Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Wednesday 18-09-2019 9:02am
Viết bởi: Administrator

CVPH. Phạm Hoàng Huy - IVFMD Phú Nhuận
 
Sự ra đời của hệ thống nhân chứng điện tử (Electronic Witness System - EWS) trong thực hành lâm sàng ở các trung tâm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) là một sự đổi mới mang tính đột phá gần đây. Ở Anh, các trung tâm IVF đều bắt buộc phải sử dụng hệ thống này trong nhận diện bệnh nhân. Mặc dù EWS được khuyến cáo giúp cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc và giảm thiểu nhầm lẫn mẫu trong IVF, chỉ có một số trung tâm triển khai công nghệ cho đến thời điểm này trên toàn thế giới [1,4].
Không có EWS, các chuyên viên phôi học phải đối mặt với nguy cơ rủi ro nhầm lẫn trong quá trình thao tác với những mẫu sinh học. Thực tế, kể từ trường hợp đầu tiên về nhầm lẫn mẫu trong IVF ở Hoa Kỳ năm 1987 [2], các trường hợp khác về việc vô tình sử dụng nhầm giao tử hoặc phôi của bệnh nhân trong điều trị IVF đã được báo cáo ở một số trung tâm [2,3]. Đa phần các trường hợp được phát hiện nhầm lẫn mẫu này là do sự khác biệt về màu da của những đứa trẻ so với ba mẹ của chúng. Do đó, có thể những trường hợp khác đã không được biết đến. Trong một trung tâm IVF, một mẫu sinh học bị nhầm lẫn có thể gây ra thảm họa cho trung tâm, nhân viên và đặc biệt là bệnh nhân. Các chuyên viên phôi học sẽ phải đối mặt với pháp lý và bệnh nhân sẽ phải đối mặt với thiệt hại trầm trọng về mặt tâm lý, mất niềm tin vào IVF và ảnh hưởng đến các chu kì điều trị sau đó. Ví dụ, ở Ý, một sự cố nhầm lẫn phôi giữa hai cặp vợ chồng đã xảy ra và kết quả là trung tâm cùng với đội ngũ y tế đó đã bị tố kiện [4].

Các điểm mấu chốt trong suốt quá trình điều trị của một chu kì IVF mà tại đó nhầm lẫn về giao tử và phôi có thể xảy ra đã được xác định là: nguồn giao tử đầu vào; sự kết hợp các giao tử trong quá trình thụ tinh; sự chuyển các giao tử và phôi giữa các dụng cụ nuôi cấy; quá trình trữ lạnh và quá trình chuyển phôi [5]. Khi không có EWS, biện pháp kiểm soát chính được sử dụng để giảm thiểu nguy cơ nhầm lẫn mẫu sinh học là kiểm tra chéo bởi con người. Cơ chế kiểm soát này dễ xảy ra lỗi do con người như là bỏ sót kiểm tra, kiểm tra không đầy đủ, kiểm tra không đồng thời và lỗi không tự chủ. Vì những lý do đó, một số công cụ đã được phát triển để thay thế phần lớn các bước chứng kiến ​​thủ công của con người trong IVF – các hệ thống nhân chứng điện tử (EWS):
  1. Hệ thống nhận diện dựa trên nhãn mã vạch [6].
  2. Hệ thống nhận diện dựa trên mã vạch silicon được gán trực tiếp vào giao tử hoặc phôi [7].
  3. Hệ thống dựa trên công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến (RFID) [1].
Các hệ thống này có hai ưu điểm chính: thứ nhất, ngăn ngừa các chuyên viên phôi học vô tình làm việc trên nhiều hơn giao tử hoặc phôi của một bệnh nhân một lúc; thứ hai, đánh dấu từng bước trong quy trình, ngăn chuyên viên phôi học bỏ sót bước trong quy trình. Việc sử dụng các hệ thống điện tử này đang nhanh chóng trở nên phổ biến trong các trung tâm hỗ trợ sinh sản trên toàn thế giới [1,4].

RI Witness là một hệ thống EWS cho nhận diện bệnh nhân trong IVF. Công nghệ RI Witness nhận diện dựa trên tần số vô tuyến (RFID) trong thẻ có gán thông tin của bệnh nhân. Các thẻ này được dán vào tất cả các dụng cụ chứa giao tử và phôi. Vì thế, trong các bước của quy trình IVF, các mẫu sinh học sẽ được đảm bảo là của cùng một cặp vợ chồng. Sử dụng thẻ RFID, việc nhận diện bệnh nhân được theo dõi ở mọi giai đoạn điều trị. Đồng thời, hệ thống này cập nhật thông tin liên quan đến tiến trình của một chu kì và ghi nhận người thực hiện. RI Witness giám sát mọi trường hợp khi giao tử hoặc phôi được chuyển từ vật chứa này sang vật chứa khác và đảm bảo rằng chỉ có mẫu của một bệnh nhân có thể được thực hiện trong một thời điểm nhất định. Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho nguồn mẫu đầu vào và đầu ra của chu kỳ, mỗi bệnh nhân được cung cấp một thẻ ID riêng, được dùng trong phòng thủ thuật, để xác minh rằng danh tính của bệnh nhân khớp hoàn toàn với noãn, tinh trùng và phôi [1,4].

Ở góc độ kĩ thuật, EWS hoạt động với sóng vô tuyến mức thấp như đối với nhiều nguồn điện từ trường và vô tuyến của các thiết bị khác thường có trong labo IVF. Mặc dù các nghiên cứu trên động vật cho thấy không có sự ảnh hưởng nào của các nguồn vô tuyến này đối với sự phát triển của giao tử và phôi [8], vẫn cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định đầy đủ liệu việc sử dụng hệ thống các thiết bị điện tử như vậy trong labo IVF có ảnh hưởng lên khả năng phát triển của giao tử và phôi hay không. Tuy nhiên, ngoài việc sử dụng tần số vô tuyến rất thấp thì thời gian phơi nhiễm đã được giới hạn chỉ vài giây trong một số bước thao tác của mẫu bên ngoài tủ nuôi cấy. Khi ở trong tủ nuôi cấy, các thẻ này hoàn toàn không nhận hoặc phát ra sóng vô tuyến. Hơn nữa, các nghiên cứu khác vẫn đang được thực hiện nhằm cải thiện hiệu quả và chi phí của các thiết bị EWS, cho phép nhiều trung tâm và bệnh nhân được hưởng lợi.

Một nghiên cứu được thực hiện đã khảo sát quan điểm của bệnh nhân về việc sử dụng EWS trong thực hành ở một trung tâm IVF. Nghiên cứu thiết kế với mục đích đo lường hiểu biết của bệnh nhân, mối lo ngại về việc nhầm lẫn mẫu sinh học và sự hài lòng của họ khi được nhận diện bằng công nghệ RI Witness. Có 480 cặp vợ chồng được giới thiệu về EWS cũng như công nghệ RI Witness vào ngày chọc hút noãn. Sau đó, họ được phỏng vấn vào ngày chuyển phôi để đánh giá mối lo ngại và sự hài lòng đối với việc sử dụng công nghệ RI Witness trong một trung tâm IVF. Kết quả cho thấy có đến 90,4% bệnh nhân thật sự lo ngại về việc nhầm lẫn mẫu trong IVF và công nghệ RI Witness đã làm giảm lo ngại ở 92,1% bệnh nhân. Việc sử dụng các thiết bị báo động âm thanh để cảnh báo cho các trường hợp nhầm lẫn mẫu đã nhận được sự hài lòng cao bởi 97,6% bệnh nhân. Trong số đó, 97,1% bệnh nhân đặc biệt hài lòng với khả năng truy xuất nguồn gốc của giao tử và phôi trong labo IVF. Và có 97,1% bệnh nhân cảm thấy rất an tâm với trung tâm IVF được trang bị RI Witness [4].

Chúng ta biết rằng vô sinh và điều trị IVF là điều gây ra căng thẳng cho nhiều cặp vợ chồng. Các nghiên cứu đều cho rằng những sự kiện căng thẳng nhất của chu kỳ IVF là do sự thất bại trong điều trị, quá trình chọc hút noãn và hầu hết tất cả thời gian chờ giữa chuyển phôi và thử thai. Ngoài các khía cạnh này, nghiên cứu này còn cho thấy khả năng nhầm lẫn mẫu sinh học là một nguồn gây căng thẳng cho bệnh nhân IVF, vì nó là một sự kiện nằm ngoài tầm kiểm soát của bệnh nhân và do đó có thể dẫn đến các phản ứng cảm xúc tiêu cực như thất vọng, lo lắng và trầm cảm. Việc sử dụng thiết bị EWS trong các trung tâm IVF đã làm giảm bớt những lo ngại của bệnh nhân về nhầm lẫn mẫu. Công cụ này có thể có lợi đối với sức khoẻ của bệnh nhân, đặc biệt đối với những bệnh nhân nhạy cảm hơn với cảm xúc. Vì vậy, EWS nên được xem là một công cụ để cải thiện sự hài lòng của bệnh nhân trong chu kì IVF bên cạnh việc tăng tính an toàn trong vấn đề nhận diện mẫu [4].

Tóm lại hệ thống nhân chứng điện tử EWS không chỉ giám sát tất cả các bước của quy trình IVF, giảm rủi ro lỗi con người, nó còn đóng vai trò quan trọng dưới góc nhìn của bệnh nhân IVF. Từ đó, EWS có thể đảm bảo sức khoẻ và giảm thiểu một số nguồn căng thẳng của bệnh nhân đang trải qua chu kì điều trị IVF.
 
 
Tài liệu tham khảo:
 
  1. Thornhill AR, Brunetti, XO, Bird S. Reducing human error in IVF with electronic witnessing. Fertil Steril. 2011.
  2. Liebler R, et al. Are you my parent? Are you my child? The role of genetics and race in defining relationships after reproductive technological mistakes. DePaul J Health Care Law. 2002.
  3. Bender L, et al. To err is human. ART mix-ups: a labor-based, relational proposal. J Race Gend Justice. 2006.
  4. Forte M, Faustini F, Rienzi L, et al. Electronic witness system in IVF—patients perspective. J Assist Reprod Genet. 2016.
  5. Magli MC, Van den Abbeel E, Lundin K, et al. Committee of the special interest group on embryology. Revised guidelines for good practice in IVF laboratories. Hum Reprod. 2008.
  6. Schnauffer K, Kingsland C, Troup S. Barcode labelling in the IVF laboratory. Hum Reprod. 2005.
  7. Novo S, Barrios L, Santaló J, et al. A novel embryo identification system by direct tagging of mouse embryos using silicon-based barcodes. Hum Reprod. 2011.
  8. Valbonesi P, Franzellitti S, Piano A, et al. Evaluation of HSP70 expression and DNA damage in cells of a human trophoblast cell line exposed to 1.8 GHz amplitude-modulated radiofrequency fields. Radiat Res. 2008.
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
Quản trị nguy cơ trong IVF là gì? - Ngày đăng: 29-07-2019
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK