Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Monday 15-09-2008 1:37pm
Viết bởi: Administrator

images1529678_hinh-ivf-hue

BS Đặng Quang Vinh, BS Phùng Huy Tuân, BS Lê Việt Hùng, BS Phan Cảnh Quang Thông

 


Giới thiệu
Thụ tinh trong ống nghiệm hiện được xem là một kỹ thuật điều trị phổ biến trên thế giới. Theo thống kê của Hiệp hội Sinh sản người và phôi học Âu châu, tổng số chu kỳ TTTON và các kỹ thuật liên quan hiện nay trên thế giới vào khoảng 700.000 chu kỳ mỗi năm. Con số này ở Mỹ, theo một báo cáo năm 2006, là trên 79.000 chu kỳ, tăng thêm 8% so với năm trước. Hằng năm, có trên 200.000 bé được chào đời từ TTTON. Riêng tại các nước Đông Nam Á như Thái lan, số trung tâm TTTON là 32 (với dân số khoảng 65 triệu người), Malaysia với 24 trung tâm (dân số 25 triệu) và Singapore là 9 trung tâm cho 4 triệu dân. Những con số nêu trên cho thấy TTTON là một lãnh vực đang được phát triển khá mạnh trên thế giới và các nước trong khu vực.

Tại Việt nam, TTTON đã triển khai thành công từ năm 1997. Trong hơn 10 năm phát triển, số chu kỳ điều trị và số trung tâm thực hiện thành công kỹ thuật TTTON đã tăng vượt bậc so với thời gian đầu. Hiện nay, tổng chu kỳ điều trị tại Việt nam đã trên 4000 chu kỳ mỗi năm. Tuy nhiên, các cơ sở điều trị hiện có vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng của bệnh nhân. Hơn nữa, các trung tâm TTTON hiện nay tập trung ở hai đầu đất nước (Hà nội, TPHCM và các tỉnh lân cận) trong khi cả khu vực miền Trung vẫn chưa có một trung tâm nào để phục vụ bệnh nhân.

Trước thực trạng đó, với nỗ lực và quyết tâm của ban Giám đốc cũng như tập thể nhân viên khoa Sản bệnh viện Trung Ương Huế sau một thời gian chuẩn bị khá dài, cùng với sự hỗ trợ và chuyển giao công nghệ hiệu quả của Hội Nội tiết Sinh sản và Vô sinh TPHCM (HOSREM), trung tâm TTTON thứ 10 của Việt nam và là trung tâm TTTON đầu tiên của cả khu vực miền Trung, đã chính thức ra đời vào ngày 13/11/2007 tại bệnh viện TW Huế. Trung tâm thứ 10 này đã ghi dấu thành công ngay từ những trường hợp đầu tiên.

Các giai đoạn chuẩn bị

Năm 2001 – 2002

02 bác sỹ đi học tại bệnh viện Từ Dũ

Cuối năm 2002

Triển khai những ca IUI đầu tiên

10/2004-12/2004

01 bác sỹ đi học TTTON tại Bỉ

09/2006

01 CNXN đi học labo tại bệnh viện Từ Dũ

11/2006-12/2006

01 CNXN đi học labo TTTON tại Bỉ

01/2007

Thành lập Phòng Vô sinh, trực thuộc khoa Sản tại lầu 6, tòa nhà Tim mạch

01/2007-10/2007

Xây dựng, hoàn thiện cơ sở vật chất và trang thiết bị


Trong khoảng thời gian từ tháng 6/2007 đến tháng 10/2007, các chuyên gia của HOSREM đã liên tục ra Huế để cho ý kiến cải tạo lại cơ sở vật chất, sắp xếp và mua sắm thêm các trang thiết bị cho phù hợp điều kiện thực tế. Đặc biệt, các qui trình kiểm tra chất lượng được thực hiện ngay từ khi chương trình bắt đầu hoạt động.

Ngoài ra, vào ngày 18/8/2007, hội thảo thực hành “Trữ lạnh phôi bằng phương pháp thủy tinh hóa” được HOSREM tổ chức ngay tại bệnh viện TW Huế đã thật sự là cú hích cho việc ra đời của trung tâm TTTON thứ 10 của Việt nam. Một tháng trước khi chương trình chính thức bắt đầu, một bác sỹ lâm sàng và một cử nhân xét nghiệm đã được đào tạo lại tại IVF Vạn Hạnh.

Kết quả
Trong thời gian từ 13/11 đến 04/12/2007, có 34 bệnh nhân được nhận vào chương trình. Tất cả 34 trường hợp chọc hút đều có trứng và có phôi. Có 6 trường hợp trữ phôi toàn bộ vì niêm mạc tử cung không thuận tiện (4 trường hợp) và nguy cơ quá kích buồng trứng (2 trường hợp, cả 2 trường hợp này đều không cần nhập viện theo dõi).

Trong số 28 trường hợp có chuyển phôi, có 11 trường hợp có phôi dư để trữ. Trữ lạnh được tiến hành bằng kỹ thuật thủy tinh hóa (vitrification), sử dụng phương pháp Cryoleaf (Medicult).

Các thông số kỹ thuật của chu kỳ chọc hút trứng được tóm tắt trong bảng dưới đây.

Số bệnh nhân

34

Số chu kỳ

34

Số trứng chọc hút trung bình

11,7

Số phôi tốt trung bình

3,9

Số phôi chuyển trung bình

3,9

Số phôi trữ trung bình

5,8

Tỷ lệ ß (+)

46,4% (13/28)

Tỷ lệ thai lâm sàng

35,7% (10/28)


Có 01 trường hợp 04 thai (đã tiến hành giảm thai thành công, hiện song thai tiến triển), 02 ca song thai và 07 trường hợp đơn thai. Các thai kỳ hiện đang diễn tiến tốt.

Có 07 trường hợp quay lại chuyển phôi trữ. Với phương pháp Cryoleaf (Medicult), đã có 4 trường hợp thử thai dương tính. Các thông số của chu kỳ chuyển phôi trữ được tóm tắt trong bảng sau đây.

Số bệnh nhân

7

Số chu kỳ chuyển phôi

7

NMTC trung bình

Số phôi chuyển trung bình

Tỷ lệ ß (+)

57,1% (4/7)

Tỷ lệ thai lâm sàng

42,8% (3/7)



Bàn luận

Đứa bé đầu tiên từ TTTON trên thế giới ra đời vào năm 1978. Từ đó đến nay, nhiều kỹ thuật được áp dụng với nhiều cải tiến, tiến bộ. Hiện nay, trên thế giới đã có trên 200.000 em bé ra đời từ TTTON hàng năm, với tổng số chu kỳ điều trị khoảng 700.000 chu kỳ/năm.

Tại Việt nam, lịch sử phát triển y học đã được ghi dấu vào năm 1997 với sự ra đời của trung tâm TTTON đầu tiên của cả nước tại bệnh viện Từ Dũ. Đến nay có 9 trung tâm tiến hành TTTON thành công, tuy nhiên, chỉ có 04 trung tâm là có số ca điều trị trên 300 chu kỳ/năm. Những trung tâm này tập trung ở hai đầu đất nước, tại Hà nội (Bệnh viện Phụ Sản Trung Ương) và TPHCM (Bệnh viện Từ Dũ, Phụ Sản Quốc tế và IVF Vạn Hạnh).

Hiện nay, dân số nước ta khoảng 84 triệu dân và tỷ lệ vô sinh ước tính khoảng 12% thì số trường hợp cần can thiệp điều trị là không nhỏ. Với số trung tâm hiện nay thì việc giải quyết nhu cầu cho bệnh nhân là một vấn đề nan giải. Nhất là khu vực miền Trung còn “trắng” trên bản đồ IVF của Việt nam. Vấn đề quá tải đang được đặt ra tại một số trung tâm lớn làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ bệnh nhân. Ngoài ra, những bệnh nhân ở xa sẽ phải tốn thêm khoản chi phí đi lại, ăn ở bên cạnh chi phí cho điều trị. Đó là chưa kể đến những chi phí “vô hình” như mất thời gian, gián đoạn công ăn việc làm và tăng thêm phần căng thẳng cho bệnh nhân. Do đó, việc ra đời thành công của trung tâm TTTON tại Bệnh viện trung ương Huế mang một ý nghĩa khoa học và xã hội rất lớn.

Chương trình TTTON tại Bệnh viện trung ương Huế có thể nói là một chương trình đạt được thành công cao ngay từ những trường hợp đầu tiên. Sự thành công này được đánh giá qua (1) tính hiệu quả và (2) tính an toàn. Hiệu quả cao của chương trình được thể hiện qua tỷ lệ thai lâm sàng 35,7% (trên chuyển phôi tươi) và 42,8% (trên chuyển phôi trữ). Những bệnh nhân trong chương trình cũng đã được áp dụng các kỹ thuật điều trị hiện có tại Việt nam (xin trứng, sử dụng GnRH antagonist, ICSI từ tinh trùng phẫu thuật) và đặc biệt là kỹ thuật thủy tinh hóa bằng phương pháp Cryoleaf trong trữ lạnh phôi. Chương trình cũng đạt được tính an toàn khi không ghi nhận trường hợp nào xảy ra biến chứng như xuất huyết nội sau chọc trứng, chảy máu bàng quang, quá kích buồng trứng nặng… Chỉ có một trường hợp đa thai (4 túi thai) và đã được giảm thai thành công. Tất cả các thai kỳ hiện đang được theo dõi sát và phát triển bình thường.

Có thể nói thành công này, với nhân sự còn mỏng, với những trang thiết bị còn ở mức “tối thiểu”, cho thấy sự phối hợp nhịp nhàng giữa các khâu lâm sàng và labo. Với lâm sàng, đó là sự chọn lựa các phác đồ KTBT phù hợp, với liều khởi đầu cũng như điều chỉnh liều hợp lý đã hạn chế tối đa quá kích buồng trứng mà không ảnh hưởng đến kết quả điều trị (thực tế chỉ có 2 trường hợp phải trữ phôi toàn bộ vì nguy cơ QKBT nặng, và 2 trường hợp này đều không cần nhập viện theo dõi). Về phía labo, chỉ với 2 tủ cấy, 1 kính soi nổi và 1 kính đảo ngược, phục vụ cho 1-4 ca chọc hút/ngày liên tục trong 2 tuần thì việc thiết lập một phác đồ nuôi cấy ảnh hưởng ít nhất đến sự phát triển của phôi là rất quan trọng. Trong toàn bộ 34 ca, chúng tôi sử dụng hệ thống nuôi cấy “kín” ở 37oC, 6%CO2 với hệ môi trường Medicult. Việc áp dụng các qui trình kiểm tra chất lượng cho hệ thống nuôi cấy đã giúp chương trình được kết quả quan và ổn định ngay từ khi bắt đầu.

Ngoài ra, không thể không kể đến sự ủng hộ của ban Giám đốc và Khoa Sản Bệnh viện Trung ương Huế cũng như sự hỗ trợ hiệu quả về chuyên môn của các chuyên gia thuộc nhóm SGART thuộc HOSREM.

Có thể nói sự ra đời thành công của trung tâm TTTON đầu tiên của cả khu vực miền Trung tại Bệnh viện trung ương Huế đã đánh dấu một bước trưởng thành của ngành TTTON của nước nhà sau 10 năm phát triển, cho thấy việc thành lập một trung tâm TTTON thành công ngay từ những trường hợp đầu tiên, áp dụng hầu hết những kỹ thuật tiên tiến hiện nay là điều hoàn toàn có thể, với việc xây dựng một quy trình lâm sàng và labo phù hợp với điều kiện thực tế.

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK