Chăm sóc trước khi mang thai là việc làm cần thiết và quan trọng của phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, nhằm có sức khoẻ tốt khi mang thai và sau khi sinh, cũng như sinh ra một trẻ bình thường, khoẻ mạnh. Tuy nhiên, nhiều chị em vẫn còn tâm lý xem nhẹ, ngại tốn kém, mất thời gian... nên đã bỏ qua việc chăm sóc này, hệ luỵ là có không ít trường hợp sinh con kém sức khoẻ, thậm chí bị dị tật.
Những việc cần làm
Chăm sóc trước khi mang thai khác với chăm sóc khi đã có thai. Những việc cần làm của chăm sóc trước khi mang thai là kiểm tra sức khoẻ bà mẹ để tìm các bệnh lý mạn tính (nếu có) và tiên lượng, đánh giá bệnh lý đó sẽ thay đổi thế nào khi mang thai, ảnh hưởng ra sao đến thai nhi để đề ra các biện pháp giúp nâng cao sức khoẻ. Ngoài ra, còn nhằm kiểm tra khả năng mang thai bao gồm khảo sát những khó khăn trong việc mang thai, vấn đề hỗ trợ sinh sản, tìm ra những bất thường về đường sinh dục hay khả năng sinh sản có thể dẫn đến thai kỳ nguy cơ cao. Kiểm tra khả năng có con bình thường nhằm tìm ra bệnh lý di truyền trong gia đình hoặc của bản thân có thể làm con bị ảnh hưởng. Khảo sát những thói quen, sinh hoạt, yếu tố ngoại cảnh trong đời sống hàng ngày có khả năng ảnh hưởng đến việc mang thai hay ảnh hưởng sức khoẻ mẹ, con. Dự phòng bất thường thai nhi.
Có bao nhiêu cách chăm sóc?
Tuỳ theo người mẹ mà sẽ có cách chăm sóc cho riêng từng hoàn cảnh:
Trong hoàn cảnh thông thường: tuổi mẹ càng cao thì khả năng có con bất thường về di truyền càng dễ xảy ra. Bất thường di truyền này còn làm gia tăng tỷ lệ sẩy thai sớm (sẩy thai trong ba tháng đầu) cũng như thai lưu (thai chết trong tử cung). Tuổi cha có khả năng liên quan đến tình trạng thai trứng. Mặt khác, khi tuổi cha mẹ càng cao, do nhiều yếu tố mà khả năng thụ thai cũng sẽ kém hơn các cặp cha mẹ trẻ tuổi, diễn tiến thai kỳ cũng khó khăn hơn. Khả năng mang thai của một cặp vợ chồng (trong khoảng 20 – 30 tuổi) có quan hệ tình dục thường xuyên (2 – 3 lần/tuần) và không áp dụng biện pháp tránh thai là 30% có thai trong tháng đầu, 60% trong sáu tháng đầu, 85% trong một năm đầu. Tỷ lệ này thay đổi theo tuổi cặp vợ chồng do khả năng sinh sản giảm theo tuổi và cũng có thể do hành vi tình dục thay đổi. Ngoại trừ các biện pháp tránh thai vĩnh viễn, các biện pháp tránh thai còn lại đều không ảnh hưởng đến khả năng có thai sau một thời gian áp dụng dù dài hay ngắn. Tuy nhiên, sau khi ngưng sử dụng, hoạt động của buồng trứng có thể bị chậm trễ trong một thời gian ngắn, thường là vài tháng.
Nếu trước đó người phụ nữ đã từng bị sẩy thai thì cần trao đổi với bác sĩ về hoàn cảnh sẩy thai nhằm xác định nguyên nhân. 50% các trường hợp sẩy thai là do bất thường di truyền. Nếu là sẩy thai liên tiếp thì nhiều khả năng do bệnh lý di truyền, bất đồng nhóm máu ở cha và/hay mẹ. Trong khi đó, sẩy thai to và liên tiếp thì nhiều khả năng là do hở eo tử cung. Ngoài ra, người phụ nữ còn được hỗ trợ tâm lý, cung cấp thông tin cần thiết trước khi có thai lần tiếp theo để ổn định tâm lý.
Khám phụ khoa trước mang thai nhằm xác định có bất thường đường sinh dục, tìm các bệnh lý thông thường, bệnh lý lây qua đường tình dục. Có một số bệnh lý có khả năng ảnh hưởng đến việc có thai hoặc tiến triển thêm khi có thai. Khám nội khoa tổng quát nhằm tìm các bệnh lý mạn tính hoặc cấp tính, có khả năng ảnh hưởng đến kế hoạch có thai, hoặc các vấn đề tiềm ẩn có thể phát triển khi có thai. Phụ nữ nếu đang mắc bệnh thì trước khi có thai nên gặp bác sĩ chuyên khoa hoặc người đang điều trị để xác định tình trạng sức khoẻ.
Rượu, thuốc lá, vitamin A liều cao có thể gây dị tật thai Hút thuốc lá ảnh hưởng chủ yếu trên sức khoẻ của mẹ, hệ tim mạch và hô hấp, trên thai có thể làm trẻ suy dinh dưỡng, nhẹ cân… Chất gây nghiện có khả năng gây lệ thuộc thuốc ở thai nhi. Dùng vitamin A liều hơn 10.000 đơn vị/ngày được chứng minh có thể gây ra dị tật thai. Ngoài ra, việc tiêm chích thường xuyên còn làm gia tăng mắc các bệnh lây nhiễm cho mẹ như viêm gan B, nhiễm HIV… Béo phì làm giảm khả năng có thai, dễ mắc các bệnh lý chuyển hoá và ảnh hưởng đến thai kỳ (do thuốc điều trị hay do quá trình bệnh). |
Có bệnh lý di truyền: Cần xác định rõ đây là bệnh lý di truyền nhiều đời hay chỉ đột biến xảy ra trong đời cha mẹ, nếu có di truyền thì khả năng là bao nhiêu (tỷ lệ di truyền). Đặc biệt, có một số bệnh lý di truyền có liên kết với giới tính, cần được tư vấn kỹ để nếu có thể sẽ lựa chọn giới tính thai nhi. Khi con có khả năng là người lưu giữ bệnh (có gen bệnh nhưng không biểu hiện) có thể dẫn đến đời cháu, chắt có bệnh thì nên thảo luận kỹ với gia đình để có quyết định đúng đắn khi mang thai và biết trước được tương lai bệnh tật của các thế hệ sau.
Mẹ lớn tuổi: Mẹ lớn tuổi đi kèm với khả năng có thể có bệnh lý mạn tính của mẹ. Do đó cần lưu ý khảo sát tình trạng nội khoa của mẹ. Các vấn đề tâm lý – tâm thần cần quan tâm.
Tóm lại, chăm sóc trước mang thai giúp cho người phụ nữ có cơ hội nâng cao sức khoẻ, chất lượng cuộc sống, giúp cho hệ thống y tế giảm những trường hợp nặng nề, không chủ động được trong điều trị, giúp cải thiện sức khoẻ cộng đồng. Tuy nhiên, việc này hiện vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chỉ thực hiện ở một số bác sĩ, một số trung tâm, một số chuyên khoa rời rạc, chưa có một chương trình hệ thống. Bản thân bệnh nhân khi muốn tìm một lời khuyên hữu ích cũng rất khó khăn, phải đi lại nhiều chuyên khoa khác nhau. Và để làm tốt việc chăm sóc này, cần có sự hiểu biết của người dân, sự sẵn có của hệ thống dịch vụ y tế và sự liên kết nhiều chuyên khoa chứ không chỉ là cố gắng của riêng ngành sản phụ khoa.
Tiêm ngừa trước mang thai Nhằm tránh các bệnh có thể xảy ra trong thai kỳ mà ảnh hưởng đến thai ở nhiều mức độ: sẩy thai, sanh non, bất thường thai. Đa số các thuốc ngừa này không dùng được trong lúc mang thai. Các bệnh cần ngừa trước khi mang thai bao gồm: rubella, cúm, thuỷ đậu, viêm gan siêu B, uốn ván... Cho đến nay uống acid folic là phương thức duy nhất được chứng minh là dự phòng được tình trạng bệnh lý ống thần kinh của thai nhi (hở gai sống). |
Nguồn: Báo Sài Gòn Tiếp Thị
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...