CN. Liên Mỹ Dinh – IVFMD SIH Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn
GIỚI THIỆU
Trong xã hội hiện đại, xu hướng kết hôn và sinh con muộn ngày càng phổ biến. Điều này dẫn đến thực tế là khả năng sinh sản của phụ nữ suy giảm đáng kể sau tuổi 35, kèm theo nguy cơ sảy thai cao và tỷ lệ mang thai thấp do sự gia tăng lệch bội nhiễm sắc thể (NST). Tình trạng này có thể gây ra thách thức trong các chu kỳ điều trị hỗ trợ sinh sản (HTSS). Trong quá trình HTSS, bên cạnh các vấn đề như noãn không thụ tinh, sự thụ tinh bất thường, đặc biệt là với một tiền nhân (1 pronuclear - 1PN), thường xuyên xảy ra và gây nhiều mâu thuẫn về tiềm năng phát triển cũng như nguy cơ di truyền của phôi.
Một số nghiên cứu khuyến nghị loại bỏ phôi 1PN, ngay cả khi chúng phát triển đến giai đoạn phôi nang. Ngược lại, nhiều báo cáo cho thấy khả năng sinh con thành công từ phôi 1PN, gợi ý rằng số lượng tiền nhân có thể không hoàn toàn phản ánh vật chất di truyền (VCDT) bên trong phôi [1]. Tổng quan này sẽ đánh giá tiềm năng của phôi 1PN, so sánh kết cục lâm sàng và chu sinh của chúng với phôi 2PN, từ đó đưa ra khuyến nghị quản lý lâm sàng dựa trên bằng chứng nhằm xác định liệu phôi 1PN có phải là một lựa chọn khả thi và có nên loại bỏ chúng trong thực hành lâm sàng hay không.
SỰ HÌNH THÀNH HỢP TỬ 1PN
Thụ tinh bình thường được đặc trưng bởi sự hiện diện của thể cực thứ hai và hai tiền nhân đực và cái sau khi thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển (cIVF) hoặc tiêm tinh trùng vào bào tương noãn (ICSI). Hợp tử với số lượng tiền nhân khác 2PN (0PN, 1PN, 3PN, hoặc >3PN) được xem là bất thường và thường bị loại bỏ do nguy cơ lỗi NST cao.
Sự hình thành hợp tử 1PN không phải là một hiện tượng đơn lẻ mà có thể phát sinh từ nhiều cơ chế khác nhau, mỗi cơ chế đều có ý nghĩa quan trọng đối với tiềm năng di truyền của phôi:
-
Hoạt hóa đơn tính – trinh sản (Parthenogenetic Activation): Đây là quá trình noãn được hoạt hóa và bắt đầu phát triển mà không có sự đóng góp của tinh trùng. Kết quả là phôi chỉ chứa VCDT từ mẹ. Các phôi này có thể là đơn bội (haploid), lưỡng bội (diploid) hoặc đa bội (polyploid). Đây không phải là một hình thức sinh sản tự nhiên ở động vật có vú, và các phôi đơn tính tự nhiên thường không sống sót qua giai đoạn phôi thai [2].
-
Sự hình thành hoặc biến mất tiền nhân không đồng bộ: Tiền nhân có thể xuất hiện hoặc biến mất ở các thời điểm khác nhau, hoặc hợp nhất sớm hơn so với thời điểm kiểm tra thụ tinh tiêu chuẩn (16-18 giờ sau ICSI và 18-20 giờ sau cIVF). Điều này có nghĩa là một hợp tử thực sự lưỡng bội (có cả VCDT của bố và mẹ) có thể bị nhầm lẫn là 1PN nếu tiền nhân xuất hiện nhanh hoặc chậm hơn, hoặc do tiền nhân hợp nhất sớm.
Việc quan sát thời điểm tiền nhân xuất hiện đóng vai trò quan trọng trong việc phân loại chính xác hợp tử. Các phương pháp đánh giá thụ tinh tại một thời điểm cố định có thể bỏ sót sự xuất hiện hoặc biến mất của tiền nhân, dẫn đến việc phân loại sai các hợp tử 1PN. Việc sử dụng time-lapse giúp giảm đáng kể tỷ lệ hợp tử 1PN được chẩn đoán sai so với quan sát tại một thời điểm cố định. Điều này cho thấy rằng một phần đáng kể các phôi 1PN được cho là bất thường theo phương pháp truyền thống thực chất có thể là phôi lưỡng bội bình thường, chỉ bị phân loại sai do hạn chế về thời điểm quan sát [1].
-
Một tiền nhân chứa cả bộ gen của bố và mẹ (1PN lưỡng bội): Cơ chế này xảy ra khi tinh trùng dung hợp với màng noãn bào ở vị trí rất gần (trong vòng 18 µm) điểm tống xuất thể cực thứ hai. Điều này có thể dẫn đến việc chỉ hình thành một tiền nhân duy nhất nhưng chứa cả vật chất di truyền từ mẹ và bố [1].
-
Một tiền nhân chỉ chứa bộ gen của bố (1PN lưỡng bội androgenetic):
Thai trứng androgenetic monospermic (Androgenetic Monospermic Hydatidiform Moles – Androgenetic monospermic HMs) là một cơ chế hiếm gặp nhưng nghiêm trọng: một tinh trùng thụ tinh với noãn “rỗng” (noãn đã mất DNA nhân của nó), sau đó bộ gen của bố tự nhân đôi, tạo ra phôi lưỡng bội (46 NST) nhưng chỉ chứa vật chất di truyền từ bố, dẫn đến thai trứng toàn phần. Hạn chế của các phương pháp PGT-A (Preimplantation Genetic Testing for Aneuploidy) tiêu chuẩn là chỉ đánh giá số lượng NST, có thể xác định nhầm phôi 1PN androgenetic diploid (lưỡng bội) là "nguyên bội - euploid". Do đó, để đảm bảo an toàn khi chuyển phôi 1PN, cần sử dụng các phương pháp PGT tiên tiến hơn để xác định cả trạng thái nguyên bội và nguồn gốc di truyền từ cả bố và mẹ, tránh các kết cục lâm sàng không mong muốn như thai trứng [3].
KẾT QUẢ DI TRUYỀN Ở PHÔI TỪ HỢP TỬ 1PN
Tranh cãi chính về phôi 1PN xoay quanh nguy cơ bất thường di truyền. Các nghiên cứu sử dụng PGT-A để phát hiện thể lệch bội ở giai đoạn phôi nang đã chỉ ra rằng phôi 1PN có thể: có bộ NST nguyên bội (euploid), lưỡng bội (diploid), đơn bội (haploid), đa bội (triploid), và có sự di truyền từ cả cha và mẹ (biparental inheritance) [4].
Một nghiên cứu trên 217 phôi nang 1PN đã phân tích tình trạng bội thể của chúng: trong đó 36,4% chỉ chứa 23 NST đơn bội (23XO), 31,8% được xác định là lệch bội, và 31,8% được xác nhận là lưỡng bội và thụ tinh bình thường. Điều này cho thấy sự đa dạng di truyền đáng kể trong nhóm phôi 1PN [5].
Một nghiên cứu khác sử dụng PGT tiên tiến hơn - phân tích đa hình DNA, kiểm tra 35 phôi 1PN đã sinh thiết. Trong số 29 phôi 1PN có nguồn gốc từ cIVF, 27 phôi (93,1%) là lưỡng bội và 2 phôi (6,9%) là tam bội, không có phôi nào được xác nhận là đơn bội. Ngược lại, trong số 6 phôi 1PN có nguồn gốc từ ICSI được kiểm tra, 4 phôi là đơn bội và 2 phôi là lưỡng bội [6].
Sự khác biệt trong các báo cáo về tỷ lệ lệch bội có thể xuất phát từ sự khác biệt trong phương pháp PGT-A, đặc biệt là khả năng phân biệt chính xác giữa lệch bội thực sự với đơn bội hoặc tam bội. PGT-A truyền thống, chỉ dựa trên số lượng bản sao NST, có thể không phân biệt được tình trạng đơn bội hoặc tam bội với lệch bội nếu tất cả các NST đều bị ảnh hưởng đồng đều. Các phương pháp PGT tiên tiến sử dụng phân tích đa hình DNA là cần thiết để chẩn đoán chính xác tình trạng đơn bội/tam bội của phôi 1PN.
TIỀM NĂNG PHÁT TRIỂN, KẾT CỤC LÂM SÀNG VÀ CHU SINH Ở PHÔI 1PN
Tỷ lệ tạo phôi nang và chất lượng phôi nang
Các nghiên cứu cho thấy hợp tử 1PN có tỷ lệ tạo phôi nang và tỷ lệ phôi nang chất lượng tốt thấp hơn đáng kể so với hợp tử 2PN. Cụ thể, tỷ lệ tạo phôi nang của 1PN dao động từ 17% đến 32%, trong khi tỷ lệ này ở 2PN thường vào khoảng 50% [7]. Tuy nhiên, khả năng phát triển đến giai đoạn phôi nang tự nó đã là một cơ chế chọn lọc tự nhiên. Nhiều phôi đơn bội không thể phát triển đến giai đoạn này, dẫn đến tỷ lệ phôi lưỡng bội cao hơn trong số các phôi nang so với phôi ở giai đoạn phân chia. Đáng chú ý, tỷ lệ tạo phôi nang ở 1PN khác biệt rõ rệt tùy phương pháp thụ tinh: phôi 1PN từ cIVF có tỷ lệ cao hơn (42,2 - 44,4%) so với ICSI (14,9 – 20,1%) [6]. Sự khác biệt này cho thấy các cơ chế hình thành 1PN khác nhau giữa cIVF (có thể do hợp nhất tiền nhân sớm nhưng vẫn lưỡng bội) và ICSI (có thể liên quan đến hoạt hóa đơn tính hoặc hình thành tiền nhân bố không đầy đủ, dẫn đến phôi đơn bội và tiềm năng phát triển thấp hơn) [6].
Kết cục lâm sàng (Tỷ lệ thai, làm tổ và sinh sống)
Việc chuyển phôi 1PN ở giai đoạn phân chia mang lại tỷ lệ thai lâm sàng, tỷ lệ làm tổ và tỷ lệ trẻ sinh sống thấp hơn đáng kể so với nhóm phôi 2PN. Tuy nhiên, khi phôi 1PN được nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang và chuyển, đặc biệt là trong các chu kỳ chuyển phôi đông lạnh (FET), tỷ lệ thai lâm sàng, làm tổ và sinh sống có thể tương tự như phôi 2PN [8].
Tổng quan năm 2025 cũng khẳng định rằng tỷ lệ tạo phôi nang và phôi nang chất lượng tốt ở phôi 1PN thấp hơn, và tỷ lệ thai lâm sàng cùng tỷ lệ sinh sống sau khi chuyển phôi nang 1PN chưa PGT-A thấp hơn phôi 2PN. Tuy nhiên, khi đã xác nhận tính nguyên bội, tỷ lệ sinh sống là tương tự [1]. Một nghiên cứu trên 24 phôi 1PN đã trải qua PGT-M (xét nghiệm di truyền tiền làm tổ cho bệnh đơn gen), đã ghi nhận 5 trường hợp mang thai lâm sàng (20,8%) và 4 trẻ sinh sống (16,7%) [9].
Mặc dù phôi 1PN có tiềm năng phát triển thấp hơn, nhưng khi chúng đạt đến giai đoạn phôi nang và được lựa chọn, kết cục lâm sàng có thể tương đương. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong quản lý sử dụng phôi của bệnh nhân (BN). Đối với những BN có tiên lượng kém hoặc số lượng phôi 2PN hạn chế, việc nuôi cấy phôi 1PN đến giai đoạn phôi nang có thể là một lựa chọn "cứu cánh" quý giá. Bằng cách này, các trung tâm HTSS có thể tăng số lượng phôi có sẵn để chuyển, từ đó nâng cao tỷ lệ sinh sống cộng dồn trên mỗi chu kỳ điều trị. Đây là một sự thay đổi chiến lược trong thực hành lâm sàng, từ việc loại bỏ hoàn toàn sang việc xem xét tiềm năng của phôi 1PN trong các trường hợp cụ thể.
Kết cục chu sinh và trẻ sinh ra từ phôi 1PN
Một trong những mối quan tâm lớn nhất khi xem xét việc chuyển phôi 1PN là sức khỏe của trẻ sinh ra. Các nghiên cứu đã cung cấp dữ liệu trấn an về kết cục chu sinh và sự phát triển ban đầu của những trẻ này.
Các kết cục chu sinh như tỷ lệ dị tật bẩm sinh, cân nặng/chiều dài khi sinh và tuổi thai đều được báo cáo là tương tự nhau giữa các trường hợp chuyển phôi nang 1PN và 2PN. Nghiên cứu của Labied (2024) đã ghi nhận tổng cộng 32 trẻ khỏe mạnh được sinh ra sau khi chuyển phôi 1PN [10].
Về theo dõi dài hạn, một nghiên cứu được thực hiện bởi Tsuji và cộng sự (2023) đã theo dõi trẻ sinh ra từ phôi 1PN đến 3 tuổi. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể về sự phát triển (chiều cao và cân nặng) giữa nhóm trẻ sinh ra từ phôi 1PN và nhóm trẻ sinh ra từ phôi 2PN [11]. Cụ thể:
-
Tỷ lệ dị tật bẩm sinh ở trẻ sinh ra từ phôi 1PN là 1,2% (1 trên 86 trường hợp), tương tự với tỷ lệ dị tật bẩm sinh chung ở Nhật Bản (khoảng 1,7% đến 2%).
-
Cân nặng khi sinh: Cân nặng trung bình khi sinh của em bé trai trong nhóm 1PN (3147,6 ± 408,7 g) không khác biệt đáng kể so với nhóm 2PN (3070,5 ± 479,5 g). Tương tự, ở em bé gái, cân nặng trung bình trong nhóm 1PN (3048,1 ± 510,7 g) cũng không khác biệt đáng kể so với nhóm 2PN (2966,2 ± 462,7 g).
-
Chiều cao và cân nặng ở 18 tháng và 3 tuổi: Không có sự khác biệt đáng kể về chiều cao và cân nặng trung bình giữa hai nhóm 1PN và 2PN ở cả thời điểm 18 tháng và 3 tuổi.
Những dữ liệu theo dõi dài hạn này là vô cùng quan trọng vì chúng trực tiếp giải quyết một trong những mối lo ngại chính về việc sử dụng phôi 1PN: liệu có bất kỳ rủi ro sức khỏe tiềm ẩn nào đối với trẻ sinh ra hay không. Việc không tìm thấy sự khác biệt đáng kể về các chỉ số tăng trưởng và tỷ lệ dị tật bẩm sinh cung cấp bằng chứng trấn an đáng kể cho cả các nhà lâm sàng và các cặp vợ chồng đang điều trị HTSS. Điều này giúp củng cố niềm tin vào tiềm năng lâm sàng của phôi 1PN đã được chọn lọc đúng cách, loại bỏ một rào cản lớn đối với việc chấp nhận rộng rãi hơn trong thực hành lâm sàng.
THẢO LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ LÂM SÀNG
Tổng hợp các bằng chứng hiện có cho thấy phôi 1PN - thường bị loại bỏ, được cho là có tiềm năng lâm sàng đáng kể. Mặc dù chúng có tiềm năng phát triển đến giai đoạn phôi nang thấp hơn so với phôi 2PN, tuy nhiên có một tỷ lệ đáng kể phôi 1PN, đặc biệt là những phôi có nguồn gốc từ cIVF, có thể là lưỡng bội và dẫn đến sinh em bé khỏe mạnh.
Các chiến lược thực hành trong quản lý phôi 1PN
-
Nuôi cấy kéo dài đến giai đoạn phôi nang: Việc nuôi phôi đến giai đoạn phôi nang cho phép loại bỏ tự nhiên các phôi không khả thi (ví dụ: phôi đơn bội thường ngừng phát triển) và tăng khả năng lựa chọn được các phôi lưỡng bội. Việc chuyển phôi 1PN ở giai đoạn phân chia thường không được khuyến nghị do kết cục thấp hơn đáng kể.
-
Ứng dụng chiến lược PGT-A (và các phương pháp tiên tiến):
PGT-A nên được xem xét thực hiện trên các phôi 1PN, đặc biệt là những phôi có nguồn gốc từ ICSI, khi tỷ lệ đơn bội có thể cao hơn. Ngoài ra, khuyến khích sử dụng các phương pháp PGT tiên tiến có khả năng phân tích đa hình DNA để phân biệt giữa nguyên bội thực sự (lưỡng bội có nguồn gốc từ cả bố và mẹ) với đơn bội hoặc lưỡng bội androgenetic (lưỡng bội chỉ có nguồn gốc từ bố, gây ra nguy cơ thai trứng). Chỉ thực hiện PGT-A dựa trên giải trình tự thế hệ mới (Next Generation Sequencing - NGS) tiêu chuẩn là không đủ để xác định nguồn gốc di truyền của bố mẹ.
KẾT LUẬN
Phôi 1PN - thường bị loại bỏ trong các quy trình HTSS, hiện đã có các nghiên cứu công nhận là có tiềm năng lâm sàng đáng kể. Đặc biệt, những phôi có nguồn gốc từ thụ tinh ống nghiệm cổ điển, khi được nuôi cấy đến giai đoạn phôi nang và trải qua xét nghiệm di truyền tiên tiến để xác nhận tính nguyên bội và nguồn gốc từ cả bố và mẹ, có thể mang lại kết cục thai kỳ thành công và trẻ sinh ra khỏe mạnh. Sự hiểu biết ngày càng phát triển này mang lại một lựa chọn quý giá cho các cặp vợ chồng, đặc biệt là những người có số lượng phôi hạn chế, góp phần nâng cao tỷ lệ thai cộng dồn và tỷ lệ sinh sống trong HTSS. Việc tiếp tục nghiên cứu và áp dụng các hướng dẫn lâm sàng dựa trên bằng chứng là điều cần thiết để tối ưu hóa việc quản lý phôi 1PN và cải thiện kết quả cho BN.
TLTK:
-
Lee, T., Qi, F., Peirce, K., Natalwala, J., Chapple, V., Mark, P. J., Sanders, K., & Liu, Y. (2025). To discard or not to discard 1PNs? A systematic review and meta-analysis on 291,474 embryos. Reproductive BioMedicine Online.
-
Kharche, S. and Birade, H. (2013) Parthenogenesis and activation of mammalian oocytes for in vitro embryo production: A review. Advances in Bioscience and Biotechnology, 4, 170-182. doi: 10.4236/abb.2013.42025.
-
Martin JH, Slim R. Mono-pronuclear zygotes: a possible manifestation of androgenetic monospermic hydatidiform moles. F S Rep. 2021 Feb 26;2(2):138-139. doi: 10.1016/j.xfre.2021.02.007. PMID: 34278340; PMCID: PMC8267386.
-
Chen, X., Shi, S., Mao, J., Zou, L., & Yu, K. (2020). Developmental potential of abnormally fertilized oocytes and the associated clinical outcomes. Frontiers in physiology, 11, 528424.
-
Lim, Adelle & Lee, Colin. (2019). Embryos Arising from Apronuclear (0PN) and Unipronuclear (1PN) Have Similar Euploidy Rates with Those from 2PN and Should be Considered for Transfer. Fertility & Reproduction. 01. 1-5. 10.1142/S266131821930006X.
-
S Perry, D Wells, S Batha, D Babariya, C Moore, J Nicopoullos, O-181 Utilisation of monopronucleated (1PN) embryos and potential clinical benefits for patients, Human Reproduction, Volume 38, Issue Supplement_1, June 2023, dead093.222, https://doi.org/10.1093/humrep/dead093.222
-
Lebovitz, O., Noach-Hirsh, M., Taieb, S., Haas, J., Zilberberg, E., Nahum, R., ... & Aizer, A. (2024). Embryos derived from single pronucleus are suitable for preimplantation genetic testing. Fertility and Sterility.
-
Zhu M, Dong Q, Zhu Y, Le Y, Wang T, Zhou Y, Yang S. Developmental potential of non- and mono-pronuclear zygotes and associated clinical outcomes in IVF cycles. Front Endocrinol (Lausanne). 2024 Mar 12;15:1361734. doi: 10.3389/fendo.2024.1361734. PMID: 38532894; PMCID: PMC10964251.
-
Al Hashimi, B., Harvey, S. C., Harvey, K. E., Linara-Demakakou, E., Raikundalia, B., Green, O., ... & Macklon, N. (2025). Reassessing the conventional fertilization check: leveraging preimplantation genetic testing for aneuploidy to increase the number of transferrable embryos. Reproductive BioMedicine Online, 50(6), 104595.
-
Labied S, Wenders F, Gaspard O, et al. Birth of Thirty-Two Healthy Babies Following Transfer of Fresh and Frozen-Thawed Embryos Derived from Monopronuclear Zygotes: A Retrospective Study. Medicina (Kaunas). 2024;60(8):1361.
-
Tsuji, H & Kitasaka, Hiroya & Fukunaga, Noritaka & Asada, Yoshimasa. (2023). P-163 Three-year follow-up of babies born derived from mono-pronuclear zygotes. Human Reproduction. 38. 10.1093/humrep/dead093.526.











Chủ nhật ngày 21 . 9 . 2025, Caravelle Hotel Saigon, Số 19 - 23 Công ...
Tiền Hội nghị: Trung tâm Hội nghị Grand Saigon, thứ bảy ngày ...
New World Saigon hotel, thứ bảy 14 tháng 06 năm 2025 (12:00 - 16:00)

Sách ra mắt ngày 11 . 7 . 2025 và gửi đến quý hội viên trước ...

Kính mời quý đồng nghiệp quan tâm đến hỗ trợ sinh sản tham ...

Y học sinh sản số 73 (Quý I . 2025) ra mắt ngày 20 . 3 . 2025 và ...