Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 21-09-2021 5:45pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Như Quỳnh – IVF Vạn Hạnh

Hội chứng buồng trứng đa nang (Polycystic ovary syndrome – PCOS) được mô tả lần đầu tiên bởi tác giả Stein và Leventhal vào năm 1935 với tỉ lệ mắc là 10% ở nữ giới ở độ tuổi sinh sản. Bốn đặc điểm phổ biến của PCOS gồm: i) suy giảm chức năng buồng trứng và điều hòa kinh nguyệt, ii) cường androgen, iii) các triệu chứng lâm sàng liên quan đến cường androgen và iv) hình ảnh buồng trứng đa nang. PCOS là bệnh lí nội tiết phức tạp và cơ chế gây bệnh vẫn chưa được làm sáng tỏ. PCOS có liên quan đến trạng thái stress oxi hóa và viêm trong cơ thể, quan hệ mật thiết với hiện tượng kháng insulin cùng với sự khiếm khuyết trong quá trình trưởng thành của noãn.
 
Vitamin E (hay tocopherol) là chất chống oxi hóa tan được trong chất béo, có bản chất không phải là enzyme. Vitamin E có vai trò quan trọng trong toàn bộ thống sinh sản, có thể kháng lại stress oxi hóa thông qua ức chế hoạt động của phospholipase A và lipoxygenase, giúp bảo vệ màng tế bào và điều hòa hoạt động bình thường của hệ sinh sản. Việc thiếu hụt vitamin E có thể dẫn đến vô sinh ở nữ giới, sẩy thai, sinh non, tiền sản giật, hạn chế khả năng phát triển của thai nhi trong môi trường tử cung, ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng.
 
Những công bố gần đây đã chứng minh lợi ích của quá trình điều hòa rụng trứng sử dụng clomiphene citrate (CC) kết hợp với human menopausal (hMG) ở phụ nữ PCOS. Mục tiêu của nghiên cứu này nhằm xác định liệu rằng việc bổ sung vitamin E trong thời gian ngắn có giúp cải thiện kết quả gây phóng noãn ở bệnh nhân PCOS hay không và mối liên hệ giữa vitamin E và tỉ lệ thai.
 
Nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu (2020), được thực hiện trên 321 bệnh nhân PCOS từ tháng 10/2015 đến tháng 4/2017. Tiêu chuẩn nhận của nghiên cứu: i) gây phóng noãn bằng CC và hMG, ii) chưa từng thực hiện điều trị hiếm muộn, iii) < 40 tuổi, iv) buồng tử cung và vòi trứng bình thường và v) phân tích tinh tinh dịch bình thường. Chẩn đoán PCOS được dựa trên đồng thuận Rotterdam (năm 2006): 1) không phóng noãn, rụng trứng xảy ra thường xuyên hoặc không thường xuyên, 2) bằng chứng lâm sàng của cường androgen và 3) buồng trứng đa nang. Nếu bệnh nhân có biểu hiện 2 trong 3 đặc điểm trên thì được chẩn đoán bị PCOS.
 
321 trường hợp bệnh nhân được phân thành 2 nhóm là A và B. Nhóm A (n = 110) thực hiện kích thích buồng trứng nhưng không bổ sung vitamin E. Nhóm B (n = 105) thực hiện kích thích buồng trứng kết hợp bổ sung vitamin E với liều 100 mg/ngày bắt đầu vào ngày thứ 3 của chu kì kinh nguyệt đến ngày thứ 14 của giai đoạn hoàng thể. Nhóm C (n = 106) tương tự như nhóm B, nhưng thời gian sử dụng vitamin E kéo dài trong vòng 14 ngày, bắt đầu khi quá trình rụng trứng được xác nhận. Các đặc điểm khác của bệnh nhân như chỉ số khối cơ thể, nồng độ hormon estradiol (E2), androstenedione (T), prolactin, hormone LH và hormone FSH  được đánh giá và ghi nhận lại. Trong nghiên cứu, mức độ stress oxi hóa được đánh giá thông qua 4 marker là malondialdehyde (MDA), albumin biến đổi thiếu máu cục bộ (IMA), khả năng kháng oxi hóa tổng cộng (total antioxidant capacity – TAC) và vitamin E vào 3 thời điểm T0, T1 và T2.
 
Có 965 chu kì điều trị được thực hiện trong tổng số 321 trường hợp bệnh nhân. Liều hMG sử dụng ở nhóm B thấp hơn đáng kể so với nhóm A và C (p < 0,05). Giữa 3 nhóm không có khác biệt về số nang noãn vượt trội. Tỉ lệ rụng trứng, tỉ lệ thai lâm sàng, tỉ lệ thai diễn tiến trong mỗi nhóm không có sự khác biệt. Tỉ lệ rụng trứng cũng không có sự khác biệt giữa phụ nữ có cân nặng bình thường và phụ nữ béo phì.
 
Nồng độ của 4 marker liên quan đến stress oxi hóa không có khác biệt giữa 3 nhóm vào thời điểm T0 và T1. Khi so sánh ở mốc thời điểm T2, nồng độ của MDA và IMA ở nhóm B thấp hơn rõ rệt, riêng nồng độ vitamin E cao hơn so với nhóm A và C. Cũng ở nhóm B, nồng độ MDA (8,24 ± 0,84 nmol/L với 9,14 ± 0,58 nmol/L, p < 0,05) và IMA (70,56 ± 9,62 U/ml với 77,87 ± 8,54 U/ml, p < 0,05) ở thời điểm T2 giảm đáng kể so với thời điểm T0. Ngoài ra, nồng độ TAC và vitamin E ở thời điểm T2 ở các nhóm tăng rõ rệt so với thời điểm T1 và T0.
 
Như vậy, liệu pháp sử dụng vitamin E không làm thay đổi tỉ lệ thai ở các chu kì gây phóng noãn. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin E trong thời gian ngắn có thể giúp cải thiện mức độ stress oxi hóa, giảm liều hMG sử dụng, từ đó giúp giảm bớt chi phí điều trị cho bệnh nhân.
 
Lược dịch từ: Chen, J., Guo, Q., Pei, Y.H., Ren, Q.L., Chi, L., Hu, R.K. and Tan, Y., 2020. Effect of a short-term vitamin E supplementation on oxidative stress in infertile PCOS women under ovulation induction: a retrospective cohort study. BMC women's health, 20(1), pp.1-9.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ Nhật ngày 9 . 6 . 2024

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK