Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 16-10-2020 3:04pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

Người dịch: Thạc sĩ. BS Lê Như Ngọc, khoa Phụ Sản Bệnh viện Đà Nẵng
Nguồn: https://www.fertstert.org/article/S0015-0282(20)30779-2/fulltext


Rất may, tỷ lệ mắc các biến chứng nghiêm trọng và tỷ lệ tử vong khi sử dụng các phương pháp hỗ trợ sinh sản vẫn hiếm gặp. Tuy nhiên, biến chứng sau các phương pháp điều trị vô sinh, như thai ngoài tử cung và quá kích buồng trứng, đều gây lo lắng cho cả bệnh nhân và bác sĩ. Nguy cơ các biến chứng diễn tiến nặng là khá lớn. Vỡ khối thai ngoài tử cung, nếu không được phát hiện kịp thời có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, phải phẫu thuật cấp cứu hoặc thậm chí là tử vong. Một nghiên cứu đoàn hệ của Jwa và cộng sự, đăng trên Fertility and Sterility sẽ trả lời cho câu hỏi, liệu phương pháp kích thích buồng trứng có ảnh hưởng đến nguy cơ thai ngoài tử cung hay không.

Cơ quan Công nghệ hỗ trợ sinh sản của Nhật Bản (JART) đã cung cấp cho các tác giả một bộ dữ liệu độc nhất để nghiên cứu câu hỏi này. Điều này một phần là do luật ở Nhật Bản chống lại việc dùng xét nghiệm di truyền cho trứng của người hiến và xét nghiệm di truyền tiền làm tổ đối với các lệch bội nhiễm sắc thể, dẫn đến việc dùng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) chu kỳ rụng trứng tự nhiên để làm nhóm đối chứng. Trong bối cảnh đó, khoảng 9,8% chu kỳ lấy trứng ở Nhật là chu kỳ tự nhiên trong năm 2017, so với chỉ 0,9% theo báo cáo của Hiệp hội Công nghệ Hỗ trợ Sinh sản trong cùng năm. Hơn nữa, 80% các chu kỳ chuyển phôi được báo cáo trong hồ sơ của JART là chuyển phôi đơn, tạo nên một quần thể nghiên cứu lý tưởng. Một tập hợp bệnh nhân đồng nhất như vậy sẽ làm hạn chế khả năng khái quát hóa của nghiên cứu trên các tập hợp quần thể bệnh nhân khác. Tương tự, việc loại các bệnh nhân mắc hội chứng buồng trứng đa nang ra khỏi nghiên cứu cũng đặt ra hạn chế cho việc áp dụng lên nhóm bệnh nhân hay gặp ở các phòng khám vô sinh. Bất chấp những hạn chế này, sự gia tăng nguy cơ thai ngoài tử cung sau các phương pháp kích trứng là có ý nghĩa thống kê.

Sự đối thoại “cross-talk” phức tạp giữa phôi và nội mạc tử cung là điều kiện cần thiết để phôi làm tổ thành công, nên không có gì ngạc nhiên khi các phương pháp hỗ trợ sinh sản nhân tạo có thể dẫn đến tăng nhẹ tỷ lệ phôi bị lạc chỗ. Các chất phân tử trung gian cần cho sự làm tổ phải được tiết ra đúng thời điểm và ở nồng độ thích hợp, bao gồm một số phân tử kết dính, các cytokine, yếu tố tăng trưởng và các lipid. Ảnh hưởng của các thuốc kích trứng trên các chất này ít được hiểu rõ. Thuốc kích trứng như clomiphene citrate (CC) có nguy cơ gây thai ngoài tử cung cao nhất, liên quan đến tác dụng đối kháng estrogen của CC trên nội mạc tử cung và dẫn đến thay đổi nội mạc tử cung ngay cả ở phụ nữ có chu kỳ kinh đều.

Dựa trên nghiên cứu này của Jwa và cộng sự, có thể thấy các phương pháp kích thích buồng trứng là một yếu tố trung gian làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung. Tuy vậy, chúng ta cũng chỉ có thể suy đoán về các cơ chế sinh hóa có liên quan. Các tác giả cũng chỉ ra rằng, các nghiên cứu in vitro trước đây cho thấy nồng độ progesterone tăng sẽ làm giảm sự di động của các nhung mao. Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm độ dày nội mạc tử cung - có tương quan nghịch với nguy cơ thai ngoài tử cung, có lẽ liên quan đến trung gian estrogen - khác biệt qua biểu hiện gen. Không may là tập hợp hồ sơ của JART lại không bao gồm dữ liệu về nồng độ estradiol hay progesterone, độ dày nội mạc tử cung hoặc phương pháp hỗ trợ sinh sản. Đây đều là các yếu tố tiềm ẩn có thể góp phần làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung.

Nếu không biết những yếu tố tiềm ẩn này, không thể khẳng định được phương pháp kích thích buồng trứng có thực sự làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung hay không. Rất có thể chính các nguyên nhân nền khiến bệnh nhân phải lựa chọn kích trứng mới thực sự là nguyên nhân làm tăng nguy cơ thai ngoài tử cung. Giờ đây, người ta đã thấy rằng nguy cơ thai ngoài tử cung tăng lên khi sử dụng các phương pháp kích thích nội tiết tố so với chu kỳ IVF tự nhiên, cho nên điều quan trọng là phải tìm hiểu những yếu tố tác động lên quá trình này. Hơn nữa, hiểu rõ hơn về kích thích nội tiết tố cũng mang lại nhiều lợi ích khác. Sẽ không vô lý khi kỳ vọng rằng những hiểu biết này có thể đưa đến những thay đổi trong thực hành chuyển phôi đông lạnh.

Như các tác giả đã chỉ ra, thai ngoài tử cung vẫn còn là một trong những biến chứng nghiêm trọng và đe dọa tính mạng liên quan đến các phương pháp hỗ trợ sinh sản, và báo cáo này sẽ giúp thúc đẩy các nghiên cứu sâu hơn để làm giảm thiểu nguy cơ này. Các phát hiện cho thấy tỷ lệ thai ngoài tử cung gia tăng khi sử dụng bất kỳ phương pháp kích thích buồng trứng nào (đặc biệt là CC), so với chu kỳ rụng trứng tự nhiên. Phát hiện này có thể không đủ để thay đổi hướng dẫn thực hành lâm sàng, nhưng sẽ giúp các bác sĩ cân nhắc lựa chọn kế hoạch điều trị phù hợp cho từng bệnh nhân.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Điều trị ung thư vú trong thai kỳ - Ngày đăng: 08-10-2020
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK