BS Hồ Mạnh Tường
Giới thiệu
Tuyến yên trước tiết ra các gonadotrpins quan trọng là FSH (follicle-stimulating hormone), LH (luteinizing hormone) dưới sự điều khiển của GnRH do vùng dưới đồi tiết ra. Các tế bào Leydig nằm giữa các ống sinh tinh ở tinh hoàn. Tế bào Leydig tổng hợp và tiết ra testosterone dưới tác động của LH. FSH và Testosterone kích thích quá trình sinh tinh thông qua các tế bào Sertoli ở ống sinh tinh. Testosterone ức chế tiết GnRH và LH. Inhibin và follistatin ức chế tiết FSH; activin kích thích tiết FSH. Ngoài tác động lên quá trình sinh tinh, testerone còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và phân bố lông trên cơ thể, chuyển hóa xương, phát triển và phân bố khối cơ, các đặc tính sinh dục thứ phát và chức năng hệ sinh dục nam.
GnRH: gonadotropin releasing hormone
GnRH là một decapeptide do vùng dưới đồi tiết ra. Đây là một chất nội tiết thần kinh (neurohormone). Thời gian bán hủy của GnRH ngắn, khỏang 10 phút. GnRH bị phân hủy ở tuyến yên. GnRH được tiết theo nhịp, do đó, FSH và LH cũng được tiết ra từng đợt vào tuần hoàn.
Sự chế tiết GnRH được điều tiết bởi Testosterone. Testosterone có tác dụng phản hồi âm tính làm vùng dưới đồi giảm tiết GnRH và giảm sự nhạy cảm của tuyến yên đối với GnRH. Testosterone có thể chuyển thành DHT (dihydrotestosterone), cũng có tác động ức chế ngược làm giảm tiết GnRH và LH.
GnRH tác động bằng cách gắn kết với thụ thể ở tuyến yên. GnRH có khả năng điều tiết số lượng và họat động của thụ thể. Tác động này tùy thuộc vào tần suất chế tiết và nồng độ GnRH. Hoạt động của các thụ thể hiệu ủa nhất khi GnRH được tiết theo xung sinh lý đều đặn. Nếu GnRH được cung cấp liên tục, sẽ dẫn đến trơ hóa thụ thể và giảm tiết gonadotropins.
Gonadotropins
LH và FSH là những glycoprotein được tuyến yên trước tiết ra, có tác động kiểm soát sự trưởng thành và chức năng của tuyến sinh dục. Cấu trúc của LH và FSH gồm 2 chuỗi polypeptide và . Cấu trúc của chuỗi của LH và hCG rất giống nhau. Do đó, hCG có tác động tương đương với LH trên thụ thể, nhưng hCG có thời gian bán hủy dài hơn.
Thời gian bán hủy của LH là 20 phút và của FSH là 2 giờ. Mặc dù cả hai gonadotropins đều được tuyến yên tiết ra theo các xung GnRH, LH được tiết ra với tần suất cao hơn so với FSH. LH và FSH sau khi được tổng hợp sẽ được dự trữ tại các túi tiết ở tuyến yên và sẵn sàng chế tiết khi nhận được kích thích của GnRH.
LH và FSH đều cần thiết cho quá trình sinh tinh. LH tác động lên quan trình sinh tinh thông qua testosterone, đây là nội tiết quan trọng để khởi phát sinh tinh. FSH đóng vai trò quan trọng để duy trì quá trình sinh tinh bình thường. Inhibin B được tế bào Sertoli tiết ra dưới tác động của FSH. Inhibin lại ức chế tuyến yên tiết FSH.
Testosterone (T)
Androgens rất cần thiết cho sự phát triển và hoạt động của tinh hoàn, sự phát triển của các đặc tính sinh dục thứ phát của nam giới, hệ thống cơ-xương, libido và quá trình sinh tinh trùng. T là androgen quan trọng nhất. Tinh hoàn tiết ra T (5-10mg/ngày). Nguồn androgen quan trọng khác của cơ thể là từ tuyến thượng thận. T do tế bào Leydig trong tinh hoàn tổng hợp và chế tiết. Sự sản xuất và chế tiết T ở tinh hoàn được điều tiết bởi LH tuyến yên và các yếu tố nội tại tinh hoàn (paracrine). Tác động của LH được sự hỗ trợ của FSH. FSH có tác dụng tạo nên các thụ thể LH trên tế bào Leydig ở tinh hoàn.
T được tổng hợp từ cholesterol. Sản phẩm trung gian của qui trình này là pregnenolone. T là sản phẩm chế tiết chính của tinh hoàn. Các sản phẩm phụ bao gồm: DHT (Dihydrotestosterone), androsterone, androstenedione, 17-hydroxyprogesterone, progesterone và pregnolone. T là tiền chất để tổng hợp 2 nội tiết tố quan trọng bên ngoài tinh hoàn là DHT và estradiol.
T chuyển hóa thành DHT chủ yếu tại các cơ quan đích. DHT có ái lực cao hơn T đối với thụ thể androgenic. Tại một số cơ quan đích, DHT là androgen chủ yếu gây các tác động sinh học, như mào tinh, ống dẫn tinh, túi tinh, tiền liệt tuyến. Androsstenedione là tiền chất quan trọng cho việc tổng hợp estrogen ở ngoài tinh hoàn.
T được tiết ra đi vào vòng tuần hoàn và lòng các ống sinh tinh. Nồng độ T trong lòng ống sinh tinh cao khỏang 50-100 lần so với trong máu. Nồng độ T cao cần thiết cho quá trình sinh tinh trùng tại tinh hoàn và trưởng thành của tinh trùng tại mào tinh. FSH gắn với tế bào Sertoli và kích thích tế bào này tiết ra ABP (androgen binding protein). ABP giúp duy trì nồng độ cao T trong lòng ống sinh tinh, đảm bảo cho quá trình sinh tinh. Tế bào Sertoli ở tinh hoàn tương đương với tế bào hạt và tế bào Leydig tương đương với tế bào vỏ ở buồng trứng.
Nồng độ T tăng trong máu sẽ tạo phản hồi âm tính làm giảm tiết LH. T và DHT ức chế hạ đồi bằng cách giảm tần số tiết GnRH. Estrogen làm giảm tiết gonadotropin bằng cách cường độ chế tiết FSH, LH. Progesterone cũng ức chế tiết gonadotropins.
T huyết thanh tồn tại dưới 3 dạng khác nhau: tự do, gắn với albumin, gắn với SHBG (sex hormone-binding globulin). Khoảng 2% tồn tại ở dạng tự do, 44% gắn với SHBG và 54% gắn với albumin. T sinh khả dụng (Bioavailable testosterone) bao gồm testosterone tự do và T gắn với albumin. SHBG có ái lực rất cao đối với testosterone. Nếu SHBG tăng, nồng độ testosterone tự do sẽ bị giảm đáng kể. Nồng độ SHBG ở nam giới chỉ bằng khoảng 1/3 – 1/2 so với nữ. SHBG tăng ở nam giới bị suy tuyến sinh dục. Định lượng T nên thực hiện vào buổi sáng để tránh ảnh hưởng của sự thay đổi chế tiết testosterone theo chu kỳ trong ngày.
Free testosterone index (FTI) = total testosterone / SHBG |
|
Nồng độ T toàn phần |
|
< 200ng/dL ở nam giới có triệu chứng được chẩn đoán là suy tuyến sinh dục. | |
200-400ng/dL có thể có lợi khi điều trị bổ sung T | |
> 400ng/dL loại trừ suy tuyến sinh dục |
Hiện nay, ở Việt nam chỉ định lượng được T toàn phần. Điều này giúp khó đánh giá được hoạt động của testosterone trong cơ thể. Có thể tính dược chỉ số testosterone tự do (FTI) nếu định lượng được SHBG. Ngoài ra có thể ước tính được testosterone tự do (calculated free testosterone) thông qua các chỉ số: testosterone toàn phần, SHBG và Albumin huyết tương.
Tác động sinh học của androgen
Androgens đóng vai trò quan trọng torng suốt cuộc sống của nam giới. Trong giai đoạn phôi thai, T quyết định sự biệt hóa của cơ quan sinh dục. Trong giai đoạn dậy thì, T giúp phát triển các đặc tính sinh dục thứ phát và kiểu hình nam giới. T đóng vai trò không thể thiếu để duy trì các họat động sinh sản của nam giới và kiểu hình nam giới trong suốt cuộc sống.
Cả T và DHT đều cần thiết cho sự phát triển của dương vật trong gia đoạn dậy thì. Tuy nhiên, thụ thể androgen không còn hiện diện ở nam giới đã trưởng thành. Suy tuyến sinh dục sau tuổi trưởng thành không làm giảm đáng kể thể tích dương vật. Ngược lại, bổ sung T sau dậy thì không thể làm tăng thể tích dương vật.
T có tác động trực tiếp lên chuyển hóa của cả cơ vân và cơ trơn. T giúp làm tăng khói lượng cơ. Thiếu hụt T sẽ dẫn đến teo cơ. Cả androgen và estrogen đều làm tăng mật độ xương. Androgen đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của da và lông, tóc. Các tác động này cũng phụ thuộc vào vị trí da, lông và độ nhạy với androgen của nang lông ở từng người. Androgen có tác động tăng tạo máu và tăng tổng hợp hemoglobin.
Trong giai đoạn dậy thì, testosterone làm tăng kích thước thanh quản và thay đổi dây thanh âm ở thiếu niên nam là vỡ giọng và giọng trở nên trầm hơn so với nữ. Cao độ của giọng nói nam giới phụ thuộc vào thời gian kéo dài của giai đoạn dậy thì, sau đó thì không thay đổi nữa.
Testosterone có các tác động tâm lý quan trọng. Người ta thấy có mối liên quan mật thiết nồng độ androgen với hoạt động về tinh thần, trạng thái tâm thần và sự tự tin. Giảm androgen thường đi kèm với giảm hứng thú và động cơ trong cuộc sống, trầm cảm, giảm libido và hoạt động tình dục.
Tài liệu tham khảo
1. Speroff L, Fritz MA (2005). Clinical Gynecologic Endocrinology and Infertility. Lippincott Williams&Wilkins.
2. Lunenfeld B, Gooren L. Eds (2002). Textbook of Mens Health. Parthenon Publishing.
3. Weinbauer GF, Gromoll J, Simoni M, Nieschlag (1997). Physiology of testicular function. Trong “Andrology – Male reproductive Health and Dysfunction” Nieschlag, Behre HM. (Eds) Springer.
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...