Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin tức
on Wednesday 18-01-2017 9:26am
Viết bởi: Administrator
Danh mục: Tin quốc tế

ThS. BS. Lê Phạm Thu Hà
Bộ môn Nhi ĐHYD TP.HCM

Một nghiên cứu mới nhấn mạnh tầm quan trọng của một chế độ ăn khoẻ mạnh trong thai kỳ, sau khi phát hiện ra rằng những trẻ với rối loạn hành vi trong giai đoạn sớm của cuộc đời có thể có khả năng phát triển các triệu chứng của rối loạn tăng động kém chú ý cao hơn nếu mẹ trẻ tiêu thụ nhiều chất béo và đường trong quá trình mang thai.
 

Một chế độ ăn nhiều chất béo và nhiều đường trong thai kỳ có thể dẫn tới các triệu chứng của ADHD
cho thế hệ sau với các vấn đề về hành vi khởi phát sớm.
 
Đồng tác giả cùa nghiên cứu, TS. Edward Barker, thuộc Đại học King London ở Vương quốc Anh, cùng các đồng nghiệp công bố các phát hiện của mình trên tạp chí “Journal of Child Psychology and Psychiatry”.

Theo Sức khoẻ Tâm thần Hoa Kỳ (Mental Health America), rối loạn hành vi là một “kiểu hành vi có tính lặp đi lặp lại và hằng định ở trẻ em và trẻ vị thành niên, trong đó quyền lợi của những người khác cũng như các quy định xã hội cơ bản bị xâm hại”. Hành vi có thể gây hấn, ví dụ như đe doạ hoặc làm hại tới con người hay các con vật, hoặc không gây hấn, ví dụ như gây ra hư hại cố ý cho tài sản của người khác. Trẻ em hoặc trẻ thanh thiếu niên với rối loạn hành vi cũng có thể dính líu tới các hành vi lừa đảo – ví dụ nói dối và trộm cắp – đồng thời việc bỏ học, không tuân theo các quy định về thời gian trước đây, cũng như các vi phạm nội quy khác cũng xảy ra rất phổ biến.

TS. Barker cùng các đồng nghiệp lưu ý rằng rối loạn hành vi thường diễn ra đồng thời với rối loạn tăng động kém chú ý (ADHD), và nghiên cứu cũng cho thấy sự xuất hiện cùng lúc này có khả năng phát sinh từ bất thường về di truyền chứ không chỉ là một bệnh lý đơn lẻ. Các nghiên cứu trước đây đều chỉ ra mối quan hệ giữa một chế độ ăn không khoẻ mạnh trong giai đoạn sớm của cuộc đời với cả rối loạn hành vi lẫn ADHD, điều này được các nhà nghiên cứu phỏng đoán là do quá trình methyl hoá DNA của gen IGF2 (insulin-like growth factor 2). Sự methyl hoá DNA là một quá trình ngoại di truyền, khi đó các nhóm methyl được bổ sung vào DNA, từ đó ảnh hưởng tới chức năng của gen. IGF2 có liên quan tới sự phát triển bào thai, cũng như sự phát triển của các vùng não bị ảnh hưởng trong ADHD. Do đó, TS. Barker cùng các đồng nghiệp đưa ra giả thuyết rằng một chế độ ăn không khoẻ mạnh trong thai kỳ có thể ảnh hưởng tới gen này theo một cách có thể đặt trẻ vào nguy cơ gặp các vấn đề về hành vi.

Nhằm đánh giá mối quan hệ có thể này, nhóm nghiên cứu phân tích dữ liệu của 164 trẻ và mẹ tham gia vào Nghiên cứu cắt dọc của Cha mẹ và Trẻ Avon – cũng được biết tới là dự án “Trẻ em của những năm 90”. Trong số những trẻ này, 83 trẻ có rối loạn hành vi xảy ra sớm, trong khi đó 81 trẻ có các mức độ thấp hơn của các vấn đề về hành vi. Các nhà nghiên cứu đánh giá những chế độ ăn của bà mẹ trong thai kỳ, cũng như các mẫu máu của con họ - được lấy lúc sinh và khi trẻ được 7 tuổi – nhằm xác định xem liệu chế độ ăn trước sinh có ảnh hưởng tới IGF2 hay không.

Trong cả 2 nhóm trẻ, nhóm có các bà mẹ có một chế độ ăn nhiều chất béo và đường trong thai kỳ cho thấy sự methyl hoá DNA của IGF2 cao hơn lúc sinh, so với những trẻ có mẹ có một chế độ ăn khoẻ mạnh khi mang thai. Quan trọng hơn là, sự methyl hoá IGF2 cao hơn lúc sinh ở những trẻ với rối loạn hành vi khởi phát sớm có liên quan tới nhiều triệu chứng của ADHD hơn ở độ tuổi từ 7 đến 13 tuổi.

Theo TS. Barker, nghiên cứu này “nhấn mạnh tầm quan trọng then chốt của một chế độ ăn khoẻ mạnh trong thai kỳ”. “Các kết quả này gợi ý việc thúc đẩy một chế độ ăn trước sinh khoẻ mạnh có thể làm giảm các triệu chứng ADHD và các rối loạn hành vi ở trẻ em. Điều đáng khích lệ được đưa ra là chúng ta có thể tác động đến các yếu tố nguy cơ về dinh dưỡng và ngoại di truyền”.

Nhóm nghiên cứu hiện tại dự định điều tra xem bằng cách nào mà những nhóm dinh dưỡng đặc hiệu ảnh hưởng tới sự phát triển thần kinh, từ đó xác định rõ hơn các loại thực phẩm tốt nhất để thai phụ sử dụng nhằm làm giảm nguy cơ mắc ADHD cho con họ. “Chúng ta đều đã biết rằng các sản phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ có thể dẫn tới việc làm giảm ADHD và các vấn đề về hành vi, do dó điều quan trọng là các nghiên cứu trong tương lai nên kiểm tra vai trò của các biến đổi về ngoại di truyền trong quá trình này” – TS. Barker bổ sung.

(Nguồn: medicalnewstoday 8/2016)
 
 
Các tin khác cùng chuyên mục:
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK