Hội Nội tiết sinh sản và Vô sinh TPHCM
HOSREM - Ho Chi Minh City Society for Reproductive Medicine

Tin chuyên ngành
on Thursday 28-02-2013 5:31am
Viết bởi: Administrator

images_13

 

BS Phạm Thị Phương Anh


 

1. Hướng dẫn mới về sàng lọc lệch bội dựa trên DNA

Kiểm tra DNA tế bào tự do của thai nhi trong máu mẹ có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong việc phát hiện Trisomy 21, 13 và 18, tuy nhiên vai trò của xét nghiệm sàng lọc những bất thường này vẫn còn chưa rõ ràng. Tháng 12/2012, một ý kiến đồng thuận của Hội Các nhà Sản phụ khoa Hoa Kỳ (ACOG) đề nghị coi xét nghiệm này như là một tầm soát ban đầu cho những trường hợp đơn thai có nguy cơ lệch bội cao và là xét nghiệm sàng lọc thứ 2 sau khi kết quả tầm soát sinh hóa máu mẹ dương tính. ACOG khuyên không nên dùng xét nghiệm này ở những thai phụ có nguy cơ lệch bội thấp, những trường hợp đa thai hoặc những trường hợp bất thường cấu trúc thai nhi đã phát hiện trên siêu âm. ("Overview of prenatal screening and diagnosis of Down syndrome", section on 'Maternal plasma-based tests'.)

2. Sự lây truyền Viêm Gan C từ mẹ sang con

Một tổng quan hệ thống những nghiên cứu quan sát về nguy cơ lây truyền Virus Viêm Gan C (HCV) từ mẹ sang con cho thấy rằng không có mối liên quan rõ ràng giữa nhiễm HCV ở trẻ và phương thức sinh cũng như việc nuôi con bằng sữa mẹ. Vì vậy những thai phụ nhiễm HCV không cần tránh sinh ngả âm đạo và nuôi con bằng sữa mẹ. ("Vertical transmission of hepatitis C virus", section on 'Mode of delivery' and "Vertical transmission of hepatitis C virus", section on 'Breastfeeding'.)

3. Hướng dẫn mới về kẹp dây rốn

Từ trước tới nay, thời gian tối ưu của kẹp dây rốn vẫn là đề tài có nhiều tranh luận. Tháng 12/2012, ACOG kết luận rằng việc quyết định kẹp dây rốn sớm so với trì hoãn kẹp dây rốn cần dựa vào những yếu tố cụ thể của người mẹ, đặc biệt là nguy cơ thiếu máu thiếu sắt ở trẻ sơ sinh. Đối với những trường hợp sinh non, việc hoãn kẹp dây rốn làm giảm đáng kể tình trạng xuất huyết não do kẹp dây rốn. ("Management of normal labor and delivery", section on 'Cord clamping'.)

4. Đề nghị mới về vaccine Tdap trong thai kỳ

Tháng 10/2012, Ủy ban tư vấn về thực hành tiêm chủng Hoa Kỳ (the United States Advisory Committee on Immunization Practices (ACIP)) đã đề nghị tạm thời rằng tất cả thai phụ cần được tiêm vaccine phòng ngừa bạch hầu, uốn ván, ho gà (Tdap), nhằm phòng ngừa bệnh ho gà cho trẻ tốt hơn. Việc tiêm phòng nên được thực hiện sau 20 tuần, tối ưu là từ 27 đến 36 tuần, bất chấp đã tiêm trước đó hay chưa. Trước đây, vaccine Tdap chỉ được đề nghị cho những thai phụ chưa từng tiêm ngừa vaccine ho gà. ("Immunizations during pregnancy", section on 'Tetanus, diphtheria, pertussis'.)

5. Định nghĩa mới về khởi phát chuyển dạ thất bại và chuyển dạ ngưng tiến triển

Nhằm cố gắng làm giảm những trường hợp sinh mổ không cần thiết vì khởi phát chuyển dạ thất bại và chuyển dạ ngưng tiến triển, một hội thảo đã được tổ chức bao gồm  the United States National Institute of Child Health and Human Development (NICHD), Society of Maternal-Fetal Medicine (SMFM), và ACOG đã đề nghị tiêu chuẩn mới cho việc kết luận khởi phát chuyển dạ thất bại và chuyển dạ ngưng tiến triển ở giai đoạn 1 và 2. Những tiêu chuẩn được đề nghị dựa trên dữ liệu hiện tại về quá trình chuyển dạ bình thường. ("Principles of labor induction", section on 'Failed induction' and "Abnormal labor: Protraction and arrest disorders", section on 'Diagnosis of labor abnormalities'.)

6. Hiệu quả của việc giảm gò trong chuyển dạ sinh non

Trong một tổng quan hệ thống và phân tích gộp trên 95 nghiên cứu ngẫu nhiên về liệu pháp giảm gò trong chuyển dạ sinh non, tất cả những loại thuốc giảm gò thường dùng thì hiệu quả hơn có ý nghĩa thống kê so với giả dược hoặc không dùng thuốc nào trong việc trì hoãn chuyển dạ trong vòng 48 giờ. Ức chế Prostaglandin và ức chế kênh Canxi có khả năng trì hoãn chuyển dạ cao nhất đồng thời cải thiện kết cục cho sản phụ và trẻ sơ sinh. Nghiên cứu này đã cung cấp thêm bằng chứng ủng hộ cho thực hành lâm sàng hiện nay. ("Inhibition of acute preterm labor", section on 'Approach to treatment'.)

7. Tuyên bố mới về cắt da quy đầu của Viện Nhi Khoa Hoa Kỳ (American Academy of Pediatrics (AAP))

APP kết luận rằng lợi ích của cắt da quy đầu cao hơn so với nguy cơ. So với những tuyên bố trước đây, tuyên bố này đã khẳng định mạnh mẽ lợi ích sức khỏe của việc cắt da quy đầu. Tuy nhiên AAP không khuyến cáo cắt da quy đầu thường quy. Họ khuyên “Các bậc cha mẹ nên cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ của việc cắt da quy đầu cho trẻ do những lý do tôn giáo, văn hóa, những vấn đề sở thích cá nhân, bởi chúng ta không thể chỉ vì những lợi ích sức khỏe đơn độc này mà bỏ qua những cân nhắc khác của từng gia đình cụ thể” ("Neonatal circumcision: Risks and benefits", section on 'Opinions of organizations and groups'.)

8. Ngăn ngừa Lupus Tim ở trẻ sơ sinh bằng Hydroxychloroquine

Phát hiện từ một nghiên cứu hồi cứu đã chỉ ra rằng Hydroxychloroquine được dùng cho những thai phụ có kháng thể kháng-SSA/Ro (anti-SSA/Ro antibodies) và có tiền sử sinh con bị Lupus tim đã làm giảm tỉ lệ lập lại Lupus tim ở trẻ sơ sinh. Nghiên cứu gồm 257 thai phụ (40 người có và 217 người không dùng Hydroxychloroquine) với những dữ liệu ghi nhận từ sổ đăng ký bệnh Lupus tim sơ sinh ở Hoa Kỳ, Pháp và Anh. Những thai phụ được đưa vào nghiên cứu bất kể là họ có bệnh tự miễn kết hợp hay không. Phát hiện này phù hợp với các nghiên cứu loạt ca bệnh chứng trước đó. Một nghiên cứu tiền cứu đang được triển khai để xác định lại những kết quả này. Với dữ liệu hiện tại, các nhà nghiên cứu đề nghị rằng nên điều trị trước với Hydroxychloroquine (400 mg uống mỗi ngày) đối với thai phụ có kháng thể kháng-SSA/Ro và có tiền sử sinh con bị Lupus tim bất chấp tình trạng sức khỏe mẹ. Hydroxychloroquine nên được khởi đầu giữa 6 và 10 tuần tuổi đối với những thai phụ chưa được điều trị trước đó. ("Neonatal lupus", section on 'Preemptive treatment'.)

9. Benzodiazepines trong thời kỳ cho con bú

Benzodiazepines nên được sử dụng thận trọng trong thời kỳ cho con bú, do thuốc có thể làm giảm tri giác, tuy nhiên nguy cơ này rất thấp. Trong một nghiên cứu những bà mẹ dùng Benzodiazepines (hàng đầu là lorazepam, clonazepam và midazolam) trong thời gian nuôi con bằng sữa mẹ, tình trạng ức chế hệ thần kinh trung ương ở trẻ sơ sinh (được định nghĩa là buồn ngủ, bú kém, cử động yếu hay không đáp ứng với các kích thích) ít xảy ra (ảnh hưởng 2/124 trẻ, chiếm 1,6%). ("Use of psychotropic medications in breastfeeding women", section on 'Benzodiazepines'.)

10. Hyperimmune globulin trong điều trị CMV nguyên phát trên thai phụ

Trong một nghiên cứu quan sát tiền cứu, việc tiêm tĩnh mạch hyperimmune globulin cho những thai phụ nhiễm CMV nguyên phát trong giai đoạn sớm của thai kỳ liên quan với giảm đáng kể kết cục xấu cho trẻ trong năm đầu tiên (13% ở những bà mẹ được điều trị, 43% ở những bà mẹ không được điều trị). Mặc dù đây là một phương pháp hứa hẹn giúp giảm những kết cục xấu của nhiễm CMV bẩm sinh, những dữ liệu hiện nay vẫn còn chưa đủ bằng chứng để đề nghị điều trị thường quy cho những thai phụ nhiễm CMV nguyên phát trong thai kỳ. Những thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đang được tiến hành. ("Cytomegalovirus infection in pregnancy", section on 'Hyperimmunoglobulin'.)

11. Insulin detemir được chấp nhận dùng trong thai kỳ loại B

Tháng 3/2012, Insulin detemir đã được Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) chấp nhận phân loại lại trong thai kỳ là loại B thay vì loại C như trước đây, dựa trên dữ liệu từ một thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên đã báo cáo rằng độ an toàn và hiệu quả của Insulin detemir không thua kém Neutral Protamine Hagedorn (NPH) trong thai kỳ. Tuy nhiên với các dữ liệu hiện tại thì các nhà nghiên cứu không khuyến cáo thường xuyên sử dụng Insulin detemir thay NPH trong thời kỳ mang thai. Song, nếu bệnh nhân được kiểm soát mức đường huyết tốt với Insulin detemir trước khi mang thai, bác sĩ có thể tiếp tục duy trì sử dụng thuốc trong thai kỳ với điều kiện là phải đánh giá liên tục mức đường huyết trong suốt thai kỳ. ("Medical management of type 1 and type 2 diabetes mellitus in pregnant women", section on 'Type of insulin'.)

12. Ảnh hưởng của việc nuôi con bằng sữa mẹ lên xét nghiệm dung nạp đường huyết

Cho con bú trong thời gian thực hiện xét nghiệm dung nạp đường huyết 2 giờ sau uống 75g Glucose có thể ảnh hưởng đến kết quả đường huyết. Trong một nghiên cứu đoàn hệ tiền cứu, những sản phụ có tiền căn đái tháo đường thai kỳ được thực hiện xét nghiệm dung nạp đường huyết từ 6 đến 9 tuần sau sinh. Mức đường huyết trung bình 2 giờ sau uống 75g Glucose của họ thấp hơn 5% so với những sản phụ cho con bú trong thời gian thực hiện xét nghiệm. ("Medical management and follow-up of gestational diabetes mellitus", section on 'Follow-up and prevention of type 2 diabetes'.)

13. Phòng ngừa nhiễm thủy đậu – giời leo sau tiếp xúc

Trước đây, miễn dịch thụ động với VariZIG được đề nghị trong vòng 4 ngày sau tiếp xúc với thủy đậu cho trẻ em chưa có miễn dịch hoặc người lớn nhưng không được chỉ định tiêm vaccine ngừa thủy đậu (như người có bệnh lý ác tính, suy giảm miễn dịch hoặc phụ nữ mang thai). Tuy nhiên, những dữ liệu hạn chế cho thấy tỉ lệ mắc thủy đậu ở người được tiêm miễn dịch thụ động trong vòng 4 ngày sau tiếp xúc tương đương với những người được tiêm miễn dịch thụ động từ 5 -10 ngày sau tiếp xúc. Chính vì vậy FDI đã mở rộng cửa sổ tiêm VariZIG từ 4 đến 10 ngày sau phơi nhiễm. Khi có chỉ định điều trị dự phòng và có chống chỉ định tiêm ngừa chủ động thì tiêm phòng thụ động với VariZIG cần được thực hiện càng sớm càng tốt. ("Post-exposure prophylaxis against varicella-zoster virus infection", section on 'VariZIG'.)

14. Dụng cụ cố định dành cho Cổ Tử Cung (CTC) ngắn

Một nghiên cứu đa trung tâm đã phân bố ngẫu nhiên 385 thai phụ từ 20 tới 23 tuần có CTC ≤ 2,5 cm sử dụng dụng cụ cố định CTC hoặc không sử dụng. Phần lớn những bệnh nhân này (89%) không có tiền sử sinh non và không được điều trị bằng Progesterone hoặc khâu CTC. Nhóm dùng dụng cụ cố định CTC có tỉ lệ sinh non tự phát < 28 tuần và < 34 tuần thấp hơn đáng kể so với nhóm không sử dụng. Mặc dù kết quả rất hứa hẹn song các nhà nghiên cứu không khuyến cáo dùng biện pháp này thay thế Progesterone âm đạo cho đến khi những dữ liệu này được khẳng định bởi nhiều nghiên cứu lâm sàng ngẫu nhiên nữa. ("Transvaginal ultrasound assessment of the cervix and prediction of spontaneous preterm birth", section on 'Singleton, no prior preterm birth.”)

Dựa theo: http://www.uptodate.com/contents/whats-new-in-obstetrics-and-gynecology


Từ khóa:
Các tin khác cùng chuyên mục:
Thuyên tắc ối - Ngày đăng: 20-02-2013
Chẩn đoán tiền sản (phần 2) - Ngày đăng: 13-09-2012
Chẩn đoán tiền sản (phần 1) - Ngày đăng: 13-09-2012
Dự phòng băng huyết sau sinh - Ngày đăng: 19-07-2012
TIN CẬP NHẬT
TIN CHUYÊN NGÀNH
LỊCH HỘI NGHỊ MỚI
Năm 2020

New World Saigon Hotel (Số 76 Lê Lai, Phường Bến Nghé, Quận 1, ...

Năm 2020

Caravelle Hotel Saigon, chiều thứ bảy 20.4 và chủ nhật 21.4.2024

Năm 2020

Khách sạn Caravelle Saigon, Chủ nhật 21.1.2024 (9:00 - 11:15)

GIỚI THIỆU SÁCH MỚI

Sách ra mắt ngày 9 . 3 . 2024 và gửi đến quý hội viên trước ...

Y học sinh sản số 68 ra mắt ngày 25 . 12 . 2023 và gửi đến quý ...

Hội viên liên kết Bạch kim 2024
Hội viên liên kết Vàng 2024
Hội viên liên kết Bạc 2024
FACEBOOK