Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 20-07-2021 9:32am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
BS. Phan Thị Thanh Thảo - BV Đại học Y dược Buôn Ma Thuột

Chuyển phôi trữ hiện nay đang được ứng dụng phổ biến trong kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm do kỹ thuật trữ - rã đông phôi đã có nhiều tiến bộ vượt bậc. Có nhiều phương pháp để chuẩn bị nội mạc tử cung (CBNMTC) để chuyển phôi trữ (CPT) như phác đồ chu kỳ tự nhiên (CKTN), chu kỳ tự nhiên cải biên, sử dụng steroid ngoại sinh, kích thích nhẹ buồng trứng. Trong phác đồ CBNMTC để CPT sử dụng steroid ngoại sinh, nghiên cứu của tác giả Dougherty và cộng sự (2017) cho thấy, thời gian tối thiểu để NMTC tiếp xúc với estradiol trong pha nang noãn cần thiết là 9 ngày. Đối với phác đồ sử dụng CKTN, một số bệnh nhân có đặc điểm pha nang noãn ngắn, thời gian đạt đỉnh LH sớm. Tình huống này tạo ra những lo ngại về việc giảm tỷ lệ thành công sau chuyển phôi trữ. Để giải đáp thắc mắc trên, gần đây, nhóm tác giả Romanski và cộng sự (2021)đã tiến hành nghiên cứu tìm hiểu về ảnh hưởng của estradiol trong quá trình CBNMTC chuyển phôi trữ phác đồ CKTN.

Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu trên nhóm bệnh nhân chuyển phôi trữ chu kỳ đầu tiên với phôi ngày 5, tại Đơn vị hỗ trợ sinh sản Perelman và Claudia Cohen, Đại học y khoa Weill Cornell, từ năm 2013 đến 2018, không bao gồm chu kỳ xin noãn và mang thai hộ. Nghiên cứu so sánh tỷ lệ β-hCG dương tính và tỷ lệ trẻ sinh sống theo thời gian pha nang noãn tiếp xúc với estradiol nồng độ cao. Bệnh nhân được phân thành 2 nhóm, dựa trên thời gian kể từ khi estradiol đạt ngưỡng trên 100pg/ml đến khi đạt đỉnh LH. Theo đó, nhóm I có thời gian ≤ 4 ngày (n= 1052 bệnh nhân) và nhóm II có thời gian > 4 ngày (n= 839 bệnh nhân). Tương tự bệnh nhân cũng được chia làm 2 nhóm dựa trên độ dài pha nang noãn, trong đó, nhóm 1 có pha nang noãn ≤ 15 ngày (n= 1287 bệnh nhân), nhóm 2 có pha nang noãn > 15 ngày (n= 1071 bệnh nhân). Phân tích dưới nhóm cũng được thực hiện cho nhóm bệnh nhân chuyển phôi có xét nghiệm di truyền tiền làm tổ (PGT-A).



Kết quả nghiên cứu cho thấy, xét trên phương diện thời gian NMTC tiếp xúc với nồng độ estradiol >100pg/ml đến khi đạt đỉnh LH, tỷ lệ β-hCG dương tính và tỷ lệ ở nhóm I (thời gian ≤ 4 ngày) thấp hơn (65.6%) so với nhóm II ((70.9%; OR 1.30 (KTC 95% 1.06-1.58)). Tỷ lệ trẻ sinh sống mỗi chu kỳ chuyển phôi cũng thấp hơn đáng kể ở nhóm I (46.6%) so với nhóm II (52%; OR 1.23 (KTC 95% 1.02-1.48)). So sánh trên phương diện độ dài pha nang noãn, tỷ lệ β-hCG dương tính giữa nhóm có độ dài pha nang noãn ≤ 15 ngày và > 15 ngày là tương đương nhau (65.4% so với 69% (OR: 1.12; KTC 95% 0.94-1.33)). Tỷ lệ trẻ sinh sống không có sự khác biệt giữa 2 nhóm (45.5% so với 51.5%; OR 1.14 (KTC 95% 0.96–1.35)). Kết quả cũng tương tự đối với nhóm chuyển đơn phôi và nhóm chuyển phôi PGT-A.

Như vậy, theo nghiên cứu này, trong chu kỳ tự nhiên khoảng thời gian khi estradiol > 100 pg/ml đến khi xuất hiện đỉnh LH ≤ 4 ngày, tỷ lệ β- hCG dương tính và tỷ lệ trẻ sinh sống giảm. Trong khi đó tổng độ dài pha nang noãn không ảnh hưởng đến kết cục điều trị thụ tinh trong ống nghiệm.

Trong quá trình biến đổi của nội mạc tử cung, estradiol là nội tiết tố chính tác động đến sự tăng sinh nội mạc tử cung trong pha nang noãn, với các thụ thể ở hệ thống biểu mô, lớp đệm và tế bào cơ trơn tử cung. Thụ thể estradiol gắn tại các vị trí kiểm soát sự tăng sinh biểu mô và biểu hiện của thụ thể progesterone, là hai quá trình quan trọng để chuẩn bị nội mạc tử cung cho pha hoàng thể và khả năng làm tổ của phôi. Trước đây nghiên cứu của Key và Pike (1988) cho thấy nồng độ estradiol ở mức 50 - 100 pg/ml sẽ khởi động quá trình tác động của estradiol. Điều này cũng phù hợp với giả thuyết ngưỡng estradiol cần duy trì trong một khoảng thời gian nhất định, đủ để nội mạc tử cung tăng sinh và tổng hợp đủ thụ thể progesterone, sẵn sàng tiếp nhận progesterone giai đoạn hoàng thể. Tuy nhiên sự tiếp nhận của nội mạc tử cung còn phụ thuộc vào mỗi cá thể, các yếu tố di truyền và thượng di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong đáp ứng của nội mạc tử cung khi tiếp xúc với estradiol pha nang noãn.

Ưu điểm của nghiên cứu:
Nghiên cứu thực hiện đối chứng với nhóm chuyển đơn phôi và nhóm chuyển phôi PGT-A, để loại trừ các yếu tố gây nhiễu liên quan đến chất lượng phôi, tăng thêm độ tin cậy của kết quả. Bên cạnh đó, bệnh nhân được quản lý với đa dạng phác đồ kích thích buồng trứng và trưởng thành noãn được tiêu chuẩn hóa, tăng thêm giá trị ứng dụng khi so sánh với một nghiên cứu chỉ đánh giá với một phác đồ cụ thể.

Nhược điểm của nghiên cứu:
Thứ nhất, thiết kế nghiên cứu hồi cứu có thể phụ thuộc vào sự chênh lệch có thể có trong lựa chọn phác đồ chuẩn bị nội mạc cho bệnh nhân bằng chu kỳ tự nhiên với chu kỳ chuyển phôi tươi và chuyển phôi trữ chu kỳ bổ sung nội tiết ngoại sinh. Thứ hai, nghiên cứu chỉ thực hiện trên bệnh nhân chuyển phôi ngày 5, vì vậy kết quả nghiên cứu không được chứng minh liệu có tương tự khi chuyển phôi ngày 3 hay không.

Kết luận
Như vậy, trên lâm sàng có thể ứng dụng nghiên cứu xem xét khoảng thời gian từ khi nang noãn tiết estradiol đạt nồng độ > 100 pg/ml đến khi xuất hiện đỉnh LH, nhằm đưa ra quyết định có thể tiếp tục điều trị hay hủy chu kỳ. Nghiên cứu cung cấp thông tin để bác sĩ điều trị có thể tư vấn cho bệnh nhân về những thất bại điều trị trước, cũng như ứng dụng khi chuyển phôi trữ phác đồ CKTN để tối ưu hóa tỷ lệ chuyển phôi thành công.
 
Lược dịch từ :
Romanski, Phillip A., Pietro Bortoletto, Yung-Liang Liu, Pak H. Chung, and Zev Rosenwaks. 2021. “Length of Estradiol Exposure >100 pg/ml in the Follicular Phase Affects Pregnancy Outcomes in Natural Frozen Embryo Transfer Cycles.” Human Reproduction 36(7):1932–40. doi: 10.1093/humrep/deab111.
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK