Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Thursday 08-07-2010 10:50am
Viết bởi: Administrator

ttonHồ Mạnh Tường, HOSREM, IVFAS

Vương Thị Ngọc Lan, Đại học Y Dược TPHCM


Mở đầu

Kích thích buồng trứng có kiểm soát (COS) là một trong những giai đoạn chính và đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của TTTON. Việc sử dụng COS giúp chúng ta có được nhiều trứng hơn, nhiều phôi hơn để chuyển phôi và đông lạnh, nhờ đó góp phần quan trọng để tăng tỉ lệ có thai.

Ngày càng có nhiều dạng gonadotropins được sử dụng ở Việt nam trong các phác đồ COS để TTTON ở Việt nam. Từ năm 1999, FSH tái tổ hợp (follitropin alfa và follitropin beta) đã được sử dụng rộng rãi và trở thành phác đồ tiêu chuẩn trong TTTON ở Việt nam trong nhiều năm qua. Trong những năm gần đây, dạng hMG tinh khiết cao (HP hMG) đã được giới thiệu ở Việt Nam.

Nhiều báo cáo trên y văn thế giới đã so sánh hiệu quả của HP hMG và FSH tái tổ hợp (rFSH) và dưa ra các kết quả gây nhiều tranh cãi. Hầu hết các nghiên cứu trên được thực hiện tại các nước châu Âu, trên đối tượng người da trắng. Chưa có báo cáo chính thức nào được thực hiện trên người châu Á.

Tháng 2/2009, tại hội thảo Asian Reproductive Focus, chúng tôi đã báo cáo kết quả sơ bộ so sánh hiệu quả giữa HP hMG và hai loại rFSH đang được sử dụng rộng rãi ở Việt nam. Kết quả của báo cáo trên 138 trường hợp của cả 3 nhóm cho thấy kết quả thai lâm sàng là tương đương giữa 3 nhóm.

Chúng tôi đã tiếp tục thực hiện nghiên cứu này hơn 1 năm qua để so sánh hiệu quả giữa các loại gonadotropins trong TTTON.

Phương pháp

Từ tháng 10/2008 đến tháng 3/2010, 450 bệnh nhân được ngẫu nhiên chọn vào 3 nhóm: (1) HP hMG; (2) follitropin alfa; (3) follitropin beta, số bệnh nhân của mỗi nhóm là 150. Tất cả các bệnh nhân đều được sử dụng phác đồ dài. Tiêm hCG kích thích giai đoạn trưởng thành khi có ít nhất 2 nang từ 17mm trở lên. Chọc hút trứng được thực hiện vào 36 giờ sau tiêm hCG. Chuyển phôi được thực hiện vào ngày 2.

Chúng tôi đánh giá các chỉ số chuyên môn trong điều trị của các chu kỳ chuyển phôi tươi. Sau đó, chúng tôi tiếp tục theo dõi kết quả của các chu kỳ chuyển phôi rã đông sau đó của các bệnh nhân từ 3 nhóm trên.

Kết quả

Các đặc điểm của bệnh nhân là tương đồng giữa 3 nhóm. Thời gian kích thích buồng trứng tương đương giữa 3 nhóm. Tổng liều gonadotropins sử dụng của nhóm (1) và (2) cao hơn nhóm (3) có ý nghĩa thống kê (2991 IU và 3057 IU; so với 2432 IU; p<0,05).

Số trứng chọc hút được, số phôi và số phôi chất lượng tốt tương đương giữa 3 nhóm. Tỉ lệ thai lâm sàng của chuyển phôi tươi ở 3 nhóm không khác biệt (35,3%; 34,7%; và 36,7%; p=0,3). Tuy nhiên, tỉ lệ làm tổ sau chuyển phôi tươi của nhóm HP hMG cao hơn có ý nghĩa thống kê so với nhóm rFSH (28,6% so với 19,7%; p=0,01). Điều này dẫn đến tỉ lệ đa thai tăng ở nhóm HP hMG.

Tỉ lệ phôi làm tổ trong các chu kỳ chuyển phôi sau rã đông ở 3 nhóm lần lượt là 10,4% (HP hMG), 8,3% (follitropin alfa), 13,6% (follitropin beta). Sự khác biệt không có ý nghĩa thống kê.

Kết luận

HP hMG cho tỉ lệ thai lâm sàng tương đương với rFSH. Tuy nhiên, nhóm sử dụng HP hMG có tỉ lệ làm tổ của phôi trong chu kỳ chuyển phôi tươi cao hơn. Có thể có sự khác biệt về khả năng chấp nhận của nội mạc tử cung giữa các chu kỳ sử dụng HP hMG và rFSH, theo hướng tốt hơn ở nhóm sử dụng HP hMG.

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK