơ cao. Còn trong số HPV dương tính, tỷ lệ HPV 16, 18 chiếm tới 94,05%.
Không có gì đảm bảo chúng ta có thể tránh được các chủng HPV nguy cơ cao khi đường lây nhiễm là qua tiếp xúc da, niêm mạc, những vết xước dù nhỏ nhất hay qua đường tình dục, lây truyền dọc từ mẹ sang con, lây qua kềm bấm sinh thiết, găng phẫu thuật... Đối với các trường hợp đã sạch nhiễm cũng rất dễ bị tái nhiễm với cùng chủng HPV hoặc chủng tương đương về hệ gen. Bởi virus này hầu như không hoạt hóa hệ miễn dịch, hoặc chỉ tạo một nồng độ kháng thể rất nhỏ, không đủ để chống lại tái nhiễm. Việc không có triệu chứng sớm cũng là nguyên nhân khiến nhiều người nhiễm lơ là, không thăm khám và dẫn tới những hậu quả đáng tiếc.
Nếu có thắc mắc cần giải đáp, bạn có thể đến Viện Pasteur, Trung tâm Y tế dự phòng, bệnh viện sản phụ khoa hoặc gọi 1800 545459 để được gặp bác sĩ tư vấn.
Tiêm ngừa, nhưng không thể lơ là khám tầm soát
Vacxin phòng ngừa các chủng nguy cơ cao như chủng 16, 18 gây ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo, hay chủng 6,11 gây các bệnh sùi mào gà, mụn cóc sinh dục đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng cho trẻ em gái và phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi từ năm 2008. Đây là một chiến lược dự phòng chủ động, hiệu quả, an toàn đối với ung thư cổ tử cung và một số bệnh liên quan đến HPV…
Tuy nhiên, tất cả phụ nữ có quan hệ tình dục cho dù đã tiêm ngừa HPV vẫn nên thực hiện tầm soát bằng Pap smear (phết tế bào cổ tử cung). Đây là xét nghiệm tầm soát an toàn, dễ thực hiện, không đắt tiền, không gây khó chịu để phát hiện sớm những tổn thương nghi ngờ ác tính trên cổ tử cung, giảm được tần suất và tử suất do ung thư cổ tử cung.
Tiêm ngừa sớm, có đời sống tình dục lành mạnh và thực hiện xét nghiệm Pap theo định kỳ là chiến lược phòng ngừa ung thư cổ tử cung hợp lý. Điều đó giúp chị em phụ nữ tránh những tổn thương, đau đớn, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản và tốn kém khi phải điều trị căn bệnh này.
Nguồn: Báo vnexpress
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...