Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 02-12-2011 12:17pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin trong nước

HTVT 2Trong khuôn khổ hội nghị khoa học thường niên lần VII của hội nội tiết sinh sản và vô sinh TPHCM, chương trình hội thảo vệ tinh mang chủ đề “Cập nhật thuốc tăng giảm co trong sản khoa” đã được diễn ra vào buổi chiều ngày 25/11/2011. Dù đề cập đến một chủ đề rất kinh điển trong Sản khoa nhưng hai báo cáo viên đã mang đến những thông tin cập nhật mới nhất và thu hút rất nhiều tranh luận từ phía các đại biểu tham dự.

Với bài trình bày “Các thuốc gò tử cung trong dự phòng và điều trị băng huyết sau sanh”, ThS.BS.Phạm Thị Thu Hương, trưởng khoa Sanh BV nhân dân Gia Định, đã cho cái nhìn tổng quan về các thuốc phổ biến hiện nay và chiến lược quyết định chọn lựa thuốc. Dựa trên ba nguyên tắc là tính an toàn, tính hiệu quả và tính kinh tế, BS Hương khẳng định việc chọn lựa thuốc nào là xuất phát từ thực tế lâm sàng mà cụ thể là tùy vào mức độ nguy cơ. Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới năm 2007, đứng trên phương diện lợi ích cộng đồng, oxytocin là thuốc lựa chọn đầu tiên vì giá thành rẻ, có hiệu quả và dễ dàng sử dụng. Song, dựa trên một vài nghiên cứu mới nhất (năm 2009) từ thư viện hàng đầu Cochrane, Hiệp hội sản phụ khoa Canada khuyến cáo Carbetocin nên được nghĩ đến khi sản phụ có bất kỳ một yếu tố nguy cơ cao nào. Tại nhiều nước, trong đó có Việt Nam, việc lựa chọn loại thuốc nào là tùy thuộc loại thuốc có sẵn, mức độ nguy cơ băng huyết sau sanh, chỉ định – chống chỉ định và hoàn cảnh kinh tế - xã hội. “Dự phòng hơn là điều trị” cuối cùng vẫn là nghệ thuật của người thầy thuốc, BS Hương đúc kết.

Tiếp nối buổi hội thảo, PGS.TS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang đã có một bài trình bày đầy nhiệt huyết về “Dọa sanh non và thuốc giảm co” và đã thu hút không ít sự tham gia thảo luận của các đại biểu. Về phương diện chẩn đoán chính xác dọa sanh non, các đại biểu cũng nhìn nhận sự không thống nhất tiêu chuẩn chẩn đoán giữa các bệnh viện phụ sản trong cả nước. Dẫn chứng từ nguồn tài liệu UpToDate năm 2008, PGS.TS Huỳnh Nguyễn Khánh Trang đã gợi ý tiêu chuẩn chẩn đoán hiện đang được áp dụng tại các nước phát triển trên thế giới. Theo đó, đo chiều dài kênh cổ tử cung qua siêu âm được cho là có tương quan với nguy cơ sanh non và đã được áp dụng làm một trong những yếu tố giúp chẩn đoán. Về phương diện điều trị, một thực tế lâm sàng tại Việt Nam đó là sự dè dặt trong sử dụng thuốc Nifedipine dù thuốc đã được đưa vào hướng dẫn chuẩn lâm sàng quốc gia. Phần tham luận mang tính sôi nổi hơn khi một đại biểu từ bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn nêu lên kinh nghiệm và bàn về hành lang pháp lý của việc sử dụng Nifedipine. “Thuốc ức chế calcium sử dụng đơn độc dường như an toàn cho sản phụ và thai nhi” là khuyến cáo mới nhất của Tổ chức y tế thế giới và cũng là điều PGS.TS.Khánh Trang kết luận.

Kết thúc buổi hội thảo, GS.BS.Nguyễn Thị Ngọc Phượng (chủ tịch Hội nội tiết sinh sản - vô sinh TPHCM) và ThS.BS.Lê Quang Thanh cho biết các thuốc giảm gò hiện nay đã phổ biến tại các bệnh viện lớn trong cả nước nhưng quan trọng nhất là phương cách lựa chọn tốt nhất nhằm mục tiêu cuối cùng là giảm tỷ lệ suy hô hấp và nhiễm trùng sơ sinh.

BS. Nguyễn Ngọc Huyền Mi

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Updates in Infertility Treatment (UIT) - Ngày đăng: 04-10-2011
IVF Experts Meeting VII - Ngày đăng: 20-09-2011
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK