Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Saturday 14-08-2021 1:43pm
Viết bởi: Khoa Pham
Danh mục: Tin quốc tế
CVPH. Trần Vĩnh Thiên Ngọc – IVFMD Tân Bình

Nhiều khía cạnh của quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) đã tiến bộ đáng kể trong 30 năm qua. Tuy nhiên, kỹ thuật chuyển phôi, một yếu tố đơn giản nhưng quan trọng của IVF, vẫn tương đối không thay đổi. Mục tiêu của một quy trình chuyển phôi thành công là đưa phôi đến một vị trí trong tử cung, nơi xác suất làm tổ là tối đa. Sau khi làm sạch cổ tử cung, một catheter có chứa phôi được đưa qua cổ tử cung và tiến vào khoang tử cung. Catheter sẽ chứa đoạn môi trường có phôi được nằm giữa 2 đoạn khí. Các thông số kỹ thuật, chẳng hạn như vị trí đặt catheter, tốc độ bơm, rút ​​catheter, vị trí của đầu catheter và vị trí của đoạn khí có thể ảnh hưởng đến sự thành công của quy trình IVF. Tuy nhiên, ảnh hưởng của các yếu tố này đến kết quả thai còn nhiều tranh cãi, vì không nhìn thấy được sự di chuyển và vị trí của phôi trong buồng tử cung. Khó khăn liên quan đến việc nghiên cứu kỹ thuật chuyển phôi là phôi không thể được đánh dấu, khiến cho việc theo dõi chuyển động và xác định vị trí của chúng trong khoang tử cung là không thể. Tuy nhiên, siêu âm đặc biệt hữu ích để quan sát catheter, đoạn khí và nội mạc tử cung. Thông thường, đoạn khí được cho là chỉ ra vị trí cuối cùng của phôi và do đó, có thể được sử dụng làm điểm đánh dấu cho vị trí của phôi, nhưng không có bằng chứng hữu hình nào chứng minh cho lý thuyết này. Việc điều tra in vivo về các khía cạnh cơ chế của quy trình chuyển phôi bị hạn chế do các cân nhắc về y khoa và đạo đức. Do đó, nghiên cứu này được thực hiện để xác định vị trí sau chuyển của phôi trong một khoang tử cung giả định để xác định các thông số khác nhau của việc chuyển phôi và mối quan hệ của chúng. Ngoài ra, nghiên cứu cũng tìm cách thu thập bằng chứng trực tiếp về độ tin cậy của việc sử dụng vị trí của đoạn khí được chuyển để xác định vị trí của phôi.

Các tác giả sử dụng hệ thống thí nghiệm in vitro để mô phỏng chuyển phôi trong tử cung, bao gồm một mô hình tử cung cứng và trong suốt tái tạo khoang bên trong của tử cung, một catheter được điều khiển bởi một máy bơm tự động và một tấm có gắn camera. Mô hình khoang tử cung bao gồm hai tấm polyvinyl clorua trong suốt được ngăn cách bởi một miếng đệm cao su dày 2,5 mm với hai lỗ hở 0,3 mm để mô phỏng các ống dẫn trứng. Mô hình chứa đầy glycerine để bắt chước chất lỏng tử cung có độ nhớt cao và áp suất bên trong được đo thông qua một cảm biến được kết nối qua lỗ mở của ống dẫn trứng giả. Mô hình tử cung của chúng tôi được lắp đặt trên một tấm nghiêng từ 0° đến 60° trên hoặc dưới mặt phẳng nằm ngang để mô phỏng các hướng tử cung khác nhau của bệnh nhân trong một thủ thuật chuyển phôi thực tế. Catheter được đưa vào mô hình tử cung thông qua một miếng đệm cao su ở lỗ cổ tử cung để chuyển phôi qua cổ tử cung. Catheter được load một chuỗi các thể tích không khí và môi trường theo thứ tự sau từ đầu catheter: 12 μl môi trường, 12 μl không khí, 12 μl môi trường (chứa phôi), 12 μl không khí và 12 μl môi trường. Tốc độ bơm được điều khiển bằng máy tính và chất lỏng được truyền có màu với 10 mg bromophenol xanh được hòa tan trong 10 ml tris 10 mm, pH 8. Mật độ và độ nhớt động lực của glycerine trong mô hình tử cung là ρ = 1.236,25 kg / m3 và μ = 0,799 kg / (m.s) tương ứng. Tỷ trọng này tương tự như tỷ trọng của dịch tử cung. Camera và ánh sáng thích hợp được lắp đặt trong hệ thống để thu nhận và ghi lại các dạng lan truyền của chất lỏng được truyền với tốc độ 100 khung hình/giây.

 
Bài nghiên cứu nhằm mục đích nghiên cứu ba thông số chính liên quan đến chuyển phôi: hướng tử cung, tốc độ bơm và khoảng cách từ đầu catheter đến đáy. Do đó, nhóm tác giả đã áp dụng một thiết kế trực giao, bao gồm ba biến độc lập: hướng tử cung (a), khoảng cách từ đầu ống catheter đến đáy (b), tốc độ bơm (c), và một biến phụ thuộc: vị trí cuối cùng của phôi trong khoang tử cung.

Để mô tả vị trí của phôi trong mô hình tử cung, các tác giả chia thành sáu vùng: vùng tĩnh, vùng đáy, vùng cổ tử cung trái, vùng cổ tử cung phải, sừng bên trái, sừng bên phải. Nói chung, nội mạc tử cung gần vùng đáy (vùng tĩnh và vùng đáy) được coi là vị trí thích hợp hơn để cấy phôi. Sự di chuyển nhanh của phôi về phía cổ tử cung sau chuyển phôi (vùng cổ tử cung trái và cổ tử cung phải) có thể làm giảm tỷ lệ có thai và tăng nguy cơ tống xuất ra khỏi buồng tử cung. Khu vực gần với lỗ thông của ống dẫn trứng (sừng bên trái và sừng bên phải) cũng là vị trí không thích hợp để cấy phôi vì nguy cơ mang thai ngoài tử cung.

Kết quả được quan sát thấy là sự phân bố của các chất được chuyển trong khoang tử cung thay đổi tùy theo hướng tử cung. Các phôi được bơm tốc độ trung bình chủ yếu được tìm thấy ở vùng tĩnh trong khi phôi được bơm tốc độ nhanh và tốc độ chậm chủ yếu được tìm thấy ở vùng đáy và vùng bên trái cổ tử cung, tương ứng. Khả năng tách phôi khỏi đoạn khí tăng tương ứng từ 11,1% trong trường hợp bơm chậm lên 29,6% và 48,1% trong trường hợp bơm trung bình và nhanh.

Tóm lại, mục đích cuối cùng của chuyển phôi là đặt phôi vào khu vực trong khoang tử cung, nơi có xác suất làm tổ cao nhất. Người ta thường chấp nhận rằng nội mạc tử cung phù hợp để làm tổ vì sự biểu hiện của các yếu tố quan trọng liên quan đến việc làm tổ, và có xu hướng hoạt động gợn sóng của nội mạc tử cung thấp hơn và lưu lượng máu mô nội mạc tử cung cao hơn trong nội mạc tử cung. Tuy nhiên, chuyển phôi với khoảng cách đầu catheter quá gần với sừng tử cung sẽ làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung khi phôi di chuyển về phía sừng tử cung. Người ta đã suy đoán rằng việc rút catheter có thể dẫn đến sự di chuyển của đoạn khí về phía cổ tử cung, có thể đẩy phôi ra khỏi tử cung. Vì vậy, mục tiêu chính của một quy trình chuyển phôi thành công là chuyển phôi ra xa đầu catheter theo cách đảm bảo rằng chúng sẽ được đẩy đến một khoảng cách thích hợp từ thành đáy và sẽ ở đó. Trong nghiên cứu này, các tác giả đã xác định vùng đáy là vùng tốt nhất và vùng tĩnh là vùng tốt thứ hai. Điểm cuối cùng ở khu vực sừng trái hoặc sừng phải không thuận lợi, vì dễ gây mang thai ngoài tử cung. Vùng cổ tử cung bên trái hoặc bên phải cũng là những vị trí không thuận lợi với nguy cơ phôi không bám được vào tử cung vì những vị trí này quá gần với cổ tử cung.

Hệ thống mô phỏng phòng thí nghiệm trong ống nghiệm có thể cung cấp hiểu biết tốt hơn về các hiện tượng xảy ra trong tử cung do các thông số có thể kiểm soát được của quy trình chuyển phôi. Trái ngược với một số báo cáo lâm sàng rằng vị trí phôi có thể được tìm thấy bằng cách sử dụng vị trí của đoạn khí dưới hướng dẫn siêu âm chuyển phôi, có sự khác biệt giữa vị trí của đoạn khí và phôi trong khoảng 30% trường hợp. Việc bơm phôi với tốc độ nhanh vào tử cung ngược có thể dẫn đến khả năng không phù hợp giữa vị trí của đoạn khí và phôi.
 
Nguồn: Mo J, Yang Q, Xia L, Niu Z. Embryo location in the uterus during embryo transfer: An in vitro simulation. Plos one. 2020 Oct 5;15(10):e0240142.

Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK