Một vấn đề được y học quan tâm: Khi đã chẩn đoán đúng bệnh, được điều trị đúng và kịp thời, vậy bệnh nhân có hồi phục không? Câu trả lời là còn tùy, tùy cái gì? Tùy vấn đề tuân thủ điều trị của bệnh nhân. Tuân thủ điều trị không chỉ giới hạn ở thuốc mà còn phải tuân thủ tất cả các chỉ định khác của thầy thuốc, bao gồm chế độ sinh hoạt, tập luyện…
Tóm lại: Tuân thủ điều trị là tôn trọng và thực hiện một cách thật nghiêm túc toàn bộ các chỉ định của thầy thuốc.
Tuy nhiên, thế nào là thực hiện một cách thật nghiêm túc toàn bộ các chỉ định của thầy thuốc: liệu một bệnh nhân bị tăng huyết áp quên uống thuốc chỉ 01 ngày trong 01 tháng có gọi là không tuân thủ điều trị? Còn đối với 01 bệnh nhân tiểu đường thì sao? Câu trả lời là tùy thuộc vào bệnh? Như vậy vấn đề khó khăn đầu tiên là không có một định nghĩa thật chính xác cho vấn đề tuân thủ điều trị mà định nghĩa tùy thuộc vào từng bệnh.
Theo thống kê của các nhà khoa học thế giới thì không tuân thủ điều trị là một trong những rào cản lớn nhất cho kết quả điều trị.
Tại sao bệnh nhân không tuân thủ điều trị?
Có rất nhiều yếu tố tác động vào vấn đề này, ờ đây chúng ta có thể nêu ra một số lý do:
1. Do thuốc điều trị
- Số lần uống thuốc quá nhiều, không tiện cho bệnh nhân, do bệnh nhân sợ chích đau ...
- Do tác dụng phụ của thuốc quá nặng nề. Đây là vấn đề mà các bác sĩ thường không đánh giá đúng mức.
- Do giá quá đắt.
- Do các kết quả do thuốc mang lại không phải là những kết quả mà bệnh nhân mong muốn, dù cho các kết quả này rất quan trọng.
2. Tùy theo bệnh:
Bệnh nhân thường tuân thủ điều trị tốt khi bệnh gây đau nhiều, bệnh quá nặng nề (vd: đau khớp...) và thường tuân thủ điều trị kém ở các bệnh mạn tính hay có triệu chứng không rõ ràng (vd: tăng huyết áp, tiểu đường ...).
3. Tùy theo từng bệnh nhân:
- Bệnh nhân quá già thường hay quên uống thuốc trong khi những người trẻ lại không thích uống thuốc.
- Bệnh nhân nam thường tuân thủ điều trị kém hơn bệnh nhân nữ.
- Bệnh nhân tật nguyền, thiểu năng cũng gặp khó khăn hơn trong việc tuân thủ điều trị.
- Do bệnh nhân kém tin tưởng vào thuốc ...
- Một vấn đề khác rất quan trọng là học vấn cao lại không phải là một yếu tố làm tăng hiệu quả của việc tuân thủ điều trị, theo thống kê ngay cả các bệnh nhân vốn là bác sĩ cũng thường không tuân thủ điều trị thật nghiêm túc.
4. Do bác sĩ:
Khi bác sĩ giao tiếp tốt với bệnh nhân, chỉ rõ ích lợi của các biện pháp điều trị, nhắc lại nhiều lần và thật rõ ràng cho bệnh nhân rõ, báo trước các tác dụng phụ có thể có cho bệnh nhân biết thì việc tuân thủ điều trị của bệnh nhân tốt hơn nhiều.
5. Phụ thuộc mối quan hệ giữa bác sĩ và bệnh nhân:
Tuân thủ điều trị tốt khi có các yếu tố sau và ngược lại:
- Khi bệnh nhân tin tưởng vào bác sĩ.
- Khi có sự giúp đỡ của những người chung quanh bệnh nhân.
- Khi bác sĩ khích lệ bệnh nhân.
- Và các bác sĩ cũng có thể nhờ đến các phương tiện giúp đỡ khác như chuông báo giờ, hộp thuốc điện tử hay sự giúp đỡ và nhắc nhở lẫn nhau của các nhóm hay cặp bệnh nhân cùng mắc một bệnh (vd: hội đái tháo đường ...)
6. Hệ thống chăm sóc y tế
- Hệ thống chăm sóc y tế có thuận tiện cho bệnh nhân không?
- Giờ giấc cung cấp thuốc và các dịch vụ y tế có thuận tiện cho bệnh nhân không? (vd: hệ thống chăm sóc y tế chỉ làm việc theo giờ hành chánh mà trong thời gian đó bệnh nhân phải làm việc).
- Bệnh nhân có tin tưởng vào hệ thống chăm sóc y tế đó không?...
7. Các yếu tố khác: như sự lan tràn thuốc bắc, thuốc nam không rõ nguồn gốc cũng làm cản trở đến vấn đề tuân thủ điều trị.
Làm sao biết bệnh nhân có tuân thủ điều trị tốt hay không?
Đây là một vấn đề khó khăn vì không có một biện pháp nào có thể đánh giá một cách thật chính xác
1. Hỏi bệnh nhân và những người chung quanh: thường có độ chính xác kém vì bệnh nhân luôn trả lời rằng mình tuân thủ điều trị tốt.
2. Đếm số thuốc còn lại: thường có độ chính xác kém vì bệnh nhân không mang đủ số thuốc còn lại theo.
3. Dùng hộp thuốc điện tử, mỗi lần chỉ lấy ra được một lượng thuốc nhất định: chỉ chính xác nếu bệnh nhân không cố ý lấy nhiều lần hơn yêu cầu vì sợ khi bác sĩ kiểm tra sẽ biết được mình không tuân thủ điều trị.
Hiện nay ở nước ngoài người ta có dùng một số biện pháp khác chính xác hơn:
4. Định lượng nồng độ thuốc trong máu: tốn kém và chỉ thực hiện được trong một thời gian nhất định sau khi dùng thuốc.
5. Tìm gen kháng thuốc: chính xác nhưng rất tốn kém (vd: tìm gen kháng thuốc ở bệnh nhân nhiễm HIV được điều trị bằng ARV)
Như vậy chúng ta phải làm gì để cải thiện vấn đề tuân thủ điều trị.
Ở đây xin đơn cử một số biện pháp:
Đơn giản hóa tối đa nếu có thể các biện pháp điều trị.
1. Điều trị phù hợp theo từng đối tượng khác nhau.
2. Thông tin kỹ lưỡng cho bệnh nhân.
3. Luôn khích lệ bệnhh nhân.
4. Yêu cầu sự giúp đỡ của những người chung quanh bệnh nhân.
5. Phát triển các hệ thống chăm sóc y tế hiệu quả.
6. Tổ chức các nhóm bệnh nhân cùng giúp đỡ và trao đổi thông tin với nhau.
7. Yêu cầu bệnh nhân uống thuốc trước mặt nhân viên y tế: khó thực hiện khi bệnh nhân đã xuất viện...
Như vậy, không tuân thủ điều trị tốt là một vấn đề rất phức tạp trong điều trị vì không có định nghĩa chung cho mọi bệnh, khó đánh giá cũng như khó cải thiện với chỉ một biện pháp riêng biệt mà phải phối hợp nhiều biện pháp và có sự hợp tác của nhiều thành phần liên quan.
Tài liệu tham khảo:
1. Observance (pharmacothérapie)
http://fr.wikipedia.org/wiki/Observance_(pharmacoth%C3%A9rapie)
2. Facteurs influencant la compliance
http://www.actions-traitements.org/spip.php?article157
3. Compliance – Michel Strobel
http://www.ifmt.auf.org/IMG/pdf/Medicament-Compliance.pdf
4. http://revue.medhyg.ch/infos/article.php3?sid=272
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...