Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Thursday 14-04-2022 1:45pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Nam khoa
Ths. Lê Thị Bích Phượng- IVFMD Phú Nhuận- Bệnh viện Mỹ Đức Phú Nhuận
 
Kể từ lần đầu tiên được báo cáo tại Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối tháng 12 năm 2019, SARS-CoV-2 đã lây lan trên toàn thế giới với tốc độ kinh khủng dẫn đến dịch bệnh COVID-19. Với sự gia tăng nhanh chóng về số lượng người nhiễm bệnh và tử vong, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã xác nhận COVID-19 đã trở thành đại dịch toàn cầu vào tháng 3 năm 2020. Tính đến tháng 12 năm 2020, hơn 79 triệu trường hợp nhiễm COVID-19 đã được xác nhận và có khoảng hơn 1,7 triệu trường hợp tử vong được công bố chính thức [1]. Các công bố hiện có đều cho thấy con đường lây truyền chính của SARS-CoV-2 là qua dịch cơ thể. Các bằng chứng về cấu trúc và chức năng của SARS-CoV-2 báo cáo chúng có ái lực liên kết mạnh với các thụ thể tế bào người mà cụ thể là angiotensin-converting enzyme 2 (ACE2) và protease serine xuyên màng loại 2 (TMPRSS2) để xâm nhập vào tế bào của vật chủ. ACE2 và TMPRSS2 là những thụ thể biểu hiện nhiều ở phổi, thận, ruột, mô tim và cả trong cơ quan sinh sản của nam giới như tuyến tiền liệt, túi tinh, tinh dịch… điều này cho thấy COVID-19 có thể lây sang cơ quan sinh sản và tác động đến khả năng sinh sản của nam giới. Một số giả thuyết cho rằng SARS-CoV-2 có trong tinh dịch có thể lây qua các giọt bắn khi quan hệ tình dục. Các nghiên cứu đã cung cấp bằng chứng rằng SARS-CoV-2 được phát hiện trong tinh hoàn hoặc trong tinh dịch của nam giới. Hiện nay số lượng nghiên cứu về sự tồn tại của SARS-CoV-2 trong tinh dịch và cơ quan sinh sản cũng như tác động của chúng lên khả năng sinh sản của nam giới vẫn còn hạn chế và kết quả vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Bài tổng quan này nhằm tổng hợp các báo cáo về sự hiện diện của SARS-CoV2 trong tinh dịch, cơ quan sinh sản và tác động của chúng lên khả năng sinh sản của nam giới.
 
Sự hiện diện của SARS-CoV2 trong cơ quan sinh sản của nam giới và trong tinh dịch
Theo nghiên cứu của Wang và Xu (2020), có sự biểu hiện của ACE và TMPRSS2 trong tế bào sinh dưỡng và tế bào mầm của tinh hoàn [2]. Báo cáo của Ning J và cộng sự vào năm 2020 đã chỉ ra rằng có sự hiện diện của SARS-CoV-2 trong tinh hoàn của nam giới tử vong khi khám nghiệm tử thi. Các nghiên cứu tin sinh học và hoá mô miễn dịch cho thấy virus có thể tác động đến tinh hoàn của bệnh nhân, tuy nhiên xét nghiệm tinh dịch đồ không thể giải thích được vấn đề này. Ngược lại, nghiên cứu của Pan và cộng sự (2020) cho thấy không có sự hiện diện của virus bên trong tinh dịch của nam giới sau nhiễm COVID-19, và nhóm tác giả cho rằng virus không xâm nhập vào tế bào tinh hoàn của nam giới qua cơ chế ACE2/TMPRSS2. Trong một nghiên cứu khác, 17 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 được đánh giá sự hiện diện của virus trong mẫu tinh dịch, kết quả cho thấy cả 17 bệnh nhân đều cho kết quả âm tính với RNA của virus, điều này có nghĩa là không có sự hiện diện của virus trong tinh dịch của bệnh nhân sau nhiễm. Trong một nghiên cứu khác của Song và cộng sự (2020) thực hiện đánh giá sự hiện diện của 2019-nCoV RNA trong tinh dịch và trong tinh hoàn của 12 bệnh nhân vừa khỏi bệnh, kết quả nghiên cứu cho thấy SARS-CoV-2 không tác động trực tiếp đến tinh hoàn và hệ thống sinh sản ở nam giới. Nhóm tác giả kết luận rằng không có sự hiện diện của virus trong tinh dịch và trong tinh hoàn [3].
 
Tác động của SARS-CoV-2 lên chất lượng tinh dịch
Trong nghiên cứu của Ma L và cộng sự (2020), một số nam giới nhiễm COVID tham gia nghiên cứu có các thông số chất lượng tinh dịch giảm đáng kể cụ thể là tỉ lệ di động (từ 10,1% đến 31,1%), chỉ số phân mảnh DNA tinh trùng dao động từ 16,2%-23,7%, hình thái tinh trùng bình thường từ 3,4%- 3,5%, thể tích tinh dịch từ <0,5ml- 1,2ml và mật độ tinh trùng là 2 triệu tinh trùng/ml [4]. Segars J và cộng sự (2020) đã chỉ ra rằng mật độ và độ di động của tinh trùng giảm sau khi khỏi bệnh từ 72- 90 ngày. Một nghiên cứu khác của Ruan và cộng sự (2021) thực hiện trên 74 nam giới vừa khỏi COVID-19 cho thấy tổng số tinh trùng, mật độ và độ di động của tinh trùng giảm đáng kể [5]. Một số nghiên cứu khác chỉ ra rằng triệu chứng nhiễm COVID-19 có thể ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng. Theo Holtmann và cộng sự (2020), triệu chứng sốt khi nhiễm bệnh có thể làm giảm đáng kể thể tích tinh dịch, mật độ tinh trùng, tổng số tinh trùng và độ di động của tinh trùng so với nhóm nam giới không sốt [6]. Ngoài ra, COVID-19 còn tác động đến khả năng sinh sản của nam giới thông qua cơ chế đại thực bào hoặc stress oxy hoá trong suốt quá trình sinh tinh và quá trình sản sinh nội tiết tố. Bên cạnh đó, ACE2 là một thành phần đóng vai trò quan trọng trong quá trình sinh tinh ở nam giới, sự xâm nhập của SARS-CoV-2 vào tế bào thông qua ACE2 làm giảm điều hoà các thụ thể của ACE2. Do đó, sự thiếu hụt ACE2 do virus gây ra có thể làm giảm khả năng sinh sản của nam giới. Tuy nhiên, cần có thêm nhiều nghiên cứu nữa để kiểm tra giả thuyết này. Bên cạnh các đặc điểm về tinh trùng, một số triệu chứng liên quan của COVID-19 đến khả năng sinh sản của nam giới đã được báo cáo. Ma và cộng sự tìm thấy có sự gia tăng của LH, sự giảm tỉ lệ testosterone: LH và FSH:LH trên những nam giới đã từng mắc COVID-19. Điều này gợi ý rằng có mối liên hệ giữa COVID-19 và hội chứng thiểu năng sinh dục ở nam giới. Tương tự, Rastrelli và cộng sự cũng tìm thấy LH với nồng độ cao hơn và testosterone với nồng độ thấp hơn trên những nam giới nhiễm COVID-19 [7]. Mối tương quan giữa testosterone và COVID-19 vẫn chưa rõ ràng và cần thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn.
 
Kết luận
Cho đến thời điểm hiện tại, các chứng cứ về sự hiện diện của SARS-CoV-2 trong cơ quan sinh sản và tinh dịch cũng như tác động của chúng lên khả năng sinh sản của nam giới vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Một vấn đề được đặt ra là liệu rằng có cần thiết khi đông lạnh tinh trùng nhằm bảo tồn khả năng sinh sản cũng như thực hiện hỗ trợ sinh sản khi đã kiểm soát được dịch hay không đã thu hút được sự quan tâm của nhiều nhóm tác giả trên toàn thế giới. Có thể thấy rằng, dù vẫn chưa có nhiều nghiên cứu với chứng cứ đủ mạnh về tác động của đại dịch COVID-19 lên khả năng sinh sản của nam giới, nhưng với những bằng chứng hiện tại cũng đủ chỉ ra rằng cần phải quan tâm đáng kể đến sức khoẻ sinh sản của nam giới sau khi nhiễm SARS-CoV-2.
 
Tài liệu tham khảo
[1]      Maleki BH, Tartibian B. COVID-19 and male reproductive function: A prospective, longitudinal cohort study. Reproduction 2021;161:319–31. doi:10.1530/REP-20-0382.
[2]      Wang W, Xu Y, Gao R, Lu R, Han K, Wu G, et al. Detection of SARS-CoV-2 in Different Types of Clinical Specimens. JAMA 2020;323:1843–4. doi:10.1001/jama.2020.3786.
[3]      Song C, Wang Y, Li W, Hu B, Chen G, Xia P, et al. Absence of 2019 novel coronavirus in semen and testes of COVID-19 patients†. Biol Reprod 2020;103:4–6. doi:10.1093/biolre/ioaa050.
[4]      Ma L, Xie W, Li D, Shi L, Ye G, Mao Y, et al. Evaluation of sex-related hormones and semen characteristics in reproductive-aged  male COVID-19 patients. J Med Virol 2021;93:456–62. doi:10.1002/jmv.26259.
[5]      Ruan Y, Hu B, Liu Z, Liu K, Jiang H, Li H, et al. No detection of SARS-CoV-2 from urine, expressed prostatic secretions, and semen in  74 recovered COVID-19 male patients: A perspective and urogenital evaluation. Andrology 2021;9:99–106. doi:10.1111/andr.12939.
[6]      Holtmann N, Edimiris P, Andree M, Doehmen C, Baston-Buest D, Adams O, et al. Assessment of SARS-CoV-2 in human semen-a cohort study. Fertil Steril 2020;114:233–8. doi:10.1016/j.fertnstert.2020.05.028.
[7]      Rastrelli G, Di Stasi V, Inglese F, Beccaria M, Garuti M, Di Costanzo D, et al. Low testosterone levels predict clinical adverse outcomes in SARS-CoV-2 pneumonia  patients. Andrology 2021;9:88–98. doi:10.1111/andr.12821.
 

Các tin khác cùng chuyên mục:
Điều trị nam khoa trong vô sinh nam. - Ngày đăng: 22-09-2016
Sinh thiết tinh hoàn trong vô sinh - Ngày đăng: 22-09-2016
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK