Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 10-06-2006 10:18am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin trong nước

bevame

 

Trẻ sinh ra thiếu tháng, nhẹ cân, suy dinh dưỡng do nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân phổ biến nhất là do chính các bà mẹ, ông bố đã không biết chăm sóc con mình ngay từ những ngày đầu, khi còn trong bụng mẹ, mặc dù họ có đủ điều kiện để làm việc đó.

 

 


Khác với người lớn, cơ thể trẻ em, nhất là khi còn là một thai nhi trong bụng mẹ, là cơ thể luôn phát triển và phát triển khá nhanh. Điều đó cũng có nghĩa là thai nhi cần nhiều dinh dưỡng. Thiếu dinh dưỡng, thai nhi không thể phát triển khỏe mạnh, bình thường và khi ra đời sẽ nhẹ cân, thiếu sức.
Chất dinh dưỡng đó thai nhi lấy ở đâu? Ở chính bữa ăn hằng ngày của bà mẹ. Bữa ăn đó vừa phải bảo đảm dinh dưỡng cho bản thân người mẹ, vừa phải cung cấp dinh dưỡng ưu tiên cho thai nhi. Vì vậy bà mẹ mang thai cần được chăm sóc đặc biệt với những thực phẩm ưu tiên.
Trong 3 tháng đầu mang thai, người mẹ thường kém ăn, lợm giọng, buồn nôn... (mức độ nặng nhẹ tùy người). Đó là giai đoạn ốm nghén, trong y học hay gọi là “nhiễm độc thai nghén giai đoạn I”. Ở giai đoạn này người mang thai thường gầy sút, mệt mỏi. Để khắc phục cảm giác chán ăn, nên dành cho người “nghén” các món ăn lỏng, giàu dinh dưỡng như cháo thịt, sữa, rau quả tươi... và nên ăn dần dần, chia thành nhiều bữa trong ngày. Cũng đừng quên sự động viên, chia sẻ của người chồng, nhất là đối với những người mang thai lần đầu. Trường hợp người nghén bị nôn kéo dài, nhiều lần trong ngày thì cần tới bác sĩ chuyên khoa khám để có lời khuyên cần thiết.
Sau giai đoạn nghén, người mẹ ăn được, thậm chí thèm ăn, “ăn không biết no”. Phải hiểu cảm giác thèm ăn đó chính là biểu hiện đòi hỏi dinh dưỡng của thai nhi mà người mẹ cần phải đáp ứng. Đây là giai đoạn thai nhi hình thành và phát triển rất nhanh, phát triển càng nhanh nhu cầu về dinh dưỡng càng tăng. Cho nên “ăn được” là mừng, người mẹ phải ý thức được rằng mình ăn chính là để cho con mình và do đó gắng ăn thêm, ăn nhiều thức ăn giàu dinh dưỡng, nhất là các chất đạm như thịt, trứng, sữa, cá tôm, cua, đậu, đỗ, lạc...
Ở các nước phát triển, họ đưa ra định lượng, chẳng hạn không ít hơn 2 lạng thịt nạc mỗi ngày. Ở ta, nên tùy hoàn cảnh từng gia đình, tùy mùa mà linh hoạt thay thế bằng các thực phẩm khác nhau, bảo đảm tươi, vệ sinh như đã kể trên. Chất đạm (protid) là nền tảng cấu thành khung xương của thai nhi, quyết định thể lực của trẻ sau này. Con có hơn cha hay không, thế hệ sau có cao to, khỏe hơn thế hệ trước hay không, phần đáng kể phụ thuộc vào chất lượng bữa ăn của bà mẹ ở giai đoạn này.
Chất đạm còn rất cần trong quá trình hình thành thai nhi để tạo các tế bào thần kinh trung ương. Số tế bào thần kinh trung ương được cấu thành càng nhiều thì sau này trẻ sinh ra sẽ càng thông minh, nhanh nhẹn. Nếu bà mẹ ăn kiêng khem, thiếu rau quả tươi, con sẽ bị thiếu vitamin, nhất là vitamin A (cần cho mắt), vitamin D (liên quan đến còi xương, suy dinh dưỡng), thiếu máu, sức đề kháng yếu và do đó dễ bị nhiễm bệnh. Cũng phải nói thêm rằng, nếu trong quá trình mang thai bà mẹ được ăn uống đầy đủ, sức khỏe tốt thì cơ thể sẽ có nhiều chất dự trữ để tạo sữa cho con bú sau khi sinh.
Nhưng làm thế nào để biết ăn như vậy đã đủ chưa? Và đã bảo đảm cho thai nhi phát triển bình thường? Ngoài cảm giác của bản thân, bà mẹ cần được khám thai, kiểm tra cân nặng của mình thường xuyên. Với thai nhi phát triển bình thường, trong 3 tháng đầu bà mẹ tăng chừng 1kg, 3 tháng tiếp theo tăng chừng 5kg và 3 tháng cuối tăng khoảng 6kg là được.
Tăng cân trong thời gian mang thai là tốt và cần thiết. Nhưng phải đề phòng trường hợp tăng cân giả tạo, thường gặp ở các bà mẹ bị phù, nước tiểu có albumin. Có bà mẹ tăng tới 15-20 kg trong thời gian mang thai, mà con sinh ra chỉ nặng 2-2,5kg, đa phần trọng lượng tăng đó là nước ối (nhiều nước ối). Vì vậy, trong các lần khám thai ngoài cân, thăm thai, cần thử nước tiểu. Nếu có triệu chứng tăng cân giả tạo thì ít nhất hai tuần phải đi cân, thử nước tiểu một lần.
Nếu trung bình một tuần cân nặng của bà mẹ tăng quá 0,5kg thì phải điều chỉnh ngay chế độ ăn uống: vẫn phải bảo đảm chế độ ăn dinh dưỡng cao, nhưng hạn chế lượng nước đưa vào cơ thể. Nên thay uống nước bằng ăn rau, hoa quả tươi. Ngoài chế độ ăn uống, bà mẹ có thai cần phải uống bổ sung viên sắt để phòng thiếu máu cho cả mẹ và con. Uống viên sắt hằng ngày, mỗi ngày một viên trong suốt thời gian mang thai và tháng đầu sau đẻ. Phụ nữ mang thai cần được tiêm phòng 2 mũi uốn ván: khoảng cách giữa 2 lần tiêm ít nhất 1 tháng và mũi thứ 2 tiêm trước khi sinh ít nhất nửa tháng.
Theo Sức khỏe & đời sống

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Khả năng sinh sản giảm sau tuổi 40 - Ngày đăng: 10-06-2006
Đi hiến tinh trùng - Ngày đăng: 10-06-2006
THƯ VIÊN
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK