Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Nguyên GĐ BV Từ Dũ, Chủ tịch HOSREM
I. Quá trình hình thành
Bệnh viện Từ Dũ là một bệnh viện chuyên khoa đầu ngành về Sản khoa, Phụ khoa, Sơ sinh, Kế hoạch hóa gia đình của khu vực phía Nam. Qua tiếp xúc trực tiếp với nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, chúng tôi thông cảm nỗi đau khổ của bệnh nhân hiếm muộn – nhất là đối với các chị em sống trong những gia đình còn nặng tính phong kiến – hạnh phúc gia đình có thể tan vỡ. Chúng tôi cũng rất trăn trở với cách điều trị lạc hậu kém hiệu quả vào thời điểm đó, đặc biệt là cách điều trị bơm hơi vòi trứng và bơm tinh trùng tươi (xin của người khác) vào tử cung của bệnh nhân rất phổ biến vào thời điểm đó, ở cả những bệnh viện tuyến cuối. Các kỹ thuật này vừa có nhiều biến chứng và không nhân đạo, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ. Ngoài ra, chúng tôi cũng nhận thấy TTTON và các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là một bộ phận không thể thiếu của ngành Sản Phụ khoa hiện đại.
Năm 1984 – được Bộ Y Tế cử sang Bangkok làm việc với các đồng nghiệp Thái Lan – và nhất là từ năm học 1994-1995, khi được bầu và được Tổng Thống Mitterand của Pháp bổ nhiệm làm Giáo Sư viện Đại học Nice Sophia Antipolis, chúng tôi cố gắng tranh thủ mọi cơ hội để tiếp cận, học tập, ghi nhận để tìm hiểu, nắm vững các qui trình kỹ thuật, cách thức tổ chức thực hiện TTTON, cũng như những yêu cầu về nhân sự và trang thiết bị, máy móc, dụng cụ. Trong đó, có rất nhiều các vấn đề khá chi tiết, tỉ mỉ nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai và thực hiện thành công kỹ thuật.
Từ đó, nhận thấy nhu cầu cấp bách về nhân sự và kỹ thuật, năm 1996, chúng tôi đã vận động nhiều nguồn hỗ trợ để gửi hàng loạt bác sĩ, dược sĩ, nữ hộ sinh đi các nước tham quan, học tập kỹ thuật này: Thái Lan, Singapore, Pháp, Úc, Mỹ . . . Cũng trong năm 1996, chúng tôi cũng đã xây dựng một khu vực mới, thiết kế riêng cho TTTON để đảm bảo các qui trình kỹ thuật.
Thụ tinh trong ống nghiệm là một kỹ thuật đòi hỏi sự hỗ trợ có hiệu quả của hàng loạt các kỹ thuật và bộ phận có liên quan. Do đó, trước khi có thể thực hiện TTTON, chúng tôi đã từng bước xây dựng và phát triển hàng loạt các lãnh vực hỗ trợ và có liên quan: siêu âm sản phụ khoa (1984), di truyền tế bào (1986), xét nghiệm miễn dịch men, xét nghiệm nôị tiết (1988-1990), siêu âm đầu dò âm đạo (1990), phẫu thuật nội soi (1990-1993), chăm sóc sơ sinh cực non (1994), xét nghiệm nam khoa, ngân hàng tinh trùng (1994-1995). Từ năm năm 1994 đến 1997, chúng tôi đã chuẩn bị đề cương về cơ sở khoa học, pháp lý và trình cho các cấp để xin chủ trương thực hiện TTTON tại Việt Nam.
Ngày 19/08/1997: sau thời gian khá lâu xin phép Sở Y Tế, Ủy Ban Nhân Dân thành phố, Bộ Y Tế, Bộ Trưởng Bộ Y Tế đã ký tên cho phép chúng tôi thực hiện kỹ thuật này. Chúng tôi đã thành công ngay từ những trường hợp đầu tiên. Vào ngày 30/04/1998, 3 em bé TTTON đầu tiên ở Việt Nam của 3 bà mẹ hạnh phúc đã ra đời.
II. Thành tựu
Chỉ trong thời gian ngắn, chúng tôi đã lần lượt áp dụng thành công những thành tựu trên thế giới trong lãnh vực hỗ trợ sinh sản để điều trị cho bệnh nhân (bảng 1) với tỉ lệ thành công tương đương với các báo cáo trên thế giới (bảng 2).
Bảng 1. Thành tựu về kỹ thuật của Chương trình TTTON tại Bệnh viện Từ Dũ
Bảng 2. Tỉ lệ thành công của các kỹ thuật điều trị hiện nay so với các báo trên thế giới
|
(*) SART and ASRM (2004), Fertility and Sterility, 81(5), 1207-1220
(**) EIM and ESHRE (2004), Human Reproduction, 19(3), 490-503
Các báo cáo khoa học về nghiên cứu áp dụng qui trình mới và không ngừng cải thiện tỉ lệ thành công của chúng tôi đã được các đồng nghiệp trong khu vực và trên thế giới đánh giá cao (Hội nghị IFFS, Canada 2004; Hội thảo chuyên đề của ESHRE, Bỉ, 2004; và nhiều hội nghị khoa học khu vực và quốc tế khác). Từ năm 2002, chúng tôi cũng đã bắt đầu nhận các đồng nghiệp nước ngoài đến thăm và học hỏi kinh nghiệm (đã có gần 20 lượt bác sĩ, nhà khoa học từ các nước như Malaysia, Indonesia, Philippins, Myanmar, Bangladesh).
Nhờ áp dụng thành công nhiều kỹ thuật, tỉ lệ thành công cao, chi phí thấp cùng với hàng loạt báo cáo khoa học tại các hội nghị trong và ngoài nước, chúng tôi thu hút được không những bệnh nhân trong nước mà cả bệnh nhân nước ngoài (Việt kiều và ngoại kiều). Từ năm 2000, chúng tôi bắt đầu có những bệnh nhân nước ngoài đầu tiên. Trong năm 2005, chỉ tính đến tháng 9/2005 đã có hơn 100 trường hợp bệnh nhân nước ngoài. Bệnh viện Từ Dũ hiện nay được công nhận là Trung tâm hỗ trợ sinh sản lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
III. Thuận lợi
Trong quá trình nghiên cứu thực hiện kỹ thuật mới và khá phức tạp này, chúng tôi đã có thuận lợi chủ yếu như sau:
1. Cũng là phụ nữ, tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân nữ, chúng tôi có một động lực to lớn từ sự thông cảm với nỗi đau khổ của bệnh nhân, từ đó có quyết tâm thực hiện kỹ thuật này.
2. Có dịp tiếp xúc với kinh nghiệm của đồng nghiệp trong khu vực (1 tháng ở Thái Lan 1984) và có dịp đi làm giáo sư thỉnh giảng ở Pháp, một trong những nước đi đầu về kỹ thuật TTTON trên thế giới (Pháp, 1994 -1995). Cũng nhờ đó, tôi đã có thể sử dụng tiền lương giáo sư của mình để mạnh dạn bắt đầu mua sắm một số trang thiết bị, dụng cụ cơ bản cho bệnh viện để có thể triển khai sớm kỹ thuật TTTON (các chi phí ban đầu này được bệnh viện hoàn lại dần sau đó).
3. Thuyết phục và tạo được sự nhất trí được sự nhất trí và ủng hộ của ban lãnh đạo bệnh viện, từ đó có điều kiện chuẩn bị tốt cho việc thực hiện TTTON vào năm 1997.
4. Được Sở Y Tế, Ủy Ban Nhân Dân thành phố, Bộ Y Tế ủng hộ và giúp đỡ
5. Có chủ trương đúng về đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ cho kỹ thuật mới: bao gồm cả đào tạo ở nước ngoài trong giai đoạn đầu và đào tạo tại chỗ trong giai đoạn sau. Các cán bộ hiện đang đảm nhiệm các qui trình kỹ thuật đều tham gia vào chương trình khi chưa đến 30 tuổi.
6. Sự hỗ trợ nhiệt tình của các bác sĩ, chuyên viên Pháp từ Viện Đại Học Y Nice-Sophia- Antipolis là nơi Bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng đến làm Giáo sư thỉnh giảng từ năm 1994.
IV. Khó khăn
Tuy nhiên, trong quá trình chuẩn bị cho việc thực hiện TTTON tại Bệnh viện Từ Dũ, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn:
1. Một số dư luận không đồng tình từ nội bộ tập thể bệnh viện. Tuy nhiên, sau đó các thành công liên tục, bền vững của đơn vị TTTON đã chứng minh cho một hướng đi đúng
2. Do đây là công nghệ “sản xuất ra con người”, nên trước khi chúng tôi xin được phép thực hiện kỹ thuật này, các đồng chí lãnh đạo từ Sở Y Tế, Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Y Tế – đều đã đề ra một thời gian khá dài để cân nhắc – tham khảo ý kiến các chuyên gia trong và ngoài nước.
3. Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hoàn toàn mới ở Việt Nam, nên chúng tôi đã gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc tìm những nguồn cung cấp các vật tư tiêu hao, thuốc men, dụng cụ đủ chất lượng, ổn định cho chương trình từ lúc mới thành lập.
5. Do lượng bệnh nhân tồn đọng quá lâu từ nhiều năm trước khi kỹ thuật TTTON bắt đầu tại Việt Nam, số bệnh nhân lúc đầu đến đăng ký quá đông, từ khắp đất nước, mà hầu hết tuổi của người vợ đã vượt quá 35, thậm chí 40 – nhiều người còn quá 45. Chúng ta biết, đối với những người phụ nữ lớn tuổi, tỷ lệ thành công rất thấp. Nội bộ ban lãnh đạo bệnh viện đã có nhiều lần thảo luận: nhận hay không nhận những cặp vợ chồng lớn tuổi? Cuối cùng chúng tôi đã quyết định chấp nhận rủi ro để tiếp nhận cả những trường hợp lớn tuổi ngay ở đợt đầu tiên thực hiện kỹ thuật bởi vì, chúng ta phải thông cảm với nỗi khổ đau của số chị em lớn tuổi này. Họ đã quá thiệt thòi vì TTTON tại Việt Nam được thực hiện gần 20 năm sau thành công trên thế giới và 13 năm sau Thái Lan. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã có nhiều trường hợp có thai được ngay ở đợt đầu tiên mà tuổi người vợ trên 40 và trên 45.
V. Kinh nghiệm đúc kết
Qua một quá trình nghiên cứu triển khai và thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, chúng tôi rút ra được một số kinh nghiệm sau đây:
§ Cán bộ khoa học Việt nam hiện nay có thể có đủ năng lực và trình độ để có thể nắm bắt và phát triển các kỹ thuật khoahọc tiên tiến nếu được tạo điều kiện và có chính sách phát triển hợp lý
§ Để thực hiện TTTON, phải chuẩn bị thật chu đáo và đồng bộ – không chỉ cho TTTON mà cho các chuyên khoa sâu có liên quan thì tỷ lệ thành công mới cao và bền vững.
§ Mạnh dạn đào tạo và sử dụng lực lượng cán bộ trẻ để nắm bắt các kỹ thuật mới. Chính sách này cũng sẽ tạo đà về lâu dài cho nghiên cứu và phát triển trong lãnh vực này
§ Khâu vô trùng và xử lý không khí của khu vực kỹ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng trong triển khai thực hiện TTTON ở điều kiện thực tế Việt nam.
§ Việc chọn lựa và bảo đảm nguồn cung cấp chất lượng và ổn định các dụng cụ nhỏ, hóa chất, môi trường đóng vai trò quyết định cho sự thành công và ổn định của chương trình
VI. Ý nghĩa kinh tế – xã hội
+ Áp dụng thành công và hỗ trợ triển khai các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đến nhiều cơ sở khác trong cả nước triển khai thành công như Bệnh viện (BV) Phụ Sản Trung ương, Học viện quân y, BV Hùng Vương, Bệnh viện Phụ Sản quốc tế; đã và đang giúp đỡ các cơ sở khác như BV Phụ Sản Hà nội, BV Bưu điện Hà nội, BV Phụ Sản Thanh hóa, BV Phụ Sản Hải phòng, BV Trung ương Huế, BV đa khoa Đà nẳng, BV Phụ sản Bình dương, BV đa khoa Cần thơ… từng bước triển khai TTTON.
+ Trước khi TTTON thực hiện được ở Việt nam, một trường hợp ra nước ngoài điều trị có chi phí tối thiểu 20.000 đô la Mỹ. Với hơn 6.500 trường hợp đã thực hiện và hơn 2000 em bé đã ra đời, chúng tôi đã góp phần mang lại hiệu quả kinh tế và xã hội. Hơn nữa, hiện nay chúng tôi đã có thể thu hút hơn 100 bệnh nhân nước ngoài mỗi năm, mang lại ngoại tệ cho đất nước. Ngoài ra, việc này còn giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của Việt nam trong con mắt của kiều bào và bạn bè ở nước ngoài.
+ Trong những năm qua chúng tôi đã miễn giảm phí thực hiện TTTON cho gần 1.000 trường hợp gia đình chính sách, khó khăn, điều trị thất bại nhiều lần với tổng chi phí hơn 5 tỉ đồng
Tổng số lượt điều trị TTTON
và tỉ lệ thành công chung qua các năm
( gồm chọc hút trứng và chuyển phôi sau trữ lạnh)
Tỉ lệ thai lâm sàng |
14,5%(*) | 34,9% | 40% | 36,5% | 33,7% | 32,6% | 34,8% |
(*) tỉ lệ tính chung cho 2 năm 1997 và 1998
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ
Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...