Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Monday 25-03-2019 10:15pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

Th.S. Nguyễn Hữu Duy – chuyên viên phôi học – IVF Vạn Hạnh


Tiềm năng phát triển của phôi một phần được quyết định bởi chất lượng noãn. Thông thường, chất lượng noãn được đánh giá chủ yếu dựa trên các đặc điểm hình thái bên ngoài. Trong thụ tinh trong ống nghiệm, có khoảng 60 - 70% noãn sau chọc hút có mang ít nhất một đặc điểm bất thường về hình thái. Những bất thường về hình thái này thường được phân thành 2 loại là bên trong tế bào chất (ví dụ: không bào, thể vùi, mạng lưới nội chất trơn, độ mịn bào tương), và bên ngoài tế bào chất (ví dụ: các bất thường ở màng zona, PVS rộng, sự phân mảnh thể cực và hình dạng noãn bất thường). Người ta cho rằng một số bất thường về hình thái của noãn có thể ảnh hưởng đến khả năng phát triển và tiềm năng làm tổ của phôi nhưng ảnh hưởng của chúng vẫn chưa được kết luận rõ ràng.

Trữ lạnh noãn trước đây là một thách thức do khác với phôi, noãn rất dễ bị tổn thương bởi quá trình động lạnh – rã đông. Tuy nhiên, với sự ra đời của kỹ thuật trữ lạnh bằng phương pháp thủy tinh hóa, trữ lạnh noãn đã được ứng dụng phổ biến và thường quy trong thụ tinh trong ống nghiệm. Đối với noãn có hình thái bất thường, ảnh hưởng của quá trình thủy tinh hóa vẫn là một vấn đề chưa được giải quyết. Sự hiện diện của các kiểu bất thường về hình thái có thể ảnh hưởng đến sự xâm nhập của các chất bảo vệ đông lạnh (CPA) vào noãn và do đó làm ảnh hưởng đến sự hình thành trạng thái thủy tinh hóa cần thiết cho sự thành công của kỹ thuật thủy tinh hóa. Ngoài ra, người ta cũng không biết liệu quá trình thủy tinh hóa có thể đóng vai trò như một yếu tố bên ngoài có thể thay đổi các tác động tiềm tàng nếu có của các bất thường về hình thái. Do đó, tác giả Aila Coello và cộng sự đã tiến hành nghiên cứu với mục đích đánh giá ảnh hưởng của các kiểu bất thường về hình thái noãn đến tỉ lệ sống sau rã đông, sự thụ tinh và phát triển phôi ở các noãn tự thân đông lạnh bằng kỹ thuật thủy tinh hóa. Ngoài ra, nhóm nghiên cứu cũng phân tích ảnh hưởng của loại và số lượng bất thường về hình thái trên các biến trên.

Đây là một nghiên cứu hồi cứu từ tháng 12-2011 đến tháng 10-2016, so sánh tỷ lệ sống, tỉ lệ thụ tinh và tỉ lệ phát triển phôi sau rã đông giữa noãn có hình thái bình thường (n = 269) và noãn có hình thái bất thường (n = 147). Các noãn bất thường về hình thái được chụp hình trước lúc trữ lạnh và sau khi rã đông để so sánh.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ sống sau rã đông là 81,4% ở nhóm noãn hình thái bình thường và 87,1% ở nhóm noãn hình thái bất thường (OR 1,53; 95%, khoảng tin cậy 0,86 đến 2,72). Nhóm noãn hình thái bình thường và nhóm noãn hình thái bất thường lần lượt có tỷ lệ thụ tinh là 69,9% so với 66,4% (OR 0,85; 95%, khoảng tin cậy 0,53 đến 1,36), tỷ lệ phôi chất lượng tốt vào ngày 3 là 30,3% so với 32,0% (OR 1,08; 95%, khoảng tin cậy 0,59 đến 1,97) và tỷ lệ hình thành phôi nang là 54,5% so với 60,5% (OR 1,27; 95%, khoảng tin cậy 0,60 đến 2,72). Các sự khác biệt trên đều không có ý nghĩa thống kê. Loại hình thái noãn bất thường phổ biến trong nghiên cứu là bào tương hạt vùng trung tâm tế bào chất (CLG) (40,8%) và màng ZP bất thường (38,8%). Không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê đối với số lượng (một bất thường so với nhiều bất thường trên một noãn) và loại hình thái bất thường (bên ngoài tế bào chất so với bên trong tế bào chất) được phân tích. Ngoài ra, khi phân tích các yếu tố gây nhiễu như tuổi vợ, BMI, thời gian kích thích buồng trứng, nồng độ E2 ngày tiêm hCG, thời gian trữ lạnh, nhóm nghiên cứu không thấy có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê của các yếu tố nhiễu này lên tỉ lệ sống sau rã đông của noãn hình thái bất thường. Hạn chế của nghiên cứu là không phân tích riêng từng loại hình thái bất thường noãn, chỉ đánh giá ở mức độ phôi, không đánh giá yếu tố trẻ sinh sống ở các trường hợp noãn có hình thái bất thường.

Tóm lại, kết quả nghiên cứu này cho thấy khi trữ lạnh các noãn hình thái bất thường dường như không ảnh hưởng đến các kết quả sau rã đông như tỉ lệ sống sót, sự thụ tinh và sự phát triển của phôi cũng như cho kết quả tương đương với các noãn bình thường về hình thái.

Nguồn: Effect of oocyte morphology on post-warming survival and embryo development in vitrified autologous oocytes.
Coello, Aila et al. Reproductive BioMedicine Online, Volume 38, Issue 3, 313 - 320

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK