Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 27-09-2021 10:49am
Viết bởi: ngoc
Danh mục: Tin quốc tế
CNHS Phan Thị Mến - Bệnh viện Mỹ Đức

Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho sự phát triển của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nuôi con bằng sữa mẹ không những tốt cho bé mà còn mang lại nhiều lợi ích cho cả mẹ (giảm nguy cơ băng huyết sau sinh, nhiễm trùng hậu sản, giảm trầm cảm sau sinh, …). Tuy nhiên, trong thời gian bùng phát dịch COVID-19 như hiện nay, nhiều thai phụ và sản phụ đang cho con bú rất lo lắng về việc mình có thể cho con bú hay không nếu không may nhiễm virus SARS-CoV-2? Hay việc mình cho con bú có làm tăng nguy cơ lây nhiễm chéo virus SARS-CoV-2 cho con mình? Ngoài ra, một vấn đề khác cũng được nhiều chị em quan tâm đó là có thể tiếp tục cho con bú sau tiêm ngừa các loại vaccine COVID-19 hay không?

Đầu tiên, các nghiên cứu hiện tại chưa ghi nhận có sự lây truyền virus SARS-CoV-2 qua đường sữa mẹ (WHO, 2021). Mặt khác, kháng thể kháng virus được tìm thấy trong sữa mẹ lại có vai trò rất lớn trong việc tạo ra miễn dịch thụ động cho trẻ ở những tháng đầu đời. Nghiên cứu của Kathryn Grey và cộng sự tại Bệnh viện Brigham ở Boston, Massachesetts cũng ghi nhận những người đang cho con bú tạo ra phản ứng kháng thể mạnh giống như những người không cho con bú (Grey và cs., 2021). Do đó, việc tiêm chủng vaccine COVID-19 không những mang lại hiệu quả bảo vệ cho mẹ, mà còn mang lại hiệu quả bảo vệ cho con. Các khuyến cáo hiện tại từ Tổ chức y tế thế giới (WHO), Hội Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG), Hội Y học mẹ và bào thai (SMFM) và CDC đều cổ vũ người phụ nữ đang cho con bú vẫn có thể tiêm vaccine COVID-19 như bình thường (WHO, 2021; ACOG, 2021; SMFM, 2021; CDC, 2021). Tác dụng ở vaccine COVID-19 là hoàn toàn tương tự như việc phụ nữ mong con và thai phụ được tiêm ngừa các loại vaccine với sởi, quai bị, Rubella hay cúm từ trước tới nay. Gần đây nhất, Bộ Y Tế Việt Nam cũng đã chấp thuận, công bố hướng dẫn khám sàng lọc và tiêm ngừa vaccine COVID-19 cho phụ nữ mang thai trên 13 tuần và phụ nữ đang cho con bú. Các loại vaccine hiện tại ngoại trừ Sputnik V đều có thể sử dụng cho phụ nữ có thai và cho con bú. (Bộ Y tế, 2021).

Tiếp theo, ở trẻ sơ sinh, nguy cơ nhiễm COVID-19 được ghi nhận là thấp. Trong tình huống bị bệnh, các triệu chứng nếu có thường nhẹ hoặc không có triệu chứng. Trong khi đó, những hậu quả của việc trì hoãn nuôi con bằng sữa mẹ lại có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, trao đổi tình cảm, sự giao tiếp và tình yêu thương giữa trẻ và mẹ. Ngoài ra, ở đa số các khu vực trên Thế giới, nguồn lực cho việc cung cấp các chế phẩm thay thế sữa mẹ là không sẵn có, không khả thi hay không được chấp nhận bởi cộng đồng. Do vậy, sau khi cân nhắc giữa nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 và nguy cơ tổn hại lên trẻ, WHO khuyến cáo không nên ngừng cho trẻ bú sữa mẹ ngay cả khi người mẹ được chẩn đoán xác định hoặc nghi ngờ mắc COVID-19. Việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể bắt đầu ngay sau khi sinh. Ngoài ra, người mẹ được chẩn đoán xác định hoặc nghi ngờ mắc COVID-19 vẫn có thể thực hiện da kề da sau sinh và liên tục, kể cả chăm sóc trẻ bằng phương pháp Kangaroo. Điều này giúp kiểm soát thân nhiệt của trẻ, tăng cường sức khỏe cho trẻ và giảm đáng kể tỉ lệ tử vong sơ sinh (WHO, 2021).

Như vậy, chúng ta cần làm gì để đảm bảo đầy đủ hai mục tiêu song song, vừa cho bé bú mẹ và được chăm sóc da kề da, vừa hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo virus. WHO và Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ hiện tại có các hướng dẫn như sau (WHO, 2021; CDC, 2021):
  • Khi người mẹ mắc hoặc nghi mắc COVID-19 cho trẻ bú cần tuân thủ các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch rửa tay có cồn, đặc biệt là trước khi chạm vào trẻ.
  • Đeo khẩu trang bất cứ khi nào tiếp xúc với trẻ, hắt hơi hoặc ho vào khăn giấy và phải thường xuyên làm sạch và khử trùng các bề mặt mà người mẹ đã chạm vào.
  • Trong trường hợp, người mẹ thấy không khỏe do COVID-19 hoặc do các biến chứng khác không thể cho trẻ bú sữa mẹ thì có thể vắt sữa hoặc xem xét sử dụng ngân hàng sữa mẹ.
  • Việc vắt sữa rất quan trọng để duy trì nguồn sữa trong cơ thể và người mẹ có thể cho bé bú lại ngay khi cảm thấy đủ sức khỏe.
  • Không có một bằng chứng nào cho thấy việc cho trẻ bú làm thay đổi quá trình diễn biến lâm sàng của bà mẹ mắc COVID-19.
  • Trong trường hợp trẻ mắc COVID-19 thì việc tiếp tục nuôi dưỡng trẻ bằng sữa mẹ đóng vai trò vô cùng quan trọng.
  • Sữa mẹ giúp tăng cường hệ thống miễn dịch cho trẻ, các kháng thể trong sữa mẹ được truyền qua cho trẻ, giúp trẻ chống lại các bệnh nhiễm trùng.
Tóm lại, trong giai đoạn đại dịch COVID-19, các bằng chứng, khuyến cáo hiện có đều ủng hộ bà mẹ và trẻ sơ sinh nên được ở cùng nhau, nuôi con bằng sữa mẹ và thực hành da kề da thường quy. Các bà mẹ nên được tư vấn những lợi ích từ việc cho con bú sữa mẹ bất kể mẹ mắc hoặc nghi mắc COVID-19. Việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn khi cho trẻ bú là vô cùng cần thiết. Ngoài ra, bà mẹ đang cho con bú nên tiêm ngay khi tiếp cận được nguồn vaccine COVID-19.
 
Tài liệu tham khảo
  1. Bộ Y tế. Hướng dẫn tạm thời Khám sàng lọc trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19. Truy cập tại: https://moh.gov.vn/tin-tong-hop/-/asset_publisher/k206Q9qkZOqn/content/-infographic-huong-dan-tam-thoi-kham-sang-loc-truoc-khi-tiem-vaccine-phong-covid-19. Truy cập lần cuối: ngày 20 tháng 8 năm 2021.
  2. Centers for Disease Control and Prevention COVID-19 (coronavirus disease): people with certain medical conditions. Available at: https://www.cdc.gov/coronavirus/2019-ncov/need-extra-precautions/people-with-medical-conditions.html. Accessed Aug. 20, 2021
  3. Gray, K. J. et al. (2021) ‘Coronavirus disease 2019 vaccine response in pregnant and lactating women: a cohort study’, American Journal of Obstetrics and Gynecology, p. S0002937821001873.
  4. Society for Maternal-Fetal Medicine (SMFM) Statement: SARS-Co-V-2 Vaccination in pregnancy. Available at: https://s3.amazonaws.com/cdn.smfm.org/media/2591/SMFM_Vaccine_Statement_12-1-20. Accessed Aug. 20, 2021
  5. The American College of Obstetricians and Gynecologists Vaccinating pregnant and lactating patients against COVID-19. 2020. https://www.acog.org/en/clinical/clinical-guidance/practice-advisory/articles/2020/12/vaccinating-Pregnant-and-Lactating-Patients-Against-COVID-19 Available at: Accessed Aug. 20, 2021.
  6. World Health Organization. (2020). Breastfeeding and COVID-19: scientific brief, 23 June 2020 (No. WHO/2019-nCoV/Sci_Brief/Breastfeeding/2020.1). World Health Organization.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK