Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Friday 09-11-2007 10:49pm
Viết bởi: Administrator

voitrungvabuongtrung

 

BS. Hồ Mạnh Tường

 


Mở đầu

Nội soi chẩn đoán hiện nay được xem là phương pháp chẩn đoán chính xác nhất tổn thương vòi trứng ở bệnh nhân vô sinh. Kết quả chẩn đoán nội soi được xem là tiêu chuẩn vàng để đánh giá các kỹ thuật chẩn đoán vô sinh do tổn thương vòi trứng: HSG, siêu âm, kháng thể kháng Chlamydia,…

Để chẩn đoán tổn thương vòi trứng, HSG thường được chọn là biện pháp đầu tay. Tuy nhiên độ chính xác của HSG trong chẩn đoán sự thông thương của vòi trứng vẫn còn được bàn cãi. Gần đây, xét nghiệm miễn dịch tìm kháng thể kháng Chlamydia bắt đầu được sử dụng rộng rãi để góp phần đánh giá tổn thương vòi trứng.

Phương pháp

Đây là một nghiên cứu hồi cứu, mô tả kết quả nội soi chẩn đoán của các trường hợp vô sinh có HSG bất thường, trong đó có tham khảo kết quả định lượng kháng thể kháng Chlamydia.

Các trường hợp bệnh nhân đến khám tại Phòng khám Hiếm muộn, Bệnh viện Từ Dũ từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2005 có kết quả HSG bất thường và có kết quả nội soi chẩn đoán sau đó được nhận vào nghiên cứu. Chúng tôi tham khảo hồ sơ các trường hợp và ghi nhận các dữ liệu liên quan. Chúng tôi sử dụng phần mềm SPSS để xử lý và mô tả số liệu.

Kết quả

Tổng cộng có 180 trường hợp được nhận vào nghiên cứu. Có 112 trường hợp là vô sinh nguyên phát (62,2%); Tuổi trung bình là 28,9 (min:20; max:40). 178 trường hợp có mật độ tinh trùng bình thường. Có 12 trường hợp có tiền căn phẫu thuật vùng bụng trước đây.

Trong 180 trường hợp có HSG bất thường, khi nội soi chỉ phát hiện có tổn thương thật sự ở ít nhất 1 vòi trứng trong 92 trường hợp (51,8%). Như vậy, tỉ lệ dương tính giả của HSG khi chẩn đoán tổn thương vòi trứng lên đến gần ½ (48,9%).

Bảng 1. Mô tả các dạng tổn thương ống dẫn trứng phát hiện qua nội soi

 

Tổn thương

Số trường hợp

Tỉ lệ

Tắc ODT 1 bên

37

40,2%

Tắc ODT 2 bên

38

41,3%

Ứ dịch ODT 1 bên

10

10,9%

Ứ dịch ODT  bên

6

6,5%

Có dính

35

42,4%

(Một số trường hợp có tổn thương phối hợp)

Trong mẫu nghiên cứu (N=180), có 165 trường hợp có kết quả kháng thể kháng Chlamydia (KTC) trong máu. Trong đó, có 125 trường hợp kết quả âm tính và 40 trường hợp kết quả dương tính.

Bảng 2. Tương quan giữa kết quả KTC và kết quả nội soi vòi trứng trên bệnh nhân HSG bất thường (p<0,01)

 

KTC (+)

KTC (-)

Tổng

Nội soi ODT có tắc vòi t

29 (72,5%)

57 (45,5%)

86 (52,1%)

Nội soi ODT bình thường

11 (27,5%)

68 (54,4%)

79 (47,9%)

Tổng

40 (100%)

125 (100%)

165 (100%)

Nếu HSG bất thường và KTC âm tính, chỉ có 45,5% trường hợp là có tắc vòi trứng thật sự qua nội soi. Trong khi nếu HSG bất thường và KTC dương tính, thì có tới 72,5% trường hợp  có tắc vòi trứng.

Bảng 3. Tương quan giữa kết quả KTC và kết quả nội soi có tình trạng dính trên bệnh nhân HSG bất thường (p<0,01)

 

KTC (+)

KTC (-)

Tổng

Nội soi có dính

19 (47,5%)

16 (12,8%)

35 (21,2%)

Nội soi không dính

21 (52,5%)

109 (87,2%)

130 (78,8%)

Tổng

40 (100%)

125 (100%)

165 (100%)

Ngoài ra nếu HSG bất thường và KTC (+) thì có đến gần ½ trường hợp có tình trạng dính khi khảo sát vùng chậu qua nội soi. KTC (+) có giá trị tiên lượng có dính ở vùng chậu cao khi khảo sát bằng nội soi.

Kết luận

Kết quả khảo sát trên mẫu nghiên cứu cho thấy HSG không là một phương pháp chính xác trong chẩn đoán sự thông thương của vòi trứng. Nội soi chẩn đoán là một phương pháp cần thiết để xác định tổn thương của vòi trứng khi có nghi ngờ.

Xét nghiệm kháng thể kháng Chlamydia có thể có giá trị trong tiên lượng sự thông thương của vòi trứng và tổn thương dính khi phối hợp với HSG. Do đó, xét nghiệm này có thể có ích cho việc định hướng khảo sát tiếp theo và tư vấn cho bệnh nhân trước khi quyết định thực hiện nội soi chẩn đoán.

Cần tiến hành các nghiên cứu tiền cứu với cỡ mẫu lớn, trong đó sử dụng kết quả nội soi làm tiêu chuẩn đánh giá, để xác định giá trị của các phương pháp chẩn đoán tổn thương vòi trứng.

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK