Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 22-09-2020 2:56pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH. Nguyễn Thị Thu Thảo - IVFMD Bình Dương

Ung thư vú là bệnh lý ác tính được chẩn đoán phổ biến nhất ở phụ nữ. Hàng năm, 180.000 phụ nữ trên thế giới được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú giai đoạn sớm và dưới 40 tuổi. Vì tuổi trẻ là một yếu tố tiên lượng xấu nên hóa trị thường được tư vấn ở nhóm phụ nữ này. Tuy nhiên, hóa trị có thể gây suy buồng trứng sớm, do đó làm giảm khả năng sinh sản. Bên cạnh đó, việc gia tăng tỷ lệ sống sót sau khi chữa trị ung thư vú đã nâng cao tầm quan trọng của vấn đề chất lượng cuộc sống sau này, đặc biệt là khả năng có con trong tương lai. Hiện tại, những bệnh nhân ung thư vú trẻ tuổi được tạo cơ hội xem xét bảo tồn khả năng sinh sản. Trong số các khả năng bảo tồn khả năng sinh sản, đông lạnh phôi hoặc noãn thường được sử dụng nhất. Để tiến hành việc duy trì khả năng sinh sản ngay sau khi chẩn đoán ung thư vú rất phức tạp. Do đó, điều quan trọng là phải tư vấn đầy đủ cho bệnh nhân để tối ưu hóa việc ra quyết định. Do đó, Welle-Butalid và cộng sự tiến hành nghiên cứu đánh giá nhằm phản ánh những vấn đề quan trọng cần được tư vấn cho phụ nữ bị ung thư vú. Những vấn đề bao gồm nguy cơ suy chức năng buồng trứng do hóa trị, tỷ lệ thành công của các thủ thuật bảo tồn khả năng sinh sản hiện đang sử dụng, sự an toàn của quy trình bảo tồn khả năng sinh sản, sự an toàn của thai kỳ sau khi chữa trị ung thư vú và tác động của sự hiện diện đột biến ở một trong những gen có khuynh hướng ung thư vú di truyền trong lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản. Nghiên cứu phản ánh về tất cả vấn đề quan trọng cần được tư vấn để giúp bệnh nhân có cơ hội đưa ra quyết định sáng suốt trước khi bắt đầu điều trị ung thư.

Nghiên cứu thực hiện đánh giá toàn diện dựa trên sự tổng hợp các bài báo về ung thư vú ở phụ nữ trẻ, nguy cơ vô sinh do hóa trị, kỹ thuật bảo tồn khả năng sinh sản, tác động của khả năng mang đột biến và kết quả mang thai trong tương lai.

Kết quả cho thấy với phụ nữ dưới 40 tuổi, nguy cơ suy chức năng buồng trứng vĩnh viễn do hóa trị liệu là khoảng 20%. Bảo quản lạnh noãn thường được chuộng hơn bảo quản lạnh phôi, do những khó khăn về đạo đức và pháp lý. Tuy nhiên, tuổi càng cao (> 35 tuổi) dự đoán kết quả lâm sàng thấp với những noãn được thủy tinh hóa và đây là một yếu tố cần được xem xét khi tư vấn. Trong những trường hợp bệnh nhân ung thư vú, 23% phụ nữ thực hiện bảo tồn khả năng sinh sản bằng cách bảo quản lạnh noãn hoặc phôi đã quay trở lại để chuyển phôi. Trong số đó, tỉ lệ sinh sống là 40%. Bên cạnh đó, bảo tồn khả năng sinh sản trước khi hóa trị có lẽ an toàn ở những bệnh nhân có khối u âm tính với thụ thể hormone, còn đối với những bệnh nhân có khối u dương tính với thụ thể hormone nên được thực hiện phẫu thuật vú trước. Ngoài ra, việc bảo tồn khả năng sinh sản ở phụ nữ được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú và mang thai sau khi điều trị đều có vẻ an toàn đối với sự sống còn của bệnh nhân ung thư vú, dường như không ảnh hưởng đến nguy cơ tái phát ung thư vú. Bên cạnh việc tư vấn về các lựa chọn bảo tồn khả năng sinh sản, phụ nữ trẻ có khuynh hướng di truyền đối với ung thư vú như đột biến gen BRCA nên được thông báo về khả năng phải thực hiện chẩn đoán di truyền tiền làm tổ - PGD khi thực hiện bảo tồn khả năng sinh sản. Đối với trường hơp này, lời khuyên thực hiện cắt bỏ buồng trứng - ống dẫn trứng nhằm giảm rủi ro cũng nên được tư vấn, và đây cũng có thể là một lý do để thực hiện bảo tồn khả năng sinh sản.

Nghiên cứu cho thấy, phụ nữ bị ung thư vú giai đoạn đầu và mong muốn có con trong tương lai nên được giới thiệu đến một trung tâm chuyên môn về ung thư vú, bảo tồn khả năng sinh sản và di truyền, ngay sau khi được chẩn đoán ung thư vú. Việc chuyển tuyến phải được thực hiện ngay sau khi chẩn đoán ung thư vú sớm và trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về kế hoạch điều trị ung thư.

Nguồn: M. E. (Elena) ter Welle-Butalid (2019), “Counseling young women with early breast cancer on fertility preservation”, Journal of Assisted Reproduction and Genetics, 36, 2593–2604, https://doi.org/10.1007/s10815-019-01615-6.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Stress khi mang thai và thai chết lưu - Ngày đăng: 27-03-2021
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK