Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 22-04-2016 11:26am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin trong nước
KS. Le Méridien Saigon, ngày 16/04/2016
BS. Mai Đức Tiến



Ngày 16/04/2016 vừa qua, Hội thảo khoa học Ảnh hưởng của mãn kinh lên chất lượng cuộc sống được tổ chức tại KS. Le Méridien Saigon do Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM (HOSREM) tổ chức dưới sự tài trợ của Công ty Cổ phần Dược phẩm Hướng Việt. Ở độ tuổi mãn kinh, có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của người phụ nữ liên quan đến nhiều chuyên khoa y học. Các báo cáo viên được mời đến hội thảo là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực công tác.

Mở đầu là bài trình bày của GS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Chủ tịch HOSREM - Phó chủ tịch Hội Phụ Sản Việt Nam (VAGO) về “Những vấn đề của phụ nữ tuổi mãn kinh ở Việt Nam”. Ở người phụ nữ Việt Nam, độ tuổi mãn kinh trung bình từ 47,5 đến 49 tuổi, các triệu chứng mãn kinh thường gặp ảnh hưởng lên chất lượng cuộc sống bao gồm: bốc nóng mặt-cổ, vã mồ hôi, mất ngủ, hồi hộp, suy động mạch vành, khô teo âm đạo, loãng / thiếu xương. Đây là kết quả từ các nghiên cứu về điều tra cơ bản sức khỏe phụ nữ mãn kinh được thực hiện trên dân số Việt Nam. Vai trò và lợi ích của liệu pháp nội tiết thay thế (HRT) được khẳng định từ các bằng chứng khoa học mạnh và đồng thuận từ các tổ chức mãn kinh trên thế giới. Giải pháp ở Việt Nam hiện nay, phụ nữ mãn kinh được khuyên: có lối sống hoạt động tích cực, dinh dưỡng, tập luyện hợp lí, tinh thần thanh thản. Ở những phụ nữ mãn kinh có các rối loạn cơ năng nặng nề, nên sử dụng HRT sau khi sàng lọc sớm để bảo đảm chất lượng cuộc sống, cũng như được tư vấn về cửa sổ thời cơ, thời gian sử dụng, loại thuốc và chế độ theo dõi thăm khám. Phụ nữ mãn kinh sớm cần điều trị HRT đến độ tuổi mãn kinh trung bình rồi chuyển qua các điều trị khác nếu cần thiết. Phụ nữ có triệu chứng mãn kinh nhưng nhẹ hay sau khi đã điều trị các rối loạn mãn kinh nặng, có thể chuyển qua các liệu pháp không hormone hoặc sử dụng các thực phẩm chức năng phù hợp.

Tiếp theo là bài trình bày của GS. Đặng Vạn Phước - Trưởng khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM về “Bệnh lí tim mạch ở phụ nữ tuổi mãn kinh”. Ở phụ nữ tuổi mãn kinh, cùng với tuổi thọ càng cao, gia tăng bệnh cao huyết áp và các bệnh lí liên quan như: động mạch vành, đái tháo đường... Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này một phần do rối loạn nội tiết tuổi mãn kinh, chủ yếu là sự sụt giảm nội tiết tố estrogen trong cơ thể. Vai trò của estrogen và HRT trong ngăn ngừa và điều trị các bệnh lí tim mạch như: estrogen có tác dụng chống xơ vữa, HRT có thể làm giảm nguy cơ đột quị, HRT có liên quan đến các thay đổi huyết áp nhưng nhẹ và có thể dùng cho phụ nữ có huyết áp bình thường hoặc tăng.

Hội thảo lần này được hân hạnh chào đón Dr. Chua Yang – Chủ tịch Hiệp hội Mãn kinh Châu Á-Thái Bình Dương với bài trình bày “Quản lí mãn kinh hiệu quả ngăn ngừa tử vong và bệnh tật do loãng xương”. Báo cáo cho thấy hơn 50% toàn bộ lượng xương của người phụ nữ sẽ mất đi ở giai đoạn trễ tuổi quanh mãn kinh và giai đoạn sớm tuổi mãn kinh, dẫn đến hệ lụy loãng xương và các biến chứng gãy xương đi kèm. Do đó, quản lí tốt bệnh nhân giai đoạn này sẽ ngăn ngừa nguy cơ loãng xương và gãy xương. Vai trò của các xét nghiệm tầm soát, chẩn đoán, bổ sung vitamin D và canxi, phơi nắng hay liệu pháp nội tiết thay thế được đề cập khá chi tiết.

Thêm một vấn đề mà các chị em phụ nữ quan tâm, đó là “Mãn kinh và lão hóa da” được trình bày bởi BS. Võ Thị Bạch Sương – Giảng viên Bộ môn Da liễu, Đại học Y Dược TPHCM. Mãn kinh là một tiến trình phức hợp xảy ra trên nhiều cơ quan của người phụ nữ và những ảnh hưởng trên da được nhìn thấy rõ bằng mắt thường. Giảm estrogen liên quan đến sự lão hóa da, điều trị bằng HRT chưa được khuyến cáo với các trị liệu lão hóa da. Các biện pháp được khuyến khích vì tính an toàn khi sử dụng như: tránh nắng, uống và thoa các chất chống oxy hóa, các chăm sóc tại chỗ...

Kết thúc hội thảo là phần trình bày của ThS. Đặng Quang Vinh – Phó Giám đốc Bệnh viện Mỹ Đức - Thành viên Ban Chấp hành Hiệp hội Mãn kinh Châu Á-Thái Bình Dương về “Chăm sóc toàn diện phụ nữ quanh tuổi mãn kinh: vai trò của nhân viên y tế và bệnh nhân”. Mãn kinh trong bối cảnh hiện nay đang là vấn đề xã hội lớn tại các nước phát triển trên thế giới, kể cả các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam. HRT được đồng thuận khuyến cáo là trị liệu hiệu quả liên quan đến vận mạch ở tuổi mãn kinh, có hiệu quả và phù hợp trong dự phòng gãy xương, estrogen đơn thuần với liều chuẩn có thể giảm nguy cơ bệnh mạch vành, tử vong... Tuy nhiên, quyết định HRT cần được cá thể hóa, cân nhắc dựa trên các yếu tố như: nhu cầu của bệnh nhân và các yếu tố nguy cơ. Các yếu tố tác động đến sử dụng HRT ở phụ nữ mãn kinh là: tư vấn của bác sĩ, báo chí, truyền thông, mạng xã hội, ý kiến bạn bè người thân và gia đình, trong đó, vai trò của bác sĩ và nhân viên y tế mang tính quyết định. Về phía bệnh nhân, giáo dục bệnh nhân đóng vai trò quan trọng. Việc tích cực tham gia vào các quyết định, can thiệp điều trị của bệnh nhân cần được khuyến khích, ngoài ra, vai trò của truyền thông cũng nên được quan tâm.

Thời gian khá hạn hẹp, tuy nhiên, những kiến thức và thông điệp của hội nghị được truyền tải khá đầy đủ đến quí đại biểu tham dự. Ở độ tuổi quanh mãn kinh và mãn kinh, có nhiều rối loạn ảnh hưởng đến chất lượng sống của người phụ nữ, khi mà liệu pháp nội tiết thay thế cho thấy lợi ích nhiều hơn so với nguy cơ thì việc bổ sung nội tiết là cần thiết. Nhân viên y tế cần giữ vai trò quan trọng trong phổ biến các kiến thức, tư vấn và đưa ra quyết định điều trị về các rối loạn liên quan ở độ tuổi này đến chị em phụ nữ, nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống phụ nữ tuổi mãn kinh.

Các tin khác cùng chuyên mục:
Giải thưởng thành tựu - Ngày đăng: 15-04-2016
Mẹ của ngàn con - Ngày đăng: 21-03-2016
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK