Helicobacter pylori (HP) là tên gọi của một loại xoắn khuẩn được tìm thấy tại lớp niêm mạc dạ dày, hoặc bám vào lớp thượng bì lót bề mặt trong dạ dày. Đây là tác nhân gây nên tình trạng viêm dạ dày mạn tính thể tồn tại hoặc thể hoạt động ở người trưởng thành cũng như ở trẻ em.
Có nhiều bằng chứng cho thấy HP chịu trách nhiệm trong hơn 90% bệnh lý loét tá tràng và hơn 80% bệnh lý loét dạ dày ở trẻ. Một số nghiên cứu dịch tễ gần đây cho thấy tình trạng nhiễm HP mạn có thể có khởi đầu từ lứa tuổi ấu thơ, thậm chí trước 5 năm tuổi. Cho đến nay, HP đã gây ảnh hưởng đến hơn 50% dân số thế giới, và tập trung phần nhiều tại các nước đang phát triển.
Tình trạng nhiễm HP có thể chẩn đoán bằng nhiều phương pháp khác nhau: các kỹ thuật xâm lấn như nội soi – sinh thiết (xét nghiệm mô học, cấy, test nhanh urease) và các kỹ thuật không xâm lấn (huyết thanh chẩn đoán, test urea qua hơi thở, tìm kháng nguyên HP trong phân). Trong số đó, nội soi hiện là phương pháp được ưa thích hơn cả trong việc xác định tình trạng nhiễm HP ở các trẻ có triệu chứng gợi ý bệnh lý đường tiêu hóa trên. Tuy nhiên, có thực sự nội soi là một xét nghiệm lý tưởng phục vụ cho tiến trình chẩn đoán nhiễm HP?
Các khuyến cáo điều trị HP hiện hành bao gồm 1 hay 2 loại kháng sinh như amoxicillin, tetracycline (không dùng ở trẻ < 12 tuổi), metronidazole hay clarithromycin trong khoảng thời gian 10 ngày – 2 tuần kết hợp với bismuth hoặc một thuốc ức chế bơm proton. Tuy nhiên, một vấn đề khó khăn nảy sinh là tình trạng kháng thuốc ngày càng gia tăng, đặc biệt đối với metronidazole và clarithromycin. Nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy những chủng HP xuất hiện ở trẻ em có tỷ lệ kháng clarithromycin cao hơn khi so với các chủng HP phân lập được ở người lớn.
Cũng từ các vấn đề trên, M. Argentieri và cs đã thực hiện một nghiên cứu trên 215 trẻ tại đơn vị nội soi và phẫu thuật đường tiêu hóa – bệnh viện Nhi Bambino Gesù, Rome, Italy – trong khoảng thời gian từ 03/2003 đến 12/2004. Mục tiêu chính của nghiên cứu nhằm xác định giá trị của các xét nghiệm phục vụ chẩn đoán nhiễm HP ở trẻ cũng như đánh giá tỷ lệ kháng kháng sinh của HP đối với metronidazole, amoxicillin và clarithromycin.
Nghiên cứu đã thu được một số kết luận chính như sau:
• Xác định HP thông qua quan sát mô học trên các mẫu sinh thiết từ dạ dày – tá tràng được xem là tiêu chuẩn vàng để chẩn đoán tình trạng nhiễm HP, hơn thế nữa, đây là xét nghiệm giúp cung cấp thông tin về độ nặng của bệnh.
• Nuôi cấy phân lập HP cũng là một phương pháp có giá trị cao, với độ nhạy chẩn đoán là 91% và độ đặc hiệu là 100%.
• Mặc dù xét nghiệm tìm kháng nguyên của HP trong phân là một xét nghiệm không xâm lấn, hỗ trợ cho chẩn đoán nhưng lại hạn chế về độ nhạy (57,8%) và độ đặc hiệu (93,4%) cũng như không cung cấp được thông tin về mức độ nặng của bệnh.
• Nội soi là phương pháp đáng tin cậy trong chẩn đoán xác định nhiễm HP cũng như đánh giá hậu quả của tình trạng nhiễm vi khuẩn này. Sinh thiết nhiều mẫu tại nhiều vị trí được khuyến cáo vì HP phân bố rải rác ở niêm mạc dạ dày.
• Với 27,6% trường hợp kháng với metronidazole và 20,7% kháng với clarithromycin, nghiên cứu này đã cho thấy một tình trạng kháng metronidazole cao, tương tự một số nghiên cứu thực hiện trước đó đối với các chủng HP phân lập ở trẻ, cùng với một sự gia tăng tình trạng kháng clarithromycin. Tuy nhiên, không có trường hợp nào kháng amoxicillin.
Nghiên cứu trên một lần nữa đã chứng tỏ giá trị của nội soi trong chẩn đoán tình trạng nhiễm HP. Tuy nhiên, đây vẫn là một phương pháp mang tính xâm lấn, gây không ít khó chịu cho bệnh nhân trong quá trình chẩn đoán. Điều này, cùng với sự gia tăng tỷ lệ kháng các kháng sinh, đã chứng tỏ HP vẫn là một vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu nhiều hơn nữa.
(Nguồn: J Pediatr Infect Dis 2 (2007) 135-139)
Quinter Central Nha Trang, chiều thứ bảy 11.1.2025 (13:00 - 17:00)
Thành phố Hạ Long, Thứ Bảy ngày 22 . 3 . 2025
Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025
Sách ra mắt ngày 6 . 1 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...
Sách ra mắt ngày 10 . 10 . 2024
Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ