Mới đây, ngôi sao Hollywood lừng danh Michael Douglas 68 tuổi cho rằng ung thư họng giai đoạn 4 của ông là do virút HPV, lây truyền theo kiểu làm tình miệng trong cuộc phỏng vấn của báo Guardian ngày 2.6.2013. Tin giật gân hơn cả chuyện Angelina Jolie tung hê việc cho nạo cả hai vú để tránh nguy cơ ung thư vì mang gen BRCA1.
Quả thật bệnh nhiễm gây ra ung thư. Ước tính khoảng 20% gánh nặng ung thư toàn cầu do bệnh nhiễm. Một con vi khuẩn Helicobacter Pylori gây ung thư bao tử, ba con virút gồm HPV gây ung thư cổ tử cung, HBV và HCV gây ung thư gan. Bè lũ bốn tên này gây 15% các ung thư của loài người.
Virút HPV, hành tung kỳ lạ
Không phải trời kêu. Năm 1983, Harald zur Hausen chỉ ra virút HPV-16 rồi HPV-18 là thủ phạm gây khoảng 70% ung thư cổ tử cung. Rõ rồi, do quan hệ tình dục, không phải trời kêu. Zur Hausen nhận giải Nobel Y học năm 2008. HPV đi từ người này sang người khác trong cuộc ái ân. Virút lây nhiễm khi làm tình ngả âm đạo. Nhiễm virút dẫn đến ung thư cần 20 – 30 năm. Hai vắcxin Gardasil và Cervarix ngừa được 70% các ung thư cổ tử cung do HPV-16 – 18 gây ra, vậy còn 30% lọt lưới. Tuổi quy định tiêm vắcxin tại các nước Âu Mỹ là 9 đến 26 tuổi, chưa có quan hệ tình dục. Hy vọng là vắcxin gây miễn dịch lâu dài, nhưng phải chờ thời gian. Dẫu có tiêm vắcxin đúng cách đúng liều, phụ nữ đã quan hệ tình dục vẫn phải khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm Pap. HPV còn gây ung thư âm hộ, âm đạo và hậu môn ở phụ nữ; ung thư dương vật và hậu môn ở đàn ông. Ở những người đồng tính nam, HPV-16 tăng nguy cơ ung thư hậu môn.
Chuyện cắc cớ. Làm tình miệng có thể đem virút từ hệ sinh dục vào họng. Các nhà khoa học mới tìm thấy HPV-16 là thủ phạm các ung thư vùng miệng họng. Ở Hoa Kỳ, có 14.000 ca ung thư họng mới hàng năm, khoảng 70% dính líu tới virút HPV-16. Chắc Michael Douglas đã nghe chuyện này. Nhớ lại trước đây Lula da Silva nguyên tổng thống xứ Brazil bị ung thư thanh quản, đã được điều trị hiệu quả. Ông xác nhận là hút thuốc quá trời. Còn Michael cũng nhiều rượu nhiều thuốc, nhưng hy vọng bị nhiễm HPV dễ trị hơn. Ôi! Đã gộp cả hai thú vui mà còn dễ ngươi.
Hai sát thủ âm thầm mà tàn độc
Hai virút viêm gan B (HBV) và viêm gan C (HCV) rõ là thủ phạm gây ung thư gan. Không ít người thấy khoẻ sơn sởn mà khám sức khoẻ định kỳ phát hiện ung thư gan. Như là trên trời rơi xuống. Khi bác sĩ hỏi mới nhớ lại mình có bị viêm gan B mà điều trị lơ mơ. Truyền người sang người, hoặc lây qua máu nhiễm, nhiễm qua tiêm chích, quan hệ tình dục, con sinh ra từ mẹ nhiễm. Âm thầm tấn công các tế bào gan, làm ra xơ gan, ung thư gan. HBV (virút DNA) thường gây triệu chứng hơn như cảm cúm và vàng da, hồi phục trong vòng vài tháng. Một số nhỏ mang HBV mạn tính có nguy cơ cao ung thư gan. HCV (virút RNA) mới được biết gần đây (1989), tên tương tự nhưng khác hẳn HBV, lại cùng sở thích là ưa các tế bào gan, gây viêm, dẫn đến xơ gan, có thể lặn mất không để tác hại. Khoảng ba trong bốn người nhiễm có gan xơ trong vài mươi năm.
Các nguyên nhân khác liên thủ gồm rượu, thuốc lá, aflatoxin. Độc tố aflatoxin, do nấm mốc ở bắp, đậu phộng, lúa gạo và lúa mì, có thể dẫn tới ung thư gan. HBV liên thủ với aflatoxin vùi dập lá gan, gây ung thư gan 60 lần cao hơn HBV riêng lẻ. Bị nhiễm HCV mà uống rượu, xơ gan và ung thư bùng lên như đổ dầu vào lửa.
Đại dịch ung thư gan ở nước ta. Những nơi nào viêm gan mạn do HBV và HCV hoành hành cũng là những nơi có xuất độ ung thư gan cao nhất. Viêm gan mạn gây ra 75 – 85% ung thư gan trên toàn cầu. Nhiễm HBV là đại dịch ở Trung Quốc, ở nước ta và một số nơi khác của châu Á. Phần lớn nhiễm virút từ lúc nhỏ và 8 – 10% dân số trưởng thành bị nhiễm mạn tính. Ở nước ta, ung thư gan là loại thường gặp nhất. Đàn ông mắc nhiều gấp bội phụ nữ. Phải chăng các đấng mày râu thường nhâm nhi với đủ thứ mồi nhậu thức ăn mốc meo… Phải tránh xa HBV/HCV như tránh xa HIV-AIDS. Tránh nhiễm HBV, HCV. Mừng là có vắcxin ngừa HBV, có thuốc trị viêm gan B tốt. Mới có thuốc trị HCV, chưa có vắcxin. Quan hệ tình dục an toàn. Cảnh giác thức ăn mốc meo. Cẩn thận xăm hình da, chân mày; xỏ tai, xỏ mũi đeo bông.
Vi khuẩn sát thủ vốn là bạn thiết
Nhiễm suốt đời, gây viêm loét, có thể gây ung thư. Xoắn khuẩn thường trú trong bao tử phân nửa số người trên trái đất, khoảng 58.000 năm trước. Đúng là bạn thiết của loài người. Thật choáng váng: vi khuẩn gây ung thư! Cơ quan Nghiên cứu ung thư quốc tế xếp vi khuẩn Helicobacter Pylori là tác nhân gây ung thư loại 1, mạnh chẳng khác nhiều hoá chất gây ung thư trong khói thuốc lá. Sống trong bao tử (vùng môn vị) và tá tràng nên có tên là Helicobacter Pylori – xoắn khuẩn môn vị. Dân ở các nước giàu thì ít bị nhiễm hơn là ở các nước nghèo. Ước tính có 50 – 60% các ung thư bao tử trên toàn cầu liên hệ chặt chẽ với H. Pylori. Giải Nobel Y học 2005 vinh danh hai người Úc Barry Marshall và Robin Warren về sự khám phá H. Pylori năm 1984. Có lẽ vi khuẩn này truyền đi thông qua nước bọt hoặc phân người. Khoảng 10 – 20% những người nhiễm khuẩn sẽ bị bệnh loét bao tử, rồi viêm mạn tính, một số ít nặng lên thành viêm bao tử dạng teo, có thể dẫn đến ung thư.
Đã có thuốc trị viêm loét bao tử do nhiễm H. Pylori, hứa hẹn giảm nguy cơ ung thư bao tử. Nghi viêm loét bao tử tá tràng thì nên đi khám. Bác sĩ sẽ cho thử hơi thở hoặc nội soi bao tử. Có xoắn khuẩn bác sĩ cân nhắc điều trị đúng cách. Uống đủ thuốc đúng liều, kết quả tốt. Điều trị kháng khuẩn này cũng làm giảm nhẹ lymphôm MALT, một loại ung thư hạch rất đặc biệt của bao tử do H. Pylori gây ra.
Nhà nước cần phải lưu tâm gấp bội vai trò các bệnh nhiễm để xây dựng các kế hoạch chống ung thư. Nhưng mỗi người phải biết lo cho mình và gia đình. Phải tích cực phòng ngừa, điều trị tốt các bệnh nhiễm này trước khi chúng gây ung thư.
Nguồn: Báo Sài Gòn Tiếp Thị
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...