Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 09-03-2019 8:47pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
BS Nguyễn Khánh Linh – BV Mỹ Đức Phú Nhuận
 

Liệu pháp corticosteroid trước sinh được sử dụng trên lâm sàng nhằm hỗ trợ sự trưởng thành phổi của thai nhi non tháng, tuy nhiên các nghiên cứu trên động vật và người cho thấy corticosteroid có thể liên quan đến sự giảm kích thước của trẻ lúc sinh. Trong khi đó, hầu hết các nghiên cứu lại không hề sử dụng kích thước trẻ lúc sinh làm kết cục chính của nghiên cứu và không đo lường hết tất cả các đặc điểm của trẻ liên quan đến kích thước lúc sinh.

Một nghiên cứu quan sát dựa trên Cơ sở dữ liệu sinh của Phần Lan (Finnish Medical Birth Register - FMBR) được thực hiện, bao gồm tất cả các trường hợp sinh ở Phần Lan từ tháng 1 năm 2006 đến tháng 12 năm 2010. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành phân tích bằng 3 phương pháp: (1) hồi quy không điều chỉnh, (2) hồi quy điều chỉnh và (3) so sánh bằng điểm xu hướng (propensity score matching - PSM) để tìm câu trả lời liệu kích thước trẻ lúc sinh có bị ảnh hưởng khi phơi nhiễm với corticoid hay không. PSM là một phương pháp so sánh nghiêm ngặt, với các tập hợp mẫu con được tạo ra và đồng khớp các đặc điểm nền và đặc điểm bệnh lý giữa nhóm được và không được sử dụng corticoid. Tất cả các phân tích đều được phân tầng theo thời điểm sinh. Kết cục nghiên cứu chính là kích thước trẻ lúc sinh: cân nặng, chiều dài, chỉ số thể trọng và chu vi vòng đầu được đo ngay lúc sinh và được ghi nhận trong FMBR. Các phân tích khác khảo sát các chỉ số sức khoẻ sơ sinh trong mối liên quan với phơi nhiễm corticoid và kích thước trẻ.
Tổng cộng có 278.508 trường hợp sinh sống 1 bé từ 24 tuần trở lên được đăng ký trên FMBR trong thời gian 5 năm nghiên cứu. Hơn 4% trẻ bị sinh non, và 4887 phụ nữ được sử dụng liệu pháp corticoid (1,75%). Hơn 44% trẻ phơi nhiễm (n = 2173) sinh đủ tháng. Phân nhóm theo thời điểm sinh gồm các nhóm: sinh cực non (24-29 tuần), sinh non (30-34 tuần), gần đủ tháng (35-37 tuần), đủ tháng (38-41 tuần) và quá ngày (³ 42 tuần).

Thứ nhất, các kết quả của phân tích hồi quy không điều chỉnh sử dụng toàn bộ dân số nghiên cứu cho thấy sự giảm đáng kể cân nặng của trẻ khi sinh khi so sánh với các phương pháp phân tích khác: rất non tháng -61,26 g (±SE 24,12, p < 0,01), non tháng -232,90 g (±SE 17,24, p < 0,001), gần đủ tháng -171,50 g (±SE 17,52, p < 0,001), và đủ tháng -101,95 g (±SE 10,89, p < 0,001). Thứ hai, cũng sử dụng toàn bộ dân số nghiên cứu, phân tích hồi quy điều chỉnh các đặc điểm nền và các bệnh lý cho thấy có sự khác biệt có ý nghĩa cân nặng lúc sinh giữa nhóm trẻ sơ sinh có phơi nhiễm và không phơi nhiễm: rất non tháng −61,54 g (±SE 28,62, P < 0,03), non tháng −222,78 g (±SE 19,64, P < 0,001), gần đủ tháng −159,25 g (±SE 19,14, P < 0,001), và đủ tháng −91,62 g (±SE 11,86, P < 0,03). Thứ ba, sử dụng phân tích nghiêm ngặt PSM dựa trên các mẫu con đồng khớp các đặc điểm nền, trẻ sơ sinh phơi nhiễm với corticoid có cân nặng lúc sinh thấp hơn: −220,18 g (±SE 21,43, P < 0,001), −140,68 g (±SE 23,09, P < 0,001), và −89,38 g (±SE 14,16, P < 0,001), lần lượt với sinh non, gần đủ tháng và đủ tháng.

Có sự giảm đáng kể chiều dài trẻ và chu vi đầu khi phân tích bằng cả ba phương pháp trên. Không có sự khác biệt giữa các trẻ sinh quá ngày bất kể phương pháp phân tích. Tương tự như vậy, các nhà nghiên cứu cũng không ghi nhận sự khác biệt nào về chỉ số thể trọng. Các phân tích khác cho thấy các trẻ phơi nhiễm và không phơi nhiễm có điểm số Apgar tương tự nhau, tuy nhiên các trẻ có phơi nhiễm với corticoid thì được chăm sóc y tế nhiều hơn trong vòng 7 ngày đầu sau sinh và sau đó.

Ưu điểm lớn nhất của nghiên cứu có lẽ là cỡ mẫu lớn nhất từ trước đến nay. Với cỡ mẫu này, các nhà nghiên cứu tin rằng các phát hiện của nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng lâm sàng trên người khẳng định các nghi ngờ từ trước đến nay rằng liệu pháp corticoid trước sinh làm giảm sự tăng trưởng của thai nhi. Hạn chế chính của nghiên cứu là FMBR còn thiếu dữ liệu về khoảng cách từ lúc sử dụng liệu pháp corticoid đến lúc sinh, cũng như không xét đến các yếu tố có khả năng gây nhiễu khác.

Nói tóm lại, nghiên cứu này cho thấy liệu pháp corticoid trước sinh có mối liên quan hằng định với giảm kích thước trẻ lúc sinh đối với trẻ sinh non, gần đủ tháng và đủ tháng. Giảm tăng trưởng trong thời kỳ bào thai có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh trong đời sống sau này của trẻ. Cần thêm các nghiên cứu sâu hơn cũng như nhiều sự nỗ lực để xác định và điều trị nhắm đích bệnh nhân nào sẽ sinh non. Hậu quả gây giảm độ tăng trưởng của trẻ phải được cân nhắc trước khi đưa ra một quyết định điều trị nào trong giai đoạn thai kỳ sớm.

Nguồn: Rodriguez A, Wang Y, Ali Khan A, Cartwright R, Gissler M, Ja ̈rvelin M-R (2019) Antenatal corticosteroid therapy (ACT) and size at birth: A population-based analysis using the Finnish Medical Birth Register. PLoS Med 16(2): e1002746. https://doi.org/10.1371/journal. pmed.1002746

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK