Trẻ được bú mẹ hoàn toàn có nguy cơ tử vong sơ sinh thấp hơn so với bé được bú một phần, nhờ giảm tỷ lệ tử vong từ các bệnh nhiễm khuẩn. Thực tế này thấy rõ nhất ở những trẻ chỉ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu.
Hai nghiên cứu đánh giá mối quan hệ giữa thời điểm bắt đầu cho bú mẹ và tử vong sơ sinh được công bố gần đây là nghiên cứu tiến hành ở vùng nông thôn Ghana do Trường Vệ sinh và Bệnh nhiệt đới London hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Y tế Kintampo của Ghana tổ chức. Nghiên cứu còn lại ở miền nam Nepal của trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg và Dự án Can thiệp Dinh dưỡng Nepal, Sarlahi (NNIPS) phối hợp thực hiện.
Các nghiên cứu đã chỉ ra trẻ được bắt đầu cho bú mẹ muộn thì nguy cơ tử vong cao hơn. Trẻ được bắt đầu cho bú mẹ sau 24 giờ đầu sau khi sinh có nguy cơ tử vong cao gấp 2,4 lần ở Ghana và gấp 1,4 lần ở Nepal so với trẻ được cho bú mẹ trước 24 giờ. Tác giả của nghiên cứu ở Ghana đã ước tính rằng có thể ngăn chặn 16% tử vong sơ sinh nếu tất cả trẻ sinh ra đều được bắt đầu cho bú mẹ trong ngày đầu tiên sau sinh và ngăn chặn được 22% nếu bú mẹ trong vòng một giờ đầu sau sinh. Tác giả của nghiên cứu ở Nepal đã ước tính rằng việc bắt đầu cho bú mẹ trong vòng một giờ đầu sau sinh có thể ngăn chặn 19% tỷ lệ tử vong sơ sinh.
Việc cho bú mẹ sớm trong vòng một giờ đầu sau sinh có thể giúp ngăn chặn tử vong sơ sinh do các bệnh nhiễm khuẩn như nhiễm trùng máu, viêm phổi và tiêu chảy gây ra, đồng thời ngăn chặn các trường hợp tử vong khác liên quan đến hạ thân nhiệt thông qua cung cấp cho trẻ các yếu tố miễn dịch trong sữa non. Việc bắt đầu cho bú ngay sau sinh đảm bảo cho trẻ sơ sinh nhận được những giọt sữa đầu tiên (sữa non) - cũng chính là "liều vắc-xin" đầu tiên cho trẻ. Sữa non bảo vệ trẻ khỏi bệnh tật bằng cách cung cấp các yếu tố miễn dịch cũng như các chất kháng viêm và diệt khuẩn. Ngoài ra, nó còn bảo vệ trẻ tránh tiếp xúc với các mầm bệnh nhiễm khuẩn.
Việc cho bú mẹ sớm và hoàn toàn giúp trẻ tránh ăn phải các chất gây bệnh nhiễm khuẩn làm tổn thương dạ dày và ruột. Các đồ ăn thức uống cho trẻ ăn trước khi bú mẹ như nước, các chất lỏng khác hoặc thức ăn được quan niệm tốt cho trẻ có thể là nguồn gây bệnh nhiễm khuẩn. Pha sữa bột với nước không sạch cho trẻ uống làm cho trẻ có nguy cơ mắc các bệnh nhiễm khuẩn cao. Sữa bột cũng có thể chứa các vi sinh vật có khả năng xâm nhập vào cơ thể gây ra nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh.
Ngoài ra, việc cho bú sớm cung cấp cho trẻ các chất dinh dưỡng giúp thúc đẩy sự hoàn thiện của ruột và hệ thống miễn dịch của trẻ, bảo vệ trẻ khỏi các tác nhân gây bệnh. Quá trình kích thích ruột non là đặc biệt cần thiết đối với trẻ đẻ thiếu tháng. Nghiên cứu chỉ ra rằng việc cho trẻ ăn các protein từ sữa không phải là sữa mẹ có thể ảnh hưởng đến quá trình quan trọng này.
Trẻ được bú mẹ sớm và thường xuyên, cùng với việc tiếp xúc da kề da với mẹ, giúp giữ ấm cho trẻ và chống lại bệnh tật, tử vong liên quan đến hạ thân nhiệt. Trẻ sơ sinh có nguy cơ cao bị hạ thân nhiệt đặc biệt trong 12 giờ đầu sau sinh, nguyên nhân chủ yếu là do mất nhiệt khi nước ối bay hơi ngay sau khi sinh. Bị nhiễm lạnh và hạ thân nhiệt được biết đến như một yếu tố nguy cơ đối với bệnh tật và tử vong sơ sinh, bao gồm tăng nguy cơ viêm phổi và nhiễm trùng máu ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ.
Đặc biệt, cho bé bú mẹ sớm có liên quan đến thành công của việc bắt đầu và duy trì nuôi con bằng sữa mẹ, góp phần giảm nguy cơ tử vong của trẻ trong giai đoạn những ngày đầu sau sinh.
Nguồn: Báo vnexpress
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...