Tin chuyên ngành
on Thursday 11-06-2020 10:42am
Danh mục: Phụ khoa
CNHS. Nguyễn Hoàng Trân - IVFMD, Bệnh viện Mỹ Đức
TỔNG QUAN
Rubella là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Virus rubella thuộc họ Togaviridae, cấu trúc gồm một chuỗi ARN được bao quanh bởi một vỏ capsid hình xoắn ốc có chiều dài nucleotide 9,8 Kb [1]. Bệnh lây truyền qua đường giọt bắn trong không khí khi ho và hắt hơi. Virus nhân lên ở niêm mạc mũi họng và các hạch bạch huyết lân cận. Con người là vật chủ duy nhất được biết đến [2]. Các triệu chứng điển hình bao gồm: sốt nhẹ, phát ban đỏ và sưng hạch bạch huyết quanh tai, đôi khi ở người lớn có thể bị đau và viêm khớp, bệnh kéo dài khoảng 3 ngày. Có đến 50% người bệnh bị nhiễm rubella có thể không biểu hiện triệu chứng [2]. Mặc dù nhiễm virus rubella thường gây sốt nhẹ và phát ban ở trẻ em và người lớn; tuy nhiên, nếu phụ nữ mang thai nhiễm virus rubella trong thai kỳ, đặc biệt là trong 3 tháng đầu, có thể dẫn đến sẩy thai, thai lưu, hoặc trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh, được gọi là hội chứng rubella bẩm sinh (CRS: Congenital Rubella Syndrome), bao gồm bộ ba cổ điển: đục thủy tinh thể, bất thường về tim và hệ thần kinh [2]. Trước khi chương trình tiêm chủng rubella bắt đầu vào năm 1969, rubella là một bệnh lây nhiễm phổ biến ở Hoa Kỳ. Trong đại dịch rubella ở Hoa Kỳ từ năm 1964 đến năm 1965, ước tính có 12,5 triệu người mắc rubella, 11.000 phụ nữ bị sẩy thai, 2.100 trẻ sơ sinh tử vong và 20.000 trẻ sinh ra mắc hội chứng rubella bẩm sinh (CRS). Sau khi việc tiêm phòng vaccine được tiến hành rộng rãi, số người bị nhiễm rubella ở Hoa Kỳ đã giảm đáng kể. Ngày nay, ít hơn 10 người được báo cáo nhiễm virus rubella mỗi năm ở Hoa Kỳ [3]. Kể từ năm 2012, tất cả các trường hợp nhiễm rubella đều có bằng chứng cho thấy họ bị nhiễm bệnh khi họ sống hoặc đi du lịch bên ngoài Hoa Kỳ. Để duy trì phòng ngừa rubella, điều quan trọng là trẻ em và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ phải được tiêm vaccine chống lại rubella [3]. Hiện nay, chiến dịch tiêm chủng đã được thiết lập ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, năm 2015 sau hơn 1 tháng triển khai chiến dịch tiêm vaccine Sởi - Rubella tại 63 tỉnh thành trong cả nước, trên 7 triệu trẻ em đã được tiêm vaccine Sởi - Rubella đợt 1, kết quả cho thấy vaccine đảm bảo an toàn, hiệu quả [4].
ẢNH HƯỞNG LÊN THAI KỲ VÀ TRẺ SINH RA
Phụ nữ đang mang thai nhiễm Rubella cũng có biểu hiện lâm sàng tương tự với người bình thường. Đối với thai phụ nhiễm Rubella, điều đáng quan tâm nhất chính là những dị tật của thai nhi trong bụng mẹ do hội chứng Rubella bẩm sinh gây ra. Hội chứng rubella bẩm sinh là tình trạng xảy ra ở thai nhi đang phát triển trong bụng mẹ bị nhiễm virus rubella. Phụ nữ mang thai nhiễm rubella có nguy cơ sẩy thai, thai chết lưu, hoặc trẻ sinh ra với những dị tật bẩm sinh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển lâu dài. CRS có thể ảnh hưởng đến sự phát triển toàn bộ của trẻ [5]. Các khuyết tật bẩm sinh phổ biến nhất từ CRS có thể bao gồm: [5]
- Điếc
- Đục thủy tinh thể
- Khuyết tật tim
- Thiểu năng trí tuệ
- Tổn thương gan và lách
- Trẻ nhẹ cân khi sinh
- Phát ban ở da khi sinh
Các biến chứng ít gặp hơn từ CRS có thể bao gồm:
- Bệnh tăng nhãn áp
- Tổn thương não
- Viêm phổi
- Các vấn đề về tuyến giáp và hormone khác
Khi người phụ nữ mới nhiễm rubella trước khi mang thai hoặc trong 3 tháng đầu thai kì, họ có 90% nguy cơ truyền virus cho thai nhi:
- Nếu bị nhiễm rubella trong 12 tuần đầu tiên của thai kỳ, thai nhi có nguy cơ mắc các dị tật bẩm sinh, phổ biến nhất là các vấn đề về mắt, thính giác và tổn thương tim.
- Nếu thai nhi bị nhiễm rubella trong khoảng 12 - 20 tuần của thai kỳ, các vấn đề thường nhẹ hơn.
- Nếu thai nhi bị nhiễm rubella sau tuần thứ 20 của thai kỳ thường không có vấn đề gì [6].
Để có thể phòng tránh được hội chứng Rubella bẩm sinh, tiêm vaccine phòng ngừa trước khi mang thai là điều quan trọng và thiết yếu đối với phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
DỰ PHÒNG VÀ CHIẾN LƯỢC ĐIỀU TRỊ
Vaccine rubella có sẵn ở dạng bào chế đơn giá (vaccine chỉ hướng vào một mầm bệnh) hoặc phổ biến hơn khi kết hợp với các vaccine khác như vaccine phòng bệnh sởi và rubella (MR); sởi, quai bị và rubella (MMR); hoặc sởi, quai bị, rubella và varicella (MMRV) [2].
Đối với trẻ em, nên tiêm hai liều vaccine MMR, bắt đầu với liều đầu tiên từ 12 - 15 tháng tuổi và liều thứ hai từ 4 - 6 tuổi. Cần khuyến cáo những phụ nữ trong độ tuổi mang thai, hoặc dự định mang thai, trong thời gian này nên đi tiêm ngừa bệnh. Vaccine tạo ra kháng thể đã được chứng minh an toàn và hiệu quả, đạt được 95-100% chỉ sau một liều, nó hiệu quả tương tự như miễn dịch tự nhiên có sau khi nhiễm bệnh.
Theo nguyên tắc, vaccine ngừa rubella không được dùng cho phụ nữ đang có thai, và phải tránh mang thai trong vòng 1 tháng sau khi tiêm vaccine, nhưng chưa được chứng minh nguy cơ mắc hội chứng rubella bẩm sinh do vaccine gây ra [7].
Ngoài ra, có thể phòng bệnh bằng các biện pháp không đặc hiệu khác như mặc đủ ấm, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, cách ly và thực hiện các biện pháp phòng lây lan vì bệnh truyền nhiễm rất nhanh qua đường hô hấp.
Đối với những phụ nữ mang thai nhiễm rubella cần phải theo dõi sát thai kỳ, cân nhắc chấm dứt thai kì khi phát hiện các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Với những hậu quả gây ra cho thai phụ và trẻ sơ sinh khi nhiễm bệnh, rubella cần được dự phòng bằng vaccine - phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
DỰ PHÒNG VÀ CHIẾN LƯỢC ĐIỀU TRỊ
Vaccine rubella có sẵn ở dạng bào chế đơn giá (vaccine chỉ hướng vào một mầm bệnh) hoặc phổ biến hơn khi kết hợp với các vaccine khác như vaccine phòng bệnh sởi và rubella (MR); sởi, quai bị và rubella (MMR); hoặc sởi, quai bị, rubella và varicella (MMRV) [2].
Đối với trẻ em, nên tiêm hai liều vaccine MMR, bắt đầu với liều đầu tiên từ 12 - 15 tháng tuổi và liều thứ hai từ 4 - 6 tuổi. Cần khuyến cáo những phụ nữ trong độ tuổi mang thai, hoặc dự định mang thai, trong thời gian này nên đi tiêm ngừa bệnh. Vaccine tạo ra kháng thể đã được chứng minh an toàn và hiệu quả, đạt được 95-100% chỉ sau một liều, nó hiệu quả tương tự như miễn dịch tự nhiên có sau khi nhiễm bệnh.
Theo nguyên tắc, vaccine ngừa rubella không được dùng cho phụ nữ đang có thai, và phải tránh mang thai trong vòng 1 tháng sau khi tiêm vaccine, nhưng chưa được chứng minh nguy cơ mắc hội chứng rubella bẩm sinh do vaccine gây ra [7].
Ngoài ra, có thể phòng bệnh bằng các biện pháp không đặc hiệu khác như mặc đủ ấm, ăn uống đảm bảo dinh dưỡng, cách ly và thực hiện các biện pháp phòng lây lan vì bệnh truyền nhiễm rất nhanh qua đường hô hấp.
Đối với những phụ nữ mang thai nhiễm rubella cần phải theo dõi sát thai kỳ, cân nhắc chấm dứt thai kì khi phát hiện các dị tật bẩm sinh nghiêm trọng. Với những hậu quả gây ra cho thai phụ và trẻ sơ sinh khi nhiễm bệnh, rubella cần được dự phòng bằng vaccine - phương pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Elise Bouthry, Olivier Picone, Ghada Hamdi, et al. Rubella and pregnancy: diagnosis, management and outcomes. 2014
- WHO (2019) “Rubella”. (https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/rubella)
- Center for disease Control and Prevention. Rubella in the U.S, last accessed on September 15, 2017 (https://www.cdc.gov/rubella/about/in-the-us.html).
- Cục Y Tế Dự Phòng Việt Nam, Trên 7 triệu trẻ được tiêm chủng vắc xin Sởi - Rubella an toàn - chuẩn bị tốt lực lượng bước vào chiến dịch đợt 2, last accessed on January 28, 2015 (http://vncdc.gov.vn/vi/tiem-vac-xin-soi-rubella-tre-1-14-tuoi/232/tren-7-trieu-tre-duoc-tiem-chung-vac-xin-soi-rubella-an-toan-chuan-bi-tot-luc-luong-buoc-vao-chien-dich-dot-2).
- Center for disease Control and Prevention. Rubella and Pregnancy, page last reviewed on September 15, 2017 (https://www.cdc.gov/rubella/pregnancy.html).
- National Center for Biotechnology Information. Rubella (German measles) in pregnancy, last accessed on November 12, 2007 (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2532864/).
- WHO (2019) “Rubella, Vaccine”. (https://www.who.int/ith/vaccines/rubella/en/).
Từ khóa: Rubella và thai kỳ
Các tin khác cùng chuyên mục:
Hướng dẫn lâm sàng xử trí u xơ cơ tử cung - Ngày đăng: 12-11-2019
Giải pháp mới trong tiếp cận nội khoa U xơ cơ tử cung - Ngày đăng: 12-11-2019
Thuốc hỗ trợ trong điều trị ngoại khoa u xơ cơ tử cung - Ngày đăng: 12-11-2019
Thách thức và quan điểm đương đại trong điều trị u xơ tử cung - Ngày đăng: 12-11-2019
Giá trị siêu âm IOTA quy tắc đơn giản trong chẩn đoán ung thư buồng trứng tại bệnh viện Từ Dũ - Ngày đăng: 07-11-2019
Kết quả điều trị Đái tháo đường thai kì bằng chế độ ăn tiết chế kết hợp vận động tại Bệnh viện Hùng Vương - Ngày đăng: 07-11-2019
Cập nhật các phương pháp tầm soát, chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư vú - Ngày đăng: 07-11-2019
Xuất huyết tử cung bất thường - Từ bằng chứng đến thực hành - Ngày đăng: 07-11-2019
Các rối loạn sức khỏe tuổi mãn kinh - Ngày đăng: 15-01-2019
Điều trị Hiếm muộn - Hội chứng buồng trứng đa nang - Ngày đăng: 03-01-2019
Giải pháp toàn diện trong sàng lọc ung thư cổ tử cung - Ngày đăng: 08-10-2018
Tái nhiễm trong điều trị viêm âm đạo: thách thức và giải pháp - Ngày đăng: 04-10-2018
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Năm 2020
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Năm 2020
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...
FACEBOOK