Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Thursday 30-03-2023 11:24am
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Mãn kinh
CN. Lê Thị Vân – IVF Vạn Hạnh

1.  Mãn kinh là gì?
 
Hình 1: Nội tiết tố của phụ nữ trong từng giai đoạn phát triển

Mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp trong đời sống của người phụ nữ, đánh dấu sự biến mất vĩnh viễn của kinh nguyệt, phản ánh sự suy giảm chức năng dự trữ buồng trứng, dần dần buồng trứng ngưng hoạt động, ngưng sản xuất nội tiết tố dẫn đến không có kinh nguyệt và không còn khả năng sinh sản. Mỗi người phụ nữ sẽ trải qua thời kỳ mãn kinh khác nhau, trung bình rơi vào độ tuổi khoảng từ 50-55 tuổi [1]. Tuy nhiên, phụ nữ ngày nay thường gặp trường hợp mãn kinh sớm dù chưa bước sang độ tuổi 40. Mặc dù đôi khi nguyên nhân gây ra mãn kinh sớm không thể xác định được nhưng chủ yếu là do những yếu tố sau:
·    Yếu tố di truyền
Nguyên nhân gây mãn kinh sớm đầu tiên có thể là do di truyền. Nếu như mẹ của bạn từng trải qua mãn kinh sớm, bạn có nguy cơ gặp điều tương tự.
 
·    Khiếm khuyết về nhiễm sắc thể
Một số khiếm khuyết về nhiễm sắc thể có thể dẫn đến sự mãn kinh sớm. Ví dụ, nữ giới mắc hội chứng Turner (đơn nhiễm sắc thể X) thường có buồng trứng bị rối loạn chức năng. Điều nay thường gây ra hiện tượng mãn kinh từ rất sớm.
 
·    Bệnh tự miễn
Mãn kinh từ rất sớm có thể là triệu chứng của bệnh tự miễn như là bệnh về tuyến giáp hay bệnh thấp khớp. Đây là khi hệ thống miễn dịch nhầm lẫn một phần trong cơ thể là kẻ xâm lấn và bắt đầu tấn công bộ phận này. Sự viêm gây ra bởi các bệnh này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của buồng trứng làm buồng trứng ngừng hoạt động và gây ra mãn kinh.
 
·    Suy giảm tự nhiên của hormone sinh sản
Khi đến với những năm cuối của ngưỡng tuổi 30-40, buồng trứng sẽ bắt đầu giảm sản xuất estrogen và progesterone – những hormone điều hòa kinh nguyệt – và khả năng sinh sản của nữ giới bị giảm đi. Ở những năm 40, chu kỳ kinh nguyệt có thể trở nên dài hoặc ngắn hơn, nhiều hay ít hơn, thường xuyên hay thỉnh thoảng hơn, cho đến cuối cùng trung bình khoảng vào tuổi 51, buồng trứng sẽ dừng sản xuất trứng, và sẽ không còn kinh nguyệt nữa.
 
·    Phẫu thuật cắt tử cung
Phẫu thuật cắt tử cung nhưng giữ lại buồng trứng thường không gây mãn kinh ngay. Dù bạn không còn kinh nguyệt nữa, buồng trứng vẫn tạo ra noãn và sản sinh estrogen và progesterone. Nhưng phẫu thuật cắt bỏ cả tử cung và buồng trứng (cắt bỏ hoàn toàn tử cung và hai bên buồng trứng) sẽ gây mãn kinh ngay lập tức. Kinh nguyệt sẽ dừng lại ngay và dường như sẽ gặp các dấu hiệu và triệu chứng khác của mãn kinh. Những thay đổi hormone này sẽ xảy ra đột ngột chứ không kéo dài trong nhiều năm.
·    Hóa trị và xạ trị
Những phương pháp điều trị ung thư này có thể gây ra mãn kinh và mang đến những triệu chứng như những cơn nóng bừng trong suốt hoặc một khoảng thời gian ngắn sau quá trình điều trị.
 
2. Những dấu hiệu thời kỳ mãn kinh, mãn kinh sớm

Hình 2: Những ảnh hưởng của thời kỳ mãn kinh đối với phụ nữ

·    Khô âm đạo, cảm giác nóng rátSự suy giảm nội tiết tố sớm khiến âm đạo trở nên khô sớm hơn, gây cảm giác đau rát khi quan hệ, thậm chí chảy máu. 
·    Bốc hỏa, đồ mồ hôi về đêm: Estrogen suy giảm không chỉ ảnh hưởng tới nội tiết trong cơ thể mà còn ảnh hưởng vùng dưới đồi, não bộ, từ đó gây bốc hỏa, đổ mồ hôi.
·    Giảm ham muốn: Phụ nữ tuổi mãn kinh thường bị suy giảm ham muốn nhưng nếu chưa đến tuổi mãn kinh mà đã thấy dấu hiệu này thì có thể chị em đang gặp tình trạng mãn kinh sớm. 
·    Thay đổi tâm trạng: Tương tự mãn kinh, mãn kinh sớm cũng gây các thay đổi về tâm trạng như: lo lắng, mệt mỏi, u sầu, chán nản, hồi hộp....
·    Rối loạn kinh nguyệt: Chu kỳ kinh nguyệt không đều, rong kinh, thưa kinh, mất kinh, máu kinh bất thường, ...
·    Rối loạn giấc ngủ: Thường xuyên gặp tình trạng mất ngủ, ngủ không sâu giấc, khó ngủ, ...
·    Nguy cơ loãng xương sớm: Estrogen suy giảm khiến canxi trong xương cũng giảm. 
·    Nguy cơ mắc các bệnh tim mạch tăng cao: Estrogen cũng là yếu tố quan trọng góp phần duy trì hệ tim mạch khỏe mạnh. Do đó, nếu bị mãn kinh sớm, nguy cơ bị các bệnh tim mạch sẽ tăng lên.
·    Thường xuyên căng thẳng: Căng thẳng sẽ làm ức chế miễn dịch gây ra trầm cảm và lo âu, ảnh hưởng tới buồng trứng, khả năng vận hành của buồng trứng, ... từ đó góp phần gây nên tình trạng mãn kinh sớm.
·    Hút thuốc lá và uống rượu bia: Thói quen này gây kích thích cơ quan nội tiết sản sinh nhiều hơn nội tiết tố nam và dần dần ức chế sản xuất nội tiết tố nữ. Thói quen này cũng tạo ra các gốc oxy hóa tồn dư gây mãn kinh sớm.
·    Suy buồng trứng sớm: Buồng trứng là cơ quan chủ yếu sản sinh ra các nội tiết tố trong cơ thể, nhất là nội tiết tố nữ estrogen. Do đó, buồng trứng bị suy giảm sớm hơn bình thường thì việc chị em gặp tình trạng mãn kinh sớm cũng là điều tất yếu. 
 
Hình 3: Quá trình suy buồng trứng sớm
 
Suy buồng trứng sớm (Primary ovarian insufficiency - POI) là nguyên nhân phổ biến gây mãn kinh sớm ở phụ nữ và ảnh hưởng đến khoảng 1% phụ nữ trẻ. POI được định nghĩa là tình trạng mất kinh (từ 4 tháng trở lên) ở phụ nữ dưới 40 tuổi, kèm theo tăng FSH huyết thanh đến mức mãn kinh (thường trên 40 IU/l, thu được cách nhau ít nhất 1 tháng) và estradiol mức thấp hơn 50 pg/ml. Một chỉ số khác là AMH, có nồng độ trong huyết thanh có thể giúp đánh giá tình trạng lão hóa của nang trứng, đây là một yếu tố dự đoán nguy cơ mắc bệnh POI [2]. Suy buồng trứng nguyên phát (POI) là nguyên nhân quan trọng gây thiếu hụt nội tiết tố buồng trứng và vô sinh ở phụ nữ. Ngoài việc gây vô sinh, POI gây ảnh hưởng xấu về sức khỏe, bao gồm các triệu chứng như khó chịu, giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương, tiến triển sớm của bệnh tim mạch, tác động tâm lý có thể bao gồm trầm cảm, lo lắng và giảm khả năng hỗ trợ tâm lý xã hội, suy giảm nhận thức sớm và hội chứng khô mắt. Ngày nay liệu pháp điều trị thay thế hormone thích hợp đang được áp dụng để thay thế mức steroid sinh dục buồng trứng tiền mãn kinh là điều quan trọng để tăng chất lượng cuộc sống cho phụ nữ mắc POI và cải thiện các rủi ro sức khỏe liên quan.
 
3. Liệu pháp điều trị suy buồng trứng sớm


 Hình 4: Liệu pháp điều trị mãn kinh sớm bằng huyết tương giàu tiểu cầu
 
Nghiên cứu Nataliia Petryk và cộng sự năm 2020 tiến hành sử dụng huyết tương tự thân giàu tiểu cầu (Platelet rich plasma – PRP) để trẻ hóa buồng trứng đối với 38 phụ nữ 31–45 tuổi có dự trữ buồng trứng thấp. Nồng độ tiểu cầu trong PRP là 1×10 6 μl. Việc tiêm PRP vào buồng trứng được thực hiện bởi bác sĩ phụ khoa dưới sự hướng dẫn của máy siêu âm hoặc phương pháp tiếp cận có hỗ trợ nội soi. Sau khi điều trị PRP, phụ nữ được theo dõi liên tục trong 12 tháng. Kết quả đã thấy sự cải thiện đáng kể về mức độ hormone, sáu đứa trẻ khỏe mạnh được sinh ra, mười lần mang thai thành công và bốn trong số mười đứa trẻ là do thụ thai tự nhiên. Từ đó cho thấy, tiêm PRP vào buồng trứng là phương pháp điều trị an toàn, hiệu quả và tự nhiên có thể giúp phụ nữ bị suy buồng trứng sớm sinh con [3]. Tuy nhiên phương pháp điều trị này vẫn chưa được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Chính vì vậy, để phòng ngừa suy buồng trứng sớm thì phụ nữ nên chủ động theo dõi sức khỏe định kỳ và thăm khám nếu có dấu hiệu bất thường. Ngoài ra cần phải:
·    Hạn chế căng thẳng, mệt mỏi liên tục trong thời gian dài và nên giữ tinh thần lạc quan vui vẻ.
·    Có chế độ ăn uống hợp lý, hạn chế thức ăn nhanh, nhiều dầu mỡ và thường xuyên tập thể dục để tăng cường sức khỏe.
·    Bổ sung đầy đủ canxi, vitamin D để ngăn ngừa loãng xương. 
 
Nguồn tham khảo:
1.  Santoro, N., et al., The menopause transition: signs, symptoms, and management options. The Journal of Clinical Endocrinology & Metabolism, 2021. 106(1): p. 1-15.
2.  Visser, J.A., et al., Anti-Müllerian hormone: an ovarian reserve marker in primary ovarian insufficiency. Nature Reviews Endocrinology, 2012. 8(6): p. 331-341.
3.  Petryk, N. and M. Petryk, Ovarian rejuvenation through platelet-rich autologous plasma (PRP)—a chance to have a baby without donor eggs, improving the life quality of women suffering from early menopause without synthetic hormonal treatment. Reproductive Sciences, 2020. 27(11): p. 1975-1982.
Các tin khác cùng chuyên mục:
Thoái hóa cột sống - Ngày đăng: 28-01-2019
Thoái hóa khớp gối - Ngày đăng: 28-01-2019
Tình dục - Tuổi mãn kinh - Ngày đăng: 28-01-2019
Mãn kinh và bệnh tim mạch - Ngày đăng: 15-01-2019
Cơ bản về nội tiết sinh sản - Ngày đăng: 09-01-2019
Hormones sinh dục và não bộ - Ngày đăng: 14-01-2019
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK