Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 09-09-2021 6:21pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Phạm Ngọc Đan Thanh
IVFMD-AS, Bệnh viện An Sinh

Kể từ tháng 12/2019, thế giới ghi nhận sự xuất hiện một loại virus hoàn toàn mới tại Vũ Hán, Trung Quốc. Đại dịch COVID-19 do SARS-CoV-2 – một virus gây ra suy hô hấp cấp tính, với tốc độ lây lan cực nhanh, đã dần lan rộng khắp thế giới. Trong bối cảnh này, nhóm sản phụ được đưa vào nhóm nguy cơ cao, do phụ nữ khi mang thai thường dễ bị nhiễm trùng đường hô hấp hơn. Nguyên nhân do quá trình mang thai sẽ thay đổi sinh lý hệ miễn dịch, hệ tuần hoàn và hô hấp, do đó sản phụ khi nhiễm bệnh thường sẽ nặng hơn bình thường. Sản phụ khi mắc COVID-19 dẫn đến suy hô hấp dễ gây thiếu oxy ở bào thai, có thể gây tình trạng thai lưu, sinh non. Ngoài ra, những sản phụ đã có sẵn bệnh nền như tăng huyết áp, đái tháo đường hay thừa cân quá mức khi mắc COVID-19 thì bệnh càng tiến triển nặng hơn.
 
Một số nghiên cứu đã báo cáo tỉ lệ sinh non và mổ lấy thai cao hơn ở nhóm sản phụ nhiễm SARS-CoV-2 – suy hô hấp cấp tính nặng. Tuy nhiên, các nghiên cứu không đủ cỡ mẫu cần thiết để đánh giá các kết quả không phổ biến như thai lưu (thai chết lưu ≥ 24 tuần). Theo Hệ thống Giám sát Sản khoa Vương quốc Anh báo cáo, có 3 ca thai chết lưu trên tổng số 247 ca mang thai nhiễm SARS-CoV-2 (3/247=1,21%) so với 4-5 ca trên tổng 1000 ca mang thai trước đây (5/1000=0,5%) (2019). Trong thời kỳ đại dịch, dường như có sự gia tăng trong tỉ lệ thai chết lưu và sinh non.
 
Mục đích
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá sự thay đổi về tỉ lệ thai chết lưu và sinh non trong thời kỳ đại dịch bùng phát tại Anh.
 
Thiết kế nghiên cứu
Nhóm tác giả so sánh kết quả mang thai ở hai bệnh viện tại Luân Đôn (Anh) trong hai giai đoạn từ 1/10/2019 đến 31/1/2020 (trước khi ghi nhận trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 đầu tiên tại Vương quốc Anh) và từ 1/2/2020 đến 14/6/2020 (thời kỳ bùng dịch tại Anh). Các kết cục được ghi nhận là thai chết lưu, sinh non, mổ lấy thai. Nhóm tác giả phân tích tất cả trường hợp thai chết lưu và loại bỏ trường hợp chấm dứt thai kỳ muộn vì bất thường của thai nhi, vì tại Anh, thai chết lưu bao gồm chấm dứt thai kỳ muộn ≥ 24 tuần.
 
Kết quả
Có tất cả 1681 ca sinh (1631 ca sinh một và 22 ca sinh đôi, 2 ca sinh 3) trong thời kỳ trước dịch và 1718 ca sinh (1666 ca sinh một, 26 ca sinh đôi) trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Kết quả cho thấy, trong giai đoạn dịch bệnh xảy ra có ít phụ nữ chưa sinh con (45,6% so với 52,2%, p<0,001), và ít phụ nữ cao huyết áp hơn trước khi dịch bệnh xảy ra (3,7% so với 5,7%, p=0,005). Đặc điểm nền của bệnh nhân không có sự khác biệt nào có ý nghĩa thống kê. Tỉ lệ thai chết lưu trong thời kỳ dịch bệnh cao hơn đáng kể, có ý nghĩa thống kê (n=16[9,31/1000 ca sinh ra]) so với trước khi dịch bệnh xảy ra (n=4 [2,38/1000 ca sinh ra, p=0,01]) (chênh lệch 6,93 trên 1000 ca sinh [95% CI, 1,83-12,0]; p = 0,01). Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về số trẻ sinh trước 37 tuần thai, sinh sau 34 tuần thai hay sinh mổ. Trong thời kỳ đại dịch, 19 sản phụ mắc COVID-19 phải nhập viện. Không có thai phụ nào bị thai lưu có triệu chứng của COVID-19.
 
Thảo luận
Nghiên cứu cho thấy tỉ lệ thai chết lưu tăng lên trong thời kỳ đại dịch bùng phát, việc nhiễm SARS-CoV-2 có thể là yếu tố tác động trực tiếp. Mặc dù không có ghi nhận trường hợp thai chết lưu do sản phụ nhiễm SARS-CoV-2, nhưng các nghiên cứu chỉ ra 90% trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 không có triệu chứng. Do đó, việc gia tăng tỉ lệ thai chết lưu có thể do tác động gián tiếp đến sản phụ như tâm lý sợ hãi, thiếu thốn không gian tự do và khó khăn khi đến bệnh viện thăm khám theo dõi.
 
Cùng với những khuyến nghị về giãn cách xã hội thực hiện tại Anh như đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ và hạn chế các gia đình tụ tập, sự căng thẳng về nguy cơ nhiễm bệnh và tâm lý không biết trước điều gì có thể xảy ra với bản thân và gia đình dẫn đến tâm lý bất lực và bối rối. Lâu dài gây tổn hại tinh thần nặng nề. Ngoài ra, trong giai đoạn mang thai, sản phụ đặc biệt trở nên nhạy cảm và dễ xúc động. Bên cạnh đó, những thay đổi trong dịch vụ sản khoa như thiếu nhân viên y tế, giảm số lần siêu âm, khám thai do tình hình đại dịch có thể đóng vai trò thứ yếu. Tỉ lệ phụ nữ tăng huyết áp trong thai kỳ chưa được chuẩn đoán trong thời kỳ đại dịch do sản phụ ít đi khám thai trực tiếp hơn.
 
Nghiên cứu vẫn còn hạn chế như đây là nghiên cứu hồi cứu, cỡ mẫu còn ít, thời gian theo dõi còn ngắn và thiếu thông tin về nguyên nhân chết lưu.
 
Chăm sóc sức khoẻ tinh thần là điều cần thiết với tất cả mọi người, đặc biệt đối với sản phụ rất nhạy cảm với sự thay đổi xung quanh. Một số hoạt động có thể giúp cải thiện, như:
o   Trò chuyện và gọi điện thoại thăm hỏi người thân
o   Thiết lập một thói quen phù hợp tình huống hiện tại
o   Tập thể dục, đặc biệt với sản phụ có những bài tập nhẹ nhàng phù hợp giúp cải thiện tinh thần và sức khoẻ.
o   Nhận thông tin có chọn lọc, hạn chế những tin tức tiêu cực.
o   Thông báo với trung tâm y tế hoặc các đường dây nóng khi cảm thấy không ổn.   
 
Kết luận
Dường như có sự gia tăng tỉ lệ thai chết lưu và sinh non trong thời kỳ đại dịch COVID-19 bùng phát, đặc biệt tại Anh. Mặc dù chưa ghi nhận trường hợp thai chết lưu hay sinh non ở sản phụ nhiễm COVID-19, nhưng những tác động gián tiếp như tâm lý sợ hãi, không gian sống ngột ngạt, tù túng và sự thiếu hụt nhân viên y tế có thể tác động tiêu cực làm gia tăng tỉ lệ thai chết lưu và sinh non tại Anh. Nhà nước và người dân cần chủ động có những hoạt động bảo vệ sức khoẻ tâm thần của chính bản thân, gia đình và đặc biệt là đối tượng phụ nữ mang thai trong đại dịch COVID-19 như hiện nay.
 
 
Nguồn: KHALIL, Asma, et al. Change in the incidence of stillbirth and preterm delivery during the COVID-19 pandemic. Jama, 2020, 324.7: 705-706.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK