Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 30-05-2014 9:53am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin cộng đồng

New_Picture_25 Mang thai đá là hiện tượng hiếm gặp, xảy ra khi thai nằm trong ổ bụng chết và lâu ngày vôi hóa dần. Tỷ lệ thai chết trong ổ bụng khoảng 1/11.000 trường hợp, trong đó khoảng 1,5 - 1,8 % thai trong ổ bụng hóa đá.

 


Thông thường những thai nhỏ chết sẽ thoái triển và được tái hấp thu bởi cơ thể người mẹ. Riêng những thai lớn, mô thai sẽ tồn tại lâu ngày bên trong cơ thể người mẹ, mô thai bị vôi hóa che chắn các cơ quan nhằm bảo vệ người mẹ không bị nhiễm trùng và ảnh hưởng bởi các chất hoại tử mô thai vào cơ thể mẹ.

Mang thai đá có thể xảy ra với tuổi thai từ sau ba tháng, thường sẽ không được chẩn đoán trong một thời gian dài, có khi vài chục năm. Thai đá tình cờ được phát hiện qua thăm khám sức khỏe hoặc vì lý do khác như đau bụng, đau lưng và được chụp X-quang.

Quá trình hình thành thai đá

Theo các tài liệu y khoa, thai đá được xác định có ba nhóm:

- “Vỏ bọc đá”: là hiện tượng vôi hóa xảy ra trên màng nhau thai, thai nhi không bị vôi hóa.

- Thai nhi bị vôi hóa sau khi vào khoang bụng, sau khi vỡ màng nhau thai, màng nhau không bị vôi hóa.

- "Đá vỏ bọc và thai": cả thai nhi và màng nhau đều bị vôi hóa.

Các điều kiện để thai nhi bị vôi hóa thành thai đá:

- Thai nhi nằm ngoài tử cung.

- Thai nhi sống trong bụng mẹ hơn 14 tuần, vì nếu nhỏ hơn sẽ bị tái hấp thu.

- Tình trạng mang thai này không được phát hiện và chẩn đoán sớm.

- Thai nhi vô trùng.

- Có điều kiện tối thiểu để hiện tượng vôi hóa xảy ra (có tuần hoàn đến thai ít và chậm).

Về mặt hóa sinh, hiện tượng vôi hóa của thai ngoài tử cung diễn tiến như thế nào vẫn còn khá mơ hồ. Tuy nhiên, người ta cho rằng quá trình vôi hóa trong cơ thể thường được tìm thấy ở những nơi tế bào cơ thể bị tổn thương. Theo Khoa X-quang của Đại học Washington, 95-98% là bị loạn dưỡng, hoặc là kết quả của tổn thương mô mềm trong cơ thể. Mục đích của vôi hóa được cho là nhằm bảo quản mô - ví dụ trong thành động mạch bị hư hỏng, vôi hóa xảy ra để ngăn chặn sự hoại tử liên tục có thể lan rộng.

Trong trường hợp mang thai đá, sau khi thai nhi đã ngừng phát triển, các mô của thai không còn được cung cấp lượng máu phù hợp, do đó, nó bắt đầu phá vỡ. Sự tích tụ của muối vôi khi đó bắt đầu hình thành, dần dần tạo nên một khối giống như đá.

Theo y văn, tuổi của bệnh nhân vào ngày chẩn đoán dao động từ 23-100 tuổi, 2/3 trong số đó là trên 40 tuổi. Thời gian thai nhi nằm trong bụng mẹ là 4 - 60 năm. Thai chết xảy ra từ ba đến sáu tháng với 20% các trường hợp, giữa bảy và tám tháng là 27% và đủ tháng là 43% trường hợp.

Một báo cáo khoa học năm 2000 cho biết, có 300 trường hợp mang thai đá được ghi nhận trên thế giới. Đặc biệt, trong năm 2013, thế giới ghi nhận hai trường hợp mang thai đá: đó là cụ bà Huang Yijun 92 tuổi, người Trung Quốc, mang thai đá trong bụng suốt 65 năm và bà Bogota 80 tuổi, người Colombia được phát hiện mang thai đá trong bụng suốt 40 năm, phát hiện tình cờ do bà đến bệnh viện khám vì đau bụng.

Triệu chứng

Hầu hết các trường hợp không có triệu chứng trong nhiều năm, một số trường hợp bị đau vùng chậu, cảm giác nặng trằn bụng dưới, ảnh hưởng đến bàng quang và trực tràng.

Một số biến chứng liên quan đã được báo cáo sau một thời gian dài không có triệu chứng: thủng bàng quang và trực tràng, lộ các phần của thai nhi qua thành bụng, trực tràng và âm đạo; tắc ruột (do va chạm của các bộ phận của thai nhi và ruột), xoắn ruột.

Chẩn đoán

Chẩn đoán được gợi ý bởi một lịch sử lâm sàng, một khối u vùng chậu được sờ thấy khi thăm khám, chụp X-quang bụng là có thể xác định chẩn đoán. Việc kiểm tra siêu âm cho thấy bệnh nhân có khoang tử cung trống và xuất hiện khối u bụng không đặc hiệu.

Chụp cắt lớp vi tính (CT) và cộng hưởng từ sẽ giúp xác định rõ về mặt bệnh học cũng như chẩn đoán sự kết dính và các cơ quan bị ảnh hưởng. Có thể chụp hệ niệu có cản quang để đánh giá sự chèn ép hoặc thay đổi trong các cơ quan hoặc các hệ thống gần với nó.

Xử trí

Do khả năng biến chứng, việc xử trí thích hợp là phẫu thuật cắt bỏ. Phẫu thuật thường đơn giản và không mất nhiều máu. Tuy nhiên, những trường hợp dính nhiều với các cơ quan lân cận có thể gây khó khăn và cần sự phối hợp của các chuyên khoa.

Nguồn: Báo Phụ Nữ Online

Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Tập yoga điều trị vô sinh - Ngày đăng: 16-05-2014
Bà bầu có nên uống bia? - Ngày đăng: 25-04-2014
Mẹ bầu bị stress, con dễ mắc hen - Ngày đăng: 16-04-2014
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

Thứ bảy ngày 22 . 02 . 2025

Năm 2020
GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Y học sinh sản 59 - Bệnh truyền nhiễm và thai kỳ

Y học sinh sản 58 - Thai kỳ và các bệnh lý nội tiết, chuyển ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK