Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 29-05-2012 1:22pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng

New Picture (26) Hầu như ai cũng biết tiểu đường là bệnh gây nhiều biến chứng “đau thương” như bệnh tim mạch, bệnh mắt (gây mù), nhiễm trùng (bàn chân tiểu đường) v.v.. nhưng ít người chú ý bệnh này còn có các biến chứng nam khoa hết sức phiền toái.


Bạn xấu đồng hành

Tiểu đường là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra rối loạn cương (từ thông thường là “liệt dương”, “yếu sinh lý”). Người bị tiểu đường dù trẻ hay lớn tuổi, không sớm thì muộn cũng bị rối loạn cương: 35 – 75% nam giới bị tiểu đường có rối loạn cương đi kèm. Người càng trẻ tuổi bị tiểu đường thì khả năng rối loạn cương càng cao. Ngoài ra, 10 – 15% bệnh nhân có dấu hiệu đầu tiên là cương yếu, đến bác sĩ nam khoa để khám, bác sĩ cho làm xét nghiệm đường huyết thì phát hiện bệnh nhân bị tiểu đường.

Vì sao tiểu đường lại gây ra rối loạn cương? Tiểu đường gây rối loạn cương vì nó làm hư hại thần kinh ngoại vi trong đó có các thần kinh cương, và nhất là làm tổn thương các mạch máu nhỏ trong cơ thể (trong đó có những mạch máu của thể hang dương vật). Thần kinh và mạch máu bị hư nên dương vật không thể căng đủ máu khi cương. Không chỉ mạch máu dương vật bị hư mà các mạch máu của tim, mắt cũng bị tiểu đường tấn công luôn, nên người bị tiểu đường thường kèm theo bệnh tim, cao huyết áp và cả mù mắt đột ngột. Ngoài ra, yếu tố tâm lý cũng rất quan trọng. Do sự lệ thuộc thuốc trị tiểu đường uống mỗi ngày, do mắt kém, thận suy, huyết áp cao (cũng là các biến chứng của tiểu đường), nên người bệnh dễ bị trầm cảm. Càng sầu não thì tình dục càng kém, ham muốn giảm, rối loạn cương càng dễ xảy đến.

Điều trị rối loạn cương trong tiểu đường trước hết là trị… tiểu đường cái đã. Cơ thể có sống được ngon lành thì mới tính tới nhu cầu tình dục. Thuốc trị tiểu đường không giúp các tổn thương trên thần kinh và mạch máu hồi phục như xưa nên rối loạn cương không tự hết được. Nói cách khác, các tổn thương thần kinh và mạch máu do tiểu đường là “sự đã rồi”, nên muốn trị rối loạn cương thì phải dùng những thuốc hỗ trợ cương. Đứng hàng đầu hiện nay là các thuốc thuộc nhóm ức chế men PDE5 giúp các xoang mạch máu thể hang dương vật giãn rộng, giúp dương vật cương cứng, như sildenafil, vardenafil và tadalafil (chỉ có hiệu quả trong khoảng 50% trường hợp bệnh nhân tiểu đường). Các thuốc này không phải là thuốc kích dục, vì không đem tới sự hưng phấn tình dục. Bệnh nhân phải có ham muốn tình dục bình thường thì dùng chúng mới có hiệu quả. Sau khi dùng, phải chờ thuốc ngấm mới có tác dụng (đối với vardenafil là 30 phút, sildenafil là 60 phút, tadalafil là 2 giờ). Dùng các thuốc này cần tránh xa các thuốc làm giãn mạch vành tim có chất nitrate như Nitromint, Imdur… Nếu dùng chung sẽ làm tăng dữ dội tác động giãn mạch của cả hai loại thuốc, đưa đến tuột huyết áp đột ngột và… dễ ra đi mãi mãi.

Nếu các thuốc uống không hiệu quả hoặc nếu bệnh nhân đang sử dụng thuốc có nitrate làm giãn mạch vành tim và lòng vẫn “rạo rực” thì bệnh nhân có thể dùng các thuốc chích thể hang như papaverine, alprostadil. Với một cây kim cực nhỏ, thuốc được chích thẳng vào trong dương vật, 5 – 10 phút sau, dương vật sẽ từ từ “vươn” lên mạnh mẽ. Đọc thì thấy rất “ghê”, nhưng thật ra cách chích khá đơn giản. Vài lần đầu, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn cách chích, sau đó tự chích khi cần. Cái đáng ngại là nếu chích quá liều chỉ định thì dương vật dễ “cương hoài ngàn năm”. Lúc đó, bác sĩ mà không can thiệp sớm (không quá 24 giờ kể từ khi dương vật cương) bằng cách hút máu dương vật thì, ban đầu là cơn đau nhức nhối dương vật, rồi vài tuần sau dương vật chỉ còn là cơ quan thải nước tiểu!

Sau cùng, nếu thuốc uống không hiệu quả, bệnh nhân không dám chích thì bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân dùng bơm hút hoặc phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo để giúp bệnh nhân duy trì hoạt động tình dục.

Chạy vào đường cấm

Người bị tiểu đường dù trẻ hay lớn tuổi, không sớm thì muộn cũng bị rối loạn cương: 35 – 75% nam giới bị tiểu đường có rối loạn cương đi kèm.

Ngoài biến chứng rối loạn cương, ít ai biết rằng tiểu đường còn gây vô sinh (có lẽ do bệnh nhân tiểu đường thường lớn tuổi, con cái đầy đủ hết rồi). Tuy nhiên, nếu tiểu đường xảy ra ở người trẻ hay người mới có vợ thì vô sinh sẽ là chuyện đau đầu. Nếu vô sinh do rối loạn cương thì dùng thuốc trị rối loạn cương sẽ nhất cử lưỡng tiện, giao hợp được thì có con được. Nhưng nếu vô sinh do xuất tinh ngược dòng (một biến chứng khác của tiểu đường) thì chỉ còn cách thụ tinh nhân tạo. Bình thường, niệu đạo (ống tiểu) có hai cơ vòng (gọi nôm na là van), một cái ở ngay chỗ cổ bàng quang (chỗ bàng quang nối với niệu đạo) và một cái ngay dưới mõm tuyến tiền liệt. Khi đi tiểu, cả hai “van” này cùng mở ra để nước tiểu vọt ra. Nhưng khi xuất tinh, van cổ bàng quang vẫn đóng để tinh không chạy ngược vào bàng quang và nước tiểu không chảy ra ngoài, còn van tuyến tiền liệt mở để tinh phóng ra ngoài. Xuất tinh ngược dòng là do tiểu đường làm hư van cổ bàng quang nên van này bị hở, khi xuất tinh, tinh sẽ vọt vào bàng quang, tinh chảy ra ngoài rất ít. Xuất tinh ngược dòng không tự hết và cũng chẳng chữa được. Xuất tinh ngược dòng không làm bệnh nhân và vợ mất đi nhiều khoái cảm nhưng gây vô sinh. Nếu bệnh nhân muốn có con, bác sĩ sẽ lấy tinh trùng trong nước tiểu sau khi xuất tinh, lọc rửa rồi bơm vào buồng tử cung người vợ; hay làm thụ tinh trong ống nghiệm với tinh trùng lấy trong nước tiểu hay từ trong tinh hoàn qua phẫu thuật.

Dẹp trạm thu phí trước ngõ

Sau cùng, một biến chứng phiền toái khác của tiểu đường trong nam khoa là viêm quy đầu và viêm bao quy đầu mãn tính, gây hẹp bao quy đầu. Nhiều người bị tiểu đường có bao quy đầu dài trước đây vẫn tuột lên tuột xuống dễ dàng, nay tự nhiên bao khó tuột hay tuột xuống được nhưng bị thắt ngay cổ dương vật làm đau khi cương, làm quan hệ mất thoải mái. Kèm theo đó là quy đầu và bao quy đầu hay bị ngứa, nứt. Cách chữa tốt nhất là cắt bao quy đầu. Nếu như ở người không bị tiểu đường, cắt bao quy đầu có thể thực hiện tại các phòng tiểu phẫu với điều kiện vô trùng vừa phải thì bệnh nhân tiểu đường cần được phẫu thuật tại phòng mổ lớn, vô trùng tốt do cơ địa rất dễ bị nhiễm trùng nặng.

Tóm lại, ăn uống sinh hoạt thế nào để tránh tiểu đường vẫn là thượng sách. Còn nếu ai đã lỡ bị tiểu đường rồi thì nên trị sớm, có con sớm nếu chưa đủ số con mong muốn và nên cắt bao quy đầu dự phòng.

Nguồn: Báo Sài Gòn Tiếp Thị

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Bất thường ở phần phụ của thai - Ngày đăng: 04-05-2013
Xóa tan mệt mỏi trong kỳ thai nghén - Ngày đăng: 14-05-2012
Thuốc mới trị ốm nghén - Ngày đăng: 22-04-2013
Mang thai khỏe mạnh - Ngày đăng: 24-04-2012
Thuốc ngừa thai có gây đột tử? - Ngày đăng: 24-04-2012
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK