Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 28-09-2021 4:20pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CNSH. Nguyễn Duy Khang - IVF Vạn Hạnh

Oligoteratozoospermia được định nghĩa là số lượng tinh trùng ít và tỷ lệ tinh trùng hình dạng bình thường thấp, là nguyên nhân hàng đầu của khoảng 90% vô sinh nam. Sự phân mảnh DNA tinh trùng đóng vai trò quan trọng đối với vô sinh nam để đạt được sự thành công trong sinh sản. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tác động tiêu cực của phân mảnh DNA và thiếu hụt protamine lên tỷ lệ thụ tinh, phát triển phôi, làm tổ và mang thai. Trong các xét nghiệm khác nhau hiện có để chẩn đoán tổn thương DNA tinh trùng, xét nghiệm phân tán nhiễm sắc thể tinh trùng (Sperm chromatin dispersion – SCD) được công nhận là một xét nhiệm nhanh chóng và đáng tin cậy với độ chính xác cao. Nhuộm chromomycin A3 (CMA3) cũng là một công cụ đáng tin cậy để đánh giá sự thiếu hụt protamine. Sự gia tăng tỷ lệ tinh trùng dương tính với CMA3 có liên quan đến việc mất tính cô đặc của DNA và giảm hàm lượng protamine.
 
Ngày nay, kỹ thuật được sử dụng phổ biến nhất trong trường hợp vô sinh nam là tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (Intracytoplasmic Sperm Injection - ICSI). Trong những năm gần đây, do phương pháp lựa chọn tinh trùng thông thường không chẩn đoán được tình trạng phân mảnh DNA, nhiều phương pháp khác nhau đã được phát triển để lựa chọn tinh trùng tốt nhất trước khi thực hiện ICSI. Các nghiên cứu cho thấy, phương pháp gắn kết tinh trùng – zona pellucida (ZP) và tinh trùng – hyaluronic acid (HA) là những phương pháp hữu ích để lựa chọn tinh trùng có chất lượng cao và cải thiện tỷ lệ thành công của ICSI. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu khác không cho thấy sự khác biệt đáng kể giữa các phương pháp này và phương pháp lựa chọn tinh trùng thông thường để cải thiện sự thành công. Do đó, mục đích của nghiên cứu này là so sánh các phương pháp lựa chọn tinh trùng trong việc loại bỏ tinh trùng bị phân mảnh DNA và thiếu hụt protamine cùng với ảnh hưởng của chúng lên kết quả ICSI ở bệnh nhân oligoteratozoospermia.
 
Phương pháp: Nghiên cứu thực hiện từ 08/2016 - 06/2020 trên 50 bệnh nhân oligoteratozoospermia thực hiện ICSI. Các bệnh nhân được chia thành 3 nhóm dựa trên phương pháp lựa chọn tinh trùng, gồm: (1) ICSI sử dụng tinh trùng liên kết ZP (n=16); (2) ICSI sử dụng tinh trùng liên kết HA (n=16) và (3) ICSI sử dụng PVP thông thường (n=18). Bệnh nhân được kết luận là oligoteratozoospermia theo tiêu chuẩn WHO năm 2010, như sau: tổng số tinh trùng <39×106, mật độ tinh trùng <15×106/ml, hình dạng bình thường <4%. Tiêu chuẩn loại là bệnh nhân có phân tích tinh dịch đồ bình thường, asthenozoospermia, nhiễm trùng và những bệnh nhân mắc các bệnh toàn thân hoặc tiền sử tinh hoàn ẩn, sử dụng tinh trùng thủ thuật.
 
Kết quả: Tổng cộng thu nhận được 491 noãn trưởng thành (MII) từ 50 chu kỳ ICSI. Độ tuổi, tỷ lệ thụ tinh và số lượng phôi chuyển tương đương nhau giữa 3 phương pháp. Tỷ lệ phôi phân chia chất lượng tốt (loại A, B) tăng lên trong phương pháp ZP và HA khi so sánh với phương pháp PVP thông thường (P=0,01; P=0,001; tương ứng). Tỷ lệ hình thành phôi nang đối với phương pháp ZP và HA cũng cao hơn so với phương pháp PVP thông thường (P=0,03; P=0,002; tương ứng).
 
 Tỷ lệ thai sinh hoá và thai lâm sàng ở phương pháp HA cao hơn có ý nghĩa thống kê so với phương pháp PVP thông thường (P=0,008; P=0,02); trong khi không có sự khác biệt đáng kể giữa ZP và PVP thông thường (P=0,3; P=0,6; tương ứng) cũng như giữa phương pháp ZP và HA (P=0,09; P=0,2; tương ứng).
 
Tỷ lệ phân mảnh DNA và tỷ lệ CMA3+ của tinh trùng từ phương pháp sử dụng PVP thông thường cao hơn so với phương pháp ZP và HA (P<0,05; P<0,01; tương ứng). Không có sự khác nhau về tỷ lệ phân mảnh DNA và CMA3+ của tinh trùng giữa 2 phương pháp ZP và HA.
 
Việc lựa chọn tinh trùng cho ICSI có tác động trực tiếp đến sự thành công của hỗ trợ sinh sản. Việc sử dụng một phương pháp hiệu quả để lựa chọn tinh trùng với độ phân mảnh DNA thấp có thể cải thiện kết quả ICSI. Protamine cần thiết để duy trì sự nén chặt của nhiễm sắc thể và DNA tinh trùng nhằm mang lại sự ổn định về cấu trúc. Một số báo cáo đã xác nhận việc giảm protamine dẫn đến tinh trùng dễ bị tổn thương DNA. Kết quả trong nghiên cứu này cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về tỷ lệ thụ tinh giữa các phương pháp. Kết quả này có thể được giải thích là do noãn có thể sửa chữa khoảng 10% phân mảnh DNA của tinh trùng. Bên cạnh đó, nghiên cứu hiện tại chỉ ra việc tăng tỷ lệ phôi phân chia chất lượng tốt (loại A, B) và tỷ lệ hình thành phôi nang có liên quan với việc giảm đáng kể phân mảnh DNA và CMA3+ trong phương pháp tinh trùng liên kết với ZP và HA. Những kết quả này chứng minh rằng mức độ phân mảnh DNA và sự thiếu hụt protamine của tinh trùng thấp có liên quan chặt chẽ đến cải thiện kết quả ICSI. Hạn chế chính trong nghiên cứu này là cỡ mẫu nhỏ được sử dụng cho các phương pháp lựa chọn tinh trùng. Do đó, kích thước mẫu lớn được đề nghị nhằm tăng độ tin cậy của kết quả.
 
Kết luận: Nghiên cứu này cho thấy việc sử dụng phương pháp gắn kết tinh trùng - HA có độ nhạy cao trong việc lựa chọn tinh trùng có độ phân mảnh DNA và thiếu hụt protamine ở mức thấp, cải thiện đáng kể sự phát triển của phôi và tăng tỷ lệ mang thai. Do đó, phương pháp này so với các phương pháp khác (ZP, PVP thông thường) là một công cụ rất hữu ích trong việc lựa chọn tinh trùng không bị tổn thương cho ICSI, tạo cơ hội tốt hơn cho việc điều trị thành công của bệnh nhân oligoteratozoospermia.
 
Nguồn: Rezaei, M., Nikkhoo, B., Moradveisi, B., và Allahveisi, A. (2021). Effect of sperm selection methods on ICSI outcomes in patients with oligoteratozoospermia. American Journal of Clinical and Experimental Urology9(2), 170.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK