Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Sunday 03-10-2021 9:28am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
NHS. Trần Thị Hoài Thu, IVFMD TB

“Có thể tồn tại mối liên hệ giữa việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 và sự thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt, tuy nhiên cần nhiều nghiên cứu hơn để xác nhận vấn đề này”. Đây là một tuyên bố của Tiến sĩ Victoria Male, giảng viên về miễn dịch học sinh sản tại Đại học Imperial College London (Imperial College London, ICL), xuất bản trên chuyên mục Editor’s note, tạp chí BMJ số mới nhất tháng 9/2021.
 
Theo báo cáo của cơ quan Quản lý Thuốc và các Sản phẩm Chăm sóc Sức khỏe của Vương quốc Anh (UK’s Medicines and Healthcare Products Regulatory Agency, MHRA), sốt, mệt mỏi và đau cơ, đau cánh tay… là các tác dụng phụ thường gặp khi tiêm vắc xin Covid-19. Những thay đổi về chu kỳ kinh nguyệt và xuất huyết âm đạo bất thường không được liệt kê, mặc dù đây cũng là một triệu chứng thường được ghi nhận ở nhiều phụ nữ sau tiêm chủng. Thật vậy, đã có hơn 30.000 báo cáo về vấn đề này đã được thực hiện cho chương trình giám sát các phản ứng có hại của vaccine tính đến ngày 2 tháng 9 năm 2021 (báo cáo thẻ vàng), trên tất cả các vắc xin Covid-19 hiện tại được cung cấp.
Hầu hết những người báo cáo về sự thay đổi chu kỳ của họ sau khi tiêm chủng đều thấy rằng chu kỳ sau đó trở lại bình thường và quan trọng là không có bằng chứng nào cho thấy tiêm chủng Covid-19 ảnh hưởng xấu đến khả năng sinh sản. Trong các thử nghiệm lâm sàng, các trường hợp mang thai ngoài ý muốn xảy ra với tỷ lệ tương tự ở nhóm tiêm chủng và chưa tiêm chủng. Tại các phòng khám hỗ trợ sinh sản, khảo sát khả năng sinh sản và các báo cáo về tỷ lệ có thai tương tự nhau ở những bệnh nhân đã được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng.
 
MHRA tuyên bố rằng việc đánh giá các báo cáo thẻ vàng không cho thấy mối liên hệ giữa những thay đổi chu kỳ kinh nguyệt và việc tiêm vắc xin Covid-19 vì số lượng người được tiêm chủng và tỷ lệ rối loạn kinh nguyệt nói chung còn thấp. Tuy nhiên, cách thức thu thập dữ liệu thẻ vàng vẫn còn nhiều hạn chế nên khó có thể đưa ra kết luận chắc chắn. Cần có các phương pháp tiếp cận được trang bị tốt hơn để so sánh tỷ lệ thay đổi kinh nguyệt ở quần thể được tiêm chủng và chưa được tiêm chủng. Thực tế, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (US National Institutes of Health, NIH) đã tài trợ 1,67 triệu đô la (tương đương 1,2 triệu bảng Anh; 1,4 triệu euro) để khuyến khích thực hiện những nghiên cứu liên quan đến vấn đề quan trọng này.
 
Những thay đổi về kinh nguyệt đã được báo cáo ở cả hai loại vắc-xin mRNA (ví dụ Pfizer/BioNTech) và adenovirus (ví dụ AstraZeneca/Oxford) cho thấy rằng, mối liên hệ nói trên (nếu có) có thể là kết quả của các phản ứng miễn dịch với vắc-xin hơn là do một thành phần của vắc-xin cụ thể. trường hợp tiêm vắc xin phòng ngừa ung thư cổ tử cung (Human Papillomavirus, HPV) cũng ghi nhận liên quan đến những thay đổi về kinh nguyệt. Có thể thấy rằng, chu kỳ kinh nguyệt có thể bị ảnh hưởng bởi sự kích hoạt miễn dịch để đáp ứng với các kích thích khác nhau, bao gồm cả nhiễm virus. Thật vậy, trong một nghiên cứu trước đây, khoảng 1/4 số phụ nữ nhiễm SARS-CoV-2 có sự gián đoạn kinh nguyệt.
 
Các cơ chế về mặt sinh học giữa kích thích miễn dịch với những thay đổi trong kinh nguyệt bao gồm ảnh hưởng miễn dịch lên các hormone điều hoà chu kỳ kinh nguyệt hoặc các tác động qua trung gian của các tế bào miễn dịch trong niêm mạc tử cung, có liên quan đến sự hình thành và phân hủy theo chu kỳ của mô niêm mạc tử cung. Nghiên cứu khám phá mối liên hệ có thể có giữa vắc xin Covid-19 và sự thay đổi kinh nguyệt cũng có thể giúp chúng ta hiểu rõ hơn các cơ chế này.
 
Mặc dù những báo cáo về sự thay đổi của chu kỳ kinh nguyệt sau khi tiêm chủng chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, nhưng nghiên cứu lớn hơn về phản ứng phụ có thể xảy ra này vẫn rất quan trọng đối với sự thành công chung của chương trình tiêm chủng. Sự chần chừ tiêm vắc-xin ở phụ nữ trẻ phần lớn là do những tuyên bố sai lầm rằng vắc-xin Covid-19 có thể làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản trong tương lai. Việc không điều tra kỹ lưỡng các báo cáo về sự thay đổi kinh nguyệt sau khi tiêm phòng có thể làm tăng thêm những lo ngại này. Do đó, nếu mối liên hệ giữa tiêm phòng và thay đổi kinh nguyệt được xác nhận, thông tin này sẽ cho phép mọi người lập kế hoạch cho các chu kỳ có thể bị thay đổi. Thông tin rõ ràng và đáng tin cậy đặc biệt quan trọng đối với những người dựa vào khả năng dự đoán chu kỳ kinh nguyệt của mình để lên kế hoạch mang thai hoặc tránh thai.
 
Như vậy, trong thời gian chờ đợi những bằng chứng xác thực, ban đầu, đối tượng tiêm chủng nên được khuyến khích báo cáo bất kỳ thay đổi nào về kinh nguyệt hoặc xuất huyết âm đạo bất thường cho cơ quan chức năng. Điều này sẽ cung cấp dữ liệu đầy đủ hơn để tạo điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu và báo hiệu cho đối tượng tiêm chủng rằng mối quan tâm của họ về an toàn vắc xin được coi trọng, tạo dựng niềm tin phía người dân. Đại học Sản phụ khoa Hoàng gia Anh (Royal College of Obstetricians and Gynaecologists) và MHRA khuyến cáo rằng bất kỳ đối tượng nào có sự thay đổi kinh nguyệt kéo dài trong nhiều chu kỳ, hoặc xuất huyết âm đạo mới xuất hiện sau khi mãn kinh, nên được quản lý theo các hướng dẫn lâm sàng đã có trước đây. Đây cũng là một bài học quan trọng đối các can thiệp y tế cộng đồng trong tương lai, về việc dành mối quan tâm nhiều hơn đối với kinh nguyệt của phụ nữ.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO:  
Menstrual changes after covid-19 vaccination. BMJ 2021; 374 doi: https://doi.org/10.1136/bmj.n2211 (Published 16 September 2021)

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK