Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Thursday 08-06-2006 2:04pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng

BS. Nguyễn Xuân Quý - Phòng khám Nam khoa, Bệnh viện Từ Dũ

1. Đặt vấn đề:
Những nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ các cặp vợ chồng vô sinh đang có khuynh hướng tăng dần lên. Tỷ lệ vô sinh ở những cặp vợ chồng trong tuổi sinh sản trên thế giới dao động từ 14% đến 20%.Năm 1991,một nghiên cứu của Wosher W.D cho thấy tỷ lệ vô sinh ở Mỹ vào khoảng 10%-15%. Tại Việt Nam, thống kê dân số trong những năm 80 cho thấy tỷ lệ vô sinh ở những cặp vợ chồng trong tuổi sinh sản là 7% - 10% và đến nay tỷ lệ này đã cao hơn rất nhiều. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng vô sinh, tuy nhiên tỷ lệ vô sinh do những nguyên nhân từ phía người chồng hay người vợ lại gần như ngang nhau, chiếm khoảng 40%, có10% do cả hai vợ chồng và 10% còn lại không tìm được nguyên nhân. Trong các nguyên nhân vô sinh do người chồng thì có đến 90% là do bất thường tinh trùng (theo Keye, Chang, Rebar, Soules) .
Theo một nghiên cứu mới nhất của chúng tôi khảo sát tinh dịch đồ các cặp vợ chồng đến khám và điều trị hiếm muộn tại bệnh viện Từ Dũ từ tháng 1 đến tháng 6/2001 thì có tới 24,5% trường hợp bệnh nhân có tinh trùng ít, yếu, di dạng (oligo-astheno-teratozoospermia, viết tắt là OAT); và 10,1% trường hợp không có tinh trùng. Ngày nay, khi kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đã có những bước phát triển nhảy vọt, nhất là từ khi kỹ thuật tiêm tinh trùng vào bào tương của trứng ra đời (Intra Cytoplasmic Sperm Injection – ICSI) thì những trường hợp bệnh nhân bị OAT nặng hoặc không có tinh trùng (không tinh trùng do nguyên nhân tắc nghẽn- lấy tinh trùng từ mào tinh hoặc từ tinh hoàn) có thể điều trị thành công, tạo ra được những đứa con của chính họ. Còn những trường hợp bệnh nhân không tinh trùng do tinh hoàn không sinh tinh, hoặc những trường hợp bệnh nhân không đủ khả năng kinh tế để làm kỹ thuật ICSI thì sao đây? Chẳng lẽ họ vĩnh viễn không có được niềm hạnh phúc được làm cha, làm mẹ? Từ đó vấn đề cho-nhận tinh trùng được đặt ra. Sau đây, chúng tôi xin kể lại hai câu chuyện có thật về trường hợp cho-nhận tinh trùng:
Từ chuyện của bác sĩ Addison Hard: chuyện xảy ra vào năm 1884 tại trường Y khoa Jefferson ở Anh. Vợ chồng một thương gia bị vô sinh do chồng không có tinh trùng. Tập thể giáo sư và sinh viên sau bàn bạc đã quyết định lấy mẫu tinh trùng của một chàng sinh viên “đẹp trai nhất lớp” để bơm cho người vợ và bà ta đã có thai, sinh ra một bé trai. Đây là trường hợp cho nhận tinh trùng thành công đầu tiên đươc ghi nhận trong sách vở.
Đến câu chuyện của chúng tôi: có rất nhiều câu chuyện dở khóc dở cười ở phòng khám Nam khoa, bệnh viện Từ Dũ của chúng tôi trong quá trình tư vấn, khám và điều trị cho bệnh nhân, tuy nhiên, có một câu chuyện rất thương tâm, rất ấn tượng cho chúng tôi cũng như cho bạn đọc: vào một buổi chiều tại phòng khám, có một bệnh nhân đưa kết quả tinh dịch đồ của ông ta: cả hai lần thử, kết quả đều là “không có tinh trùng”, tiến hành khám: cả hai tinh hoàn đều teo nhỏ, kết quả xét nghiệm nội tiết: FSH rất cao, khai thác bệnh sử thì người đàn ông này bị quai bị, viêm tinh hoàn hồi lúc 20 tuổi. Bệnh nhân hết sức ngạc nhiên vì ông ta đã có một đứa con 3 tuổi. Trao đổi riêng với người vợ, chị thú nhận là chị đã biết chồng mình không có tinh trùng từ lâu, nhưng giấu không cho chồng biết, và chị đã âm thầm “tự liên hệ” với một người đàn ông “ngoài luồng” để có thai. Dĩ nhiên là sau đó chúng tôi cũng đã cố gắng giải thích theo hướng bảo tồn hạnh phúc gia đình của họ.
2. Cho- nhận tinh trùng và sự cần thiết của sự thành lập ngân hàng tinh trùng:
Qua hai câu chuyện trên, chúng ta thấy kỹ thuật “cho- nhận tinh trùng” tuy ra đời từ rất lâu nhưng vẫn rất cần thiết cho tới ngày hôm nay. Nghị định chính phủ về “Sinh con theo phương pháp khoa học” ban hành ngày 12/02/2003 vừa qua đã chính thức thừa nhận tính hợp pháp của kỹ thuật này. Tại sao một kỹ thuật đơn giản, hiệu quả như vậy lại cần những quy định của pháp luật mới được phép triển khai? Để hiểu rõ điều này, chúng tôi xin đơn cử hai vấn đề sau:
“Cho tinh trùng” là truyền sự sống, là tạo ra một con người, nên chúng ta phải lưu ý người phụ nữ nhận mẫu tinh trùng có đủ sức khỏe và điều kiện để làm mẹ chưa? Và hơn nữa, tương lai của đứa trẻ sau này có được đảm bảo có một cuộc sống bình thường như mọi đứa trẻ khác về mặt thể chất và tinh thần không?
Trong cuộc sống gia đình, đứa con đóng vai trò gắn kết giữa hai vợ chồng. Đứa trẻ sinh ra từ “cho nhận- tinh trùng” thì mối liên hệ giữa chúng với người cha chỉ thông qua tình cảm của người cha với người mẹ. Chúng là núm ruột của người mẹ, dĩ nhiên rồi, nhưng với người cha thì sao? Liệu người cha có xem chúng là máu mủ của mình không khi thực sự về mặt di truyền không phải là như vậy? Do đó sẽ là có lỗi nếu chúng ta chọn cho chúng một gia đình không tốt hoặc có một người cha không tốt.
Tóm lại, vấn đề luật về cho- nhận tinh trùng được đặt ra chủ yếu nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi của đứa trẻ sinh ra từ “cho-nhận tinh trùng” trước khi chúng ra đời.
Mặc dù cho- nhận tinh trùng được thực hiện từ cuối thế kỷ 19 và tinh trùng có thể được trữ lạnh từ năm 1949, nhưng mãi đến năm 80 của thế kỷ 20 trước mối đe dọa của hiểm họa AIDS mới đặt đúng ngân hàng tinh trùng vào vị trí của nó: trữ lạnh tinh trùng người cho để xác định tính an toàn, không bị nhiễm bệnh, nhất là HIV- AIDS trước khi sử dụng cho người có nhu cầu.
3. Ai là người cần xin tinh trùng:
Phụ nữ độc thân muốn có con.
Không tinh trùng, OAT nặng không thể làm được kỹ thuật ICSI (vì không có khả năng kinh tế hoặc không thụ tinh được hoặc ảnh hưởng đến sự phát triển của phôi).
Bất thường về di truyền chồng.
Người chồng nhiễm HIV, trong khi người vợ không bị nhiễm.
4.Sơ lược quy trình thực hiện cho tinh trùng:
Viết cam kết cho tinh trùng.
Xét nghiệm sàng lọc: HBsAg, HCV, BW, HIV, nhóm máu, Rh, nhiễm sắc thể đồ, tinh dịch đồ.
Trữ lạnh mẫu tinh trùng.
Kiểm tra lại HIV lần 2 vào khoảng 3 tháng sau kể từ ngày trữ lạnh mẫu tinh trùng. Nếu HIV (-) tính thì mẫu có thể đưa vào sử dụng.
5. Thay cho lời kết:
Tóm lại, vấn đề “cho- nhận tinh trùng nhân đạo” đã được hợp thức hóa bởi nghị định Chính phủ ngày 12/02/2003 và được hướng dẫn thi hành bởi thông tư số 07/2003/TT-BYT ngày 28/05/2003 của Bộ Y tế đã mở ra một hướng đi mới cho việc điều trị vô sinh cho những cặp vợ chồng có nguyên nhân do bất thường về tinh trùng, không đủ khả năng hoặc không thể điều trị bằng ICSI từ chính tinh trùng của mình, mang lại hạnh phúc lớn lao là được làm cha, làm mẹ cho họ.
Tuy nhiên, một vấn đề lớn khác nảy sinh là nguồn cung cấp cho ngân hàng tinh trùng. Nhu cầu xin tinh trùng để điều trị rất lớn, nhưng số người đi cho tinh trùng tự nguyện gần như là không có. Đây là vấn đề thường gặp các Ngân hàng tinh trùng trên thế giới. Chỉ khi giải quyết được vấn đề này thì Ngân hàng tinh trùng mới phát triển và thật sự mang lại lợi ích cho cộng đồng.

Tài liệu tham khảo:

- Khảo sát tinh dịch đồ ở những cặp vợ chồng hiếm muộn điều trị tại Bệnh viện Phụ Sản Từ Dũ từ tháng 1 đến tháng 6 năm 2001. Nguyễn Thị Ngọc phượng, Hồ Mạnh Tường, Nguyễn xuân Quý, Phạm Ngọc Quốc Duy. Trong Y học TP HCM, Tập 6, Phu bản Số 2 năm 2002: 438-439.
- Cho- nhận tinh trùng. Đỗ Quang Minh. Trong Sinh sản và Sức khỏe Số 6, tháng 7-9 năm 2003:8-9.
- Quy định về việc lưu trữ, cho nhận tinh trùng tại khoa hiếm muộn ngày 19/11/2004

Từ khóa:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025

Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK