Đa phần những bất thường của bánh nhau, dây rốn, màng thai, nước ối… có thể được phát hiện qua chẩn đoán tiền sản
Một bào thai không chỉ gồm một sinh linh bé bỏng đang thành hình và lớn lên trong cơ thể mẹ mà còn có rất nhiều phần phụ của thai làm nhiệm vụ bảo vệ, nuôi dưỡng, kết nối đứa bé với mẹ. Bào thai lớn dần, các phần phụ này cũng phát triển. Tuy nhiên, không phải chặng đường nào cũng “thuận buồm xuôi gió”, một số thai phụ sẽ phải đối mặt với những bất thường ở phần phụ của thai nảy sinh trong quá trình phát triển ấy.
Nguy cho cả mẹ lẫn con
Theo bác sĩ (BS) Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TPHCM, phần phụ của thai bao gồm: bánh nhau là cơ quan trao đổi, chuyển hóa chất dinh dưỡng giữa mẹ và con; màng thai là màng bọc có chức năng bảo vệ thai nhi tuyệt đối vô trùng; nước ối là môi trường bảo vệ an toàn cho thai nhi, tránh các tác động cơ học; dây rốn là mô đặc biệt nối từ rốn em bé tới bánh nhau. Những bất thường ở phần phụ khá đa dạng như bánh nhau bám sai chỗ (nhau bám thấp, nhau tiền đạo); nhau bám diện rộng (hay gặp trong đa thai); nhau cài răng lược (bám và ăn sâu vào cổ tử cung); bánh nhau thoái hóa sớm; bất thường về số lượng ối (đa ối, thiểu ối); vỡ ối non, vỡ ối sớm; dây rốn có cấu trúc bất thường hoặc bị xoắn, tắc gút, quấn cổ thai nhi…
Thai phụ cần được khám thai định kỳ
TS-BS Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng Khoa Sản A Bệnh viện (BV) Từ Dũ, cho biết trong các bất thường kể trên, bất thường nào cũng có thể nguy hại cho mẹ và thai nhi. Ví dụ như nhau tiền đạo có thể làm ra huyết bất kỳ thời điểm nào trong 3 tháng cuối thai kỳ, nếu ra huyết nhiều cần phải mổ lấy thai ngay cho dù còn non tháng. Nhau tiền đạo có thể khiến sản phụ phải mất máu nhiều, thậm chí có trường hợp phải cắt tử cung; đứa trẻ có nguy cơ bị non tháng, khó nuôi. Thiểu ối có thể gây ép rốn, suy thai cấp, thai suy dinh dưỡng, tăng tỉ lệ mổ lấy thai. Nếu thiểu ối xuất hiện sớm ở 3 tháng giữa thai kỳ có thể gây bất thường thai như cứng khớp, tay chân khoèo, giảm sản phổi…
“Đáng chú ý nhất là nhau cài răng lược, một biến chứng nặng nề trong sản khoa gây nguy hiểm cho tính mạng mẹ. Chảy máu ồ ạt tại thời điểm cố gắng bóc nhau (trong cuộc sinh) có thể gây một số bệnh cảnh như đông máu nội mạc lan tỏa, suy thận cấp…, thậm chí tử vong. Nhau cài răng lược là nguyên nhân thường gặp nhất của cắt tử cung chu sản. Nó cũng xâm lấn bàng quang gây tiểu máu, có thể phải tổn thương niệu quản - bàng quang trong lúc mổ. Cuộc mổ sinh cho sản phụ bị nhau cài răng lược thường kéo dài, phải tập trung nhiều chuyên khoa như gây mê hồi sức, huyết học, xét nghiệm, nhi sơ sinh, mạch máu, niệu, sản khoa. Đứa bé thường non tháng, khó nuôi sống” - BS Hà nhấn mạnh.
BS Thông lưu ý các bất thường chủ yếu ảnh hưởng đến thai như bánh nhau bị thoái hóa sớm, dây rốn bị xoắn, tắc gút… có thể làm suy thai vì em bé không được cung cấp đủ dinh dưỡng; dây rốn quá dài dễ làm sa dây rốn và làm em bé tử vong trong lúc sinh nếu không được xử lý đúng; vỡ ối non, vỡ ối sớm gây nhiễm trùng nếu không kịp thời đưa em bé ra…
Cần chuẩn bị cho cuộc sinh
BS Thông cho biết các bất thường trên phần phụ thường có thể được phát hiện qua chẩn đoán tiền sản, như đánh giá độ trưởng thành, vị trí bám, diện bám của bánh nhau; tầm soát tình trạng dây rốn qua hình ảnh siêu âm; tầm soát lượng nước ối. Có những trường hợp chưa hẳn đã là bất thường nhưng nằm gần “vùng nguy hiểm” như dây rốn nằm gần cổ, bánh nhau có vẻ bám hơi thấp… thì BS cũng cảnh báo bệnh nhân để có sự chuẩn bị trước. Thai phụ gặp các bất thường này nên được thăm khám và sinh ở các cơ sở y tế, BV tuyến trên, có đầy đủ điều kiện để xử lý tai biến.
BS Hà khuyến cáo: “Tùy vào bất thường phần phụ nào và mức độ nào mà sự chuẩn bị khác nhau. Ví dụ như thiểu ối thì cần theo dõi sát cử động thai; tăng cường dinh dưỡng, nghỉ ngơi; uống nhiều nước (khoảng 3 - 4 lít/ngày)… Bị nhau tiền đạo thì phải nghỉ ngơi, kiêng giao hợp, theo dõi thai máy, huyết âm đạo; nếu có ra huyết thì cần vào BV ngay, nếu không ra huyết thì nhập viện khi thai được 37 tuần và chuẩn bị cho cuộc mổ lấy thai. Bị nhau cài răng lược thì phải chuẩn bị hỗ trợ phổi thai (lúc 28-34 tuần); nhập viện sớm ở tuổi thai 33-34 tuần; lưu ý các dấu hiệu ra huyết âm đạo, thai máy, đau bụng; ăn uống bồi bổ để có sức khỏe và chuẩn bị tâm lý cho cuộc mổ sinh phức tạp. Ngoài ra, khi phát hiện bất cứ dạng bất thường nào của nhau và ối, thai phụ cần khám thai theo lịch của BS để thai kỳ được theo dõi chặt chẽ hơn.
Vỡ ối, phải vào viện ngay Các BS lưu ý rằng khi phát hiện vỡ ối (nước ối trong, không màu, loãng nhiều hoặc rỉ rả ra ngả âm đạo), thai phụ cần nhập viện ngay bởi vỡ ối non, vỡ ối sớm có thể dẫn đến suy thai, ngạt sau sinh, nhiễm trùng thai, mẹ bị nhiễm trùng hậu sản… “Vỡ ối non, vỡ ối sớm có thể do các yếu tố ngăn cản bình chỉnh ngôi thai, các yếu tố sinh lý tác động lên nước ối, thay đổi cấu trúc màng ối, tình trạng bất thường gây căng tử cung hay không căng tử cung và cũng có thể có nguyên nhân từ tác động bên ngoài như thủ thuật của thầy thuốc, sang chấn do tai nạn, chấn động; một số trường hợp không rõ nguyên nhân” - TS-BS Lê Thị Thu Hà cho biết. |
Nguồn: Báo Người Lao Động
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...