Ngày nay trong kích thích buồng trứng, vấn đề quá kích buồng trứng là một trong những lo ngại của nhiều trung tâm hỗ trợ sinh sản. Phác đồ Gonadotropin-releasing hormone (GnRH) antagonist ra đời đã mang lại nhiều cơ hội phòng tránh các trường hợp quá kích buồng trứng. Việc ứng dụng phác đồ này ở các nước có thể khác nhau nhưng xu hướng ứng dụng phác đồ này ngày càng tăng. Nhằm giúp các trung tâm hỗ trợ sinh sản có cái nhìn tổng thể hơn về những vấn đề này, ngày 08 tháng 09 năm 2012, HOSREM đã tổ chức “Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm kích thích buồng trứng trong hỗ trợ sinh sản” tại hội trường khách sạn Equatorial. Hội thảo được chia thành 2 phiên sáng và chiều, thu hút hơn 60 bác sĩ và nữ hộ sinh đang công tác tại các trung tâm hỗ trợ sinh sản. Đến với hội thảo, GS. Peter John Lutjen, giám đốc y khoa IVF Monash, Úc, đã chia sẻ những quan điểm và những chứng cứ y học có giá trị về việc ứng dụng các phác đồ kích thích buồng trứng vào hỗ trợ sinh sản.
Theo bài báo cáo của giáo sư, có nhiều chứng cứ y học giải thích cho xu hướng chuyển dịch từ phác đồ GnRH agonist sang GnRH antagonist. Ngày nay càng có nhiều nghiên cứu ứng dụng phác đồ này vào lâm sàng và cho thấy một số ưu điểm của GnRH antagonist. Phác đồ này giúp các trung tâm có thể lịch trình hoá quá trình điều trị, chủ động được thời gian, kiểm soát được thời điểm trigger, có thể lựa chọn trigger bằng hCG hoặc GnRH agonist để phòng tránh quá kích buồng trứng, chủ động thời điểm chọc hút trứng,... Giáo sư cũng chia sẻ nên dùng GnRH antagonist cố định vào ngày 5 hoặc ngày 6, có thể trigger hCG khi siêu âm có ít nhất 3 nang kích thước ≥17mm, có thể trì hoãn thời điểm trigger 1 ngày, trigger thay thế hCG bằng GnRH agonist có thể trành được tình trạng quá kích buồng trứng.
Trong phần báo cáo của mình, giáo sư cũng đặt ra vấn đề đơn giản hoá kích thích buồng trứng với Corifollitropin alpha (Elonva), một phân tử lai ghép tái tổ hợp của FSH và nhánh carboxy terminal peptide (CTP) của tiểu đơn vị human chorionic gonadotropin-beta. Đây là một loại FSHkéo dài. Việc sử dụng Elonva giúp giảm thiểu thời gian di chuyển của bệnh nhân, thời gian tiêm thuốc, giảm số mũi tiêm và giảm thiểu công việc cho các trung tâm hỗ trợ sinh sản. Hiện tại Elonva chỉ có khuyến cáo trên bệnh nhân từ 18-36 tuổi, có đáp ứng buồng trứng bình thường, không có yếu tố nguy cơ quá kích buồng trứng. Những trường hợp khác ngoài các tiêu chí lựa chọn Elonva đều không được khuyến cáo trong thời điểm này, cần có thêm những nghiên cứu trong các trường hợp riêng biệt. Elonva có thể bắt đầu vào ngày 2 hoặc ngày 3 của chu kỳ với 1 liều duy nhất. Đến ngày kích thích thứ 8, bệnh nhân cần siêu âm đánh giá phát triển nang noãn. Có khoảng một phần ba trường hợp sự phát triển nang noãn đã đạt yêu cầu sau 1 liều Elonva, không cần bổ sung thêm FSH. Elonva không dùng cho phác đồ GnRH agonist vì mục tiêu của Elonva là làm giảm thiểu những khó chịu cho bệnh nhân trong việc điều trị bao gồm số lần chích thuốc, thời gian di chuyển và thăm khám, … Do đó chỉ có ứng dụng với GnRH antagonist mới thể hiện hết những lợi điểm của Elonva.
Hội thảo khép lại với phần thảo luận sôi nổi giữa các chuyên gia hỗ trợ sinh sản và giáo sư. Các nội dung xoay quanh việc ứng dụng GnRH antagonist và kinh nghiệm ứng dụng Elonva vào lâm sàng tại IVF Monash. Thành công của buổi hội thảo đã cho thấy sự quan tâm của các trung tâm với xu hướng chuyển dịch phác đồ GnRH agonist sang phác đồ GnRH antagonist và ngày càng tạo nhiều thuận lợi hơn cho bệnh nhân, theo quan điểm lấy bệnh nhân làm trung tâm.
BS. Tăng Quang Thái
Windsor Plaza Hotel, Chủ Nhật ngày 15 . 12 . 2024
Windsor Plaza Hotel, Thứ Bảy 14.12 . 2024
Quinter Central Nha Trang, Chủ Nhật ngày 12 . 01 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...