Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 21-05-2013 2:54am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin trong nước

Hinh_HN_FET_LS_18.11

Ba em bé thụ tinh trong ống nghiệm (TTTON) đầu tiên của Việt Nam đã ra đời khỏe mạnh vào ngày 30/04/1998 với niềm vui khôn xiết của các cặp vợ chồng lần đầu tiên được làm bố mẹ sau bao năm chờ đợi. Vào thời điểm đó, nhiều người ở Việt Nam, ngay cả trong giới y khoa cho rằng Việt Nam chưa thể và không nên thực hiện kỹ thuật này.

Ngày 30/4/2013 là ngày đánh dấu một quá trình phát triển đầy tự hào của ngành Hỗ trợ sinh sản Việt Nam sau 15 năm hình thành và đạt được nhiều tiến bộ vượt bậc. Cách đây đúng 15 năm (1998) những em bé TTTON đầu tiên của Việt Nam đã chào đời. Cách đây 35 năm (1978), thế giới đón chào sự xuất hiện của em bé TTTON đầu tiên. Đi sau thế giới 20 năm và sau các nước trong khu vực 10-15 năm, nhưng hiện nay, Việt Nam đã và đang được công nhận là một trong những nước dẫn đầu khu vực về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản và đạt đến trình độ thế giới ở nhiều kỹ thuật điều trị.

Sự phát triển của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trên thế giới

Kỹ thuật hỗ trợ sinh sản là tên gọi chung của một nhóm các kỹ thuật điều trị hiếm muộn, xuất phát từ kỹ thuật điều trị cơ bản là thụ tinh trong ống nghiệm. Em bé đầu tiên trên thế giới ra đời từ TTTON vào năm 1978 ở Anh. Sau đó, trong những năm thập niên 80, đa số trên các nước trên thế giới đều thực hiện thành công và ứng dụng kỹ thuật này vào điều trị hiếm muộn.

Sau 35 năm phát triển, hiện tại, hầu hết các nước trên thế giới đều thực hiện được kỹ thuật điều trị này. Hiện nay, mỗi năm trên thế giới ước tính có gần 2 triệu lượt điều trị TTTON với hàng trăm nghìn trẻ ra đời mỗi năm. Con số này tiếp tục tăng khoảng 10% mỗi năm. Cho đến hiện tại, trên thế giới đã có hơn 5 triệu em bé ra đời từ kỹ thuật hỗ trợ sinh sản. Ở một số nước phát triển, trẻ được TTTON chiếm từ 1-5% trẻ sinh ra và tỉ lệ này có xu hướng tăng dần.

Với sự phát triển đó, ngành Hỗ trợ sinh sản, hay với khái niệm rộng hơn là “Y học sinh sản” đã trở thành một trong những phân ngành quan trọng của chuyên ngành Sản Phụ khoa tại nhiều nước phát triển trên thế giới. Năm 2010, Giải thưởng Nobel Y học và Sinh lý học được trao cho GS. Robert Edwards với công trình kỹ thuật TTTON. Sau 32 năm công bố thành công kỹ thuật và sau khi hàng loạt trẻ sinh ra từ TTTON đã có thể sinh con tự nhiên bình thường, ông đã được Giải thưởng Nobel công nhận và vinh danh. GS. Robert Edwards cũng vừa qua đời vào ngày 10/4/2013 tại Anh.

Những thành tựu của ngành hỗ trợ sinh sản Việt nam

15 năm phát triển

Việt Nam bắt đầu thực hiện kỹ thuật TTTON từ năm 1997, sau các nước trên thế giới 20 năm và sau các nước trong khu vực 10-15 năm. Việt Nam đã bắt đầu phát triển kỹ thuật hỗ trợ sinh sản trong hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như: (1) chi phí đầu tư TTTON cao, thu nhập người dân còn thấp; (2) các chuyên ngành học thuật có liên quan đến TTTON còn kém phát triển ở Việt Nam; (3) thiếu phương tiện khoa học kỹ thuật, máy móc, thiết bị, thuốc chuyên dụng, dụng cụ tiêu hao chuyên dụng, môi trường hóa chất…; (4) lạc hậu về trình độ y học so với các nước trong khu vực và thế giới.

Hiện tại, cả nước có hơn 15 trung tâm thực hiện được kỹ thuật hỗ trợ sinh sản với khoảng 15.000 chu kỳ điều trị mỗi năm. Cho đến nay, ước tính cả nước có khoảng 15.000 trẻ ra đời từ kỹ thuật TTTON.

Với khởi đầu khó khăn và đầy thử thách, sau 15 năm thành công và phát triển, chuyên ngành này đã đạt được nhiều tiến bộ một cách ngoạn mục và trở thành một trong những điểm son của Y học Việt Nam:

-         Thực hiện thành công tất cả các kỹ thuật điều trị phổ biến với tỉ lệ thành công tương đương khu vực và thế giới.

-         Số lượt thực hiện TTTON nhiều nhất khu vực Đông Nam Á.

-         Là một trong những chuyên khoa của ngành y tế thu hút được nhiều bệnh nhân từ nước ngoài nhất ở Việt Nam.

-         Có một đội ngũ các nhà khoa học chuyên sâu được công nhận trong vùng và thế giới

-         Hàng năm có hơn 10 đề tài báo cáo tại các sự kiện khoa học trong khu vực và trên thế giới; nhiều bài báo đăng tải trên các tạp chí quốc tế.

-         Thành lập được trung tâm đào tạo TTTON cho khu vực (CREST) với học viên đến từ các nước lân cận.

Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM (HOSREM) ra đời năm 2005 và sau đó, Chi hội Y học sinh sản Việt Nam (VSRM) được thành lập năm 2011 là các tổ chức nghề nghiệp đã góp phần quan trọng trong việc cập nhật kiến thức, đào tạo nhân lực và phát triển các kỹ thuật điều trị trong lĩnh vực này tại Việt Nam.

Từ năm 2010, việc xây dựng hệ thống quản trị chất lượng cho trung tâm TTTON đã được nhiều bệnh viện ở Việt Nam quan tâm và đầu tư xây dựng. Đây là một xu hướng phát triển quan trọng của TTTON trên thế giới. Vào tuần thứ ba của tháng 05/2013, Việt Nam vinh dự được chọn là nước chủ nhà cho hội thảo đầu tiên của các chuyên gia Châu Á-Thái Bình Dương về Quản trị chất lượng trong TTTON. Trung tâm IVFAS (Đơn vị Hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện An Sinh) được chọn là điểm tham quan trao đổi, học tập của đại biểu tham dự hội thảo.

Người nước ngoài đến điều trị thụ tinh trong ống nghiệm tại Việt Nam

Khoảng từ năm 2000 trở đi, chúng ta bắt đầu nhận điều trị TTTON cho người nước ngoài ở Việt Nam. Theo một thống kê chưa đầy đủ, hàng năm ước tính có 200-300 trường hợp người nước ngoài đến điều trị TTTON tại các bệnh viện trên cả nước và con số này có xu hướng tăng qua từng năm.

Việc nhiều người sống ở nước ngoài (bao gồm Việt kiều và ngoại kiều) biết đến TTTON ở Việt Nam và đến Việt Nam để được điều trị có một ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao uy tín của Y học Việt Nam:

-         TTTON là một kỹ thuật phức tạp, bao gồm nhiều qui trình y học và sinh học phức tạp. Dù vậy, chúng ta vẫn có thể thuyết phục được nhiều bệnh nhân nước ngoài về trình độ của ngành y tế Việt Nam

-         Sản phẩm của qui trình TTTON là con người. Bệnh nhân ngoại quốc phải có một niềm tin rất lớn mới có thể đến Việt Nam điều trị, do kết quả điều trị không chỉ liên quan đến bản thân họ mà còn liên quan đến sức khỏe của đứa con trong tương lai mà họ hết lòng yêu quí.

-         Mặc dù chi phí TTTON ở Việt Nam rẻ hơn so với thế giới, nhưng nếu tính cả chi phí đi lại, lưu trú, thời gian, thì giá cả không phải là yếu tố thu hút duy nhất đối với người nước ngoài.

-         Một bệnh nhân nước ngoài đến Việt Nam điều trị là một cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh một nước Việt Nam ổn định và phát triển.

Một trường hợp đặc biệt là Tiến sĩ C.H., chuyên gia nổi tiếng về TTTON trên thế giới hiện nay, đồng tác giả quyển sách giáo khoa về kỹ thuật hỗ trợ sinh sản nổi tiếng nhất thế giới (đã xuất bản đến lần thứ 4), đã đến Việt Nam để thực hiện TTTON và thành công. Con trai ông hiện nay đã được 5 tuổi và ông cũng cho phép để hình ảnh con trai lên quyển sách giáo khoa do ông viết về TTTON. Việc Tiến sĩ C.H. đến Việt Nam để thực hiện TTTON cũng là một bất ngờ lớn của giới chuyên môn trong lĩnh vực này trên thế giới.

Cho đến nay, đã có rất nhiều người nước ngoài đã tin tưởng đến điều trị và đạt kết quả thành công ở Việt Nam. Chính các bệnh nhân này cũng là những người quảng bá rất tốt cho dịch vụ và kết quả điều trị TTTON ở Việt Nam ra thế giới.

Những yếu tố giúp thụ tinh trong ống nghiệm ở Việt nam thành công

Con người được đào tạo chuyên sâu

Hầu hết những chuyên gia đầu ngành ở Việt Nam đều bắt đầu tham gia lĩnh vực này từ lúc trẻ. Các bác sĩ và chuyên gia phôi học được đầu tư chuyên biệt về kiến thức cơ bản và tay nghề trong thời gian dài và liên tục. Qua đó, đội ngũ chuyên môn này đã tích lũy được kiến thức và kinh nghiệm chuyên sâu trong một thời gian ngắn hơn nhiều so với các đồng nghiệp trong khu vực và thế giới. Sau 15 năm tập trung phát triển chuyên sâu, họ đã trở thành những chuyên gia đầu ngành của khu vực.

-         Đa số cán bộ y tế làm việc tại các trung tâm thu hút được nhiều bệnh nhân nước ngoài đến điều trị đều được đào tạo bài bản và có thời gian học ở nước ngoài. Những chuyên gia này luôn cập nhật kiến thức mới từ tài liệu, tạp chí khoa học nước ngoài.

-         Các chuyên gia trong lĩnh vực này đa số còn trẻ nhưng đã có kinh nghiệm và kiến thức nền tảng tốt. Do đó, họ rất mạnh dạn trong ứng dụng và phát triển kỹ thuật mới, luôn theo kịp, thậm chí có một số lĩnh vực đi trước các nước trong khu vực.

-         Mỗi năm, Việt  Nam có 3-4 hội nghị, hội thảo của nhóm các chuyên gia TTTON ở Việt Nam được tổ chức thường xuyên (do HOSREM đồng phối hợp VSRM). Đa số các hội thảo này đều có chất lượng chuyên môn cao và đi sâu vào học thuật. Nhờ đó, các chuyên gia trong cả nước có điều kiện trao đổi học tập kinh nghiệm và cùng chia sẻ các kiến thức mới.

-         Việc tham gia các hội nghị khoa học quốc tế được các chuyên gia Việt Nam tận dụng rất tốt để học hỏi và phát triển, vì đa số các chuyên gia trong lĩnh vực đều giỏi ngoại ngữ và có khả năng giao tiếp tốt với đồng nghiệp các nước bạn. Hiện nay, những bài phát biểu và đóng góp của các đại biểu Việt Nam thường được quan tâm và đánh giá cao tại các hội nghị khoa học khu vực.

Những điều kiện trên đã giúp lĩnh vực Hỗ trợ sinh sản trong một thời gian ngắn đã hình thành một đội ngũ chuyên gia hùng hậu được công nhận trong và ngoài nước.

Cơ sở vật chất cho chuyên ngành được đầu tư đúng mức

Các trung tâm TTTON ở Việt Nam ra đời sau nên có cơ hội đầu tư các thiết bị mới, tiên tiến so với các nước. Ở hầu hết các bệnh viện có thực hiện hỗ trợ sinh sản ở Việt Nam, kỹ thuật TTTON thường được dành một nguồn ngân sách lớn để phát triển. Trong khi ở các nước trong khu vực, các bệnh viện công lớn thường ít đầu tư nhiều cho TTTON. Ở nước ngoài, các trung tâm TTTON ít khi ở trong các bệnh viện lâm sàng lớn. Đây là một lợi thế tương đối của các trung tâm TTTON Việt Nam. Các bệnh viện cũng thường dành những vị trí tốt, cơ sở xây dựng mới, đẹp để phát triển TTTON.

Quảng bá và xây dựng hình ảnh uy tín chuyên môn trong khu vực và quốc tế

Đây là yếu tố quan trọng nhất và thật sự là một điểm khác biệt lớn của TTTON so với các chuyên ngành y học lâm sàng khác ở Việt Nam trong việc khẳng định vị trí trong khu vực và thế giới. Điều này, đã được các chuyên gia TTTON ở Việt Nam làm khá tốt trong thời gian qua bằng rất nhiều hoạt động.

Báo cáo hội nghị khoa học quốc tế

Từ năm 2000, chỉ sau 3 năm phát triển, các chuyên gia Việt Nam đã có bài báo cáo tại hội nghị khu vực. Sau đó, nhiều đề tài khoa học của các chuyên gia trong lĩnh vực này cũng được báo cáo, trình bày trong các hội nghị quốc tế và diễn đàn khu vực.

Tại hội nghị vô sinh lớn nhất khu vực Châu Á-Thái Bình Dương (ASPIRE) vừa qua (Osaka, Nhật, 2012), Việt Nam có 7 đề tài báo cáo hội trường và 1 đề tài báo cáo poster và là nước Đông Nam Á có nhiều báo cáo nhất tại hội nghị.

Trong khoảng thời gian hơn 5 năm trở lại đây, các chuyên gia Việt Nam luôn được mời tham gia báo cáo ở các hội nghị lớn trong khu vực. Bên cạnh đó, nhiều hội nghị chuyên ngành các nước lân cận cũng được tổ chức ở Việt Nam. Qua đó, hầu hết đồng nghiệp các nước trong khu vực và Châu Á đều biết đến sự phát triển về TTTON ở Việt Nam và trình độ các chuyên gia Việt Nam trong lĩnh vực này. Nhiều bác sĩ nước ngoài đã giới thiệu bệnh nhân của mình đến Việt Nam điều trị.

Nghiên cứu khoa học và đăng bài trên tạp chí quốc tế

Bên cạnh đó, các chuyên gia Việt Nam đã đầu tư rất nhiều công sức để đăng tải các đề tài nghiên cứu trên các tạp chí chuyên ngành quan trọng. Kể từ năm 2008 đến nay, hàng năm Việt Nam luôn có báo cáo xuất hiện trên tạp chí chuyên ngành quan trọng. Hiện nay, tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước có nhiều báo cáo khoa học tại các hội nghị quốc tế và được đăng tải nhiều bài báo trên tạp chí chuyên môn quốc tế có uy tín.

Thông tin và các bài báo này được phát tán rất nhanh trên hệ thống internet và các thư viện trực tuyến. Điều này, giúp cho hình ảnh và uy tín chuyên môn của TTTON ở Việt Nam tăng lên rất nhiều.

Đào tạo, trao đổi và chuyển giao công nghệ

Từ năm 2004, chúng ta đã bắt đầu nhận đào tạo, trao đổi kinh nghiệm và chuyển giao công nghệ cho các đồng nghiệp trong khu vực và trên thế giới. Từ năm 2011, chúng ta đã có trung tâm đào tạo của khu vực về lĩnh vực y học sinh sản: CREST, Khoa Y, Đại học Quốc gia TPHCM. CREST Việt Nam là một trong bốn trung tâm đào tạo về hỗ trợ sinh sản lớn của khu vực Châu Á (Singapore, Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc). Hiện nay, mỗi năm, chúng ta nhận đào tạo, kiến tập, thực tập cho hơn 20 đồng nghiệp nước ngoài về TTTON. Chính các học viên này là những người quảng bá tốt nhất cho hình ảnh khoa học và trình độ chuyên môn của ngành Hỗ trợ sinh sản Việt Nam ra bên ngoài.

Kết Luận

Mười lăm năm thành công của kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đánh dấu một chặng đường phát triển vượt bậc của chuyên ngành này tại Việt Nam. Sự thành công này góp phần làm tăng vị thế của y học Việt nam trong phạm vi khu vực và trên thế giới.

Thành tựu trên có được là do sự phối hợp của rất nhiều yếu tố, trong đó, chiến lược phát triển nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng.

GS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng

Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM (HOSREM)

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Hội nghị IVF Expert Meeting lần VIII - Ngày đăng: 26-07-2012
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Ngày 9-10 . 8 . 2024, Indochine Palace, Huế

Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 15 . 5 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK