Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Tuesday 01-08-2017 4:18pm
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin trong nước
Hội nghị Đồng bằng sông Cửu Long lần VII đã diễn ra thành công tốt đẹp vào ngày 29/7/2017 tại khách sạn Mường Thanh Cần Thơ. Hội nghị đón tiếp hơn 550 đại biểu từ khắp mọi miền trên đất nước, đặc biệt là nhận được sự quan tâm của rất nhiều đại biểu trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Hội nghị nhận được sự bảo trợ chuyên môn cho hội nghị gồm Văn phòng phía Nam Hội Phụ Sản Việt Nam (VAGO), Bệnh viện Từ Dũ, Hội Sản Phụ khoa TP. Cần Thơ và Bệnh viện Phụ Sản TP. Cần Thơ. Hội nghị được tài trợ bởi MSD – Ferring – Hướng Việt – Bayer – Abbott (Vàng), Besins – Hoa Linh (Bạc).

Chương trình hội nghị gồm 17 báo cáo hội trường và 9 báo cáo poster.

Sau phần khai mạc trọng thể, phiên I diễn ra với ba bài báo cáo. ThS. BS. Lê Quang Thanh báo cáo bài xử trí băng huyết sau sinh. Đối với băng huyết sau sinh, ThS. Thanh lưu ý dự phòng tốt hơn là điều trị, khi điều trị cần tuân theo nguyên tắc: hồi sức tích cực – điều trị đờ tử cung – nhanh chóng tìm ra nguyên nhân và tích cực điều trị. “Ứ dịch vòi trứng: dự phòng và xử trí” được trình bày bởi TS. BS. Hoàng Thị Diễm Tuyết, qua đó lưu ý, ứ dịch vòi trứng là bệnh không thường gặp, dễ bỏ sót trong chẩn đoán nhưng có thể để lại biến chứng trầm trọng. TS. BS. Võ Văn Đức báo cáo bài “Dự báo và điều trị dự phòng tiền sản giật”. Ở giai đoạn 11-13 tuần của thai kỳ, có thể dự phòng tiền sản giật sớm bằng aspirin. Trong giai đoạn quý II-III của thai kỳ, tiếp tục theo dõi các chỉ số dự báo ngắn hạn tiền sản giật, bổ sung calci có hiệu quả dự phòng ở nhóm nguy cơ cao.



Phiên II ở hội trường A được cập nhật thông tin từ bốn bài báo cáo. ThS. BS. Lê Quang Thanh mở đầu phiên bằng bài “Cập nhật điều trị hội chứng niệu dục trong mãn kinh”, với nhấn mạnh cần điều trị sớm và liên tục với nguyên tắc phục hồi sinh lý niệu dục và điều trị triệu chứng. “Nghiên cứu tình hình tăng huyết áp trong thai kỳ, các yếu tố liên quan và ảnh hưởng trên mẹ và con tại Bệnh viện Phụ Sản TP. Cần Thơ 2015-2016” do BS. CKII Lương Kim Phượng trình bày đưa ra lưu ý: Cần khám sàng lọc huyết áp cho tất cả thai phụ, quản lý – điều trị các thai phụ bị tăng huyết áp, tiếp tục theo dõi tình trạng tăng huyết áp sau sinh. Tiếp theo đó, BS. CKI Võ Hữu Tín trình bày “Báo cáo ca lâm sàng thiếu yếu tố XII ở thai kỳ”. Thiếu yếu tố đông máu XII ở thai kỳ là bệnh hiếm gặp, ít có triệu chứng và không cần điều trị đặc hiệu, sử dụng aspirin liều thấp có thể ngăn ngừa tình trạng sẩy thai ở ba tháng đầu. Cuối phiên, ThS. BS. Lâm Đức Tâm chia sẻ “Nghiên cứu tỷ lệ và các yếu tố liên quan đến thiểu ối nhập viện tại Bệnh viện Phụ Sản TP. Cần Thơ”.

Song song đó, phiên II ở hội trường B là bốn nghiên cứu trong chủ đề “Sinh non” nhận được sự quan tâm của nhiều đại biểu. Bài “Cập nhật sử dụng corticoid trước sinh: liệu chúng ta có quay lại từ đầu” do BS. CKII Nguyễn Duy Linh báo cáo đã đưa ra nhiều dữ kiện xung quanh việc sử dụng ACS trên thai phụ có nguy cơ sinh non từ 24 tuần đến 36 6/7 tuần. BS. Vũ Nhật Khang báo cáo “Cập nhật hiệu quả vòng nâng cổ tử cung và progesterone trong dự phòng sinh non” với kết luận ban đầu: progesterone là lựa chọn đầu tay cho phụ nữ mang đơn thai có cổ tử cung ngắn hoặc có tiền căn sinh non và phụ nữ mang song thai có cổ tử cung ngắn, chưa có nhiều chứng cứ trong việc sử dụng vòng nâng cổ tử cung trong dự phòng sinh non. Bài báo cáo “Cập nhật về hiệu quả khâu vòng cổ tử cung trong dự phòng sinh non” của BS. Nguyễn Minh Nhật đưa ra kết luận khâu cổ tử cung trên phụ nữ mang song thai có cổ tử cung ngắn có thể là một giải pháp không gây hại. ThS. BS. Hê Thanh Nhã Yến trình bày “Sử dụng thuốc cắt cơn gò tử cung – từ bằng chứng đến thực hành” đã gửi gắm các thông điệp: sử dụng atosiban giúp trì hoãn chuyển dạ sinh non trong vòng 48 giờ, atosiban giúp trì hoãn sinh non trung bình 40 ngày ở nhóm sinh cực non, hiện chưa ghi nhận tác dụng phụ gây hại khi sử dụng atosiban.

Phiên III diễn ra với ba bài báo cáo. ThS. Hồ Mạnh Tường trình bày “Y học chứng cứ về hiệu quả của progesterone hỗ trợ hoàng thể - bước tiến mới trong hỗ trợ sinh sản” với nhấn mạnh progestogen là nội tiết quan trọng trong phác đồ hỗ trỡ sinh sản. Tiếp sau đó, ThS. BS. Nguyễn Cảnh Chương báo cáo bài “Sàng lọc sớm bất thường nhiễm sắc thể ở tuổi thai 11-14 tuổi”, đây là xu hướng phát triển của sàng lọc trước sinh hiện đại. Cuối phiên, ThS. BS. Lê Thị Minh Châu trình bày “Y học chứng cứ về quản lý kích thích buồng trứng trong hỗ trợ sinh sản”.

Phiên IV – phiên cuối của hội nghị – diễn ra với ba bài báo cáo. TS. BS. Lê Thị Thu Hà trình bày “Tiếp cận và xử trí bệnh vú lành tính”, trong đó đề cập về đau vú, u vú, nang vú và bướu sợi tuyến. Sau đó, BS. CKII Nguyễn Bá Mỹ Nhi chia sẻ về “Thai bám sẹo mổ lấy thai: thực trạng và thách thức”. BS Nhi lưu ý thai bám sẹo mổ lấy thai tăng tỷ lệ thuận với tình trạng mổ lấy thai, cần chẩn đoán và điều trị sớm để giảm biến chứng, giảm tỷ lệ mổ lấy thai ở lần sinh đầu tiên là biện pháp dự phòng hữu hiệu. ThS. BS. Hồ Mạnh Tường đã khép lại hội nghị với bài báo cáo “Làm sao tối ưu hóa khả năng có thai tự nhiên – Y học thực chứng”, trong đó lần lượt đưa ra các cách tiếp cận dễ hiểu để bác sĩ có thể hướng dẫn cho các cặp vợ chồng tăng khả năng có thai tự nhiên: tần suất giao hợp lý tưởng, cửa sổ thụ thai, thời điểm phóng noãn, tư thế giao hợp, chế độ ăn uống – sinh hoạt.

Trần Hữu Yến Ngọc – Văn phòng HOSREM
Các tin khác cùng chuyên mục:
Endometriosis Experts Meeting 6 - Ngày đăng: 14-10-2016
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK