Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Friday 09-08-2019 9:40am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế
Hợp tử một tiền nhân (1PN) có thể được tạo ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như: hình thành tiền nhân không đồng bộ, dung hợp tiền nhân đực và cái, sinh sản vô tính, hoặc do tiền nhân bị vỡ sớm. Những hợp tử như vậy thường được đánh giá là có quá trình thụ tinh bất thường và ít có khả năng phát triển thành phôi bình thường. Hầu hết các nghiên cứu hiện nay cho thấy hợp tử 1PN có tỷ lệ tạo phôi lệch bội nhiều hơn so với 2PN (Plachot và cộng sự, 1992; Yan và cộng sự, 2010). Một nghiên cứu của Mateo và cộng sự năm 2017, sử dụng Time-lapse để quan sát đánh giá hợp tử 1PN cho thấy, chỉ có 17% phôi tạo ra được đánh giá là nguyên bội trong đó chỉ có 1 phôi nang tạo ra trẻ sinh sống. Vì vậy, do nguy cơ tăng khả năng tạo phôi lệch bội và gặp bất lợi trong quá trình mang thai và sinh, người ta thường không đề nghị chuyển phôi phát triển từ hợp tử 1PN. Đối với vấn đề này, Si và cộng sự đã có một bài nghiên cứu: “Obstetric and neonatal outcomes after transfer of cleavage-stage and blastocyst-stage embryos derived from monopronucleate zygotes: A retrospective cohort study”, đánh giá khả năng phát triển và tạo ra trẻ sinh sống của phôi phát triển từ hợp tử 1 PN.
 

Kết quả nghiên cứu này khẳng định có sự giảm đáng kể tỷ lệ trẻ sinh sống sau khi chuyển phôi phân chia phát triển từ hợp tử 1PN so với 2PN (13.0% so với 23.7%, p = 0.009). Tuy nhiên, không có sự giảm tỷ lệ trẻ sinh sống khi chuyển phôi nang phát triển từ hợp tử 1PN so với 2PN (37.3% so với 33.1%, p = 0.32). Đồng thời, không có sự khác biệt giữa hợp tử 1PN và 2PN trong tỷ lệ mắc phải các dị tật bẩm sinh và phát triển về tâm thần vận động của trẻ sau sinh. Từ đó, nhóm tác giả kết luận việc chuyển phôi nang phát triển từ hợp tử 1PN có giá trị tương tự như từ hợp tử 2PN. Nghiên cứu của Si và cộng sự rất được quan tâm vì đã đánh giá các kết cục khác quan trọng hơn cả tỉ lệ sinh sống của phôi từ 1PN. Nguy cơ dị tật bẩm sinh và bất thường phát triển tâm thần vận động là các dữ liệu quan trọng để bệnh nhân và các bác sĩ lâm sàng có thể xem xét khả năng chuyển phôi từ hợp tử 1PN.

Mặc dù đây là một nghiên cứu đoàn hệ hồi cứu nhưng vẫn tồn tại nhiều hạn chế trong thiết kế nghiên cứu và phân tích số liệu để có thể chứng minh sự an toàn của chuyển phôi 1PN. Theo nghiên cứu, tiềm năng của phôi phát triển từ hợp tử 1PN tạo ra trẻ sinh sống chỉ khoảng 13% khi chuyển phôi phân chia, và lên đến 37% khi chuyển phôi nang. Tuy nhiên, các tác giả không đề cập có bao nhiêu chu kỳ hợp tử 1PN không phát triển được đến giai đoạn phôi nang hay phôi phân chia để chuyển phôi. Do đó, nghiên cứu có thể đánh giá quá cao tiềm năng chuyển phôi 1PN cho ra trẻ sinh sống.

Nghiên cứu cũng gặp hạn chế trong việc xác định các nhóm đối chứng. Tác giả không xác định mức độ phù hợp của bệnh nhân nhóm đối chứng với từng đặc điểm, cách xử lý kết hợp nhiều đặc điểm bệnh nhân, cách xác định tỷ lệ bệnh nhân nhóm đối chứng với nhóm nghiên cứu. Tất cả những điểm này làm tăng khả năng sai lệch và gây nhiễu trong việc lựa chọn và so sánh các nhóm nghiên cứu với nhóm đối chứng, từ đó đặt ra câu hỏi về tính chính xác của việc ước tính mức độ ảnh hưởng thực sự. Ngoài ra, nghiên cứu còn có khả năng thiếu chính xác trong việc đánh giá dữ liệu, vì kết quả sau sinh được đánh giá chủ yếu bằng phỏng vấn qua điện thoại nên làm tăng nguy cơ đánh giá không chính xác tình trạng bệnh nhân. Hơn nữa, định nghĩa về bất thường phát triển tâm thần vận động không được nêu rõ trong nghiên cứu. Người đọc rất khó đánh giá mức độ chính xác của sự phát triển tâm thần vận động và phân nhánh lâm sàng.

Mặc dù vẫn còn những hạn chế, nhưng việc chuyển thay vì loại bỏ phôi tạo ra từ hợp tử 1PN vẫn đáng xem xét. Hiện nay, dù có nhiều nghiên cứu thừa nhận rằng phôi 1PN có khả năng là phôi bình thường về mặt hình thái đồng thời là phôi nguyên bội vì vậy vẫn sinh ra con khỏe mạnh, nhưng nghiên cứu của Si và cộng sự đã cung cấp dữ liệu lớn nhất được thiết lập cho đến nay để đánh giá vấn đề này. Như vậy, ở một số trường hợp, bệnh nhân chỉ có sẵn phôi từ hợp tử 1PN mà không có phôi từ hợp tử 2PN để chuyển, sau khi được tư vấn đầy đủ về các rủi ro trên lý thuyết và có sự đồng ý của bệnh nhân, phôi 1 PN vẫn có khả năng được sử dụng để chuyển và có thể mang lại thành công.

CVPH. Hồ Thị Mỹ Trang – IVFMD Phú Nhuận

Nguồn: M. Blake Evans, Micah J. Hill and Eric D. Levens. Should we transfer monopronuclear embryos? More data and even more questions. https://doi.org/10.1016/j.fertnstert.2019.06.005.
Các tin khác cùng chuyên mục:
ACID BÉO OMEGA-3 VÀ ĐIỀU TRỊ IVF - Ngày đăng: 29-07-2019
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK