Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 28-08-2019 11:11am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

CVPH. Hồ Thị Mỹ Trang – IVFMD Phú Nhuận

Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence - AI), nói một cách đơn giản là khoa học chế tạo máy móc có thể làm những việc đòi hỏi trí thông minh cần được thực hiện bởi con người, lần đầu tiên được đặt ra bởi một nhóm các nhà nghiên cứu vào năm 1955. Kể từ đó, AI đã phát triển nhanh chóng và các ứng dụng của nó đã đi vào cuộc sống hàng ngày của chúng ta dưới nhiều hình thức khác nhau như: các phương tiện tự động, nhận dạng khuôn mặt và hỗ trợ giọng nói thông minh. AI cũng được sử dụng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Các lĩnh vực như ung thư, X quang và tim mạch cũng được hưởng lợi từ các ứng dụng của AI. 

AI xuất hiện lần đầu tiên trong giới nghiên cứu về công nghệ hỗ trợ sinh sản (Assisted reproductive technologies - ART) vào cuối những năm 1990, thông qua việc tạo ra một thuật toán nhằm dự đoán kết quả của IVF. Hiện nay, công nghệ AI được nghiên cứu tạo ra các loại thuật toán khác nhau để sử dụng theo các mục đích khác nhau bao gồm phân loại tế bào tinh trùng và lựa chọn noãn và phôi.

Trong một nghiên cứu gần đây, các nhà khoa học đã đào tạo một thuật toán AI để xác định phôi chất lượng cao và phôi chất lượng thấp với độ chính xác lên đến 97%. Một cách khách quan mà nói, thuật toán AI thật sự vượt trội, khi mà cá nhân các chuyên viên phôi học chịu trách nhiệm đánh giá chất lượng phôi hiện nay thực hiện chủ yếu bằng phương pháp phân tích hình thái học - một phương pháp phân loại phôi thủ công mang tính chủ quan cao. Mặc dù thuật toán không thể dự đoán tỷ lệ mang thai, nhưng thông tin chính xác mà nó có thể cung cấp về chất lượng phôi cũng là một biến số quan trọng trong số các yếu tố cần quan tâm (chẳng hạn như tuổi) để cải thiện khả năng mang thai của một cặp vợ chồng.

Việc giới thiệu tiềm năng của AI vào các ứng dụng lâm sàng trong giới ART chứa đựng cả lợi ích to lớn và sự phức tạp về đạo đức. Nếu được chấp thuận cho ứng dụng lâm sàng, việc sử dụng AI để tách phôi chất lượng cao khỏi những phôi bất thường về nhiễm sắc thể có thể tiết kiệm thời gian và công sức của các chuyên gia chăm sóc sức khỏe bằng cách thu thập và xử lý nhiều dữ liệu hơn với độ sâu và độ chính xác cao hơn. Như vậy, điều này có thể hỗ trợ cải thiện hiệu quả của ART và kết quả mang thai trong các chu kỳ điều trị tiếp theo. Ở cấp độ xã hội, AI có thể giúp giảm thiểu chi phí chăm sóc sức khỏe bằng cách giảm việc sử dụng các xét nghiệm hoặc điều trị không cần thiết.

Khi việc sử dụng AI trong ART được đưa vào áp dụng trong lâm sàng, tất cả những đối tượng có liên quan bao gồm cộng đồng, những người ra quyết định, bác sĩ lâm sàng và các chuyên viên phôi học, nên dự đoán và đánh giá những thách thức tiềm ẩn về đạo đức có thể xảy ra. Ví dụ, người ta sợ rằng các kỹ thuật AI có thể thay thế các chuyên gia y tế nếu hiệu suất của nó vượt qua một chuyên gia lâm sàng. Chúng ta nên biết rằng AI là một công cụ phụ trợ để hỗ trợ các chuyên gia y tế trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao một cách hiệu quả và chính xác hơn. Tuy nhiên, điều này cũng làm nổi bật một nhu cầu cần phải đào tạo các chuyên gia y tế tốt hơn trong tương lai bằng cách tích hợp công nghệ AI vào chương trình giảng dạy. 

Những điều cụ thể cần cân nhắc khác trong ART ví dụ như: điều gì xảy ra nếu việc lựa chọn phôi được thực hiện bởi thuật toán AI bị sai và do đó phôi được chọn dường như là bất thường trong sự phát triển khi làm tổ hoặc khi mang thai. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho những kết quả không mong muốn này: chuyên gia y tế hay là AI? Và những biện pháp nào nên được thực hiện để tránh những tình huống như vậy hoặc / và giải quyết chúng? Nếu AI hiện đang được tạo ra để chọn phôi chất lượng tốt hoặc 'bình thường', liệu nó có thể được cải tiến và sử dụng để 'chọn' phôi với 'đặc điểm di truyền tốt nhất'? Hoặc nó có thể được sử dụng để 'thiết kế' phôi mang bộ gen 'tốt nhất' hay không?

Cho đến nay, việc áp dụng các kỹ thuật AI rõ ràng là một cuộc cách mạng cho việc chăm sóc sức khỏe và có thể thay đổi cả trải nghiệm của các cặp vợ chồng cũng như thực hành y tế. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều thách thức về đạo đức cần được xem xét và vượt qua. Một số hướng dẫn, chính sách và khuyến nghị đã được đưa ra để tạo ra một khuôn khổ đạo đức trong việc hướng dẫn sử dụng và triển khai các công nghệ AI trong phòng khám. Tuy nhiên, các kỹ thuật AI đang được phát triển hoặc đôi khi được sử dụng với tốc độ quá nhanh, thậm chí là trước khi công bố các chính sách và hướng dẫn phù hợp, vì vậy có thể khiến người dùng (như bác sĩ lâm sàng) bối rối về cách ứng dụng tốt nhất công nghệ mới này vào thực tiễn. Do đó, việc phát triển, cập nhật các hướng dẫn cũng như giáo dục sẽ rất quan trọng khi mà các kỹ thuật AI ngày càng trở nên phổ biến và rộng rãi hơn.

Nguồn: Benefits and challenges of using artificial intelligence in assisted reproductive technologies, Hazar Haidar, 2019. https://ivf.net/ivf/benefits-and-challenges-of-using-artificial-intelligence-in-assisted-reproductive-technologies-o11060.html?fbclid=IwAR1ov5kKK9t9pyIJJUYzWyFj3mGUA43D3cdmoFdo3SqSjl5STzZvoeIMa8o

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK